Tiền Không Mua Được Gì?
TIỀN PHẠT VÀ TIỀN PHÍ
Tiền phạt và tiền phí khác nhau ở chỗ nào? Rất đáng tìm hiểu sự khác biệt này. Phạt thể hiện sự phản đối về mặt đạo đức, còn phí đơn giản là cái giá phải trả, không hàm ý phán xét gì về đạo đức. Khi chúng ta bắt người vứt rác bừa bãi phải nộp phạt, chúng ta muốn nói rằng vứt rác bừa bãi là hành vi sai trái. Vứt một vỏ lon bia xuống thắng cảnh Grand Canyon không chỉ làm tăng chi phí vệ sinh mà còn là hành vi xấu mà xã hội không khuyến khích. Giả sử tiền phạt là 100 dollar, và một vị khách giàu có sẵn sàng nộp phạt để đỡ phải mang lon bia rỗng đi bộ một quãng đường dài ra khỏi khu du lịch. Anh ta đã coi tiền phạt là tiền phí và vứt luôn rác xuống hẻm núi. Mặc dù anh ta có trả tiền, nhưng chúng ta vẫn cho rằng anh ta đã có hành vi xấu. Khi xem thắng cảnh Grand Canyon như một thùng rác đắt tiền, anh ta đã không đánh giá giá trị của nó một cách đúng đắn.
Hoặc ví dụ khác là chỗ đỗ xe dành cho người tàn tật. Giả sử một nhà thầu khỏe mạnh bình thường, rất bận rộn, muốn đỗ xe gần tòa nhà làm việc. Để được đỗ xe ở chỗ dành cho người tàn tật, ông ta sẵn lòng trả một số tiền phạt lớn. Ông ta coi tiền này là chi phí kinh doanh. Mặc dù ông có nộp phạt, nhưng chúng ta có nghĩ ông ta đang làm sai không? Ông ta coi tiền phạt đơn giản là mức phí đỗ xe đắt đỏ. Nhưng ông ta đã quên mất ý nghĩa đạo đức.
Khi coi tiền phạt là tiền phí, ông ta đã không tôn trọng nhu cầu của người tàn tật cũng như mong muốn của cộng đồng là hỗ trợ người tàn tật khi dành cho họ chỗ đỗ xe riêng.
Phiếu phạt chạy quá tốc độ trị giá 217.000 dollar
Những người coi tiền phạt là tiền phí đã chế giễu những chuẩn mực mà mọi người coi trọng thông qua việc đưa ra mức phạt. Thường thì xã hội sẽ phản ứng lại. Những tài xế giàu có coi phiếu phạt chạy quá tốc độ là cái giá phải trả cho việc muốn chạy nhanh bao nhiêu cũng được. Ở Phần Lan, các quy định pháp luật được xây dựng dựa trên cách nghĩ (và cách lái xe) này. Họ đưa ra mức tiền phạt phụ thuộc vào thu nhập của người vi phạm. Năm 2003, Jussi Salonoja – 27 tuổi, người thừa kế một gia đình chuyên sản xuất xúc xích – đã bị phạt 170.000 euro (khoảng 217.000 dollar vào thời điểm đó) vì đã lái xe với tốc độ 80 km/h trên đoạn đường giới hạn tốc độ 40 km/h. Salonoja là một trong những người giàu nhất Phần Lan với thu nhập hàng năm là 7 triệu euro. Kỷ lục tiền phạt cao nhất trước đó thuộc về Anssi Vanjoki, thành viên ban giám đốc công ty điện thoại di động Nokia. Năm 2002, ông bị phạt 116.000 euro vì chạy quá tốc độ trên chiếc xe máy Harley- Davidson của ông ở Helsinki. Về sau, thẩm phán đã giảm mức phạt xuống khi Vanjoki chứng minh được rằng thu nhập của ông ta bị giảm đi do lợi nhuận của Nokia giảm [101].
Tấm phiếu phạt chạy quá tốc độ ở Phần Lan thực sự là tiền phạt chứ không phải tiền phí, không chỉ bởi tiền phạt được tính dựa vào thu nhập mà vì đằng sau khoản tiền phạt là sự sỉ nhục vì vi phạm đạo đức – xã hội phán quyết rằng vượt quá tốc độ cho phép là hành vi sai trái. Thuế thu nhập lũy tiến cũng được tính theo thu nhập, và thuế không phải tiền phạt. Mục đích của thuế là để tạo nguồn thu cho ngân sách chứ không phải để phạt những hành vi tạo thu nhập. Tấm phiếu phạt trị giá 217.000 dollar cho thấy xã hội Phần Lan không chỉ muốn dùng tiền phạt để bù đắp cho hành vi nguy hiểm mà họ còn muốn trừng phạt đích đáng kẻ gây ra tội lỗi – và cả tài khoản ngân hàng của hắn.
Cho dù một số tài xế có thái độ quá phóng túng đối với tốc độ tối đa được phép thì ranh giới giữa tiền phạt và tiền phí cũng không dễ mất đi. Ở hầu hết các nước, bị cảnh sát yêu cầu tấp vào lề đường và đưa phiếu phạt vẫn là một chuyện đáng xấu hổ. Không ai nghĩ cảnh sát giao thông chỉ đơn giản là thu phí qua đường hay đưa phiếu phạt để tài xế được phép chạy nhanh. Gần đây, tình cờ tôi đọc được một đề xuất khá kỳ quặc nhưng cho thấy rõ sự khác biệt thông qua việc chỉ ra phí (chứ không phải phạt) đi quá tốc độ nghĩa là như thế nào.
