Vượt Lên Những Chuyện Nhỏ Trong Công Việc

Mạnh dạn yêu cầu những điều bạn muốn, nhưng không bắt buộc phải đạt được chúng



Có một câu ngạn ngữ thế này: “Nếu bạn không yêu cầu những điều mình muốn, bạn sẽ không đạt được chúng”. Dù không phải lúc nào cũng vậy nhưng rõ ràng câu nói này rất có lý. Chẳng hạn, nếu cấp trên không biết bạn đang muốn tăng lương thì bạn không thể đổ lỗi cho họ khi họ không tăng lương cho bạn. Hay bạn sẽ không bao giờ mời được ai đó đi ăn trưa để tham khảo ý tưởng của họ nếu bạn không nói với họ điều mình mong muốn.

Vấn đề duy nhất của tâm lý “không ngại yêu cầu” là có thể nó không chuẩn bị cho bạn tâm lý chấp nhận những lần mình không đạt được mục đích, dù bạn đã yêu cầu và hoàn toàn xứng đáng nhận được chúng. Vậy nên, nếu mù quáng nghe theo câu nói ở trên, có thể bạn sẽ cảm thấy bực bội.

Tuy nhiên, bạn có thể ngăn chặn cảm giác bực bội bằng cách đừng bắt bản thân phải đạt được mọi điều mình mong muốn. Nghĩa là nếu cứ khăng khăng đạt được kết quả như mong muốn, có thể bạn sẽ phải gánh chịu thất vọng. Trong khi đó, nếu tách biệt điều bạn muốn với kết quả đạt được, bạn sẽ nhận được nhiều lợi ích. Dù có đạt được những điều mình muốn hay không, bạn vẫn cảm thấy hài lòng.

Để làm được điều này, bạn đừng xem trọng những yêu cầu của mình nữa. Nghĩa là hãy cố gắng đón nhận thất bại nhưng không để nó tác động quá lớn đến mình. Ví dụ, khi bạn yêu cầu tăng lương, việc có đạt được điều đó hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác chứ không chỉ riêng biểu hiện của bạn, chẳng hạn như ngân sách của công ty, quyền lợi của các đồng nghiệp khác, quy định của phòng… Tương tự, có thể việc chào hàng sẽ giúp bạn dễ bán hàng hơn. Tuy nhiên, cũng có trường hợp khách hàng không muốn mua hoặc không có khả năng mua hàng của bạn.

Dennis, nhân viên kế toán của một chuỗi cửa hàng tạp hóa, rất yêu thích công việc của mình, trừ vị trí của văn phòng. Văn phòng của anh nằm ở ngay giữa một tòa nhà. Anh bảo: “Điều kiện không đến nỗi tệ nhưng văn phòng này chẳng có cửa sổ. Tôi cảm thấy mình sẽ làm việc tốt hơn nếu có ánh sáng tự nhiên”. Vấn đề là chỉ một ít văn phòng trong tòa nhà này có cửa sổ.

Dennis quyết định hỏi sếp về việc anh cần làm gì để được chuyển văn phòng. Anh nhẹ nhàng bày tỏ rằng anh yêu thích và đánh giá cao công việc của mình, nhưng anh có một chút lo ngại về không gian hẹp. Anh trình bày rõ đây không phải là chuyện “đàm phán” nhưng anh chắc chắn sẽ biết ơn công ty nếu mong muốn này của anh được đáp ứng. Một vài tuần sau đó, anh viết một bức thư cảm ơn ông chủ đã lắng nghe nỗi niềm của anh và xem xét về nó. Bức thư chẳng có ẩn ý gì – nó chỉ đơn giản là một lời cảm ơn.

Lần cuối tôi nói chuyện với Dennis, anh vẫn chưa được chuyển văn phòng. Tuy nhiên, anh bảo với tôi rằng anh đã cảm thấy ổn hơn. Anh đã làm mọi thứ có thể và điều tốt lành anh nhận về được là sếp của anh đã suy xét về vấn đề này và hứa khi nào thuận tiện, họ sẽ chuyển văn phòng cho anh. Dennis lạc quan tin rằng cuối cùng, anh cũng sẽ có được một văn phòng có cửa sổ. Tôi rất thích câu chuyện của anh bởi nó đã cho ta thấy một điều: Ta có thể không có được những điều mình muốn (ít nhất là ngay lập tức) nhưng ta vẫn cảm thấy ổn. Nó cho thấy sự sáng suốt khi yêu cầu những điều ta muốn nhưng không bắt buộc phải đạt được chúng.

Khi mạnh dạn yêu cầu điều mình muốn nhưng không nhất thiết phải đạt được, bạn sẽ nhận về nhiều lợi ích, chẳng hạn như mọi người sẽ cảm thông và cư xử tử tế hơn với bạn. Một vài năm trước, tôi tới Atlanta vào một đêm khuya. Hôm đó, khách sạn đã đầy phòng và không nhận khách nữa. Người đàn ông đứng trước tôi đã tức giận và đe dọa nhân viên lễ tân. Ông ta khăng khăng phải có phòng – nhưng làm gì còn. Thế là ông ta đùng đùng nổi giận mà quên mất rằng đây chẳng phải lỗi của nhân viên lễ tân.

Đến lượt mình, tôi bước tới bàn lễ tân và nhẹ nhàng nói: “Tôi hiểu tình huống khó khăn của cô và tôi biết đây không phải lỗi do cô. Những điều như vậy vẫn thường xảy ra và tôi rất biết ơn nếu cô có thể giúp tôi. Tôi biết khách sạn không còn phòng nhưng cô có thể giúp tôi tìm một khách sạn khác gần đây không?”. Cô nhân viên lễ tân cũng đáp lại tôi rất tử tế. Và thật bất ngờ, cô bảo có tin tốt lành cho tôi. Cô đã quên mất có một người khách vừa rời đi và cô sẽ dành nó cho tôi.

Câu hỏi là tại sao cô ấy không nhớ đến căn phòng trống này và dành nó cho người đàn ông giận dữ trước tôi? Ông ta đã đến trước tôi và thật sự mong mỏi có một căn phòng. Tôi nghĩ câu trả lời khá rõ ràng. Sự cố chấp, nóng nảy của ông ta đã gây áp lực và ảnh hưởng đến trí nhớ của cô. Trong khi nói chuyện với tôi thì cô lại cảm thấy thoải mái hơn và nhờ đó mà cô đã nhớ ra căn phòng kia. Vậy là đêm đó, tôi đã có được một căn phòng như ý. Chính vì thế, hãy mạnh dạn bày tỏ những điều bạn muốn, nhưng đừng bắt buộc phải đạt được chúng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.