Tiền Không Mua Được Gì?

MUA SỰ TÔN VINH



Mặc dù tiền không mua được tình bạn, nhưng nó vẫn mua được biểu hiện của tình bạn ở mức độ nào đó. Như chúng ta đã thấy, biến lời xin lỗi, lời phát biểu nâng cốc chúc mừng đám cưới và quà tặng thành hàng hóa không hề hủy hoại chúng, nhưng lại làm giá trị của chúng bị suy giảm. Lý do chúng bị suy giảm có liên quan dến lý do tại sao tiền không mua được tình bạn: Tình bạn và những hành vi xã hội giúp duy trì tình bạn được xây đắp nên bởi một số chuẩn mực, thái độ, giá trị nhất định. Biến chúng thành hàng hóa tức là làm mất đi những chuẩn mực như sự cảm thông, sự hào phóng, sự quan tâm, sự chu đáo; thay vào đó là các giá trị thị trường.
Một người bạn đi thuê không giống một người bạn thật; hầu như ai cũng chỉ ra được sự khác biệt giữa họ.
Ngoại lệ duy nhất tôi có thể nghĩ ra là nhân vật của Jim Carrey trong phim Chương trình của Truman (The Truman Show). Anh này sống cả đời ở một thị trấn có vẻ thanh bình, nhưng thực ra anh ta không biết nó là bối cảnh một chương trình truyền hình thực tế. Phải mất một thời gian anh ta mới phát hiện ra vợ và bạn thân nhất của mình là diễn viên được thuê đóng. Nhưng dĩ nhiên anh không phải người bỏ tiền ra thuê, người thuê là nhà sản xuất chương trình.
Điểm quan trọng khi mô phỏng tình bạn là: lý do khiến chúng ta (thường) không mua được bạn bè (mua bán bạn bè sẽ làm hỏng tình bạn) đã cho thấy thị trường làm xói mòn biểu hiện của tình bạn như thế nào. Lời xin lỗi hoặc lời chúc mừng đám cưới đi mua – cho dù nghe khá giống với lời nói thật lòng – luôn có xu hướng bị giảm giá trị. Tiền có thể mua được những thứ chúng ta vừa nói, nhưng cái mua được thường dưới dạng đã bị hư hại.
Những thứ liên quan đến sự tôn vinh cũng bị tổn hại tương tự. Không thể mua được giải Nobel. Nhưng còn các hình thức tôn vinh, công nhận khác thì sao? Ví dụ bằng cấp danh dự. Các trường đại học thường trao bằng danh dự cho các học giả, nhà khoa học, nghệ sỹ hoặc các quan chức ưu tú, xuất sắc. Nhưng một số người được trao bằng lại là những người hào phóng, đã đóng góp một số tiền lớn cho trường đại học. Liệu đây thực ra có phải bằng cấp đi mua không, hay họ thực sự được tôn vinh?
Khá là mơ hồ. Nếu trường nói thẳng ra lý do của họ thì sự minh bạch này sẽ làm mất giá trị tấm bằng. Giả sử lời phát biểu trong lễ phát bằng như sau: “Chúng tôi thường trao bằng danh dự cho các nhà khoa học, các nghệ sỹ vì thành tựu của họ. Nhưng chúng tôi trao cho ngài tấm bằng này để bày tỏ sự biết ơn vì ngài đã đóng góp 10 triệu dollar để chúng tôi xây thư viện mới”. Khi đó khó ai có thể gọi đây là bằng danh dự. Tất nhiên, không trường nào phát biểu như vậy cả. Họ thường nói về sự cống hiến cho xã hội, cam kết làm từ thiện và tận tâm với sứ mệnh của trường – những từ ngữ tôn vinh, làm lu mờ sự khác biệt giữa một tấm bằng danh dự và một tấm bằng đi mua.
Có thể đặt câu hỏi tương tự với việc mua bán quyền nhập học ở các trường đại học nổi tiếng. Trường đại học không đấu giá chỗ nhập học, ít nhất họ không công khai làm vậy. Rất nhiều trường đại học nổi tiếng có thể tăng doanh thu cho trường nếu họ bán vị trí sinh viên năm thứ nhất cho người trả giá cao nhất. Nhưng kể cả khi họ muốn tối đa hóa doanh thu thì họ cũng không đấu giá tất cả chỉ tiêu nhập học. Nếu họ làm vậy thì nhu cầu nhập học sẽ giảm, không chỉ bởi chất lượng chuyên môn giảm mà còn vì niềm vinh dự khi được nhận vào học không còn nữa. Khó mà có thể tự hào khi bạn (hoặc con bạn) được chấp nhận vào học ở Đại học Stanford hay Princeton khi những trường này thường xuyên bán chỉ tiêu nhập học và ai cũng biết điều đó. Cùng lắm thì bạn cũng chỉ tự hào như khi mua được một chiếc du thuyền.