Năm 2010, Eugene “Gino” DiSimone, ứng cử viên độc lập chạy đua vào vị trí thống đốc bang Nevada đã đưa ra một đề xuất khác thường nhằm tăng thu nhập cho ngân sách bang: Cho phép người dân nộp 25 dollar mỗi ngày để được lái xe quá tốc độ cho phép là 145 km/h trên một số đường nhất định ở Nevada. Nếu bạn muốn chỉ đôi khi chạy quá tốc độ, bạn phải mua một bộ thu phát tín hiệu và dùng máy điện thoại di động truy cập vào tài khoản ngân hàng mỗi khi muốn đến một nơi thật nhanh. Thẻ tín dụng của bạn sẽ bị trừ 25 dollar, và bạn được quyền lái xe với bất cứ tốc độ nào bạn muốn trong vòng 24 giờ mà không bị cảnh sát bắt. Nếu cảnh sát giao thông dùng radar phát hiện ra bạn đang chạy quá tốc độ trên đường cao tốc thì bộ thu phát sóng sẽ phát tín hiệu cho biết bạn đã trả tiền, và bạn sẽ không bị phạt. DiSimone ước tính đề xuất của ông sẽ mang lại ít nhất 1,3 tỷ dollar mỗi năm cho ngân sách bang mà không cần tăng thuế. Mặc dù số tiền thu được cho ngân sách bang thật hấp dẫn, nhưng Cục Cảnh sát tuần tra đường cao tốc Nevada vẫn cho rằng đề xuất này sẽ đe dọa sự an toàn của mọi người, và DiSimone đã thất bại trong cuộc bầu cử [102].
Gian lận vé tàu điện ngầm và thuê video
Trong thực tế, sự khác biệt giữa tiền phạt và tiền phí có thể không rõ ràng, thậm chí gây tranh cãi. Hãy xem ví dụ sau: Nếu bạn đi tàu điện ngầm Métro ở Paris mà không mua vé với giá 2 dollar, bạn có thể bị phạt 60 dollar. Số tiền này là để phạt bạn đã gian lận khi không chịu trả tiền vé. Nhưng gần đây, một nhóm người chuyên trốn vé đã tìm ra một biện pháp khôn ngoan để biến tiền phạt thành tiền phí theo cách khá ôn hòa. Họ lập ra quỹ bảo hiểm dùng để nộp phạt khi có thành viên bị bắt vì trốn vé. Mỗi tháng mỗi thành viên nộp vào quỹ khoảng 8,5 dollar, ít hơn nhiều so với số tiền 74 dollar họ phải bỏ ra khi mua vé tháng hợp lệ (họ gọi nó là mutuelle des fraudeurs – quỹ tương hỗ của những kẻ gian lận).
Thành viên của mutuelle nói họ gian lận không phải vì tiền mà vì họ theo tư tưởng giao thông công cộng phải là miễn phí. “Đây là một cách để chúng tôi cùng thể hiện sự phản đối” – người đứng đầu nhóm gian lận trả lời phỏng vấn báo Los Angeles Times. “Ở Pháp có những thứ mặc định là miễn phí – giáo dục, y tế. Tại sao giao thông công cộng lại không?” Mặc dù gian lận là không thuyết phục, nhưng cơ chế mới lạ của nhóm đã biến tiền phạt gian lận thành phí bảo hiểm hằng tháng, thành mức giá mà họ sẵn lòng trả để phản đối lại hệ thống thu tiền [103].
Để biết một khoản tiền phải nộp là phạt hay phí, chúng ta cần xác định được tổ chức xã hội ta đang tìm hiểu thu tiền với mục đích gì và những chuẩn mực cần được áp dụng. Câu trả lời phụ thuộc vào việc chúng ta đang nói về chuyện đến đón con muộn, hay nhảy qua cửa quay vào ga tàu điện ngầm ở Paris, hay… thuê đĩa DVD quá hạn ở cửa hàng băng đĩa gần nhà.
Ban đầu, các cửa hàng băng đĩa coi phí trả băng đĩa muộn là tiền phạt. Nếu tôi thuê DVD và trả muộn, nhân viên đứng quầy sẽ tỏ ra khó chịu. Cứ như thể tôi đã sai về đạo đức khi giữ đĩa phim lại thêm ba ngày. Tôi nghĩ thái độ của anh ta như vậy là không đúng.
Nói cho cùng, cửa hàng kinh doanh băng đĩa không phải thư viện công cộng. Các thư viện yêu cầu người mượn nộp phạt nếu trả sách muộn, tiền phạt chứ không phải phí. Đó là vì mục đích của họ là tổ chức, sắp xếp việc chia sẻ sách miễn phí cho cộng đồng. Vì vậy, nếu tôi quay lại thư viện với cuốn sách mình mượn đã quá hạn chưa trả thì đúng là tôi sẽ cảm thấy có lỗi.
Nhưng cửa hàng băng đĩa là cơ sở kinh doanh. Mục đích của họ là kiếm tiền thông qua việc cho thuê băng đĩa. Vì vậy, nếu tôi giữ một đĩa phim lâu hơn bình thường và trả tiền cho thời gian quá hạn thì tôi phải được coi là khách hàng tốt chứ không phải xấu. Tôi nghĩ như vậy. Dần dần, chuẩn mực này đã thay đổi. Giờ đây, các cửa hàng băng đĩa có vẻ đã coi khoản tiền phải trả khi thuê quá hạn là tiền phí chứ không phải tiền phạt.
