Hãy Tin Rằng Bạn Đươc Yêu Thương

Chương 5: Bạn là phải dũng cảm



Hãy cho tôi biết điều gì khiến bạn lo âu, và hãy tin rằng tình yêu của tôi sẽ giúp bạn xua tan nỗi sợ hãi. Hãy mạnh mẽ và dũng cảm vì tôi sẽ cùng bạn vượt qua bất kì cuộc đấu tranh nào.

Với tôi, tuyệt đối không có gì là khó khăn cả, bạn nhỏ à. Tôi sẽ nâng đỡ bạn và sẽ không bao giờ để bạn gục ngã.

Yêu mến

Bạn có biết rằng lòng dũng cảm cũng có thể lây không? Có đấy. Và không ai tốt hơn một người bạn truyền cho ta lòng dũng cảm. Một căn phòng tối tăm, u ám có thể khiến bạn cảm thấy vô cùng hoảng sợ khi bước vào một mình; nhưng nếu có một người bạn bên cạnh, uy lực của bóng tối thế nào cũng bị đẩy lùi, và nỗi sợ hãi cũng tan biến.

Vượt qua nỗi đau trong chuyện tình cảm dường như vô cùng khó khăn khi bạn chỉ có một mình, nhưng khi được một người bạn động viên, ắt hẳn bạn sẽ thấy một ngày mai hoàn toàn tươi sáng.

Thậm chí có lúc bạn không thể khẳng định dứt khoát ai là người đầu tiên ươm những hạt mầm dũng cảm, mà thật ra cũng không cần thiết phải nhận ra điểm khởi đầu. Ánh hào quang của lòng dũng cảm đang tỏa rạng kia, có thể là từ tâm hồn của người bạn, nhưng cũng có thể là ánh sáng phản chiếu từ lòng dũng cảm của chúng ta.

Chắc hẳn bạn đã từng đọc một câu chuyện trong Phúc âm. Khi đi trên mặt biển theo lời gọi của Chúa Jesus, vị tông đồ Peter đã đi những bước vững vàng nhờ lòng can đảm của người khác. Ông nhìn thấy sự dũng cảm và thái độ tự tin trên gương mặt Chúa, và sự dũng cảm đó đã biến thành sự dũng cảm của chính ông. Khi lòng dũng cảm trong Peter giảm bớt, thì bàn tay của người bạn lớn trung thành đã đưa ra, cứu ông khỏi bị nhấn chìm trong biển cả dậy sóng.

Khi sự dũng cảm trong bạn yếu đi, hãy tìm đến một người bạn và mượn tạm một ít dũng cảm của người ấy. Và nếu người mà bạn yêu quý đang run rẩy, hãy đưa cánh tay vững chắc của bạn ra để truyền thêm sức mạnh và sự bình an cho con tim yếu đuối của bạn mình. Sự dũng cảm có thể lan tỏa từ tâm hồn này đến tâm hồn khác chỉ bằng thái độ cảm thông chia sẻ, hay câu nói khích lệ nhẹ nhàng. Sự dũng cảm mà Cha trên trời đã ban tặng không phải để dành riêng cho một ai – mà phải chia sẻ nó với bạn bè.

Đã có những lúc chúng ta không thể diễn tả được nỗi đau của mình, ngôn ngữ của một người bạn gái còn có ý nghĩa hơn những gì được nói ra.

Chonda Pierce

Tammy cho rằng họ đã chuẩn bị chu đáo và ở trong tư thế sẵn sàng cho cuộc vượt cạn của Jana…

Cùng thành công trong “một việc khó nhọc”

Khi hấp tấp chạy trên hành lang bệnh viện, Tammy nghe được tiếng rên la của Jana vọng tới. Tammy tự hỏi: “Mình thật rối trí quá! Điều gì đã khiến mình nghĩ rằng, mình có thể trở thành người hướng dẫn Jana sinh nở thế nhỉ? Chỉ mới bắt đầu chuyển dạ thôi, nhưng Jana đã mất bình tĩnh rồi. Làm sao bây giờ?”

Nhưng Tammy đã hứa với Jana, và dĩ nhiên Tammy sẽ giữ lời.

