Tiền Không Mua Được Gì?

MỌI THỨ ĐỀU MUA BÁN ĐƯỢC



Tại sao phải băn khoăn chuyện chúng ta đang trở thành một xã hội mà trong đó mọi thứ đều mua bán được?
Vì hai lý do. Thứ nhất là bất công, và thứ hai là tham nhũng. Hãy nói về bất công trước. Trong một xã hội mà mọi thứ đều mua bán được, những người có càng ít của cải thì cuộc sống sẽ càng khó khăn. Tiền càng mua được nhiều thứ thì sự giàu có (hoặc nghèo đói) càng đáng quan tâm.
Nếu lợi thế duy nhất mà người giàu có được là họ có thể mua du thuyền, mua ô tô thể thao, hưởng những kỳ nghỉ tuyệt vời thì bất công bằng về thu nhập và tài sản không phải vấn đề quá lớn. Nhưng nếu tiền mua được ngày càng nhiều thứ – ảnh hưởng chính trị, y tế chất lượng tốt, nhà ở nơi an toàn chứ không phải nơi có nhiều tội phạm, trường học nổi tiếng – thì việc phân chia thu nhập và của cải càng quan trọng hơn. Nếu mọi điều tốt đẹp đều có thể mua bán được thì tiền sẽ tạo ra mọi sự khác biệt trên đời này.
Vì lý do đó mà vài thập kỷ vừa qua là quãng thời gian hết sức khó khăn đối với các gia đình nghèo và trung lưu. Cách biệt giữa người giàu và người nghèo tăng lên, hơn nữa, việc mọi thứ đều có thể trở thành hàng hóa đã làm hậu quả của bất công bằng thu nhập trở nên tồi tệ hơn, và việc kiếm được tiền càng trở nên cần thiết.
Khó mà nói tường tận ngọn ngành lý do thứ hai. Đây không phải vấn đề bất công/công bằng, mà là chuyện thị trường có xu hướng làm xói mòn cuộc sống. Khi những điều tốt đẹp trên đời bị định giá, chúng sẽ không còn tốt đẹp nữa. Vì thị trường không chỉ phân bổ hàng hóa mà còn bộc lộ, khuyến khích con người có những thái độ nhất định với các loại hàng hóa. Trả tiền cho trẻ có thể làm các em đọc sách nhiều hơn, nhưng đồng thời các em cũng sẽ coi đọc sách như làm việc vặt chứ không phải là một cách để thỏa mãn nhu cầu tự thân. Trao một ghế sinh viên năm thứ nhất đại học cho người trả giá cao nhất trong cuộc đấu giá sẽ tạo thu nhập cho trường đại học, nhưng cũng làm xói mòn uy tín của trường, suy giảm giá trị tấm bằng mà trường cấp. Sử dụng lính đánh thuê người nước ngoài cho cuộc chiến nước mình tham gia sẽ hạn chế tổn thất tính mạng người dân trong nước, nhưng cũng làm mất đi ý nghĩa về bổn phận công dân.
Các nhà kinh tế học thường giả định rằng thị trường có tính “trơ”, không tác động gì đến các loại hàng hóa trong đó. Nhưng không phải vậy. Thị trường có tạo ra ảnh hưởng. Đôi khi, giá trị thị trường lấn át những giá trị phi thị trường đáng quan tâm.
Dĩ nhiên, không ai nhất trí được với nhau giá trị nào đáng quan tâm, giá trị nào không và tại sao. Vì vậy, để xác định xem cái gì nên và không nên mua được bằng tiền, chúng ta phải xác định được những giá trị nào chi phối các lĩnh vực khác nhau trong đời sống cá nhân và xã hội. Cách suy nghĩ về vấn đề này chính là nội dung chủ đạo của cuốn sách.
Tôi xin trình bày tóm tắt câu trả lời mà tôi nghĩ là phù hợp: khi quyết định những hành vi, sự vật nào được phép mua bán, chúng ta đang ngầm cho rằng chúng phù hợp với vai trò hàng hóa – tức là công cụ sinh lợi và đáp ứng nhu cầu sử dụng. Nhưng không phải hàng hóa nào cũng phù hợp với cách đánh giá này[19].
Ví dụ rõ ràng nhất là con người. Chế độ nô lệ thật kinh khủng bởi nó coi con người là hàng hóa, có thể mua bán ở phiên chợ đấu giá. Đối xử với con người theo cách ấy là sai trái, vì mỗi người đều có phẩm giá và đáng được tôn trọng chứ không thể bị coi là một vật để sở hữu hay một công cụ để sử dụng.
