Hãy để trẻ làm những việc trẻ thích. Việc cha mẹ thay con làm tất cả mọi việc là một trong những nguyên nhân chính hình thành tính cách nhu nhược dựa dẫm của trẻ.
Được làm những việc mình thích sẽ khiến bản thân mình cảm thấy vui. Trẻ được làm những việc mà chúng thích đương nhiên chúng cũng cảm thấy vui.
Hãy để trẻ khám phá thế giới tự nhiên tươi đẹp.
Thế giới tự nhiên tươi đẹp và thần kì ẩn chứa vô vàn tri thức, có thể nói trên thế giới không có người thầy nào tốt hơn thế giới tự nhiên. Chúng ta không nên tách rời trẻ khỏi nó. Cuối tuần, cha mẹ có thể cho trẻ đi khám phá thiên nhiên. Khi trẻ hòa mình vào thế giới tự nhiên, trẻ cảm nhận được sự thần kì huyền diệu trong đó, khả năng quan sát của trẻ sẽ ngày càng nhạy bén, sức tưởng tượng của trẻ sẽ ngày càng phong phú, nhận thức của trẻ về các loài sinh vật ngày càng tinh tế, hơn nữa có thể nâng cao năng lực thưởng thức cái đẹp của trẻ.
Không chỉ như vậy, thế giới tự nhiên tươi đẹp cũng để lại cho trẻ những ấn tượng và kí ức tốt đẹp, đây có thể coi là của cải quý giá không thể cân đong đo đếm được. Trong cuốn sách Chơi qua tiểu học(*), con gái Phạm Khương Quốc Nhất (Y Y) của tôi đã miêu tả cảm giác “vui bất tận” của một ngày làm ngư ông, đi hái táo, ngồi trên xe điện đi dã ngoại… Những kí ức này sẽ theo con đi suốt cuộc đời.
____________
(*) Chơi qua tiểu học là cuốn sách của tác giả Phạm Khương Quốc Nhất – con gái của Đông Tử, được xuất bản vào năm 2006, tại Nhà xuất bản Trẻ em Hồ Nam.
Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha
1. Làm thỏa mãn cảm giác vui vẻ và cảm giác có thu hoạch của trẻ
Thời thơ ấu có rất nhiều sắc màu, niềm vui và tiếng cười luôn ngập tràn trong cuộc sống của trẻ.
Chỉ cần để ý, chúng ta sẽ phát hiện ra những thứ mà trẻ đặc biệt quan tâm qua hành vi ngôn ngữ của trẻ. Khi trẻ đi bộ bên ngoài, trẻ sẽ đếm những viên gạch dưới chân và đi từng bước theo từng viên gạch, sau đó đếm loạn lên, cuối cùng cười phá lên rồi bắt đầu đếm lại. Trẻ cũng sẽ cảm thấy thú vị khi xiêu vẹo bước theo chiếc bánh xe màu lăn đi lăn lại. Có thể đối với người lớn đây là những việc vô vị, nhưng khi nhìn thấy nụ cười trên khuôn mặt rạng rỡ của trẻ, chúng ta sẽ hiểu trẻ đang rất vui vẻ.
Có khi ngồi trên thảm cỏ rộng lớn, trẻ sẽ rất ngạc nhiên phát hiện ra ở đây có một con sâu rất to. Thế là trẻ sẽ thắc mắc ở bên dưới thảm cỏ sẽ có cái gì. Trẻ bò trên thảm cỏ, đứa dùng tay, đứa cầm cành cây, tìm kiếm dưới thảm cỏ: “Ha ha, nhanh lại đây xem, tớ tìm được thứ này này”. Sau khi cẩn thận lau sạch đám bùn đất bám trên đồ vật thì phát hiện ra hóa ra nó là một viên đá nhỏ. Trong chốc lát có thể chúng sẽ nản lòng. “Không sao, mình tìm tiếp”. Sau một thời gian đào bới, lật tung cả rễ cỏ lên để tìm báu vật, chúng thu được một số chiến lợi phẩm: vài mẩu gỗ xếp hình bị hỏng, mấy cái vỏ ốc sên, còn có một ít xác chết khô của mấy con sâu nhỏ… Có thể những thứ này thật sự không có ý nghĩa gì, nhưng trên khuôn mặt trẻ, trong ánh mắt trẻ chúng ta thấy hiện lên hai chữ “vui vẻ”.
