Một người cha tốt làm bất kì việc gì có ích, đều phải quyết tâm, kiên trì, có nghị lực, không sợ khó khăn.
Phẩm chất tốt là điều kiện đầu tiên đảm bảo sự thành công của một con người, một nhân cách vĩ đại dần dần được hình thành trong một môi trường tốt đẹp. Gia đình là trường học đầu tiên của trẻ, cha mẹ là những người thầy đầu tiên của trẻ. Những phẩm chất mà trẻ thể hiện thường chịu sự ảnh hưởng ngầm từ người cha; đối tượng đầu tiên mà trẻ tôn kính chính là người cha của mình.
Sức mạnh của một tấm gương là vô cùng to lớn.
Nhà giáo dục Tôn Kính Tu (1901-1990) đã từng nói: “Mắt của trẻ là camera, tai của trẻ là máy ghi âm, não của trẻ là máy tính”. Ông so sánh như vậy là để nhấn mạnh các phụ huynh phải chú ý đến mọi hành vi của mình. Ngoài việc dạy dỗ trẻ trong gia đình, các phụ huynh phải dạy dỗ trẻ ngoài xã hội, phải bồi dưỡng trẻ trở thành một thành viên tốt của xã hội. Sự giáo dục trên phương diện này chủ yếu dựa vào việc cha mẹ làm gương cho trẻ bằng hành động của bản thân.
Nếu bạn đi cùng trẻ trên phố, bạn nhất định phải tuân thủ luật lệ giao thông, phải đi ở vạch đường hoặc phần đường của người đi bộ, không được vượt đèn đỏ, phải bảo vệ tài sản chung, phải giữ vệ sinh công cộng, không được hái ngắt hoa trong công viên và chú ý bảo vệ môi trường.
Giáo dục gia đình đối với trẻ, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ, chủ yếu dựa vào hành vi chứ không phải dựa vào lời nói. Trong chương trình tư vấn giáo dục gia đình, Đông Tử thường thấy các phụ huynh nói: “Tôi đã giảng giải đạo lí rất nhiều, nhưng mà trẻ không nghe”. Những phụ huynh này giáo dục trẻ bằng lời nói. Mà thực chất của việc giáo dục trẻ chính là giáo dục bản thân mình. Làm được như vậy chúng ta mới là những người cha người mẹ đạt tiêu chuẩn.
Một người cha tốt làm bất kì việc gì có ích đều phải quyết tâm, kiên trì, có nghị lực, không sợ khó khăn. Những phẩm chất này cũng được biểu hiện trong việc giáo dục con cái. Dạy được trẻ không phải là chuyện một sớm một chiều. Giai đoạn nhi đồng là giai đoạn mà khả năng mô phỏng của trẻ rất mạnh, khả năng phân biệt lại rất yếu. Trẻ dễ tiếp nhận những ảnh hưởng tốt nhưng cũng dễ nhiễm những ảnh hưởng xấu, dạy dỗ trẻ cho tốt không phải là chuyện đơn giản.
Người cha hiểu được trong cuộc sống phải không ngừng nâng cao bản thân, biết nắm bắt thời cơ dạy dỗ trẻ mới là một người cha thông minh. Bồi dưỡng cho trẻ những phẩm chất đạo đức tốt từ nhỏ là sự tích lũy những tài sản quý báu cho cuộc sống sau này của trẻ. Chúng ta nên cho trẻ những phẩm chất như thế nào, cho trẻ học những điều gì?
Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha
1. Hình thành thói quen tốt
Thói quen là những hành vi, xu hướng, phong cách xã hội được hình thành trong một thời gian dài, khó có thể thay đổi trong thời gian ngắn. Nhà triết học người Anh Francis Bacon (1561-1626) đã từng nói: “Suy nghĩ của con người quyết định bởi động cơ, nhưng hành vi đa phần quyết định bởi thói quen. Thói quen là sức mạnh to lớn, nó có thể quyết định cuộc đời một con người”. Thực ra, hạnh phúc hay không hạnh phúc, quyết định bởi thói quen của bạn. Bồi dưỡng một thói quen tốt, có thể cuộc đời của bạn sẽ thay đổi!
