Dùng một loại hành vi không ngừng lặp đi lặp lại, trong não sẽ hình thành phản xạ có điều kiện cố định, rất khó thay đổi.
Thế nào gọi là lối sống khoa học?
Cách sống khoa học tức là hình thành thói quen sống khoa học. Vậy, người cha nên giáo dục trẻ như thế nào để trẻ hình thành thói quen sống khoa học?
Sự hình thành thói quen sống của trẻ chịu ảnh hưởng rất lớn từ lối sống. Lối sống khoa học, sắp xếp mọi việc hợp lí rất quan trọng đối với sự trưởng thành của trẻ. Cha mẹ phải căn cứ vào tình hình sức khỏe, học tập, cá tính, nhu cầu… thực tế của con để lên kế hoạch theo ngày, tuần, tháng cho con. Phải xác định rõ khi nào nên làm gì, làm như thế nào, chứ không được tùy ý thay đổi, biến những thói quen đó trở thành lối sống khoa học.
Sự hình thành thói quen sống không dễ thay đổi, hành vi của một con người mang tính khuynh hướng, tức là thích dùng những động tác, ngôn ngữ, cách nghĩ quen thuộc để giải quyết vấn đề, bởi những cách làm quen thuộc thì đỡ tốn sức. Trẻ cũng không phải là ngoại lệ. Như có trẻ khi chọn thức ăn, ban đầu thường lựa chọn ngẫu nhiên, với những thứ không ăn được hoặc ăn vào thấy khó chịu, sau này khi nhìn thấy chúng thì phản ứng đầu tiên là từ chối, cứ như vậy hình thành thói quen không ăn những đồ ấy nữa.
Hình thành thói quen cần một quá trình lâu dài, mà thói quen một khi đã hình thành rồi rất khó thay đổi. Cùng một loại hành vi không ngừng lặp đi lặp lại, trong não sẽ hình thành phản xạ có điều kiện cố định, rất khó thay đổi. Cũng giống như trẻ bắt chước nói lắp, lúc đầu là vì thấy vui, sau đó thành quen miệng, nếu không dùng biện pháp mạnh để sửa sớm, thì có khi cả đời cũng không thể sửa nổi.
Chính vì vậy, các bậc phụ huynh nhất định phải chú ý tránh cho trẻ hình thành những thói quen sống không tốt ngay từ nhỏ.
Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha
1. Việc của mình phải tự mình làm
Trước khi chuẩn bị cho trẻ đi học, hãy để trẻ học cách tự gấp chăn màn, tự thức dậy, tự cởi – mặc quần áo, giày, tất, học cách tự rửa mặt, rửa chân, lau miệng, đánh răng, giặt khăn mặt, bê cơm, dọn dẹp bàn ăn… Nên bắt trẻ làm một số việc trong khả năng của trẻ, học một số kĩ năng lao động đơn giản, biết đóng mở cửa sổ, quét nhà, lau bàn ghế, học cách tự mình lấy đồ chơi, sách vở và các dụng cụ khác…
“Ngã phải tự mình đứng dậy, những việc có thể làm phải tự làm”. Đây là lí luận thông suốt của tôi với Y Y ngay từ khi con bắt đầu có ý thức. Khi Y Y 3 tuổi, nhà tôi thuê người giúp việc, vì nuông chiều Y Y nên cô giúp việc thường giúp Y Y mặc quần áo, thắt dây giày. Tôi khéo léo phê bình, nhắc cô ấy những việc con có thể làm thì hãy để cho con tự làm, chỉ giúp khi việc đó vượt quá giới hạn lứa tuổi của con. Cho nên ngay từ nhỏ Y Y đã có thể tự mình mặc quần áo, thắt dây giày, khi lớn hơn là tự biết giặt tất, bố trí đồ đạc trong phòng, rồi tự mình xử lí những vấn đề khó trong cuộc sống.
