Người Cha Tốt Hơn Là Người Thầy Tốt

CHƯƠNG 62: LÀM MỘT NGƯỜI CHA NHÌN XA TRÔNG RỘNG



Tầm nhìn giáo dục thiển cận của cha mẹ rất có thể sẽ biến trẻ thành “vật hi sinh” khi cha mẹ mong trẻ thành tài.
Thế giới luôn biến đổi, phát triển với tốc độ cao, không ai có thể tưởng tượng ra được xã hội sẽ biến đổi như thế nào trong 2 năm nữa. Nhưng cho dù là như vậy, muốn thành công trong sự nghiệp, có thành tựu lớn trong cuộc đời thì không thể không lập kế hoạch cho ngày mai, dự kiến tương lai. Muốn làm được điều này phải có tầm nhìn xa.
Nếu muốn trẻ thành tài, thì nhất định phải dạy trẻ nhìn xa trông rộng, đồng thời cha mẹ cũng phải có tầm nhìn xa.
Cha mẹ hiện nay đều không có tầm nhìn đủ xa về vấn đề nên bồi dưỡng trẻ thành người như thế nào. Cha mẹ hàng ngày đều nghĩ “Con tôi nên học trường tiểu học nào, trường trung học nào, trường đại học nào, sẽ tìm một công việc như thế nào”. Mà không hề nghĩ rằng, đợi đến khi chúng ta 80 tuổi chúng ta hi vọng con cái chúng ta sẽ như thế nào. Thực ra chúng ta chỉ hi vọng con cái chúng ta khỏe mạnh, có một tài nghệ nào đó, hiếu thảo với cha mẹ, gia đình hạnh phúc, những thứ còn lại chỉ là thứ yếu.
Do chúng ta không có tầm nhìn xa, lại chịu ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, đặc biệt là cách nghĩ chỉ cầu lợi trước mắt, khiến tâm hồn chúng ta không thể yên tĩnh được.
Ví dụ một người nào đó cho con học một trường học tốt, tuyệt đối không chỉ vì nghĩ cho trẻ. Trong sâu thẳm nội tâm anh ta, 80% là vì bản thân anh ta cảm thấy rất vinh dự về chuyện này. Anh ta không hề nghĩ đến khi 60 tuổi, con cái của anh ta nên là người như thế nào.
Muốn trẻ thành tài, thành người, cha mẹ không thể không có tầm nhìn xa. Bởi có tầm nhìn xa cũng chính là xác định phương hướng cuộc đời cho trẻ, dùng chí hướng cao xa để kích thích trẻ, đồng thời yêu cầu trẻ kiên cường thực hiện mục tiêu của cuộc đời mình. Người không có phẩm chất này thì tuyệt đối không thể làm nên việc lớn, thậm chí việc nhỏ cũng không làm được.
Lỗ Tấn nói rằng sinh trẻ ra, còn phải nghĩ đến việc giáo dục trẻ thế nào, mới có thể làm cho đứa trẻ mình sinh ra tương lai trở thành một người hoàn chỉnh.
Có tầm nhìn xa, trẻ sẽ có những thành công lớn hơn. Làm cha phải giáo dục trẻ hoạch định tương lai một cách có mục đích, có kế hoạch, có tầm nhìn xa, đây là bước đầu tiên trong sự thành công của trẻ. Nhưng điều quan trọng là phải tôn trọng lí tưởng của trẻ. Người cha phải đem kinh nghiệm cuộc đời quý báu của mình truyền đạt lại cho trẻ, dẫn dắt trẻ phát triển theo phương hướng lí tưởng. Xây dựng kế hoạch cho việc giáo dục trẻ nhưng không được bắt trẻ thực hiện một cách cứng nhắc, mà phải căn cứ vào xu thế xã hội và thực tế của trẻ, để có sự điều chỉnh hợp lí.
Người thành công đều là những người có tầm nhìn xa, bởi vì chỉ những người nhìn xa trông rộng mới có chí hướng lớn, quyết tâm lớn và hành động lớn.
Walter Elias Disney (1901-1966) chính là một người thành công biết nhìn xa trông rộng.
Ông tưởng tượng ra một nơi như sau: Nơi đó năng lực tưởng tượng quan trọng hơn tất cả, trẻ em vui đùa, cả nhà có thể thám hiểm trong một thế giới mới, những nhân vật trong các câu chuyện và trong tiểu thuyết sẽ xuất hiện trong cuộc sống con người, đồng thời có thể tiếp xúc được. Tầm nhìn xa này sau này trở thành sự thật, đầu tiên ở California, Mĩ có công viên Disney, sau này lại phát triển thêm một công viên Disney khác ở Florida, Mĩ, sau đó là ở Nhật Bản, Pháp, Hồng Kông.
