Tiền Không Mua Được Gì?

KỶ NGUYÊN TÔN VINH THỊ TRƯỜNG



Những năm trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 là thời kỳ niềm tin vào thị trường và quan điểm nới lỏng quản lý lên đến đỉnh cao nhất. Một kỷ nguyên tôn vinh thị trường, khởi đầu vào đầu thập niên 1980, khi Ronald Reagan và Margaret Thatcher tuyên bố rằng thị trường – chứ không phải chính phủ – chính là chìa khóa dẫn đến thịnh vượng và tự do. Kỷ nguyên này kéo dài đến những năm 1990, thời kỳ của những người ủng hộ tư tưởng tự do và thị trường như Bill Clinton và Tony Blair. Hai ông có quan điểm ôn hòa, nhưng có niềm tin vững chắc rằng thị trường là giải pháp cơ bản để mang lại lợi ích cho cả xã hội.
Giờ đây, niềm tin đó đang bị lung lay. Kỷ nguyên tôn vinh thị trường đang bước vào giai đoạn cuối. Cuộc khủng hoảng tài chính không chỉ khiến người ta nghi ngờ khả năng chia đều rủi ro của thị trường, mà còn khiến nhiều người có cảm giác rằng thị trường ngày càng xa rời các giá trị đạo đức, và chúng ta cần mang chúng lại gần nhau. Nhưng chúng ta vẫn còn mơ hồ về tiến trình này, và vẫn chưa biết phải giải quyết ra làm sao.
Một vài người cho rằng bản thân lòng tham đã là biểu hiện của suy đồi đạo đức ở cốt lõi của tư tưởng tôn vinh thị trường, và lòng tham là thứ khiến con người ta nhắm mắt làm liều. Vì vậy, theo họ, giải pháp là kiềm chế lòng tham, đòi hỏi giới chủ ngân hàng và các giám đốc ở Wall Street phải tự trọng hơn, có tinh thần trách nhiệm hơn. Đồng thời, cần áp dụng các quy định phù hợp nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tương tự diễn ra lần nữa.
Giỏi lắm thì luận điểm trên cũng chỉ đúng phần nào đó thôi. Tất nhiên, lòng tham đóng vai trò đáng kể trong cuộc khủng hoảng tài chính, nhưng còn có nguyên nhân lớn hơn nhiều. Thay đổi lớn nhất trong suốt ba thập niên qua không phải là con người tham lam hơn, mà là sự mở rộng của thị trường, của các giá trị thị trường. Chúng đã thâm nhập cả vào những lĩnh vực trong đời sống vốn không phải nơi của chúng.
Để chống lại tình trạng này, chúng ta không thể chỉ công kích lòng tham. Chúng ta cần nhìn nhận lại vai trò của thị trường trong xã hội; cần tranh luận công khai về ý nghĩa của việc giữ thị trường ở đúng vị trí của nó. Để làm được vậy, chúng ta cần phải xem xét các giới hạn đạo đức của thị trường. Chúng ta cần đặt câu hỏi: liệu có cái gì mà có tiền cũng chẳng mua được hay không?
Ảnh hưởng của thị trường và tư duy thị trường lên những khía cạnh của đời sống vốn không bị các chuẩn mực thị trường chi phối là một trong những thay đổi đáng kể nhất của thời đại chúng ta.
Hãy xem sự xuất hiện như nấm của các trường học, bệnh viện, nhà tù hoạt động vì lợi nhuận và hiện tượng thuê các nhà thầu quân sự tư nhân trong chiến tranh. (Thực tế là ở Iraq và Afghanistan, lính đánh thuê thuộc các nhà thầu tư nhân đông hơn quân nhân chính quy thuộc quân đội Mỹ [16]).
Hãy xem sự lu mờ của lực lượng cảnh sát trước các công ty an ninh tư nhân – nhất là tại Mỹ và Anh, nơi cảnh sát tư nhân đông gấp đôi cảnh sát nhà nước [17].
Hãy xem chiến dịch marketing thuốc hùng hổ của các công ty dược phẩm hướng vào người dân các nước giàu. (Nếu bạn đã từng xem chương trình quảng cáo trong các bản tin buổi tối của truyền hình Mỹ thì hoàn toàn có thể hiểu được chuyện bạn nghĩ rằng vấn đề y tế nghiêm trọng nhất thế giới không phải bệnh sốt rét, bệnh mù sông [18] hay bệnh ngủ, mà là dịch bệnh khủng khiếp có tên là rối loạn cương dương).
Và hãy xem xét hiện tượng quảng cáo xuất hiện trong trường học; mua bán “quyền đặt tên” công viên và không gian công cộng; quảng cáo “thiết kế” trứng và tinh trùng cho những người cần hỗ trợ trong sinh sản; thuê phụ nữ ở các nước đang phát triển mang thai hộ; các công ty và các quốc gia mua bán quyền phát thải; hay một hệ thống tài chính trong bầu cử gần như cho phép mua bán phiếu bầu.
Ba mươi năm trước, việc sử dụng thị trường để phân bổ các dịch vụ liên quan đến y tế, giáo dục, an ninh quốc phòng, công lý, bảo vệ môi trường, giải trí, sinh con và các hàng hóa xã hội khác là điều chưa ai nghe đến. Giờ đây, chúng ta cho rằng hầu hết những hiện tượng này là hiển nhiên.

Chú thích:

[16] T. Christian Miller, “Iraq: Lính đánh thuê nhiều hơn lính chính quy”, Los Angeles Times, 4/7/2007; James Glanz, “Afghanistan: Lính đánh thuê nhiều hơn lính chính quy”, New York Times, 2/9/2009.

[17] “Dịch vụ cảnh sát vì lợi nhuận: Chào mừng bạn đến với thế giới mới của cảnh sát tư nhân”, Economist, 19/4/1997.

[18] Bệnh do loại ký sinh trùng giun chỉ onchocerca volvulus gây nên, triệu chứng thường gặp là bị ngứa da dữ dội, làm tổn thương ở mắt và dẫn đến mù lòa. Bệnh lưu hành ở một số vùng của châu Phi và châu Mỹ (ND).


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.