Cách đây hơn một năm, Jana vào làm việc ở một văn phòng luật sư, nơi Tammy đang làm trưởng phòng hành chính. Chẳng bao lâu, hai cô gái đã trở thành bạn thân tuy họ có rất ít điểm giống nhau. Con cái của Tammy đã vào đại học, trong khi con của Jana, đứa lớn đang học tiểu học và đứa bé thì mới vào mẫu giáo. Tammy thích cắm trại, đi bộ đường dài, và chơi những trò mạnh mẽ làm lấm lem bùn đất khắp người. Ngược lại, Jana chỉ biết khép mình trong cuộc sống gia đình, phụ thuộc vào các tiện nghi hiện đại hơn là vận động thỏa sức trong thiên nhiên.

Khi Jana biết mình có thai, ngoài Wayne – chồng cô – thì Tammy là người đầu tiên được Jana báo tin vui đó. Hai người bạn sung sướng rủ nhau đi ăn mừng sự kiện này. Mặc dù Jana và Wayne không dự định sinh thêm con, nhưng thực sự trong thâm tâm, vợ chồng họ vẫn thích có thêm đứa nữa. Vì thế, đứa con thứ ba này được cha mẹ nó đón nhận trong tâm trạng ngập tràn hạnh phúc.

Nhưng sau khi Jana khám thai, niềm hạnh phúc ấy dường như giảm bớt, thay vào đó là nỗi lo âu và bối rối. Jana nhắn Tammy đến gặp cô trong phòng nghỉ ở nơi làm việc. Ngồi ở một góc bàn, Jana bắt đầu khóc:

– Lần mang thai này mình cảm thấy rất vui, thậm chí mình còn không nghĩ đến việc mua bảo hiểm cho đến sáng nay, khi mình gặp bác sĩ. Vài tháng trước, Wayne và mình đã tính toán nhầm khi mua bảo hiểm, nên bây giờ bọn mình có thể phải mất thêm tiền khi sinh nở. Chi phí cho một ca sinh nở bây giờ đã tăng lên gấp 3 lần! Người bán bảo hiểm ở văn phòng bác sĩ nói rằng, vợ chồng mình có thể thanh toán cho bác sĩ từng tháng một, nhưng khổ một điều là phí gây tê màng cứng quanh cột sống giờ đã lên đến hàng trăm đôl a. Mình đã sử dụng phương pháp này khi sinh hai đứa đầu, nếu không chắc mình chết vì đau mất. Sao mình lại để có bầu cơ chứ? Ôi, mình thật không biết tính toán gì cả!

Tammy yên lặng lắng nghe, rồi cô xích ghế đến gần Jana và nắm lấy tay bạn:

– Nghe mình này Jana. Mình có ý kiến này, không biết cậu có đồng ý không, nhưng cứ hãy nghe đã. Khi mình sinh em bé, phương pháp gây tê màng cứng không giống bây giờ đâu. Hơn nữa, cậu biết rõ mình mà; mình thích làm mọi việc theo cách tự nhiên, vì thế mình đã tham khảo những lời khuyên của bác sĩ Lamaze và sinh cả hai đứa nhóc mà không cần một chút thuốc tê nào. Mình đã được khuyên rằng, hãy xem việc sinh nở giống như “một công việc khó nhọc” chứ không phải là bị hành hạ “đau đớn”, và mình đã học được vài kỹ thuật giúp bình tĩnh trong lúc chuyển dạ sinh nở. Mình không dám nói là không hề đau đớn, nhưng nhìn chung, đó là một trải nghiệm hữu ích.

– Nhưng mình không giống cậu, Tammy à – Jana than thở – cậu thích những gì tự nhiên, và làm chủ được bản thân. Cậu can đảm và mạnh mẽ hơn mình rất nhiều. Thật sự là mình không thể sinh em bé mà không cần thuốc gây tê.

– Ai nói là không dùng phương pháp giảm đau chứ? Cậu chỉ không dùng đến phương pháp gây tê ngoài màng cứng thôi. Có rất nhiều phương pháp khác có thể làm dịu cơn đau mà.

– Mình không chỉ muốn làm dịu cơn đau! Mình muốn không đau chút nào cơ! Ngoài ra, mình chưa bao giờ nghe nói đến lớp học của bác sĩ Lamaze gì đó! Bác sĩ nào mà rảnh rỗi đến thế chứ!

– Không phải như cậu nghĩ đâu, vì vậy mình mới đưa ra ý kiến này. Cậu nghĩ sao nếu mình trở thành “Huấn luyện viên Lamaze” của cậu? Mình thường mua sách về phụ nữ – trong đó có một vài bản dịch mới xuất bản có thể cần cho chúng mình đấy. Mình có thể chỉ cho cậu những kỹ thuật thở, thư giãn, hướng dẫn cậu trong suốt thời gian thai nghén và chuyển dạ sinh em bé. Cậu nghĩ sao?

