Vượt Lên Những Chuyện Nhỏ Trong Công Việc
Đừng quá áp đặt bản thân theo quy luật 20/80
Quy luật 20/80 cho biết chỉ 20 phần trăm nhân công cũng có thể hoàn thành được 80 phần trăm công việc. Dù vậy, thỉnh thoảng tôi vẫn thấy tỷ lệ này hết sức vô lý!
Những nhân viên làm việc hiệu quả hoặc những người tham công tiếc việc thường không hiểu tại sao những đồng nghiệp khác lại không hiệu quả được như họ. Và như vậy, hễ cộng tác hoặc thậm chí chỉ cần nhìn thấy những đồng nghiệp mà họ nhận xét là “lười biếng” hoặc “không gắng hết sức” này, họ lại cảm thấy bực dọc. Thế là họ để bụng và tự nén khó chịu vào người.
Tôi nhận thấy những người như vậy thậm chí chẳng biết mình thuộc nhóm người làm việc hiệu quả – họ chỉ xem mình như một nhân viên bình thường, chỉ cố gắng làm tốt công việc được giao. Họ thật sự không hiểu tại sao những người khác lại không làm được như mình. Tôi từng biết một nhân viên làm việc cực kỳ hiệu quả. Anh luôn khăng khăng rằng: “Tôi chẳng được việc đến vậy đâu. Tôi cũng chỉ như mọi người thôi mà”. Vì biết anh khá rõ nên tôi hiểu anh đang thật lòng nghĩ như vậy. Hơn thế, anh còn chia sẻ với tôi cái nhìn về cuộc sống và những người xung quanh. Anh thật sự cảm thấy hầu hết mọi người đều không làm việc chăm chỉ và không phát huy hết tiềm lực của họ. Nếu bạn cũng có cùng nhìn nhận như anh bạn tôi, hẳn lúc nào bạn cũng cảm thấy thất vọng và bực bội. Với cái nhìn tiêu cực của mình, bạn thấy mọi việc đều không được hoàn thành hoặc lẽ ra phải được hoàn thành tốt hơn. Bạn nhìn thế giới như một nơi chứa đầy những người kém cỏi.
Dù tầm nhìn của bạn chẳng phải quá lớn lao nhưng rõ ràng, bạn đã quan sát thế giới từ đôi mắt của người luôn yêu cầu cao. Và như vậy, bạn khó chấp nhận (hoặc hiểu) rằng mỗi người đều có những ưu tiên và đam mê khác nhau, cũng như có năng lực và quan niệm không giống nhau. Mỗi người nhìn cuộc sống từ những góc độ riêng và làm việc với tốc độ riêng. Và mỗi người cũng có một định nghĩa khác nhau về “hiệu quả”.
Bạn có thể dễ dàng giải quyết vấn đề này bằng cách thay đổi cách nhìn nhận của mình. Thay vì soi mói vào những gì người khác không làm được, hãy tập trung vào kết quả bạn đạt được nhờ sức lực của mình – cả về tài chính, năng lượng, cảm xúc và tinh thần. Nói cách khác, sẽ tốt hơn cho bạn khi bạn thừa nhận mình đang hướng đến hình mẫu một nhân viên cực kỳ xuất sắc và đó là sự lựa chọn của bạn. Tất nhiên, sự lựa chọn này sẽ đi kèm với nhiều lợi ích khác. Lúc này, bạn cảm thấy hài lòng hơn về bản thân đồng thời nhận thấy các mục tiêu của mình đang dần được lấp đầy và tiềm năng của mình cũng được phát huy triệt để hơn. Bạn kiếm được nhiều tiền hơn và cảm thấy thích thú hơn khi làm việc. Tài chính được đảm bảo và các cơ hội cũng đến với bạn nhiều hơn. Có thể bạn sẽ thoải mái hơn nhờ hoàn thành một khối lượng công việc nhất định trong ngày. Nghĩa là khi đó, bạn có những động cơ rõ ràng để cố gắng không ngừng. Như vậy, bạn sẽ không còn cảm thấy tức giận hay bực dọc trước những người không có cùng sự lựa chọn như bạn, hay những người không làm việc hiệu quả được như bạn, ít nhất là theo tiêu chuẩn bạn đề ra.
Trong khi đó, mỗi người có quyền tự quyết định làm bao nhiêu thì hợp lý. Họ có quyền tự cân nhắc thiệt hơn, cân bằng các yếu tố, quyết định mình sẽ làm việc chăm chỉ đến mức độ nào và năng suất đến đâu.
Bạn có thể dựa vào năng suất làm việc của người khác – đồng nghiệp, đối tác, nhà thầu, nhân viên – để định ra những chuẩn mực và hiệu suất làm việc của bản thân. Tôi không bảo bạn làm việc ít đi hay giảm tiêu chuẩn của mình mà chỉ khuyên bạn hãy linh hoạt và tích cực khi đánh giá năng suất làm việc của mọi người để không phải thất vọng hay ấm ức về người khác. Khi tôi linh hoạt nhìn nhận để kiểm soát mức độ căng thẳng của bản thân, tôi có thể dễ dàng giúp mọi người phát huy khả năng tốt nhất của họ mà không làm họ cảm thấy khó chịu hoặc chống đối.
Một khi chấp nhận thực tế về sự khác biệt ở mỗi người, bạn sẽ sống cởi mở hơn đồng thời trân trọng hiệu quả cũng như phong cách làm việc của mọi người. Khi đó, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy thoải mái và nhẹ nhõm hơn nhiều.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.