Người Cha Tốt Hơn Là Người Thầy Tốt

CHƯƠNG 48: LUÔN CÓ MỘT TẤM LÒNG LƯƠNG THIỆN



Một người có thể không có vẻ ngoài khiến cho những người khác ngưỡng mộ, cũng có thể sống những ngày tháng “thiếu thốn tiền bạc”, nhưng không có tấm lòng lương thiện, thì cũng đủ để cuộc đời người đó luôn gặp trở ngại và nhạt nhòa.
“Người khác đánh con, con phải đánh lại, đánh không nổi thì cắn”, “Chúng ta thà phải đền tiền, còn hơn là bị bắt nạt, chịu thiệt”. Đây là những lời mà rất nhiều phụ huynh hiện nay thường xuyên nói khi giáo dục trẻ. Sau khi trẻ bị ấm ức một chút, rất nhiều phụ huynh chỉ nghe một phía từ trẻ, liền nổi giận đưa trẻ đi kiện tụng.
Điều này làm tôi nhớ đến tuổi thơ của tôi:
Lúc nhỏ, tôi là một đứa trẻ vô cùng nghịch ngợm, thích đánh nhau. Nếu gặp đối thủ nhỏ hơn, tôi sẽ thắng. Khi tôi vui vẻ trở về nhà, thì cha mẹ của đứa trẻ bị tôi đánh dẫn nó đến cửa nhà tôi khóc lóc thảm thiết để kiện tụng, mẹ tôi đành phải đánh cho tôi một trận ngay trước mặt họ. Nhưng nếu như gặp phải đối thủ lớn hơn, đương nhiên tôi sẽ bị đánh. Tôi khóc lóc trở về nhà, và cũng hi vọng mẹ sẽ dẫn tôi đến nhà đứa trẻ đó để kiện tụng, nhưng mẹ tôi kiên quyết không đi, lại còn đánh tôi thêm một trận.
Tôi không hiểu nổi, đánh người khác khi về nhà bị đánh, bị người khác đánh tại sao về nhà cũng bị đánh? Mẹ tôi vừa lau nước mắt cho tôi, vừa nói với tôi: “Con à, mẹ muốn nói với con, không được đánh nhau với người khác, phải sống hòa thuận với mọi người…”.
Mẹ tôi đã nói rất nhiều, tổng hợp lại là: Con người phải lương thiện, phải sống hòa thuận với mọi người. Sau này, nhờ những lời dạy bảo của mẹ, bất luận là ở đâu, khi đi bộ đội, ở quê hương, hay ở nơi xa lạ, tôi đều sống hòa thuận với mọi người, vì thế có rất nhiều bạn bè luôn sẵn sàng giúp đỡ tôi khi tôi gặp khó khăn.
Trong cuộc sống, có rất nhiều phụ huynh lại truyền bá cho trẻ tư tưởng “Con người luôn nghi kị, lừa dối lẫn nhau”, “Con người luôn mưu tính hãm hại lẫn nhau”… với mục đích “Làm cho trẻ biết cách bảo vệ bản thân, nếu không sẽ bị lừa dối”. Nhưng sự hướng dẫn phiến diện thậm chí là sai lầm của cha mẹ, khiến sự lương thiện trong trẻ ngày càng giảm đi.
Quan niệm “Người lương thiện sẽ bị người khác bắt nạt” khiến cha mẹ không muốn giáo dục trẻ lương thiện. Cha mẹ cho trẻ những bộ quần áo đẹp, những món ăn ngon, nhưng lại quên cho trẻ sự lương thiện. Lương thiện đã trở thành một khái niệm sớm lỗi thời và bị quên lãng. Trong cuộc sống cạnh tranh, trong các mối quan hệ chồng chéo trong xã hội, nguyên tắc lợi ích hình như đã thay thế nguyên tắc đạo đức từ rất lâu.
Tuy nhiên con người vẫn thích sự lương thiện, vẫn luôn hoan nghênh tấm lòng lương thiện, vẫn luôn hướng đến nó. Lương thiện mới có được hạnh phúc, có tấm lòng lương thiện mới có thể sống vui vẻ hòa thuận với mọi người.
Có câu nói: “Vì từ bi nên thấu hiểu”. Thực ra, đối với những con người sống trong xã hội hiện đại, có một tấm lòng lương thiện và hòa hảo, đồng thời đối xử với xã hội, với mọi người bằng tấm lòng ấy, không phải là một việc quá phức tạp và khó khăn. Chỉ đường cho người bị lạc, dang tay ra giúp đỡ người gặp khó khăn, dùng nụ cười chân thành để chúc mừng sự thành công của bạn bè, dùng những lời động viên chân thành cổ vũ đồng nghiệp khi người đó thất vọng… Những cử chỉ tưởng chừng đơn giản này có thể làm nên những điều kì diệu cho người khác và cho chính chúng ta.
Một lời nói vô tâm có thể sẽ là mồi lửa nhóm lên sự tranh chấp, một lời nói tàn nhẫn có thể hủy hoại sinh mệnh của một con người, một câu nói kịp thời có thể xóa đi mọi căng thẳng, một lời nói tri tâm sẽ trị lành vết thương, cứu vớt được người khác. Lời nói lương thiện, hành động lương thiện không phải là việc gì quá xa vời. Chúng ta đều là những con người bình thường, lương thiện và chân thành có thể làm cho một người bình thường trở thành một người phi thường.