Lợi ích đầu tiên của việc để trẻ làm những điều trẻ thích đó là thỏa mãn cảm giác vui vẻ và cảm giác có thu hoạch của trẻ.
2. Chia sẻ niềm vui cùng trẻ
Nhà văn nổi tiếng Chu Tự Thanh(*) từng nói: “Phải để trẻ tự rèn luyện, không thể bao bọc trẻ giống như gà con suốt ngày ẩn dưới đôi cánh của mẹ, như vậy cả đời trẻ sẽ không có triển vọng”. Có một số phụ huynh không cho trẻ làm bất cứ việc gì mà không biết rằng cuộc sống sung sướng, thoải mái, bình lặng, yên ổn sẽ cướp đi của trẻ cơ hội thể hiện bản thân, cuộc sống cơm bưng nước rót sẽ làm giảm khả năng sống tự lập của trẻ. Do đó, muốn bồi dưỡng trẻ thành một người mạnh mẽ, trước hết cha mẹ phải cổ vũ trẻ làm những việc trong khả năng của mình, để trẻ học cách sống tự lập, cách rèn luyện bản thân.
_____________
(*) Chu Tự Thanh (1898-1948) tên thật là Tự Hoa, hiệu Thu Thực, sau cải tên thành Tự Thanh, tự Bội Huyền. Ông là tác giả nổi tiếng thành danh ở thể loại tản văn, thơ với phong cách nghệ thuật độc đáo.
Y Y ngay từ lúc 5 tuổi đã thường xuyên chủ động giúp mẹ làm việc nhà trong đó công việc nổi bật nhất là nấu cơm. Nghe chúng tôi kể, ngay từ tấm bé chúng tôi đã biết nấu cơm rồi, Y Y liền rất hào hứng muốn thử nấu cơm, con nài nỉ mấy lần nhưng tôi không đồng ý bởi xét đến vấn đề an toàn khi sử dụng gas, tôi không an tâm. Nhưng con vẫn giúp chúng tôi những việc như nhặt rau, rửa rau. Nhiều khi tôi đang bận bịu trong bếp, con chạy vào, nói: “Cha ơi, cho con làm trợ thủ của cha nhé!”. Sau đó, Y Y không cam tâm chỉ làm ”trợ thủ”, con muốn tự mình vào bếp nấu một lần. Qua lần sinh nhật con tròn 8 tuổi không lâu, dưới sự hướng dẫn của tôi, Y Y lần đầu tiên làm đầu bếp nhưng đáng tiếc chân tay vụng về, làm món trứng sốt cà chua không thể ăn nổi.
Sau đó không lâu, Y Y học cách làm bánh mật ong dạy trên truyền hình, thế là thêm một lần nữa lại “vào trận chiến” dưới sự giám sát của mẹ. Theo lời dặn dò của Y Y, vợ tôi chuẩn bị cho con đầy đủ các nguyên liệu như bột mì, đường, sữa, trứng, mật ong, dầu thực vật… Thế là Y Y bắt đầu “công trình” của mình. Đầu tiên con cho nước vào bột mì nguấy đều lên, tiếp đó lại cho đường, trứng, sữa, mật ong vào nhào cùng. Sau đó để cục bột mì đã nhào được lên thớt, chia thành các miếng nhỏ, nặn thành những miếng bánh mỏng đều nhau. Y Y đặt nồi lên bếp, bật bếp, đợi nồi nóng, cẩn thận đổ dầu vào nồi rồi cho bánh vào nồi. Khi dầu đã nóng, Y Y hốt hoảng nhìn. “Không được rồi, hỏng rồi”. Con vừa nói vừa vội vàng lật bánh. Tay con không cẩn thận cọ vào nồi, đau quá! Con giơ tay lên thổi, có vẻ đau lắm nhưng nhất định không cho mẹ xem, mà vẫn tiếp tục làm món bánh của mình.