Người không có tầm nhìn xa chỉ có thể nhìn thấy những thứ ở trước mắt, sờ thấy những đồ bên cạnh. Ngược lại người có tầm nhìn xa trong lòng có cả thế giới. Tầm nhìn xa không liên quan đến nghề nghiệp của một con người, anh ta có thể là lái xe chở hàng, thương nhân, quân nhân, viên chức, nông dân.
Người nghèo nhất thế giới không phải là người không có một đồng tiền nào, mà là người không có tầm nhìn xa.
Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha
1. Loại bỏ những hành vi thiển cận
Do chịu ảnh hưởng của quan niệm và tư tưởng truyền thống, do sự hạn chế trong trình độ nhận thức của cha mẹ về xã hội và cuộc đời, rất nhiều cha mẹ có những hành vi thiển cận trong vấn đề giáo dục trẻ.
Ví dụ, rất nhiều cha mẹ có một thói quen: Trước mặt người khác, thích đem con cái mình ra so sánh với con cái nhà người khác. Cũng có thể mục đích của việc cha mẹ làm như vậy chỉ là đơn thuần muốn con cái mình học tập điểm mạnh của những đứa trẻ khác, nhưng cha mẹ không hề biết đã làm tổn thương đến lòng tự trọng của trẻ.
Có một bé gái có lòng tự tôn cao, mẹ của cô bé vì có tâm lí mong con thành tài, nắm bắt được đặc điểm tự tôn cao này của con gái, nên liên tục so sánh cô bé với người khác, hi vọng con gái của mình nỗ lực học tập người khác để vươn lên. Nhưng sau một hồi so sánh với người khác, cô bé lại nhận ra rằng mình không bằng người khác nên mất ý chí. Mẹ cô bé không hề để ý đến nỗi đau trong lòng con, mà còn đổ thêm dầu vào lửa: “Xem đấy, người ta giỏi hơn con trăm vạn lần, phải làm thế nào, con tự mình xem xét”. Cô con gái càng đau lòng, hàng ngày lo lắng lần sau mẹ sẽ đem mình so sánh với ai. Cô bé bị tổn thương lòng tự trọng hết lần này đến lần khác, từ đó nản lòng nhụt chí, cuối cùng không làm được việc gì.
Đừng mang trẻ ra so sánh được không? Trẻ có tư tưởng, có nhận thức của bản thân, điều quan trọng nhất là trẻ cũng cần nhận được sự thấu hiểu và tôn trọng của người khác.
Mỗi người đều có quá trình trưởng thành của mình, sự trưởng thành về tâm lí của trẻ thể hiện sự khác biệt về cá thể rất lớn.
Nếu như trẻ luôn ở vị trí bị coi thường, bị hạ thấp trước mặt người khác hoặc bị trách mắng, trẻ sẽ tự ti, thiếu tự tin với bản thân, luôn rụt rè sợ hãi. Lâu dần, khi bị mắng mỏ nhiều lần, trẻ không cần để ý nữa, cũng không biết thế nào là xấu hổ nữa. Rồi dần dần trẻ sẽ hình thành tật xấu không thành thật và bướng bỉnh.
Cha mẹ nên nhận thức rằng, sự trưởng thành của trẻ là một quá trình lâu dài, là sự trưởng thành toàn diện chứ không phải là sự trưởng thành trên một phương diện nào đó.
Chính sự thiển cận trong hành vi và quan niệm của cha mẹ trực tiếp dẫn đến việc rất nhiều trẻ thiếu lí tưởng, thiếu niềm tin, thiếu sự ràng buộc, không biết ơn, hình thành rất nhiều thói quen xấu, và nghiêm trọng hơn là hình thành tính ích kỉ chỉ biết đến bản thân mình.
Sự thiển cận trong việc giáo dục của cha mẹ rất dễ biến trẻ thành “vật hi sinh” khi cha mẹ mong con thành tài.
Cha mẹ thiển cận đương nhiên trẻ cũng sẽ thiển cận
2. Nhìn xa trông rộng đạt được thành công
Giả sử bạn có tất cả, nhưng không có tầm nhìn xa, thì ngày mai bạn sẽ không có gì hết.