– Cậu lẩn thẩn mất rồi, Tammy à! Mình không nghĩ là có cách đẻ không đau đâu.

– Được mà, cậu có thể làm được mà, Jana. Kết hợp phương pháp Demerol với Lamaze, và một ít hướng dẫn khác nữa, chắc chắn cậu có thể làm được. Mình biết cậu có thể mà.

Cuối cùng Jana cũng xuống nước:

– Thôi, được rồi… mình thực sự không có sự lựa chọn nào khác. Khi nào thì mình bắt đầu?

– Tốt nhất là trước ngày sinh của cậu khoảng 6 tuần. Đến lúc ấy, mình sẽ đưa vài quyển sách để cậu và Wayne đọc những hướng dẫn của bác sĩ Lamaze.

Từ đó đến nay đã bảy tháng rưỡi. Tammy thường xuyên ở bên cạnh Jana để giải thích kĩ hơn về các giai đoạn sinh nở, hướng dẫn các kĩ thuật thở, và cách thư giãn trong quá trình chuyển dạ. Tammy cho rằng họ đã chuẩn bị chu đáo và ở trong tư thế sẵn sàng cho cuộc vượt cạn của Jana. Nhưng đến giờ thì Tammy không còn tự tin nữa, nếu không muốn nói là cô đang rất bối rối và luôn tự hỏi: mình sao thế này?

Khi bước vào phòng sinh, cô thấy Jana đau đớn hét to, đồng thời lấy hết sức bấu chặt cánh tay của Wayne. Wayne nhìn Tammy bằng ánh mắt cầu cứu nhanh lên, giúp tôi với!

Tammy vội vã tuột cái túi xách ra khỏi vai, đặt xuống sàn nhà, bước đến bên giường, ngồi đối diện với Jana và cố gắng lấy lại bình tĩnh để giúp bạn:

– Jana, nhìn mình đây! Thả tay Wayne ra, nhìn vào mắt mình và làm theo nhé.

Jana làm theo ngay lập tức. Cô bắt chước Tammy hít thật sâu không khí vào phổi, và thở ra bằng miệng để đẩy hết than khí ra ngoài, gọi là “thở ngực chậm”. Khi cơn chuyển dạ đầu tiên kết thúc, Tammy xoa bóp cánh tay Jana đúng như những bài tập thư giãn mà họ đã luyện tập, và Jana bắt đầu dễ chịu hơn.

– Wayne này, xem thử đã mở được bao nhiêu phân rồi?

– Cách đây ít phút trước khi cô đến, y tá kiểm tra và nói là đã mở được 4 phân.

Tammy nói, cố tạo vẻ tự tin:

– Tốt rồi Jana, vậy thì chúng mình sẽ bắt đầu giai đoạn thở thứ hai, khi cậu lại lên cơn co thắt. Sẵn sàng nhé. Hãy nhớ lại những gì mình đã nói – cậu sẽ vượt qua cơn đau này như cưỡi một con sóng vậy. Cậu nhìn kĩ để biết khi nào cơn co thắt tử cung lên đến đỉnh điểm và khi nào thì nó bắt đầu hạ xuống nhé. Wayne sẽ cho cậu biết khi nào cơn co thắt giảm xuống, để cậu có thể nhìn và biết lúc nào hết cơn. Tất cả những gì cậu phải làm là lần lượt cưỡi qua từng con sóng co thắt. Cần nhất là cậu phải thư giãn, bình tĩnh chuẩn bị cho đứa con yêu quý bé bỏng ra đời. Cậu đã sẵn sàng chưa? Một cơn co thắt khác đang đến đấy.

Jana gật đầu, cô hít sâu vào phổi và thở ra bằng miệng theo cách “thở ngực nông”. Tammmy gật đầu khen:

– Cậu giỏi lắm. Giờ thì nhìn kĩ mình nhé. Nhớ nè, thở chầm chậm và nhanh dần lên khi bụng cậu đau thúc hơn. Cố thở ngắn và đều. Khi nào bớt đau, cậu thở ngắn và chậm lại nhé. Nào, bắt đầu!

