Vượt Lên Những Chuyện Nhỏ Trong Công Việc

Tránh lối suy nghĩ “Giá mà… thì…”



Lần đầu tiên tôi tiếp xúc với bí quyết này là khoảng hai mươi năm về trước. Tôi để ý thấy nhiều người trong chúng ta mắc phải khuynh hướng “Giá mà… thì…” này; và gần như luôn cảm thấy căng thẳng. Về phía mình, khi tôi nhận thấy tác hại của khuynh hướng này, tôi cố gắng loại bỏ nó và đã giảm được sự căng thẳng trong cuộc sống. Không những thế, tôi nhận ra rằng mình luôn thích thú với công việc và cũng làm việc hiệu quả hơn. Tôi hy vọng bạn có thể nhận thấy lợi ích của bí quyết này như tôi và áp dụng nó trong cuộc sống của mình.

Lối suy nghĩ “Giá mà… thì…” này liên quan đến khuynh hướng thường thấy của ta: thuyết phục bản thân rằng nếu có một vài điều kiện nhất định nào đó được đáp ứng thì ta mới cảm thấy hạnh phúc hoặc yên tâm. Nó là một dạng của mong ước, tưởng tượng mọi việc sẽ khác đi hoặc trở nên tuyệt vời hơn. Sau đây là một số ví dụ cơ bản: “Giá như kiếm nhiều tiền hơn, mình sẽ thấy an tâm hơn”; “Giá như được chú ý hay tín nhiệm hơn, mình sẽ cảm thấy tốt hơn”; “Giá như anh ấy (cô ấy) thay đổi, cuộc sống của mình sẽ tốt hơn biết bao”; “Giá mà có vài chuyến đi nghỉ, mình sẽ cảm thấy thoải mái hơn”; “Giá mình được sống trong ngôi nhà rộng hơn, mình sẽ cảm thấy mãn nguyện”. Và còn hàng ngàn những mong ước khác.

Để nhìn ra mặt tiêu cực của suy nghĩ “Giá mà…. thì….” này, điều bạn cần làm là hãy nghĩ lại những lúc bạn tự nhủ về những mong ước tương tự, rồi sau đó bạn đạt được tất cả chúng nhưng vẫn không cảm thấy hài lòng, hoặc nếu có hài lòng thì cũng chẳng được bao lâu!

Chẳng hạn, bạn tự nhủ rằng nếu như bạn có chiếc xe mới, bạn sẽ thấy tuyệt vời hơn. Nhưng sau một hoặc hai ngày có được chiếc xe như ý đó, sự háo hức trong bạn biến mất. Hoặc bạn tự nhủ một mối quan hệ mới sẽ đáp ứng những nhu cầu của bạn, nhưng khi đã tìm thấy “đối tác tuyệt vời” thì bạn lại phát hiện ra những vấn đề mới của người này. Bạn kiếm tiền nhiều hơn lúc trước nhưng vẫn cảm thấy lo lắng, để rồi lại muốn kiếm nhiều tiền hơn nữa.

Kiểu suy nghĩ này sẽ hủy hoại tinh thần của chúng ta, bởi vì khi mong ước được ở nơi khác, làm việc khác hay có cuộc sống khác, nghĩa là ta luôn cảm thấy căng thẳng trong hiện tại. Lúc ấy, ta tự nhủ rằng: “Mình sẽ hạnh phúc sau vậy, khi mọi thứ đã đổi khác”. Đã bao nhiêu lần bạn không biết ơn cuộc sống về những điều mình đã nhận được trong hiện tại chỉ vì mải tưởng tượng những niềm vui sắp tới, khi mọi thứ được thay đổi? Bạn sẽ không thể hài lòng với hiện tại nếu cứ lo lắng về tương lai, bởi vì khi ấy, tâm trí bạn không tập trung cho hiện tại mà đang mải hướng về nơi khác.

Tất nhiên tôi không khuyên bạn đừng quan tâm đến những gì sắp diễn ra hay đừng lên kế hoạch cho tương lai. Và tôi cũng không bảo bạn đừng làm việc chăm chỉ để đạt được mục tiêu. Đó là những điều mà bạn nên làm. Ở đây, tôi chỉ đề cập đến khuynh hướng bỏ rơi cuộc sống hiện tại chỉ để chăm chăm mơ đến tương lai mà thôi. Vậy nên, bất kể là chủ doanh nghiệp hay người làm thuê thì bạn cũng đừng quên tận hưởng hiện tại. Hãy nhớ rằng hạnh phúc là một hành trình chứ không phải là đích đến. Cha tôi thường nói với tôi: “Nếu con bắt đầu đi lên từ bậc thang dưới cùng, hãy tận hưởng nó nhiều nhất có thể. Vì khi đã bước đi, con sẽ không bao giờ gặp lại nó nữa”. Tôi tin câu nói đúng đắn này có thể được áp dụng cho tất cả mọi việc. Khi để tâm và cống hiến hết mình cho hiện tại, bạn sẽ phát huy được những phẩm chất tốt nhất của mình.

Vì vậy, hãy tiến tới và làm tất cả những gì bạn có thể, hãy mơ giấc mơ của bạn và không ngừng lên kế hoạch; nhưng đừng bao giờ quên rằng để cảm thấy hài lòng trong cuộc sống, thì thay vì mơ về đích đến, bạn hãy tận hưởng cuộc hành trình.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.