Tại sao thói quen lại có ảnh hưởng lớn như vậy? Bởi vì “Sức mạnh của thói quen lớn hơn rất nhiều so với lí trí”. Một khi thói quen đã hình thành, thì không cần dùng đến trí nhớ, nó sẽ phát huy tác dụng một cách dễ dàng và tự nhiên.
Mấy năm trước, trong một buổi họp mặt của những người từng đạt giải Nobel, nhà báo đã phỏng vấn một nhà khoa học rằng: “Xin hỏi, ngài học được điều mà ngài cho là quan trọng nhất ở trường học nào?”. Vị này bình tĩnh trả lời: “Ở trường mầm non”. “Ngài học được điều gì ở trường mầm non?”. “Tôi học được việc chia một nửa đồ của mình cho bạn, không phải đồ của mình thì không được cầm, trước khi ăn phải rửa tay, làm việc gì sai phải xin lỗi, sau khi ăn cơm trưa phải nghỉ ngơi, phải quan sát kĩ thế giới tự nhiên”.
Câu trả lời bất ngờ của nhà khoa học này cho thấy việc hình thành thói quen ngay từ nhỏ có một ý nghĩa quyết định đối với cuộc đời của một con người. Cho nên, tục ngữ Trung Quốc có câu: “3 tuổi nhìn lớn, 7 tuổi nhìn già”, câu này có nghĩa là từ thói quen lúc nhỏ của trẻ có thể đoán được tương lai khi trẻ trưởng thành.
Đương nhiên, việc hình thành những thói quen tốt của trẻ còn phải dựa vào cha mẹ. Vì vậy, việc đầu tiên người cha phải làm là giúp trẻ hình thành những thói quen tốt.
2. Cần cù, tiết kiệm và có kỉ luật
Cần cù, tiết kiệm là nền tảng để lập quốc và lập thân. Hai phẩm chất này tương trợ cho nhau. Những người lười biếng không hiểu làm ra của cải vật chất không hề dễ dàng, thường sẽ không biết trân trọng thành quả lao động.
Mỗi người cha đều phải có tinh thần cần cù tiết kiệm, đồng thời phải phát huy tinh thần quý báu này trong gia đình. Theo điều tra, những gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn, thì tinh thần cần cù tiết kiệm của trẻ lớn hơn rất nhiều so với những trẻ sống trong những gia đình giàu có. Điều này nhắc nhở chúng ta, càng có tiền, chúng ta càng phải biết tiết kiệm, và phải dạy dỗ con biết tiết kiệm. Dù nhân loại có phát triển đến giai đoạn nào, thì cần cù tiết kiệm vẫn luôn luôn là một phẩm chất tốt đẹp.
Một người muốn có đức tính cần cù tiết kiệm, thì cần phải có tinh thần kỉ luật cao, muốn có được thành công hay tiến bộ thì cũng không thể thiếu tinh thần kỉ luật. Trẻ sẽ ghi nhớ trong lòng việc người cha có nghiêm khắc yêu cầu và kiên trì bền bỉ với bản thân hay không. Một người cha có ý chí kiên cường, mới có thể yêu cầu trẻ tự quản lí bản thân. Nếu các phụ huynh không biết khống chế bản thân, thường xuyên lơi lỏng, nói không giữ lời, thì không thể nuôi dạy trẻ tốt.
3. Ham học hỏi, chịu suy nghĩ
Ham học hỏi, chịu khó suy nghĩ là tiền đề giúp con người mở rộng tầm nhìn, xây dựng nền tảng tri thức tốt đẹp, giải quyết vấn đề một cách sáng tạo. Những người lười học hỏi, không chịu động não sẽ không sáng tạo được gì.