Chính sách một con của Trung Quốc
Thường mối lo ngại về đạo đức là lớn hơn. Hãy xem một ví dụ gây tranh cãi về ranh giới đôi khi khá mơ hồ giữa tiền phạt và tiền phí: Ở Trung Quốc, khoản tiền phạt vi phạm chính sách một con đang được ngày càng nhiều người giàu coi là cái giá phải trả để được sinh thêm con. Chính sách một con – với quy định mỗi gia đình sống ở đô thị chỉ được sinh một con – đã có hiệu lực hơn ba thập kỷ nay, với mục đích giảm tốc độ tăng dân số của Trung Quốc. (Các gia đình nông thôn được phép có hai con nếu con đầu lòng của họ là con gái). Mức phạt khác nhau giữa các vùng, ở các thành phố lớn, nó lên đến 200.000 nhân dân tệ (khoảng 31.000 dollar) – một con số kinh khủng đối với công nhân bình thường, nhưng không đáng là gì với các doanh nhân, ngôi sao thể thao, những người nổi tiếng giàu có. Một cơ quan thông tấn Trung Quốc từng đưa tin: Ở Quảng Châu, có một cặp vợ chồng với người vợ đang mang bầu bước vào phòng kế hoạch hóa gia đình địa phương, ném tiền lên bàn và bảo: “Đây là 200.000 tệ. Chúng tôi muốn nuôi đứa con này. Đừng có đến làm phiền chúng tôi đấy” [104].
Các cán bộ làm kế hoạch hóa gia đình đang tìm cách lấy lại ý nghĩa phạt của khoản tiền người vi phạm phải nộp, bằng các cách như tăng tiền phạt đối với người giàu, công khai tên người nổi tiếng vi phạm, cấm họ xuất hiện trên truyền hình, không cho các chủ doanh nghiệp có hơn một con nhận các hợp đồng của chính phủ. Trạch Chấn Vũ, giáo sư xã hội học Đại học Nhân dân giải thích: “Đối với người giàu thì số tiền phạt ấy chỉ bằng cái móng tay. Chính phủ phải có biện pháp mạnh hơn với họ, đánh đúng chỗ làm họ bị tổn thương – danh tiếng, uy tín, vị trí trong xã hội”[105].
Cơ quan chức năng coi số tiền phải nộp là tiền phạt và họ muốn ý nghĩa của nó là phản ánh hành vi đáng xấu hổ. Họ không muốn nó biến thành tiền phí. Lý do không phải vì họ sợ người giàu có quá nhiều con; rất ít người giàu vi phạm chính sách này. Điều họ lo ngại là chuẩn mực xã hội ẩn sau chính sách. Nếu tiền phạt thực chất chỉ là tiền phí thì chính phủ hóa ra đang làm một công việc kỳ cục là bán quyền sinh thêm con cho những người có khả năng và sẵn lòng chi trả.
Giấy phép sinh con có thể chuyển nhượng
Kỳ quặc không kém là một số nhà kinh tế học phương Tây lại kêu gọi giải quyết vấn đề kiểm soát dân số bằng một giải pháp thị trường khá tương tự như hệ thống phí mà giới lãnh đạo Trung Quốc đang tìm cách loại bỏ. Họ đề xuất với các nước cần hạn chế tăng dân số là nên phát hành giấy phép sinh con có thể chuyển nhượng. Năm 1964, nhà kinh tế học Kenneth Boulding đưa ra hệ thống giấy phép sinh con có thể mua bán được trên thị trường như một giải pháp cho vấn đề tăng dân số. Mỗi phụ nữ sẽ được nhận một giấy phép (hoặc hai, tùy chính sách của nhà nước) theo đó cô được sinh một em bé. Cô có quyền sử dụng nó hoặc bán nó với giá hiện hành trên thị trường. Boulding hình dung có một thị trường trong đó những người muốn có con sẽ mua giấy phép từ “những người nghèo, các nữ tu sĩ, những phụ nữ không lập gia đình v.v.” (ông nói thẳng ra một cách thô lỗ như vậy) [106].
Hệ thống giấy phép không mang tính ép buộc như chính sách giới hạn số con, ví dụ mỗi gia đình chỉ có một con. Nó cũng hiệu quả hơn xét về mặt kinh tế vì nó phân bổ hàng hóa (trong trường hợp này hàng hóa chính là trẻ em) cho những người sẵn lòng trả tiền nhất. Gần đây, có hai nhà kinh tế học người Bỉ đã khơi lại đề xuất của Boulding. Hai ông chỉ ra rằng vì người giàu sẽ mua giấy phép sinh đẻ của người nghèo nên cơ chế giấy phép còn có một ưu điểm nữa là làm giảm sự bất công vì nó tạo thêm thu nhập cho người nghèo [107].
Một số người phản đối mọi hình thức hạn chế sinh đẻ, còn những người khác tin rằng có thể dùng luật pháp hạn chế quyền sinh sản để tránh dân số tăng quá nhiều. Nếu tạm bỏ qua sự bất đồng và hình dung một xã hội có áp dụng chính sách kiểm soát dân số thì bạn thấy dễ nhất trí với cơ chế nào hơn: Chính sách hạn chế số con, theo đó mỗi cặp vợ chồng chỉ được sinh một con, ai vi phạm sẽ bị phạt; hay hệ thống dựa vào thị trường, tức là nhà nước trao cho mỗi cặp vợ chồng một giấy phép sinh đẻ có thể chuyển nhượng, ai sở hữu nó thì được phép sinh một con?
Xét từ quan điểm kinh tế, rõ ràng chính sách thứ hai tốt hơn. Nếu mọi người có quyền tự do lựa chọn dùng giấy phép sinh con hoặc bán nó cho người khác thì sẽ có nhiều người được hưởng lợi hơn và không ảnh hưởng đến lợi ích của ai cả. Những người mua hoặc bán giấy phép sinh con sẽ có lợi (vì việc mua bán khiến hai bên cùng có lợi). Còn những người không tham gia thị trường cũng không thiệt hại gì so với khi nhà nước áp dụng chính sách hạn chế số con – họ vẫn được sinh một con như thế.
