Vượt Lên Những Chuyện Nhỏ Trong Công Việc

Hãy nhẹ nhàng khi xảy ra xung đột



Thật khó hình dung về một công việc không bao giờ xảy ra xung đột. Suy cho cùng, chúng ta đang sống trong thế giới đầy rẫy những xung đột về lợi ích, nguyện vọng và ưu tiên. Mỗi chúng ta đều có những tiêu chuẩn và mong đợi khác nhau. Một công việc được xem là hoàn thành xuất sắc đối với người này nhưng lại tệ hại trong mắt người khác. Có những điều bạn cho là khẩn cấp hoặc nghiêm trọng nhưng với người khác, nó thậm chí chẳng đáng để họ bỏ thời gian. Mỗi ngày, chúng ta phải gặp gỡ rất nhiều người và đối phó với rất nhiều vấn đề nên xung đột là điều khó tránh khỏi. Những lúc đó, có thể xung đột xảy ra vì bạn muốn đạt được một nguyện vọng, thức tỉnh một người, sắp xếp công việc, giải quyết khúc mắc, phá vỡ lối mòn hoặc cải thiện giao tiếp.

Dù xung đột là điều không thể tránh khỏi nhưng chúng ta không nên xem nó như một trận chiến để rồi cảm thấy tổn thương, giận dữ, căng thẳng hay thất vọng. Hãy cố gắng đối mặt với mọi người, mọi việc xảy đến trong cuộc sống của mình bằng thái độ nhẹ nhàng, tích cực. Điều này không chỉ giúp bạn đạt được kết quả như mong đợi mà còn thiết lập được mối quan hệ gần gũi với mọi người cả trong công việc và đời sống cá nhân.

Tôi quan sát thấy dường như mọi người đều xử sự nóng nảy và chống trả mỗi khi có xung đột với nhau. Họ mất đi sự tử tế và nhún nhường thường thấy. Họ đề cập đến vấn đề một cách thiếu thân thiện, như thể họ luôn đúng và đối phương luôn sai. Lúc này, những cuộc xung đột xảy ra theo đúng nghĩa đen của từ “xung đột”, như thể thái độ nóng giận của họ lúc này là hoàn toàn chính đáng.

Tuy nhiên, nếu bạn tỏ ra quá nóng giận, đối phương sẽ cảm nhận được thái độ thù địch của bạn và có thể họ cũng cư xử theo kiểu ăn miếng trả miếng. Khi đó, họ sẽ trở thành người không chịu lắng nghe, ngoan cố, hiếm khi chịu thay đổi quan điểm hoặc không nhận lỗi về mình. Vì cảm thấy bị coi thường nên họ cũng không thể tôn trọng bạn.

Chìa khóa để giải quyết xung đột theo hướng lành mạnh là bạn vẫn tỏ ra kiên quyết nhưng thật nhẹ nhàng và tôn trọng đối phương.

Khi gặp xung đột, hãy tự nhủ rằng bạn luôn có giải pháp và mọi thứ sẽ ổn thỏa. Thay vì đổ lỗi hoặc miễn cưỡng thừa nhận sai lầm, bạn có thể hiểu rằng cả hai đều không ác ý. Thay vì sử dụng những câu nói gần như sẽ dẫn đến phản ứng tiêu cực như: “Anh đã phạm sai lầm lớn và chúng ta cần nói chuyện”, hãy cố gắng đề cập vấn đề một cách nhẹ nhàng hơn, chẳng hạn như: “Tôi có một vài thắc mắc nhỏ, phiền anh tý nhé”.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả chính là cảm giác của bạn trước những xung đột. Dù khó khăn nhưng bạn hãy cố tránh đụng độ khi đang trong tâm trạng giận dữ hay căng thẳng. Tốt nhất bạn hãy đợi cho tới khi bình tĩnh trở lại hoặc lấy lại kiểm soát. Hãy nhớ, hầu hết mọi người đều cư xử nhẹ nhàng, tôn trọng và sẵn sàng lắng nghe nếu đối phương là một người điềm tĩnh, tự chủ và chân thành.

Khi cố gắng ứng phó với xung đột bằng thái độ nhẹ nhàng, bạn không chỉ đạt được những kết quả tích cực mà còn loại bỏ được nhiều căng thẳng. Nói cách khác, cách cư xử nhẹ nhàng sẽ giúp bạn cảm thấy dễ chịu ngay cả khi bạn phải đối mặt với những vấn đề vốn được xem là khó khăn. Thái độ đó còn giúp bạn tránh được nhiều xung đột, và nếu có thì chúng cũng nhanh chóng được giải quyết ổn thỏa. Bạn nhận được sự hợp tác và tôn trọng từ mọi người. Và quan trọng nhất, bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn.

Chính vì thế, nếu xảy ra xung đột với ai đó, hãy cố gắng xử sự nhẹ nhàng hơn. Nếu bạn muốn có được một cuộc sống thanh thản thì đây là thời điểm tuyệt vời nhất để bắt đầu.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.