Đồng thời với việc buông tay để trẻ tự mạo hiểm khám phá cuộc sống, chúng ta hãy nhắc trẻ chú ý đến những nguy hiểm đang rình rập xung quanh, dạy chúng phải có ý thức tự cứu mình trong những tình huống nguy hiểm, có như vậy trẻ mới có thể trưởng thành khỏe mạnh.
Dạy trẻ đối phó, biết tự cứu mình khi gặp nguy hiểm là bài học không thể thiếu trong giáo dục gia đình. Nó không chỉ bồi dưỡng cho trẻ khả năng tự cứu sống bản thân, mà nó còn bồi dưỡng ý thức phòng bị và tinh thần trách nhiệm với xã hội. Bài học này phải được dạy từ khi trẻ còn nhỏ. Ví dụ như chúng ta dạy trẻ rằng khi gặp hỏa hoạn, trẻ phải hô to để báo cảnh sát, khi đã thoát ra ngoài thì phải kêu to để người khác thoát ra theo. Nghĩa là chúng ta chỉ dạy cho trẻ kĩ năng thoát thân, mà không được để trẻ tham gia hoạt động cứu hỏa, không cổ vũ trẻ làm anh hùng cứu hỏa. Dạy trẻ những kiến thức phòng tránh tai nạn, tự cứu bản thân khi gặp nguy hiểm. Ví dụ khi đi trên các phương tiện công cộng như xe buýt, xe khách phải chú ý quan sát vị trí “cửa thoát hiểm”; khi đi trong thang máy, phải chú ý nút bấm báo xảy ra sự cố. Những kiến thức này được tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Dạy cho trẻ những điều này có thể nâng cao ý thức phòng chống tai nạn của trẻ.
Mấy hôm trước, một người bạn của tôi đến nhà họ hàng chơi, bất chợt nghe thấy tiếng trẻ con kêu cứu ầm ĩ bên ngoài, liền vội chạy ra xem. Thì ra nhà hàng xóm vì có việc gấp vội đi ra ngoài nên quên tắt bếp gas, lúc đó chỉ có một bé gái khoảng 12, 13 tuổi ở nhà. Khi bếp gas bùng lên, bé gái đó sợ đến nỗi chẳng biết làm thế nào, chỉ biết quỳ xuống đất kêu khóc. May có anh bạn đến chơi phát hiện ra liền gọi người đến dập lửa. Báo Đô thị Giang Nam ra ngày 4 tháng 4 năm 2008 đã đưa tin: Một buổi chiều sau khi tan học, hai cậu bé khoảng 8 tuổi ở Nam Cương gặp một người phụ nữ lạ mặt ở cổng trường. Người này nói cho mỗi em 50 tệ, rồi còn mua rất nhiều đồ ăn vặt cho hai em và đưa hai em đi chơi. Hai cậu bé này đi theo người phụ nữ lạ mặt đến gần An Xưởng, Giang Tây. Tình cờ một người bạn của cha mẹ hai đứa trẻ bắt gặp, người này liền báo ngay cho cha mẹ chúng. Khi cảnh sát được báo tin, người phụ nữ buôn bán trẻ em này ngay lập tức bị bắt.
Số liệu thống kê cho thấy, ở Trung Quốc, những tai họa ngoài ý muốn là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thương vong của trẻ dưới 14 tuổi. Các nhà chức trách cho biết, có thể tránh được khoảng 80% những trường hợp tử vong ngoài ý muốn nhờ những biện pháp dự phòng và xử lí kịp thời trong nguy cấp.
Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha
1. Dạy trẻ học cách phân biệt lời dụ dỗ
Thường ngày các bậc cha mẹ nên dạy trẻ cảnh giác với những người lạ hỏi đường hoặc nhờ tìm đồ bị mất, bởi đây là hai cách chủ yếu mà các phần tử dụ dỗ lừa gạt trẻ em thường sử dụng. Có trường hợp kẻ xấu vờ quen trẻ, gọi được tên của trẻ (thực ra hắn có thể nhìn thấy tên của trẻ thêu trên đồng phục hoặc khi theo dõi nghe thấy người khác gọi tên trẻ như vậy); cũng có kẻ gian tự xưng là nhân viên phòng cháy chữa cháy để lừa trẻ. Vì vậy, ta nên nói với con rằng bất kì ai, kể cả cảnh sát hay nhân viên cứu hỏa, khi chưa được người giám hộ của trẻ cho phép thì không thể đưa chúng đi.