Nhưng hệ thống giấy phép giúp mọi người có thể mua bán quyền có con cũng không ổn. Một phần là tính chất thiếu công bằng của họ trong xã hội còn bất công. Chúng ta do dự, không muốn biến con cái thành một loại hàng hóa xa xỉ, người giàu mới đủ tiền mua nhưng người nghèo thì không. Nếu có con là yếu tố quan trọng nhất trong sự phát triển của con người thì thật bất công khi biến nó thành một loại hàng hóa chỉ thuộc về ai có khả năng chi trả.
Ngoài lập luận phản đối vì bất công, chúng ta còn thấy băn khoăn về vấn đề hối lộ. Về cơ bản, giao dịch thị trường này khiến người ta lo ngại về mặt đạo đức: cặp vợ chồng nào muốn có thêm con phải thuyết phục, lôi kéo các cặp vợ chồng có khả năng sinh con khác bán quyền sinh con cho họ. Về mặt đạo đức, nó không khác nhiều so với việc mua đứa con duy nhất đã ra đời của một cặp vợ chồng khác.
Các nhà kinh tế học có thể cho rằng thị trường con cái hoặc thị trường quyền sinh con có ưu điểm là hiệu quả, nó phân bổ con cái cho những người đánh giá việc có con cao nhất, được đo bằng năng lực chi trả. Nhưng quyền sinh con nếu được buôn bán sẽ sinh ra thái độ vụ lợi đối với trẻ em, làm xói mòn vai trò làm cha mẹ. Cha mẹ dành tình yêu cho con cái cơ bản là vì con cái là thứ không thể đem ra mua bán được. Không ai có thể có ý nghĩ đem bán con. Vì vậy, hành vi mua một đứa con hay quyền sinh con của một cặp vợ chồng chưa có con sẽ phủ bóng đen lên vai trò làm cha mẹ. Liệu trải nghiệm yêu thương con cái của bạn có bị xói mòn đi ít nhiều không nếu bạn có nó từ việc hối lộ cho người khác để họ không sinh con. Liệu ít nhất bạn có mong muốn giấu giếm sự thật ấy với con bạn? Nếu câu trả lời là có thì có lý do để kết luận rằng cho dù hệ thống giấy phép sinh con có ưu điểm gì đi nữa, nó vẫn xói mòn vai trò làm cha mẹ. Chính sách giới hạn số con dù khó ưa nhưng lại không mắc phải nhược điểm đó. Giấy phép xả thải có thể chuyển nhượng
Sự khác biệt giữa tiền phạt và tiền phí cũng là vấn đề cần quan tâm trong
cuộc tranh cãi về cách thức giảm thải khí nhà kính và carbon. Liệu chính phủ nên đưa ra hạn mức phát thải và phạt các công ty thải vượt quá hạn mức? Hay chính phủ nên xây dựng hệ thống giấy phép xả thải có thể chuyển nhượng?
Thực tế là theo giải pháp thứ hai, tạo ra khí thải không giống vứt rác bừa bãi mà chỉ đơn giản là chi phí kinh doanh. Lập luận như vậy có đúng không? Hay cần có hình ảnh vi phạm đạo đức gắn với những công ty phát thải quá mức ra bầu khí quyển? Để trả lời hai câu hỏi này, chúng ta không chỉ cần tính toán lợi ích và chi phí mà còn phải xác định cần khuyến khích mọi người có thái độ như thế nào đối với môi trường.
Tại hội nghị Kyoto về sự nóng lên của Trái Đất (1997), Mỹ khẳng định rằng mọi tiêu chuẩn phát thải bắt buộc trên toàn cầu đều phải kèm theo cơ chế trao đổi, cho phép các nước mua bán quyền phát thải với nhau. Ví dụ, Mỹ có thể đáp ứng được nghĩa vụ của mình trong Nghị định thư Kyoto bằng cách giảm phát thải khí nhà kính hoặc trả tiền cho nước khác để họ giảm phát thải. Thay vì đánh thuế những chiếc xe Hummer ngốn xăng như nước lã trong nước, Mỹ có thể trả tiền để phục hồi rừng nhiệt đới ở Amazon, hoặc hiện đại hóa một nhà máy cũ sử dụng nhiên liệu than ở một nước đang phát triển.
Tôi đã từng viết một bài xã luận trên tờ New York Times phản đối cơ chế mua bán quyền phát thải. Tôi cho rằng cho phép các nước mua quyền phát thải sẽ giống như cho phép mọi người trả tiền để vứt rác bừa bãi. Chúng ta nên tìm cách nhấn mạnh – chứ không phải làm giảm bớt – hình ảnh vi phạm đạo đức khi phá hoại môi trường. Tôi cũng lo ngại rằng nếu các nước giàu có thể mua quyền từ bỏ trách nhiệm giảm thải, chúng ta sẽ làm xói mòn ý thức cần thiết phải cùng nhau hy sinh để tương lai cả thế giới cùng hợp tác giải quyết vấn đề môi trường [108].
Tòa báo ngập trong những lá thư gay gắt, chủ yếu từ giới kinh tế học, trong đó có cả những đồng nghiệp của tôi ở Đại học Harvard. Họ cho rằng tôi không hiểu được ưu điểm của thị trường, tính hiệu quả của hoạt động trao đổi mua bán, và những nguyên tắc cơ bản về tính hợp lý về mặt kinh tế [109]. Giữa cơn bão phê bình, tôi nhận được một bức thư điện tử bày tỏ sự đồng cảm từ giáo sư giảng môn kinh tế học cho tôi ở trường đại học. Ông viết rằng ông hiểu ý tôi. Nhưng ông có một đề nghị nhỏ là tôi đừng nói cho mọi người biết ai đã dạy tôi môn kinh tế học.