Trong tất cả những phẩm chất đạo đức, bản tính lương thiện là điều cần thiết nhất, yêu thương quan tâm người khác, mới phát hiện được giá trị cuộc sống của mình trong tiếng cười vui vẻ và sự cảm kích của người khác.
Tấm lòng lương thiện của tôi bắt nguồn từ người cha người mẹ lương thiện của tôi, giống như một sự tiếp nối và kế thừa, tôi lại gieo lòng lương thiện đó vào lòng con gái tôi. Cho nên, cha mẹ lương thiện thì mới có những đứa trẻ lương thiện.
Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha
1. Phải luôn có tấm lòng lương thiện
Có hai câu chuyện nhỏ như sau:
Sau một trận mưa to gió lớn, hàng ngàn con cá bị dạt vào bờ biển, một bé trai đã kiên trì nhặt từng con cá và thả về biển. Đúng lúc đó có một ông lão đi qua và nói với cậu bé: “Một ngày cháu cũng chẳng nhặt được mấy con đâu”. Cậu bé vừa nhặt cá vừa nói: “Ít nhất những con cá mà cháu nhặt sẽ có một vận mệnh mới”.
Trong một khu rừng ở Brazil, có một người thợ săn bắn một con báo, rồi thấy con báo này kéo lê phần ruột thò ra bên ngoài, bò hơn nửa tiếng đồng hồ, tìm đến hai con báo con, cho hai con báo con bú hớp sữa cuối cùng rồi gục xuống. Nhìn thấy cảnh tượng này, người thợ săn liền bẻ gãy cây súng săn trong giọt nước mắt hối hận.
Nếu như câu chuyện thứ nhất là bài học về tấm lòng lương thiện của trẻ đối với người lớn, thì câu chuyện thứ hai lại là sự thể hiện tấm lòng lương thiện của người thợ săn, là một bài học về sự “sửa sai”.
Tôi kế thừa tấm lòng lương thiện mà cha mẹ đã cho tôi, dòng máu lương thiện trong tôi đã chảy sang con gái tôi. Con gái tôi lương thiện ngay từ nhỏ, gặp con mèo hay con chó lưu lạc là đem về nuôi. Do vấn đề an toàn và vệ sinh… nên trước nay nhà tôi chưa từng nuôi thú cưng trong nhà, nên yêu cầu của con không được đáp ứng. Thế là tôi kiến nghị xây một ngôi nhà nhỏ dưới tầng một cho những chú chó chú mèo này, Y Y thường xuyên đem nước và thức ăn cho chúng. Có lúc, còn bế những chú chó chú mèo bẩn lên nhà, tắm gội cho chúng, sau khi tắm rửa sạch sẽ cho chúng xong, lại đem chúng quay trở lại chỗ cũ.
Đặc biệt là khi gặp những người cần sự giúp đỡ, Y Y sẽ cố gắng hết mình để giúp đỡ đối phương, thậm chí có khi còn vượt ra ngoài khả năng của mình. Những lúc như thế, chúng tôi bèn nói với con, giúp đỡ người khác cũng phải lượng sức mình.
2. Không thể thiếu những hành động, cử chỉ lương thiện
Vào một đêm 200 năm trước, có một người trẻ tuổi vô cùng đam mê âm nhạc đi trên đường phố Viên, Áo. Vì nhà nghèo, không mua được đàn piano, hàng ngày anh ta phải đến một trường tiểu học luyện đàn. Anh ta thích sáng tác, nhưng khó khăn đến mức có lúc không có tiền mua giấy để viết những bản nhạc của mình. Lúc này, trên đường trở về nhà anh ta vô cùng lo lắng về sinh kế của mình. Đột nhiên, anh ta nhìn thấy bên cạnh một cửa hàng bán đồ cũ có một cậu bé quần áo rách rưới đang rao bán một cuốn sách cũ và một bộ quần áo cũ. Anh ta nhận ra đứa trẻ này đã từng hát trong lớp học của anh. Sự đồng cảm lớn lao đã thúc giục anh rút ra đồng tiền duy nhất trong túi áo mình để mua cuốn sách đó. Anh ta vừa đi vừa xem cuốn sách, và phát hiện trong đó có bài thơ Hoa hồng dại của nhà thơ lớn Goethe (1749-1832). Anh ta đọc to hết lần này đến lần khác, tâm hồn anh ta đắm chìm trong ý thơ, một giai điệu nhẹ nhàng và thân thiết bay ra từ sâu thẳm trong lòng anh ta.
Người thanh niên này chính là nhạc sĩ Schubert (1797-1828), tác phẩm Hoa hồng dại của ông đã trở thành một tài sản quý báu trong kho tàng âm nhạc thế giới. Nhưng có bao nhiêu người biết rằng, sự ra đời của bản nhạc này bắt nguồn từ tấm lòng lương thiện của ông?
Gieo sự lương thiện, mới có thể gặt được hi vọng. Một con người có thể không có vẻ ngoài làm cho những người khác ngưỡng mộ, cũng có thể sống những ngày tháng thiếu thốn, nhưng không có lòng lương thiện, thì cũng đủ để làm cuộc đời con người đó gặp trắc trở và nhạt nhòa. Lương thiện, nhường nhịn, khoan dung, thấu hiểu, thông cảm sẽ làm cho con người cảm thấy sự tốt đẹp và niềm hạnh phúc trong cuộc sống.
Đem hạt giống lương thiện gieo vào lòng trẻ, bồi dưỡng cho trẻ phẩm chất lương thiện, là cái gốc rễ để làm người.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.