2. Dạy trẻ không chỉ đề phòng người lạ
Các bậc cha mẹ thường dặn con: “Không được nói chuyện với người lạ”. Trẻ chưa chắc đã hiểu được chính xác thế nào là người lạ. Nếu cho trẻ vẽ khuôn mặt của người lạ, trẻ sẽ vẽ ra một khuôn mặt rất đáng sợ. Thực ra những kẻ muốn xâm hại trẻ thường có khuôn mặt rất hòa nhã thân thiện. Theo điều tra, trong số những kẻ tình nghi có liên quan đến tội xâm phạm tình dục trẻ em thì có đến 90% là người mà trẻ quen. Các phụ huynh nên nhắc con gái không được một mình đi ra ngoài hoặc đi với người khác giới ra bất cứ chỗ nào.
3. Dạy trẻ biết cách hô to kêu cứu
Trẻ nhỏ yếu ớt cho nên không thể chống cự được với những kẻ xâm hại, vì thế không cần dạy trẻ dùng chân tay để phản kháng, mà phải dạy trẻ cách thu hút sự chú ý của những người xung quanh để nhận được sự cứu giúp. Ví dụ như hô hoán: “Cứu tôi với! Ông ấy không phải là cha của tôi”, hoặc nếu đi xe đạp thì có thể dùng xe đạp làm vật bảo vệ, đồng thời phải hô to kêu cứu.
4. Nói với trẻ những người có thể giúp đỡ trẻ rất nhiều
Gặp phiền phức phải báo cảnh sát là kiến thức cơ bản nhất, nhưng chỉ như vậy thôi thì chưa đủ, bởi có thể cảnh sát không ở gần đó. Vì vậy, bạn nên cho trẻ biết trẻ có thể cầu cứu những nhân viên làm việc ở những địa điểm gần đó như công viên, nơi mua sắm, rạp chiếu phim… thêm một cơ hội là thêm một hi vọng.
Khi Y Y 4, 5 tuổi, có một chuyện đã xảy ra như sau:
Hôm đó, tôi đưa Y Y đến Trùng Khánh – con phố tấp nập nhất của thành phố Trường Xuân – dạo chơi. Đi được vài bước, tôi thấy con dừng lại trước một hàng kem, nhìn ánh mắt của con là tôi biết, con muốn mua kem. Vốn định mua cho con, nhưng quan sát thấy cửa hàng này không được vệ sinh, nên tôi nói: “Mình đến cửa hàng phía trước mua nhé!”. Tôi kéo tay con đi. Con hất tay tôi ra, bĩu môi có vẻ không vui. Lúc này người bán hàng không ngớt mời chào, nên con càng không chịu rời bước.
Bình thường Y Y rất thích nghe tôi giảng giải, nên tôi nói nhỏ với con: “Kem ở đây không sạch, chúng ta đi chỗ khác mua”. Không ngờ con không nghe, đòi mua kem ở cửa hàng này bằng được. Tôi đành phải nói với con thông điệp cuối cùng: “Con không đi thì cha đi đây”. Một là, theo phương châm giáo dục của tôi, trong những tình huống như thế này nhất quyết không được thỏa hiệp với con; hai là, tôi cũng muốn thử khả năng phản ứng và năng lực giải quyết sự việc của con. Cho nên tôi giả vờ rất tức giận, bước đi thật nhanh.
Đi được vài bước, tôi ngoảnh đầu nhìn lại, con vẫn ấm ức đứng ở chỗ cũ không chịu đi. Đi thêm vài bước vẫn thấy con như vậy. Xem ra con đang muốn thi gan với tôi, thế là tôi tiếp tục đi về phía trước, bởi vì tôi biết ánh mắt con vẫn dõi theo tôi.
Đi được khoảng 100m, tôi dừng lại, cho con thời gian, để con nghĩ ra vấn đề rồi con sẽ tự đi theo. Nhưng trong một phút lơ là, nhìn lại thì đã không thấy con đâu nữa. Tôi hoảng hốt vội quay lại tìm con.