Nên tôi xem xét lại một chút quan điểm của mình về mua bán quyền phát thải, nhưng không phải vì lý do học thuật mà các nhà kinh tế nhắc đến. Không như việc vứt rác qua cửa xe ô tô trên đường cao tốc, bản thân phát thải khí carbon dioxide không phải là hành vi đáng bị phản đối. Tất cả chúng ta đều phát thải carbon dioxide khi chúng ta thở ra. Đưa CO2 vào bầu khí quyển về bản chất không có gì sai. Cái sai là có những người phát thải nhiều quá mức – một phần của lối sống tiêu tốn năng lượng. Lối sống ấy, và cả thái độ ủng hộ nó là những thứ chúng ta nên phản đối, thậm chí coi là tội lỗi[110].
Một giải pháp giảm ô nhiễm là áp dụng quy định do chính phủ đề ra: yêu cầu các nhà sản xuất ô tô phải đáp ứng tiêu chuẩn phát thải chặt chẽ hơn; cấm các công ty hóa chất, các nhà máy giấy xả thải độc hại ra môi trường nước; yêu cầu các nhà máy lắp đặt thiết bị lọc khí vào ống khói. Và công ty nào không tuân theo tiêu chuẩn đề ra sẽ bị phạt. Đây là cách mà chính phủ Mỹ đã làm trong thời kỳ thế hệ luật môi trường đầu tiên – vào đầu thập niên 1970 [111].
Các quy định của chính phủ, với hậu thuẫn là chính sách phạt tiền, là một giải pháp buộc các công ty phải chi trả cho việc gây ô nhiễm. Chúng cũng mang theo thông điệp đạo đức: “Thật đáng xấu hổ khi xả thủy ngân và amiang vào các hồ nước, các dòng sông, cũng như khi làm nhơ bẩn bầu khí quyển với thứ khí thải gây khó thở. Chất thải không chỉ đe dọa sức khỏe của chúng ta mà còn nguy hại với cả Trái Đất, không thể giải quyết được”.
Một số người phản đối các quy định của chính phủ vì họ không thích bất cứ thứ gì làm tăng chi phí sản xuất của ngành công nghiệp. Nhưng những người ủng hộ bảo vệ môi trường lại muốn tìm biện pháp khác hiệu quả hơn. Khi uy tín của thị trường lên cao vào thập niên 1980, đồng thời tư duy kinh tế ăn sâu hơn vào xã hội, một số nhà bảo vệ môi trường bắt đầu ủng hộ cứu Trái Đất bằng các giải pháp dựa vào thị trường. Họ giải thích rằng không nên áp đặt tiêu chuẩn phát thải lên mọi nhà máy nữa mà hãy áp giá lên hành vi gây ô nhiễm và để thị trường tự giải quyết phần còn lại [112].
Cách đơn giản nhất để áp giá lên hành vi gây ô nhiễm là đánh thuế ô nhiễm. Thuế ô nhiễm có thể được coi là tiền phí chứ không phải tiền phạt, nhưng nếu nó đủ cao thì sẽ buộc được người gây ô nhiễm phải chi trả cho thiệt hại họ gây ra. Chính vì lý do này nên rất khó áp dụng nó xét về mặt chính trị. Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách đã áp dụng một giải pháp chống ô nhiễm thiên về hướng thị trường hơn: mua bán quyền phát thải.
Năm 1990, Tổng thống George H. W. Bush đã ký thông qua đạo luật về kế hoạch giảm mưa axit – hiện tượng do các nhà máy nhiệt điện than phát thải khí sulfur dioxide gây ra. Thay vì đặt ra hạn mức phát thải cho từng nhà máy, luật này quy định mỗi nhà máy được cấp một giấy phép xả thải một lượng nhất định ra môi trường và họ được quyền mua bán giấy phép với nhau. Một công ty có thể tự giảm thải hoặc mua thêm giấy phép phát thải từ công ty khác có lượng thải ít hơn hạn mức họ được phép thải [113].
Lượng thải sulfur đã giảm xuống, và cơ chế mua bán quyền phát thải được nhiều người cho là đã thành công [114]. Sau đó, vào cuối thập niên 1990, tâm điểm sự chú ý chuyển sang sự nóng lên của Trái Đất. Nghị định thư Kyoto về biến đổi khí hậu cho các quốc gia một lựa chọn: Các nước có thể giảm phát thải khí nhà kính trong nước, hoặc trả tiền cho nước khác để họ giảm phát thải tại nước họ. Lập luận cơ sở của giải pháp được đưa ra là nó giúp giảm chi phí tuân thủ hạn mức phát thải. Nếu chi phí phải bỏ ra để thay hết đèn dầu ở một ngôi làng tại Ấn Độ rẻ hơn chi phí giảm phát thải ở Mỹ thì tại sao không thay hết đèn dầu đi?
Mặc dù vậy, nước Mỹ vẫn không gia nhập thỏa thuận Kyoto, và các cuộc đàm phán về khí hậu toàn cầu về sau đều thất bại. Nhưng điều tôi quan tâm không nằm ở bản thân các thỏa thuận mà ở chỗ họ giải thích chi phí đạo đức của thị trường phát thải toàn cầu như thế nào.
Với thị trường giấy phép sinh con ở phần trước, rắc rối đạo đức là ở chỗ nó xúi giục một số cặp vợ chồng hối lộ các cặp vợ chồng khác để lấy đi cơ hội sinh con của họ. Hành vi hối lộ sẽ làm xói mòn chuẩn mực về tình yêu của người làm cha mẹ khi nó khuyến khích các bậc cha mẹ coi con cái là hàng hóa có thể trao đổi, mua bán được. Còn với thị trường giấy phép phát thải toàn cầu, rắc rối đạo đức lại khác. Ở đây, vấn đề không phải ở hành vi mang tính hối lộ mà là ở hành vi thuê người khác thực hiện nghĩa vụ cho mình. Hiện tượng này xuất hiện trên cấp độ toàn cầu nhiều hơn cấp độ trong nước.