Tammy bắt đầu thở như họ đã luyện tập nhiều lần trước đó: “Hít, hít, hít, phù, hít, hít, hít, phù…”

Wayne khích lệ vợ:

– Sắp hết cơn này rồi đó. Cơn đau rồi cũng qua nhanh thôi em thấy không.

Sau khi hít thở sâu lần cuối, Jana phấn khởi nói với chồng:

– Em không sao rồi. La hét om sòm chỉ làm đau đớn hơn thôi. Phương pháp thở này giúp em đỡ đau hơn rất nhiều!

Jana đã trở nên tự tin hơn khiến Tammy thấy phấn chấn, và cả ba người cùng nhau vượt qua các “cơn co tử cung” trong suốt 4 giờ – mỗi người mỗi việc. Chỉ có hai lần – trong giai đoạn chuyển tiếp, khi các cơn co cứ dồn dập ập tới – Jana hoảng hốt vì cô cảm thấy chóng mặt, không đủ sức để thở, nhưng cô không rên la một tiếng nào cả. Đến giai đoạn chuyển dạ cuối, các cơn co thắt trở nên dồn dập và thúc mạnh hơn khiến “huấn luyện viên Lamaze” và sản phụ quýnh quáng giẫm chân lên nhau. Dù đã bớt đau, nhưng Jana có cảm giác phải mau đẩy đứa bé trong bụng ra ngoài. Wayne nháo nhào chạy đi tìm y tá. Cô y tá nói sau khi kiểm tra cho Jana:

– Cô sẵn sàng chưa? Ngay khi tôi gọi bác sĩ đến, cô bắt đầu “đẩy” nhé.

Jana hốt hoảng la lên, gương mặt thất thần:

– Tammy ơi, mình quên cách “đẩy” rồi.

– Không sao đâu, Jana. Mình nhớ mà – Tammy trấn an Jana – Cậu chỉ việc nhìn và làm theo mình, dễ lắm.

Lúc bác sĩ chạy vào phòng cũng là lúc Jana bị cuốn vào cơn co thắt mạnh nhất, Wayne và Tammy đã giúp Jana vượt qua lần “đẩy” đầu tiên. Đến lần “đẩy” thứ tư, đầu của đứa bé ló ra ngoài, và đến lần thứ sáu thì nó đã chui ra khỏi bụng mẹ. Một bé gái! Một bé gái hồng hào xinh xắn đang cất tiếng khóc oe oe chào mọi người.

– Để tôi bế bé – Jana kêu lên. Khi cô y tá đặt em bé vừa ướt vừa trơn lên ngực Jana, cô vừa cười vừa khóc.

– Con bé tuyệt đẹp! Nó thật hoàn hảo! Mình gần như không thể tin được! Bây giờ mình đã hiểu thế nào là mang nặng đẻ đau.

Jana quay sang Tammy:

– Mình chưa bao giờ làm một việc khó khăn như thế trong đời. Nếu không có cậu, Tammy à, mình sẽ không bao giờ làm được điều này. Cậu thật bình tĩnh và tự tin. Cậu đã truyền cho mình sự dũng cảm đấy.

– Mình sẽ cho cậu biết một bí mật – Tammy thú nhận – mình đã sợ đến chết đi được. Mình đã nhận được sự dũng cảm từ cậu mới đúng, Jana à! Sau khi bình tĩnh, cậu đã cưỡi những con sóng đau đớn này một cách nhẹ nhàng.

– Ồ, tôi gần như quên mất! – Wayne nói – Tôi có mang theo máy ảnh. Chúng ta sẽ chụp vài tấm! Tammy, chụp giùm tôi và hai mẹ con cô ấy một tấm nhé?

Thật khó mà nhìn vào ống kính máy ảnh khi nước mắt cứ nhòe trên mi, nhưng Tammy vẫn chụp được vài tấm hình thật đẹp cho gia đình Jana.

– Bây giờ để tôi chụp cho ba người phụ nữ xinh đẹp một tấm hình nhé – Wayne đề nghị. Tammy ngồi sát Jana và cục cưng của cô ấy.

– Được rồi, đếm từ một đến ba nhé, chụp nè 1… 2… 3…

Cùng lúc ấy, Jana và Tammy nhìn nhau rồi cùng quay lại, hướng về máy ảnh. “ Bạn muôn năm” , họ la lớn khi Wayne bấm máy.

Jana âu yếm ôm đứa bé và nở nụ cười hết cỡ với cô bạn thân nhất: “Chúng ta đã thành công, Tammy à! Thế là chúng ta đã thành công!”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.