Vị thần may mắn sẽ không thiên vị bất kì ai. Một người thiếu tầm nhìn xa, không thể nhìn thấu tương lai, thường mở mắt nhìn cơ hội trôi đi, cuối cùng không thu hoạch được gì.
Có một câu chuyện như sau:
Tiểu Vương và Tiểu Lí cùng làm trong một siêu thị. Lúc đầu hai người đều bắt đầu từ vị trí thấp nhất như nhau. Nhưng sau đó Tiểu Vương “may mắn” lọt vào mắt xanh của tổng giám đốc, rất nhanh chóng được thăng lên chức giám đốc bộ phận, nhưng Tiểu Lí vẫn ở nguyên vị trí cũ. Cuối cùng một hôm, Tiểu Lí không chịu được liền xin nghỉ việc, đồng thời nói tổng giám đốc không đề bạt những người làm việc chăm chỉ, mà lại thăng cấp cho những người không chịu làm việc, thích nịnh bợ.
Tổng giám đốc kiên trì nghe Tiểu Lí nói, ông biết chàng thanh niên này là một người rất chăm chỉ, công việc cũng rất vất vả, nhưng luôn cảm thấy anh ta thiếu điều gì đó. Đột nhiên, ông nghĩ ra một cách rất hay đó là bảo Tiểu Lí đi ra chợ xem hôm nay ngoài chợ bán những đồ gì. Không lâu sau Tiểu Lí quay lại báo cáo rằng ngoài chợ chỉ có một nông dân kéo một xe đậu đi bán.
Tổng giám đốc lại hỏi chiếc xe đậu đó khoảng bao nhiêu cân? Tiểu Lí lại chạy đi, sau đó quay về báo cáo có 10 túi.
Giá cả là bao nhiêu?
Thế là Tiểu Lí lại chạy ra chợ một lần nữa… Tổng giám đốc nhìn Tiểu Lí đang thở hổn hển và nói: “Hãy nghỉ ngơi một lúc đi, xem Tiểu Vương làm như thế nào”. Thế là tổng giám đốc gọi Tiểu Vương đến, bảo anh ta làm việc như Tiểu Lí đã làm.
Một lúc lâu sau Tiểu Vương trở về báo cáo tình hình hiện nay chỉ có một nông dân đang bán đậu, có 10 túi đậu, giá cả hợp lí, chất lượng tốt, anh ta còn cầm về mấy gói để giám đốc xem. Người nông dân này còn bán mấy túi cà chua. Theo như Tiểu Vương, giá cả cũng hợp lí, công ty có thể cân nhắc nhập vào một số hàng. Có thể tổng giám đốc cần xem mấy quả cà chua này, nên đã cầm về mấy quả. Mà người nông dân tôi cũng đã đưa đến đây, đang đợi ở bên ngoài.
Tổng giám đốc nhìn vào mặt Tiểu Lí nói: “Bảo người nông dân đó vào đây”.
Cùng một sự việc, những người khác nhau lại có những hành vi khác nhau, dẫn đến những kết quả không giống nhau. Tiểu Vương vì nghĩ nhiều hơn Tiểu Lí vài bước, vì thế đạt được thành công lớn hơn trong công việc.
Tương lai luôn mở rộng cánh cửa đối với những người có chuẩn bị, chỉ có những người dự đoán được cơ hội sẽ xuất hiện trong tương lai, đồng thời ngay lập tức bắt tay vào hành động, tương lai mới ngày càng tốt đẹp.
Chỉ cần nghĩ trước được, thực tế làm được, thế giới này vĩnh viễn sẽ có những sự nghiệp vĩ đại đợi bạn khai phá.
Người thành công sở dĩ thành công nguyên nhân thực ra chỉ có một: Họ đã biến những việc trong mắt mọi người là bình thường thành cơ hội, từ sự thay đổi trước mắt, họ dự kiến tương lai, đồng thời nắm bắt cơ hội. Thông điệp mà Bill Gates nói với chúng ta là: Thực ra sự thành công trong tương lai mở rộng cánh cửa với tất cả mọi người, vấn đề mấu chốt là phải có sự chuẩn bị, tính toán lâu dài, đồng thời biết cách nắm bắt cơ hội như thế nào.
Microsoft sở dĩ có thể đạt được thành công như ngày hôm nay, lí do lớn nhất chính là họ đã dự đoán được máy tính cá nhân sẽ vô cùng phổ biến trên thế giới. Máy tính lúc đó đều là những chiếc máy lớn nặng nề, thường dùng trong công nghiệp, quân sự; còn Microsoft lại khai phá hệ điều hành dùng trên máy tính cá nhân.