Khi nói đến hợp tác toàn cầu, việc cho phép các nước giàu không phải giảm thiểu sử dụng năng lượng thông qua mua quyền phát thải từ các nước khác (hoặc chi tiền cho những chương trình cho phép các nước khác phát thải ít hơn) sẽ tác động tiêu cực đến hai chuẩn mực. Thứ nhất, nó tạo tư tưởng coi thiên nhiên là công cụ, và thứ hai, nó làm xói mòn tinh thần cùng hy sinh – một yếu tố cần thiết nếu muốn tạo ra đạo đức môi trường chung trên toàn cầu. Nếu các nước giàu có thể dùng tiền để thoát được nghĩa vụ giảm phát thải carbon dioxide thì hình ảnh vị khách du lịch giàu có ở Grand Canyon sẽ trở nên bình thường, phổ biến. Chỉ có vào thời buổi này, vị khách du lịch giàu có ấy mới có thể vứt vỏ lon bia mà không phải nộp phạt, miễn là anh ta thuê ai đó nhặt rác ở Himalaya hộ anh ta.
Hai ví dụ trên khác nhau, tất nhiên. Rác là thứ không dễ bù đắp bằng cái khác như khí nhà kính. Một vỏ lon bia bị vứt ở Grand Canyon không thể được bù đắp bằng một thắng cảnh nguyên sơ cách nó nửa vòng Trái Đất. Ngược lại, sự nóng lên của Trái Đất là dạng tổn hại do tích lũy lâu dài. Nếu nhìn từ trên trời xuống đất thì sẽ thấy nơi nào phát thải ra carbon lên bầu trời không quan trọng. Nhưng xét từ quan điểm đạo đức và chính trị thì có. Hậu quả của việc để cho các nước giàu bỏ tiền ra để không phải thay đổi thói quen xấu của chính họ là khuyến khích thái độ xấu, cho rằng thiên nhiên là nơi vứt rác của những người có tiền. Các nhà kinh tế học thường giả định rằng giải quyết sự nóng lên của Trái Đất đơn thuần chỉ là bài toán thiết kế ra được cơ chế khuyến khích phù hợp và kêu gọi các nước tham gia. Nhưng họ đã bỏ qua một điểm cốt lõi: chuẩn mực thực sự đóng vai trò quan trọng. Cùng hành động chống biến đổi khí hậu toàn cầu đòi hỏi chúng ta phải xác lập được đạo đức môi trường mới – thái độ mới đối với thế giới tự nhiên mà chúng ta đang cùng chia sẻ. Thị trường quyền phát thải toàn cầu dù hiệu quả đến đâu thì vẫn khiến chúng ta khó mà gieo được thói quen kiềm chế và cùng hy sinh, những thứ mà tinh thần có trách nhiệm với môi trường đòi hỏi.
Đền bù carbon
Tự nguyện đền bù carbon đang ngày càng phổ biến và dẫn đến câu hỏi tương tự. Giờ đây, các công ty dầu mỏ và các hãng hàng không đang đề nghị khách hàng trả tiền để trung hòa các tác động mà họ gây ra đối với sự nóng lên của Trái Đất. Trang web của công ty dầu khí Anh British Petroleum còn cho phép khách hàng tính toán được lượng CO2 sinh ra từ thói quen lái xe của mỗi người và đền bù bằng cách đóng góp tiền cho các dự án năng lượng xanh ở các nước đang phát triển. Theo trang web này, mỗi tài xế Anh bình thường có thể đền bù khoảng 20 bảng cho lượng thải họ tạo ra trong một năm. Hãng hàng không Anh British Airways cũng có phần tính toán tương tự. Với số tiền 16,73 dollar, bạn có thể trung hòa các tác động của khí nhà kính bạn góp phần thải ra khi bay từ New York đến London rồi quay về. British Airways sẽ đền bù cho thiệt hại mà chuyến bay của bạn gây ra lên bầu trời bằng cách gửi 16,73 dollar của bạn đến một trang trại phong điện ở Nội Mông [115].
Đền bù carbon phản ánh một động cơ tốt: đưa ra cái giá của những thiệt hại đối với Trái Đất do tiêu thụ năng lượng gây ra, và từng người một đều phải trả mức giá đó để phục hồi thiệt hại. Gây quỹ tài chính để hỗ trợ các dự án tái trồng rừng và năng lượng sạch ở các nước đang phát triển tất nhiên là việc đáng làm. Nhưng đền bù carbon cũng tạo ra một nguy cơ: những người trả tiền sẽ tự cho rằng mình đã thoát khỏi mọi trách nhiệm liên quan đến biến đổi khí hậu. Rủi ro là ở chỗ ít nhất là với một số người, đền bù carbon là cơ chế không gây đau đớn, giúp họ thoát được việc phải thay đổi cơ bản thói quen, thái độ, cách sống – việc cần thiết phải làm nếu muốn giải quyết bài toán khí hậu [116].
Ý kiến phê phán đền bù carbon đã so sánh hành vi đền bù với việc xá tội: người có tội trả tiền cho nhà thờ để bù đắp lại tội lỗi của anh ta. Trang web www.cheatneutral.com đã hài hước bắt chước cơ chế đền bù carbon bằng cách đề ra mô hình mua bán, đền bù cho tội ngoại tình. Nếu có một người London cảm thấy có lỗi vì đã phản bội bạn đời, anh ta có thể trả tiền cho một người khác ở Manchester để anh này sống chung thủy, qua đó “đền bù” cho tội lỗi của mình. Ý tưởng mô phỏng này không hoàn hảo lắm. Chúng ta không phản đối hành vi phản bội bạn đời chỉ vì – hay chủ yếu vì – nó làm gia tăng tổng sự bất hạnh trên thế giới. Mà nó là hành vi sai trái với một cá nhân cụ thể, không thể sửa đổi bằng một hành vi tốt đẹp khác ở nơi khác. Ngược lại, phát thải carbon chỉ sai khi chúng ta xét tổng lượng carbon phát thải ra [117].
