Tiền Không Mua Được Gì?

TRẢ TIỀN ĐỂ ĐƯỢC BẮN MỘT CON HẢI CẨU



Trong nhiều thế kỷ, vùng Bắc Cực thuộc Canada có rất nhiều hải cẩu Đại Tây Dương, như miền Tây nước Mỹ nhiều bò rừng vậy. Vì thịt, da, mỡ và ngà của hải cẩu rất được ưa chuộng nên loài động vật biển đông đúc, không có khả năng tự vệ này trở thành con mồi dễ dàng của cánh thợ săn, và đến cuối thế kỷ 19 thì số lượng cá thể của chúng chỉ còn một phần mười. Năm 1928, Canada ban hành lệnh cấm săn bắn hải cẩu, nhưng có ngoại lệ dành cho người Eskimo, một tộc người bản địa sống bằng nghề săn bắn – đời sống của họ xoay quanh việc săn bắn hải cẩu đã 4.500 năm [120].
Vào thập niên 1990, các tù trưởng Eskimo đến gặp chính phủ Canada với một đề xuất. Tại sao không cho phép người Eskimo bán cho các thợ săn thú lớn quyền bắn một vài con hải cẩu trong số cá thể họ được phép săn? Số lượng hải cẩu bị giết hại vẫn giữ nguyên. Người Eskimo sẽ thu phí săn bắn, làm nghề hướng dẫn cho giới thợ săn, hướng dẫn các thợ săn cách giết hải cẩu và giữ lại da và thịt con thú như họ thường làm bấy lâu nay. Cơ chế như vậy sẽ làm tăng lợi ích kinh tế cho một cộng đồng nghèo mà không hề ảnh hưởng đến số lượng hải cẩu bị săn bắn. Chính phủ Canada đồng ý.
Ngày nay, các thợ săn giải trí giàu có từ khắp nơi trên thế giới đều tìm cách đến Bắc Cực để có cơ hội bắn được một con hải cẩu. Họ phải trả từ 6.000 đến 6.500 dollar cho đặc quyền ấy. Họ không đến để có cuộc săn đuổi li kì hay theo dõi đầy thách thức một con mồi khó. Hải cẩu là những sinh vật không đe dọa được ai, di chuyển chậm chạp và không phù hợp với các thợ săn dùng súng. Trong một bài viết rất hấp dẫn đăng trên tạp chí New York Times, C. J. Chivers đã so sánh việc săn hải cẩu dưới sự hướng dẫn của người Eskimo với “một chuyến đi thuyền dài để bắn vào một cái ghế đệm rất to” [121].
Nhóm hướng dẫn viên chèo thuyền đến cách con hải cẩu khoảng 14 mét và bảo tay thợ săn nổ súng. Chivers mô tả cảnh tượng diễn ra khi tay thợ săn Texas bắn con hải cẩu như sau: “Viên đạn” của tay thợ săn “trúng vào cổ con vật, làm nó giật mạnh người và đổ sang một bên.
Máu chảy ra từ lỗ đạn. Con vật nằm yên không cựa quậy. [Tay thợ săn] đặt khẩu súng xuống và lấy máy quay phim ra”. Nhóm người Eskimo bắt đầu thực hiện công việc nặng nhọc là đặt con hải cẩu đã chết lên một tảng băng và xẻ thịt. Thật khó mà hiểu được cuộc săn này hấp dẫn ở chỗ nào. Nó chẳng có khó khăn thách thức gì, giống một chuyến du lịch giết chóc hơn là một chuyến đi săn giải trí. Thậm chí người thợ săn cũng không được treo xác con mồi lên bức tường trưng bày thành tích ở nhà. Ở Mỹ, hải cẩu là loài động vật được bảo vệ nên việc đem bất cứ bộ phận cơ thể nào của hải cẩu vào Mỹ cũng là bất hợp pháp.
Vậy tại sao phải bắn hải cẩu? Rõ ràng chỉ là để đạt được mục đích giết một con vật trong danh sách loài vật mà các câu lạc bộ săn bắn đưa ra – ví dụ “bộ ngũ” châu Phi (báo, sư tử, voi, tê giác và trâu rừng châu Phi) hoặc “bảng thành tích” Bắc Cực (tuần lộc, bò xạ, gấu trắng và hải cẩu).
Đây không thể là mục tiêu đáng ngưỡng mộ, rất nhiều người còn thấy nó đáng sợ. Nhưng hãy nhớ rằng thị trường không phán xét mong muốn của con người. Trong thực tế, xét trên quan điểm của lập luận thị trường, có rất nhiều điều để nói về việc cho phép người Eskimo bán quyền săn bắn một số hải cẩu nhất định. Người Eskimo có thêm nguồn thu nhập, “giới thợ săn thành tích” có cơ hội hoàn thành bản danh sách các loài vật mà họ muốn tiêu diệt, và số hải cẩu được phép săn bắn vẫn không thay đổi. Từ khía cạnh này, bán quyền giết một con hải cẩu cũng giống như bán quyền sinh con hay quyền gây ô nhiễm mà thôi. Một khi bạn đã đưa ra con số hạn mức thì logic thị trường sẽ khẳng định rằng mua bán giấy phép sẽ làm tăng phúc lợi chung. Nó làm gia tăng lợi ích cho một số người mà không làm ảnh hưởng đến lợi ích của những người khác.
Và thị trường giết hại hải cẩu có cái gì đó khiến ta khó mà ủng hộ được về mặt đạo đức. Để dễ tranh luận, hãy giả định rằng cho phép người Eskimo tiếp tục săn bắn hải cẩu như hàng trăm năm qua là rất hợp lý, thì cho phép họ bán quyền giết hải cẩu vẫn là hành động đáng phản đối xét về mặt đạo đức. Có hai lý do. Thứ nhất là thị trường kì dị này đáp ứng nhu cầu của một sở thích sai lầm, không đáng để đưa vào bất cứ mọi phép tính nào về phúc lợi xã hội. Cho dù bạn có nghĩ gì về thú vui săn thú lớn thì vẫn có một điều không ổn. Giết hại một con vật vô hại ở cự ly gần, không có thách thức, không phải săn đuổi gì, chỉ đơn giản là hoàn thành danh sách thành tích là một sở thích không đáng được đáp ứng, kể cả khi nó đem lại thêm thu nhập cho người Eskimo. Thứ hai, việc người Eskimo bán cho người ngoài quyền giết một vài con hải cẩu trong hạn mức họ được phép là hành vi tham nhũng ý nghĩa, mục đích của ngoại lệ dành riêng cho cộng đồng họ từ đầu. Ngoại lệ người Eskimo có được là cách chính phủ tôn vinh lối sống của họ, thể hiện sự tôn trọng đối với sinh kế săn bắn hải cẩu lâu đời. Biến đặc quyền này thành kiếm tiền nhờ giết chóc lại là một chuyện khác hẳn.

Chú thích:

[120] C. J. Chivers, “Trò chơi săn thú lớn”, tạp chí New York Time, 25/8/2002.

[121] Tài liệu đã dẫn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.