Cách cửa hàng kem 20m, tôi nghe thấy tiếng con khóc. Theo tiếng khóc, tôi nhìn thấy mấy nhân viên tại cửa hàng thuốc bên cạnh hàng kem đang vây quanh con tôi, vừa dỗ dành vừa hỏi: “Cháu sao vậy?”. Con tôi khóc to trả lời: “Cháu lạc mất cha của cháu rồi”. Có hai nhân viên không nhịn được cười, một nhân viên lấy giấy lau nước mắt cho con, rồi hỏi: “Cha cháu tên gì? Nhà cháu ở đâu?”. Con chỉ biết khóc, không nói thêm được gì. “Số điện thoại nhà cháu là bao nhiêu? Số điện thoại của cha mẹ cháu thế nào?”. Cuối cùng con cũng đọc ra được một số điện thoại. Một nhân viên ngay lập tức đến quầy, vừa bấm số thì tôi vội bước vào, ngay lập tức Y Y lao vào lòng tôi…
5. Lắng nghe con tâm sự
Trong cuộc sống hàng ngày, cha mẹ thường xuyên chuyện trò tâm sự với con. Nếu trẻ thấy không hài lòng về ai đó, cha mẹ không được chỉ nói đơn giản là: “Con không được nói xấu người khác”, mà phải cùng trẻ phân tích, như vậy trẻ mới cảm thấy thoải mái. Khi trẻ gặp chuyện gì không vừa ý, hoặc có người nào đó quấy rối trẻ, trẻ thường tâm sự với người mà trẻ tin tưởng nhất. Bằng cách này, trẻ có thể giảm bớt áp lực, giảm bớt tâm lí sợ hãi, đồng thời nhờ đó kẻ xấu có thể kịp thời bị trừng trị.
6. Tăng khả năng tự bảo vệ, tự cứu bản thân của trẻ thông qua các trò chơi và các buổi diễn tập
Khi được cha mẹ chỉ dạy những phương pháp tự cứu mình, trẻ có thể ghi nhớ ngay lúc đó, nhưng sau một thời gian trẻ sẽ quên. Cách duy nhất giúp trẻ nắm vững các kĩ năng được dạy là thông qua các trò chơi và các buổi diễn tập. Trong các trò chơi ở nhà, người cha nên tạo ra những tình huống có thể phát sinh, đặt câu hỏi cho trẻ, kiểm tra năng lực phản ứng của trẻ, đồng thời dạy trẻ cách giữ liên lạc giữa cha và con.
Cha mẹ có thể dạy cho trẻ một số phương pháp ứng phó với tình huống nguy cấp như sau:
(1) Nói với trẻ rằng khi bị lạc ở nơi công cộng có ba cách để giải quyết:
Thứ nhất, nếu nơi bị lạc gần nhà, con có thể tự mình về nhà, sau đó đứng đợi cha mẹ ở cửa, không được chạy lung tung.
Thứ hai, không được tùy tiện nói với người lạ là mình bị lạc, con phải tìm nhân viên cảnh sát mặc quân phục để nhờ họ giúp đỡ.
Thứ ba, đứng nguyên ở chỗ bị lạc, cha mẹ nhất định sẽ tìm thấy con.
(2) Nói với trẻ rằng khi ở nhà một mình, không được tùy tiện mở cửa cho người lạ, mà trước hết phải hỏi rõ người gõ cửa là ai. Dù người đó nói là chính cha mẹ nhờ họ đến đón, thì con cũng không được mở cửa. Khi cần thiết có thể gọi điện cho cha mẹ hoặc hàng xóm nói có người lạ bấm chuông và nhờ họ sang giúp.
(3) Dạy trẻ rằng trên đường đi bộ về nhà, nếu có người theo dõi thì phải chạy đến những nơi đông người như cửa hàng, ngã tư đường. Không được tùy tiện chạy vào nhà hoang hay ngõ vắng. Nếu biết lúc này ở nhà không có ai thì có thể tạm thời không về nhà mà sang nhà hàng xóm chơi.
(4) Nếu gặp hỏa hoạn, đầu tiên phải gọi điện cho cảnh sát phòng cháy chữa cháy, sau đó mở to cửa sổ hô lớn “Có cháy” để thu hút sự chú ý của hàng xóm và người qua đường. Tiếp đó lấy khăn ướt bịt mũi và nằm xuống đất đợi nhân viên cứu hộ đến giải cứu. Nếu thấy cửa phòng nóng lên, có nghĩa là bên ngoài đang cháy lớn, mở cửa ra sẽ nguy hiểm, lúc đó hãy dùng vải ướt che cửa hoặc lấy nước giội vào cửa để ngăn lửa, kéo dài thời gian chờ người đến cứu.
(5) Dạy trẻ nhớ địa chỉ và số điện thoại của nhà, dạy trẻ cách dùng điện thoại và các số điện thoại gọi khi nguy cấp, như cứu hỏa, cấp cứu, cảnh sát…
Nguy hiểm luôn vây quanh cuộc sống của chúng ta. Đồng thời với việc để trẻ khám phá cuộc sống, để trẻ mạo hiểm, hãy nhớ nhắc trẻ để ý đến những nguy hiểm luôn tiềm tàng, dạy trẻ những kiến thức tự cứu mình trong nguy hiểm, giúp trẻ phát triển an toàn, khỏe mạnh.