Tất nhiên, ý kiến phê phán cũng có lý. Cá nhân hóa, biến trách nhiệm đối với khí nhà kính thành hàng hóa có thể tạo ra hiệu ứng ngược giống như khi phạt tiền đối với các phụ huynh đến đón con muộn, khiến hành vi xấu trở nên phổ biến hơn chứ không hề ít đi. Lý do như sau: Trong thời kỳ Trái Đất nóng lên hiện tại, lái một chiếc xe Hummer không còn được coi là biểu tượng của vị thế xã hội nữa mà là dấu hiệu của sự ham mê vật chất một cách hoang phí, một dạng tham lam. Ngược lại, lái một chiếc xe hybrid lại thể hiện mình là người có phẩm chất đặc biệt. Nhưng cơ chế đền bù carbon có thể làm xói mòn cách đánh giá, nhìn nhận này khi nó dường như trao cho mọi người giấy phép đạo đức để gây ô nhiễm. Nếu các tài xế xe Hummer có thể làm dịu bớt cảm giác tội lỗi của mình bằng cách viết một tấm séc gửi cho một tổ chức trồng cây nào đó ở Brazil thì họ sẽ không có mong muốn đổi chiếc Hummer ngốn xăng như nước lấy chiếc hybrid nữa. Hummer sẽ được coi là biểu tượng của sự đáng tôn trọng chứ không phải sự vô trách nhiệm. Và sức ép phải có hành động chung rộng lớn hơn trước thực trạng biến đổi khí hậu sẽ giảm đi.
Kịch bản tôi vừa mô tả chỉ mang tính suy đoán, dĩ nhiên. Không thể dự đoán chắc chắn ảnh hưởng của tiền phạt, tiền phí và các công cụ kinh tế khác lên chuẩn mực xã hội, và nó khác nhau trong từng tình huống. Ý tôi đơn giản chỉ là thị trường phản ánh và khuyến khích một số chuẩn mực nhất định, một số cách đánh giá hàng hóa nhất định. Vì vậy, khi quyết định liệu một sự vật, hiện tượng có phải hàng hóa hay không, chúng ta cần xem xét nhiều yếu tố hơn là tính hiệu quả hay tính công bằng trong phân phối. Chúng ta còn phải đặt câu hỏi: liệu các chuẩn mực thị trường có lấn át các chuẩn mực phi thị trường không, và nếu có thì thiệt hại chúng gây ra có đáng để quan tâm không.
Tôi không nói rằng việc chú trọng thái độ đạo đức đối với môi trường, với vai trò làm cha mẹ hay với giáo dục luôn luôn dẫn đến loại bỏ các lựa chọn khác. Đôi khi hối lộ cũng có tác dụng. Và đôi khi nó cũng là việc đúng nên làm. Nếu trả tiền để học sinh học kém đọc sách thực sự cải thiện rõ rệt kỹ năng đọc của các em thì chúng ta có thể thử, và hy vọng chúng ta sẽ dạy được các em thái độ thích học hỏi sau. Nhưng điều quan trọng là phải nhớ rằng chúng ta đang hối lộ, một hành vi thỏa hiệp về mặt đạo đức, có thể làm cho những chuẩn mực đạo đức thấp (đọc để có tiền) thay thế những chuẩn mực đạo đức cao hơn (đọc vì yêu thích).
Khi thị trường và tư duy theo định hướng thị trường vươn tới những khía cạnh của cuộc sống vốn bị chi phối bởi những chuẩn mực phi thị trường như y tế, giáo dục, sinh đẻ, chính sách tị nạn, bảo vệ môi trường thì tình thế khó xử xuất hiện ngày càng nhiều. Chúng ta nên làm gì khi tăng trưởng và hiệu quả kinh tế lại có nghĩa là đặt giá cả cho những hàng hóa mà chúng ta coi là vô giá? Đôi khi chúng ta thấy xã hội bị chia rẽ khi trả lời câu hỏi liệu có nên mua bán trên những thị trường còn đang bị nghi vấn về mặt đạo đức nếu muốn đạt được kết quả mong muốn.
Chú thích:
[101] Peter Ford, “Phần Lan chuyên theo chủ nghĩa quân bình cũng là nơi cạnh tranh nhất”, Christian Science Monitor, 26/10/2005; “Tiền phạt chạy quá tốc độ của người Phần Lan hơi cao”, BBC News, 10/2/2004, http://news.bbc. co.uk/2/hi/business/3472785.stm; “Giám đốc Nokia chịu mức tiền phạt chạy quá tốc độ cao kỷ lục”, BBC News, 14/1/2002, http://news.bbc.co.uk/2/hi/ europe/1759791.stm.
[102] Sandra Chereb, “Đạp ga và tăng tốc sẽ giải quyết được tình trạng thâm hụt ngân sách ở Nevada?”, Associated Press State and Local Wire, 4/9/2010; Rex Roy, “Trả tiền để lái xe quá tốc độ ở Nevada”, đăng tải trên trang web AOL, 2/10/2010, http://autos.aol.com/pay-to-speed-nevada/.
[103] Henry Chu, “Những người trốn vé tàu điện ngầm ở Paris nói đoàn kết chính là tấm vé”, Los Angeles Times, 22/6/2010.
