Vượt Lên Những Chuyện Nhỏ Trong Công Việc

Đừng sống với một tương lai tưởng tượng



Nếu muốn có được một cuộc sống hạnh phúc và ít căng thẳng thì bạn hãy cố tránh một hiện tượng mà tôi gọi là “suy nghĩ rào trước” hoặc “tương lai tưởng tượng”. Về cơ bản, hành động “rào trước tương lai” có nghĩa là bạn tưởng tượng về cuộc sống sắp tới của mình – sẽ tốt đẹp hơn hoặc căng thẳng và khó khăn hơn. Những suy nghĩ rào trước điển hình thường là: “Mình mong đến ngày được thăng chức quá đi mất. Chỉ khi đó mình mới cảm thấy cuộc đời ý nghĩa”; “Mình sẽ cảm thấy tốt hơn nếu có được một khoản tiền dự trữ kha khá”; “Công việc của mình sẽ trở nên dễ dàng hơn biết bao nếu mình có một trợ lý” hoặc “Những năm tới chắc sẽ khó khăn lắm đây, nhưng sau đó mình có thể thư thả rồi”. Vì để những suy nghĩ này cuốn mình đi quá xa nên bạn không sống hết mình với hiện tại để rồi trì hoãn tất cả các hoạt động có thể mang lại cho mình một cuộc sống vui vẻ và tích cực.

Bên cạnh đó, thỉnh thoảng ta cũng có những suy nghĩ rào trước về tương lai gần, chẳng hạn như: “Mấy ngày tới sẽ khủng khiếp lắm đây”, “Cuộc họp sắp tới có thể sẽ là thảm họa đối với mình”, “Mình quá mệt mỏi khi phải đào tạo cậu nhân viên mới đó”. Những dự đoán này gần như kéo dài bất tận với những chi tiết khác nhau nhưng kết quả chỉ có một – đó là sự căng thẳng!

“Tôi đã từng rất lo lắng trước những kỳ báo cáo thường niên.” – Janet, trưởng ban tài chính một nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô cho biết. – “Cuối cùng tôi quyết định từ bỏ thói quen này. Nỗi lo lắng đã bào mòn nguồn năng lượng trong tôi. Tôi nhận ra rằng trong vòng mười lăm năm qua, chỉ có duy nhất một lần tôi nhận được phản hồi không tốt – mà thậm chí như vậy thì cũng chẳng có chuyện gì xấu xảy đến cả. Vậy không hiểu tôi lo lắng vì điều gì? Điều ta lo lắng thường hiếm khi xảy ra, mà ngay cả nó có thật sự xảy ra chăng nữa thì việc nghĩ ngợi trước về nó cũng chẳng ích gì”.

Gary, một quản lý nhà hàng, tự mô tả mình là “kẻ lo lắng có tầm cỡ thế giới”. Mỗi tối, anh thường tưởng tượng về mọi sự cố tồi tệ nhất có thể xảy đến – thực khách khó chịu, thức ăn bị mất cắp, thịt nhiễm độc, vắng khách… Lúc đó, anh cho rằng những lo lắng của mình là hoàn toàn xác đáng, như thể nếu anh biết lường trước những tình huống xấu và ngăn chặn kịp thời thì chúng sẽ không xảy ra nữa. Tuy nhiên, sau nhiều năm chìm ngập trong nỗi lo lắng, anh rút ra kết luận rằng thực tế thường ngược lại. Anh nhận thấy trong một vài trường hợp, chính những lo lắng của anh lại góp phần tạo nên rắc rối. Anh bảo: “Tôi gần như bị trầm cảm vì lo lắng quá nhiều. Và bởi vì quá bị ảm ánh bởi những điều tồi tệ sắp xảy đến và cho rằng mọi người sẽ phạm lỗi nên tôi không thể bỏ qua những chuyện nhỏ. Một nhân viên phục vụ nhầm lẫn phiếu đặt món đã bị tôi mắng nhiếc. Vì quá lo lắng nên cô lại tiếp tục phạm lỗi lớn hơn. Khi nhìn lại, tôi thấy tất cả đều do lỗi của mình”.

Tất nhiên, vẫn có lúc việc lên kế hoạch và dự báo về các sự kiện, kết quả là điều cần thiết. Bạn cần biết mình nên làm gì để đạt được mục đích. Tuy nhiên, hầu hết chúng ta đều quá coi trọng và bận tâm đến những kế hoạch này. Chúng ta hy sinh hiện tại để đổi lấy những điều tưởng tượng, trong khi tương lai tưởng tượng ấy chẳng biết có đến hay không.

Thỉnh thoảng có người hỏi tôi: “Anh có cảm thấy mệt mỏi và quá sức chịu đựng khi tham gia các chương trình quảng bá không – mỗi ngày lại phải đến một thành phố mới, sống cùng với chiếc va-ly trong nhiều tuần?”. Tôi gật đầu, thừa nhận rằng thỉnh thoảng tôi cũng cảm thấy mệt mỏi và thậm chí còn than phiền về nó. Tuy nhiên, thực tế thì công việc quảng bá vẫn rất thú vị nếu tôi chỉ chú tâm đến sự kiện đang diễn ra lúc đó. Còn nếu tôi luôn tưởng tượng về những buổi trả lời phỏng vấn hoặc lần xuất hiện trước công chúng sắp tới cũng như những chuyến bay dài thì chắc chắn là tôi sẽ cảm thấy kiệt sức và quá tải. Mỗi khi quá tập trung lo nghĩ cho tương lai thay vì làm tốt những gì đang diễn ra trong hiện tại, chúng ta sẽ cảm thấy căng thẳng.

Giải pháp cho vấn đề này có thể áp dụng rộng rãi cho tất cả mọi người. Dù đang khổ sở vì cuộc họp ngày mai hay bản báo cáo tuần sau thì bạn chỉ cần quan sát xem suy nghĩ của mình có đang hướng đến những sự kiện không mong đợi sắp tới hay không. Một khi nhìn ra mối liên kết giữa suy nghĩ và cảm giác căng thẳng, bạn có thể kiểm soát suy nghĩ của mình để hướng nó quay trở lại với hiện tại. Nhờ vậy, bạn sẽ hoàn toàn làm chủ được suy nghĩ và cuộc sống của mình.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.