Thành công của Microsoft nói lên điều gì?
Nhất định phải có tầm nhìn xa!
3. Tầm nhìn xa mang đến tương lai
Từ lâu, mọi người đã biết được tầm quan trọng của tầm nhìn xa đối với việc làm người, đối với thành công.
Theo như câu thứ 18, chương 29 cuốn Châm ngôn, Kinh thánh cựu ước đã ghi: Không có tầm nhìn xa, con người sẽ buông thả. Từ đó chúng ta không khó thấy được ý nghĩa và giá trị của tầm nhìn xa.
Nếu có tầm nhìn xa, chúng ta làm việc sẽ có mục tiêu, bởi vì chúng ta biết làm việc này có ý nghĩa gì, tại sao chúng ta phải làm nó, chúng ta làm nó sẽ gây ra hậu quả gì. Như vậy, chúng ta có thể đạt được cảm giác thành công, niềm vui trong sự nỗ lực phấn đấu đó.
Nếu như chúng ta có tầm nhìn xa, cho dù chúng ta hoàn thành một công việc khô khan cũng không cảm thấy vất vả và mệt mỏi, mà luôn tràn đầy nhiệt tình và động lực; cho dù một chuyện đơn điệu nhất cũng có thể khiến chúng ta thỏa mãn.
Từng có người hỏi ba người thợ xây một câu hỏi: “Anh đang làm gì?”
Người thứ nhất trả lời: “Tôi đang làm việc để được nhận lương”.
Người thứ hai trả lời: “Tôi đang xây nhà”.
Người thứ ba trả lời với tâm trạng phấn khởi và đầy nhiệt huyết: “Tôi đang xây một tòa giáo đường!”.
Cùng một sự việc, chỉ có người thứ ba vì có tầm nhìn xa, nên có động lực, làm việc rất nhiệt tình. Anh ta nhìn thấy được công trình anh ta đang làm – một tòa giáo đường! Từ đó, cung cấp cho anh ta giá trị công việc, giá trị của chính bản thân anh ta, như vậy anh ta mới sống có ý nghĩa.
Khả năng sinh tồn của những người trẻ hiện nay rất kém, điều này có liên quan đến việc cha mẹ họ giáo dục họ mà không có tầm nhìn xa.
Thập niên 80 của thế kỉ XX, Trung Quốc vẫn trong thời kì đầu của cuộc cải cách mở cửa, cha mẹ và trường học lúc đó rất khó có thể tưởng tượng ra rằng, 20 năm sau, cuộc cạnh tranh để tồn tại của người trẻ là vô cùng khốc liệt, lúc này, ai nhiều trí tuệ thì người đó sẽ có nhiều cơ hội hơn. Nên ngoài một số ít phụ huynh có tầm nhìn xa ra, thì đại bộ phận những bậc phụ huynh còn lại đều không bỏ công sức ra để bồi dưỡng năng lực của trẻ.
Kết quả của điều đó là hiện nay rất nhiều sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học không thể thích ứng với xã hội, làm ở đơn vị này vài ngày không được, đến đơn vị khác làm vài ngày lại bị đuổi, cuối cùng đành phải ở nhà “ăn bám”.
Khi đăng kí chuyên ngành để thi đại học cho con, cha mẹ đều nhìn vào tỉ lệ tìm được việc làm hiện tại, cho nên đều cho con đăng kí vào những ngành “hot”. Thực ra, đây chính là biểu hiện của việc không có tầm nhìn xa, bởi vì “hot” hay “không hot” đều là thuận theo sự phát triển của nền kinh tế xã hội, vì thế bất kì chuyên ngành nào đều có khả năng sẽ trở thành chuyên ngành “hot” trong tương lai. Năm nay tỉ lệ tìm được việc làm của chuyên ngành ấy cao không đồng nghĩa với việc 4 năm sau tỉ lệ tìm được việc của nó vẫn cao.
Muốn bồi dưỡng một đứa trẻ có tầm nhìn xa, cha mẹ nhất định phải có đôi mắt giỏi quan sát, giỏi phát hiện, phải có tầm nhìn mang tính chiến lược.
Nếu như cha mẹ có thể căn cứ vào sở trường của trẻ để hoạch định tương lai, dạy trẻ biết suy nghĩ, nhìn vấn đề từ nhiều góc độ, giúp trẻ phát huy sở trường, khai phá tiềm năng, con bạn sẽ trở thành người xuất chúng trong xã hội tương lai.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.