Tuy nhiên, giả sử phần lớn chỉ tiêu nhập học là dành cho những người xuất sắc, nhưng có một vài chỗ là để bán không công khai. Và giả sử có rất nhiều tiêu chí được xét nhập học: điểm học ở trường phổ thông, điểm thi kỳ thi SAT, các hoạt động ngoại khóa, tính đa dạng về chủng tộc và địa lý, lòng dũng cảm trong chiến đấu, tình trạng thừa kế (con cái của một cựu sinh viên); cho nên khó mà nói được trong từng trường hợp thì tiêu chí nào là quan trọng nhất. Trong điều kiện như vậy, trường đại học có thể bán một vài chỉ tiêu cho các nhà trợ giàu có mà không làm ảnh hưởng đến niềm vinh dự của những người được một trường đại học hàng đầu nhận vào học.
Các nhà phê bình giáo dục đại học cho rằng tình huống này khá gần với thực tế đang diễn ra ở các trường đại học ngày nay. Họ mô tả “ưu tiên thừa kế”, tức là ưu tiên chấp nhận hồ sơ của con cái các cựu sinh viên là một dạng chính sách ưu tiên người thiểu số dành cho người giàu. Ý họ muốn nhắc đến những trường hợp mà trường đại học đã nới lỏng tiêu chí xét tuyển cho những ứng viên không nổi bật lắm, cha mẹ không phải cựu sinh viên, nhưng giàu có và có khả năng sẽ đóng góp một số tiền đáng kể cho nhà trường [157]. Những người bảo vệ chính sách này cho rằng các trường đại học tư phụ thuộc tài chính rất nhiều vào nguồn đóng góp của cựu sinh viên và các nhà tài trợ giàu có, và khoản đóng góp của họ cho phép các trường cung cấp học bổng và hỗ trợ tài chính cho những sinh viên ít điều kiện hơn[158].
Vì vậy, khác với giải Nobel, việc được nhận vào trường đại học là một hàng hóa có thể mua bán được, miễn là việc mua bán được tiến hành một cách thận trọng. Liệu các trường đại học có nên làm như vậy không lại là một câu hỏi xa hơn. Ý tưởng bán quyền nhập học đại học gặp phải hai lập luận phản đối: thứ nhất là vấn đề công bằng, thứ hai là vấn đề tham nhũng. Lập luận phản đối liên quan đến tính công bằng cho rằng: nhận con cái của các nhà tài trợ giàu có vào học để đổi lấy một khoản tiền đóng góp khá lớn cho ngân quỹ của trường là hành vi bất công với những ứng viên không được đánh giá cao vì cha mẹ không giàu có. Những người phản đối theo tư tưởng này coi giáo dục đại học là một cơ hội, một thứ người dân được phép tiếp cận, và họ lo ngại rằng ưu tiên con nhà giàu sẽ kéo dài tình trạng bất công xã hội và kinh tế.
Lập luận còn lại về tham nhũng liên quan đến tính liêm chính của tổ chức.
Những người theo tư tưởng phản đối thứ hai cho rằng giáo dục bậc cao không chỉ tạo điều kiện cho sinh viên ra trường có việc làm tốt mà nó còn mang theo những quan niệm nhất định: đó là tìm ra chân lý, thúc đẩy thành tựu học thuật và khoa học, khuyến khích dạy và học, trau dồi đạo đức công dân. Mặc dù trường đại học nào cũng cần tiền để theo đuổi mục tiêu, nhưng để cho nhu cầu tìm nguồn tài chính chiếm vai trò chi phối sẽ làm tăng rủi ro bóp méo các mục tiêu cuối cùng và xói mòn các giá trị nền tảng của trường đại học. Chính quan điểm phổ biến về sự “bán rẻ” là nguồn gốc khiến người ta cho rằng lập luận phản đối liên quan đến tham nhũng chủ yếu là về tính liêm chính – một tổ chức có trung thành với tư tưởng nền tảng tạo ra nó hay không.

Chú thích:

[157] Xem Daniel Golden, Cái giá để được nhận vào học (The Price of Admission) (New York: Crown, 2006); Richard D. Kahlenberg chủ biên, Chính sách ưu tiên người thiểu số dành cho người giàu (Affirmative Action for the Rich) (New York: Century Foundation Press, 2010).

[158] Xem bình luận của chủ tịch Đại học Yale Rick Levin trong bài viết của Kathrin Lassila, “Tại sao Yale ưu tiên chính mình”, Yale Alumni Magazine, tháng 11, 12/2004, www.yalealumnimagazine.com/issues/2004_11/q_a/html; và bình luận của chủ tịch đại học Princeton Shirley Tilghman trong bài viết của John Hechinger, “Tiếng hổ gầm: Dưới thời Tilghman, Princeton nhận thêm sinh viên, theo đuổi các vụ kiện, thừa nhận các câu lạc bộ thượng lưu”, Wall Street Journal, 17/6/2006.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.