Nhà thơ nổi tiếng người Ấn Độ Tagore (1861-1941), hồi nhỏ do học kém nên bị nhà trường đuổi học. Cha ông vì muốn nuôi dạy con trai thật tốt, nên đã lấy bản thân mình làm gương để gây ảnh hưởng cho con trai. Mỗi buổi sáng sớm, ông gọi con trai dậy, hai cha con cùng nhau ngâm thơ cổ. Sau bữa sáng, ông bảo con trai ngồi xuống, nghe ông đọc kinh văn, sau đó ra ngoài đi tản bộ, vừa tản bộ vừa giảng giải các loại tri thức. Khi về đến nhà, ông lại dạy con trai học tiếng Anh. Buổi tối, hai cha con cùng nhau học tập, giảng giải những tri thức về thiên văn học, kiến thức của Tagore ngày càng rộng lớn. Người cha truyền đạt lại tri thức trong những cuốn sách trong nhà cho con, Tagore đọc hết những cuốn sách nổi tiếng, sau đó viết nên bài thơ đầu tiên của mình. Dưới sự dạy dỗ tận tâm của người cha và sự nỗ lực của bản thân, Tagore đã trở thành một nhà thơ lớn của thế giới.
Chúng ta phải học tập người cha của Tagore về tinh thần ham học hỏi, ham hiểu biết. Hãy trở thành một người cha, người mẹ thích học hỏi, thích động não suy nghĩ.
4. Văn minh, thân thiện
Cha mẹ văn minh, lịch sự thì con cái sẽ học theo để trở thành một con người văn minh, lịch sự. Cha mẹ sống hòa thuận với người khác, đoàn kết với người thân và bạn bè, có tinh thần giúp đỡ người khác, trẻ cũng sẽ biết sống hòa thuận với người khác, cũng biết làm nhiều việc tốt. Có một số phụ huynh không coi trọng sự văn minh, lịch sự, chỉ biết đến bản thân mình, lạnh lùng với người khác, điều này vô cùng bất lợi đối với sự trưởng thành của trẻ. Bởi trong xã hội, không ai thích những người không văn minh lịch sự, không thân thiện.
Xã hội giống như một gia đình lớn, mọi người tôn trọng và muốn giao lưu với những người văn minh thân thiện, điều này tạo điều kiện cho sự thành công sau này của người đó. Điều đáng tiếc là có phụ huynh lại nói với trẻ: “Ai đánh con thì con đánh lại, ai mắng con thì con mắng lại”. Có phụ huynh khi con mình bị một đứa trẻ khác tát, liền dẫn con đến trường tìm đứa trẻ đó, trước mặt mọi người tát đứa trẻ đó một cái và nói: “Con trai, nhớ kĩ, phải làm như vậy!”. Thực ra, có nhiều cách giải quyết tốt hơn. Cái tát của người cha có lẽ sẽ làm mất đi một đứa trẻ văn minh và thân thiện.
5. Lạc quan, khoan dung
Lạc quan là biểu hiện tổng hợp của tấm lòng rộng mở, tự tin, dũng cảm đối mặt với khó khăn, hài hước… Cuộc sống có nhiều trắc trở, luôn lạc quan là một điều không hề dễ dàng, cần phải không ngừng rèn luyện. Phẩm chất lạc quan của cha mẹ dần dần sẽ truyền sang con cái, sẽ có lợi trong cuộc đời sau này của trẻ.
Trên xe buýt đông đúc, bạn dắt trẻ và bị người khác va vào, người đó vội vàng nói “Xin lỗi” rồi xuống xe, nhưng bạn lại nổi giận: “Xin lỗi là được sao?”. Gặp tình huống như vậy, có người la hét, mắng mỏ, thậm chí còn xảy ra cãi vã đánh nhau. Lúc này, hình ảnh của bạn trong lòng con sẽ như thế nào? Chỉ cần một câu “Không sao” hay là một nụ cười thì sẽ khác.