[104] Malcolm Moore, “Người giàu ở Trung Quốc không quan tâm đến chính sách một con”, Telegraph (London), 15/6/2009; Michael Bristow, “Vùng xám trong chính sách một con ở Trung Quốc”, BBC News, 21/9/2007, http://news.bbc. co.uk/2/hi/asia-pacific/7002201.stm; Clifford Coonan, “Trung Quốc nới lỏng chính sách một con”, Independent (London), 1/4/2011, Zhang Ming’ai, “Phạt nặng người vi phạm chính sách một con”, china.org.cn, 18/9/2007, www. china.org.cn/english/government/224913.htm.
[105] “Bắc Kinh sẽ phạt người nổi tiếng vi phạm chính sách một con”, Tân Hoa xã, 20/1/2008, http://english.sina.com/china/1/2008/0120/142656.html; Melinda Liu, “Chính sách một con của Trung Quốc bị bỏ qua”, Newsweek, 19/1/2008; Moore, “Người giàu ở Trung Quốc không quan tâm đến chính sách một con.”
[106] Kenneth E. Boulding, Ý nghĩa của thế kỷ 20 (The Meaning of the Twentieth Century) (New York: Harper, 1964), trang 135– 36.
[107] David de la Croix và Axel Gosseries, “Sinh đẻ, di cư và hệ thống giấy phép có thể chuyển nhượng”, Nghiên cứu thảo luận CORE số 2006/98, 11/2006, đăng tải trên SSRN, http://ssrn.com/abstract=970294.
[108] Michael J. Sandel, “Mua quyền phát thải là thiếu đạo đức”, New York Times, 15/12/1997.
[109] Những người viết thư gửi ban biên tập tòa báo gồm Sanford E. Gaines, Michael Leifman, Eric S. Maskin, Steven Shavell, Robert N. Stavins, “Mua bán quyền phát thải sẽ làm giảm ô nhiễm”, New York Times, 17/12/1997. Một vài lá thư được in lại cùng bài báo ban đầu trong cuốn do Robert N. Stavins chủ biên, Kinh tế học môi trường: tài liệu tham khảo tuyển chọn (Economics of the Environment: Selected Readings), xuất bản lần thứ 5 (New York: Norton, 2005), trang 355– 58. Xem thêm Mark Sagoff, “Kiểm soát khí hậu toàn cầu: Tranh luận về mua bán quyền phát thải”, Báo cáo của Viện Triết học và Chính sách công 19, số 1 (Mùa đông 1999).
[110] Tôi muốn có vài lời thanh minh. Bài báo ban đầu của tôi không hề nói rằng phát thải carbon dioxide là hành vi đáng phản đối, cho dù tiêu đề bài báo (Mua quyền phát thải là thiếu đạo đức) khá khiêu khích (tên do biên tập viên chọn chứ không phải tôi), dễ khiến người đọc hiểu theo chiều hướng này. Vì nhiều người hiểu như vậy nên tôi thấy cần phải làm rõ lập luận của mình. Tôi rất biết ơn Peter Cannavo và Joshua Cohen về những tranh luận liên quan. Tôi cũng phải cảm ơn Jeffrey Skopek, lúc đó là sinh viên trường Luật Harvard, người đã có một bài viết tham dự chuyên đề của tôi với phần giải thích rõ ràng.
[111] Paul Krugman, “Kinh tế học xanh,” tạp chí New York Times, 11/4/2010.
[112] Xem Richard B. Stewart, “Kiểm soát rủi ro môi trường bằng công cụ kinh tế”, Columbia Journal of Environmental Law 13 (1988): trang 153– 69; Bruce A. Ackerman và Richard B. Stewart, “Cải cách luật môi trường”, Stanford Law Review 37 (1985); Bruce A. Ackerman và Richard
B. Stewart, “Cải cách luật môi trường: tình huống dân chủ cho các công cụ thị trường”, Columbia Journal of Environmental Law 13 (1988): trang 171– 99; Lisa Heinzerling, “Bán quyền gây ô nhiễm, đẩy mạnh nền dân chủ”, Stanford Environmental Law Journal 14 (1995): trang 300– 44. Xem chung trong Stavins, Kinh tế học môi trường (Economics of the Environment).
[113] John M. Broder, “Từ lý thuyết đến đồng thuận về vấn đề phát thải”,
New York Times, 17/5/2009; Krugman, “Kinh tế học xanh”.
[114] Broder, “Từ lý thuyết đến đồng thuận về vấn đề phát thải”. Có thể xem ý kiến phê phán cơ chế mua bán quyền phát thải sulfur ở: James Hansen, “Mua bán quyền xả khí thải”, New York Times, 7/12/2009.
[115] Xem trang web “mục tiêu trung hòa” của BP: www.bp.com/sectionbodycopy. do?
categoryId=9080&contentId=7058126; con số ước tính 20 bảng một năm được lấy từ www.bp.com/sectiongenericarticle.do? categoryId=9032616&co ntentId=7038962; về các dự án đền bù carbon của British Airways, vui lòng xem www.britishairways.com/travel/csr- projects/public/en_gb.
[116] Jeffrey M. Skopek, một sinh viên tham gia hội thảo chuyên đề của tôi ở trường Luật Harvard đã giải thích chi tiết ý kiến phê phán cơ chế đền bù carbon này trong bài viết: “Hàng hóa khác thường: Về đạo đức môi trường và tự nguyện đền bù carbon”, Harvard Law Review 123, số 8 (6/2010): trang 2065– 87.
[117] Độc giả có thể xem lập luận bảo vệ cơ chế đền bù carbon của một nhà kinh tế học thận trọng, chín chắn trong bài Robert M. Frank, “Đền bù carbon: giá rẻ mà hiệu quả”, New York Times, 31/5/2009.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.