Có thể đánh giá tương tự về nhiều sự vật hoặc hành vi tốt đẹp khác. Chúng ta không cho phép mua bán trẻ em trên thị trường. Ngay cả khi người mua đối xử tốt với những em bé họ mua được thì việc cho phép hình thành thị trường trẻ em đã khuyến khích xã hội đánh giá sai về giá trị của các em nhỏ. Trẻ em không thể là hàng hóa tiêu dùng, mà phải là đối tượng của tình yêu, sự quan tâm. Hoặc vấn đề quyền và nghĩa vụ công dân. Nếu bạn được yêu cầu thực hiện một nghĩa vụ pháp lý thì bạn không thể thuê người khác làm hộ bạn. Chúng ta cũng không cho phép người dân được bán lá phiếu của mình cho dù có nhiều người sẵn lòng mua chúng. Tại sao? Vì chúng ta tin rằng không thể coi nghĩa vụ công dân là tài sản của cá nhân mỗi người mà phải coi đó là trách nhiệm đối với xã hội. Thuê người khác thực hiện nghĩa vụ công dân của mình chính là hạ thấp và đánh giá sai nghĩa vụ đó.
Những ví dụ nói trên minh họa cho một điều có ý nghĩa lớn hơn: Có những điều tốt đẹp trong cuộc sống sẽ bị xói mòn, bị hư hỏng nếu chúng bị coi là hàng hóa. Vì vậy, để xác định xem thị trường có thể tồn tại ở đâu, cái gì nên tránh xa thị trường thì chúng ta phải tìm ra cách thức đánh giá giá trị một số thứ như sức khỏe, giáo dục, cuộc sống gia đình, tự nhiên, nghệ thuật, trách nhiệm công dân, v.v… Chúng đều là những vấn đề mang tính đạo đức và chính trị chứ không chỉ đơn thuần là kinh tế. Muốn trả lời câu hỏi nói trên, chúng ta phải tranh luận từng vấn đề một về ý nghĩa đạo đức của chúng và cách đánh giá chúng sao cho hợp lý.
Cuộc tranh luận này không hề tồn tại trong kỷ nguyên tôn vinh thị trường.
Hậu quả là khi không nhận biết được vấn đề, không bao giờ nghĩ đến chuyện tranh luận về chúng, từ chỗ có một nền kinh tế thị trường, chúng ta đã trượt sang trạng thái trở thành một xã hội thị trường.
Sự khác biệt là ở chỗ: Nền kinh tế thị trường là một công cụ đáng giá và hiệu quả, giúp chúng ta tổ chức được hoạt động sản xuất. Còn xã hội thị trường là một phương thức sống mà trong đó, các giá trị thị trường thâm nhập vào mọi ngóc ngách của cuộc sống con người. Trong xã hội thị trường, các mối quan hệ xã hội đều thay đổi cho phù hợp với hình ảnh thị trường.
Thiếu sót lớn của nền chính trị đương đại là chúng ta chưa từng tranh luận về vai trò, phạm vi của thị trường. Chúng ta muốn một nền kinh tế thị trường hay một xã hội thị trường? Vai trò của thị trường trong đời sống xã hội và các mối quan hệ cá nhân là gì? Làm sao chúng ta xác định được hàng hóa nào được phép mua bán, còn hàng hóa nào phải chịu sự chi phối của các giá trị phi thị trường? Chỗ nào không nên có vai trò của đồng tiền?
Cuốn sách này sẽ tìm cách trả lời các câu hỏi trên. Vì chúng liên quan đến những quan điểm còn đang gây tranh cãi về một xã hội tốt đẹp, một cuộc sống tốt đẹp nên tôi không dám hứa mình có câu trả lời dứt khoát. Nhưng tôi hy vọng ít nhất mình cũng khởi xướng được cuộc tranh luận công khai về chúng, đồng thời đưa ra được cơ sở triết học cho các lập luận.

Chú thích:

[19] Tôi hiểu được điều này là nhờ đọc bài viết của Elizabeth Anderson trên tạp chí Value in Ethics and Economics (Cambridge, MA: Harvard University Press, 1993).


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.