Trong chốc lát, trong nồi tỏa ra hương thơm, cả hai mặt của bánh đã được rán vàng, có thể gắp ra. Y Y tắt bếp cẩn thận rồi dùng thìa xúc bánh vào đĩa, bê đến bàn ăn. Khi con nói “Cả nhà ăn cơm thôi”, nhìn con như một anh hùng. Cả nhà tôi hạnh phúc thưởng thức món ăn của con.
3. Cho trẻ sự tự do về tâm hồn
Tuổi thơ tôi mặc dù vật chất nghèo nàn thiếu thốn, nhưng tâm hồn tôi rất phóng túng tự do, tôi lớn lên mà không có bất kì gánh nặng và sự gò bó nào. Bởi thời đó không có áp lực học tập, không có những bài tập chờ đợi, không có sự kì vọng lớn lao của cha mẹ và thầy cô; tôi có thể tự do đi khám phá thiên nhiên, nặn đất, đuổi bướm hái hoa, thoải mái cùng anh chị em bạn bè chơi những trò chơi mà mình thích như bịt mắt bắt dê, cảnh sát bắt kẻ trộm… Khác với trẻ em hiện nay, vừa tan học là cắm đầu vào làm bài tập, tôi có thể chạy nhảy ở ngoài đồng đến tối mới về nhà; tôi có thể thỏa thích nhào lộn trên bãi đất, mà không bị cha mẹ giám sát suốt ngày, lo con làm bẩn quần áo do va vào cái này vấp vào cái kia; tôi có thể cả ngày đi theo đoàn kịch về thôn biểu diễn, mà không bị cha mẹ thúc đi học thêm lớp này lớp kia…
Sống trong những ngôi nhà như cái lồng chim giữa khu đô thị cao ốc hiện đại, nhu cầu hoạt động ngoài trời của con người càng ngày càng yếu, hoạt động ngoài trời của các trẻ dần bị coi thường, thậm chí bị hạn chế. Ngày nay, cảnh chiều chiều những đám trẻ cùng nhau chơi nhảy dây, ném cầu như trước đây ngày càng khó gặp.
Ngoài nguyên nhân khách quan là kiến trúc đô thị ngày càng chật hẹp, không gian chơi của trẻ bị mất đi, nguyên nhân chủ yếu của việc trẻ mất quyền được hoạt động ngoài trời xuất phát từ tư tưởng của cha mẹ. Hiện nay mỗi gia đình chỉ có một con, cha mẹ giữ con khư khư cả ngày bên mình, cho con ra ngoài chơi thì sợ có vấn đề xảy ra với con. Cha mẹ nghĩ con ra ngoài chơi rất mệt, lại thêm bụi bẩn… nên cho rằng để con ở trong nhà là an toàn nhất, cha mẹ cũng yên tâm nhất.
4. Cho trẻ niềm vui thuộc về mình
Để trả lại cho con niềm vui vốn thuộc về con, tôi luôn để Y Y chơi thoải mái các trò chơi mà con thích, đương nhiên các trò chơi này đều phải đảm bảo tính an toàn. Tôi luôn kiên trì một quan điểm: Trong quá trình trẻ trưởng thành, vui chơi là một phần không thể thiếu. Cho nên, không chỉ để trẻ vui chơi thoải mái, mà còn để trẻ chơi cả ở nhà và thế giới bên ngoài rộng lớn.