2. Dạy trẻ tự quản lí mình
Các bậc phụ huynh thường than phiền, con mình không biết thu dọn sách vở, vứt chúng bừa bãi, cha mẹ đành phải làm giúp. Thực ra, nguyên nhân của những thói quen xấu chính là kết quả của việc cha mẹ làm hộ con mọi việc, khiến trẻ không có khả năng tự quản lí bản thân mình.
Ngay từ khi Y Y bắt đầu đi mẫu giáo, tôi đã để con tự mình sắp xếp, thu dọn sách vở, đồ chơi, và những đồ dùng khác.
3. Nguyên tắc lập kế hoạch
Các vị phụ huynh phải để trẻ hiểu được khi nào nên làm gì và khi nào không nên làm gì, đồng thời biết khống chế ước muốn và hành vi của mình. Ví dụ, khi làm bài tập thì nhất định phải tập trung làm bài, làm xong thu dọn sách vở vào mới được xem tivi và chơi; phải hình thành thói quen ngủ sớm, dậy sớm, ăn cơm đúng giờ…
Được cha làm gương từ bé, từ nhỏ tôi đã có thói quen trước khi làm việc gì phải có kế hoạch dự trù trước, hơn nữa mấy năm trong quân đội, tôi đã hình thành ý thức tự kiềm chế bản thân, sống có nguyên tắc. Những người đến văn phòng làm việc và phòng sách của tôi, đều sẽ nhìn thấy lịch làm việc và thời gian biểu nghỉ ngơi trong một tuần được sắp xếp rất khoa học. Lịch làm việc và thời gian biểu khoa học khiến lịch trình trong tuần của tôi không bị chồng chéo, không bị rối, nhờ vậy mà hiệu quả công việc của tôi cũng thường cao hơn người khác.
Tôi cũng rất có ý thức truyền thói quen này cho Y Y. Khi Y Y học mẫu giáo 5 tuổi, con đã biết tự lập thời gian biểu cho mình. Đến bây giờ con đã đề ra kế hoạch và thời gian biểu cho việc học, thời gian biểu nghỉ ngơi, tự học, đọc sách, kế hoạch tích lũy quản lí tài chính, đồng thời bắt buộc mình phải thực hiện.
4. Bồi dưỡng thói quen chi tiêu
Mức sống của con người ngày càng cao, lại sinh ít, cho nên đối với một số yêu cầu vật chất của trẻ, chỉ cần con nói muốn gì, cha mẹ đều đáp ứng ngay. Phần lớn các bậc làm cha làm mẹ đều cho rằng, mình có điều kiện kinh tế như vậy, thỏa mãn nhu cầu của trẻ cũng không có gì khó khăn, tại sao không làm cho trẻ vui. Thậm chí những người không có điều kiện kinh tế cũng nói rằng “Không có tiền cũng phải vay tiền để mua cho con; con người khác có, con mình không thể không có”. Điều này thật giống với câu nói của “người thép” Vương Tiến Hỷ(*): “Có điều kiện phải làm, không có điều kiện thì cũng phải tạo ra điều kiện để làm”.
___________
(*) Vương Tiến Hỷ người Ngọc Môn, Cam Túc, là đại biểu kiệt xuất, là chiến sĩ tiên phong của giai cấp công nhân dầu mỏ Trung Quốc.
Điều tôi muốn nói là, nhu cầu vật chất của trẻ không phải không thể đáp ứng, nhưng cần phải xem xét tình huống cụ thể. Có một số nhu cầu của trẻ chúng ta nên đáp ứng kịp thời, nhưng cũng có nhu cầu của trẻ, chúng ta phải xem xét. Tôi thường dựa vào tình huống cụ thể để phân loại nhu cầu của con, rồi xem xét nên “đáp ứng ngay”, “đáp ứng từ từ”, hay “không thể đáp ứng”.
Đối với những yêu cầu cơ bản của trẻ như trời lạnh phải mua áo bông, đồ dùng học tập dùng hết phải mua cái mới bổ sung, chúng ta đương nhiên phải đáp ứng kịp thời. Nhưng nhiều lúc có thể không cần đáp ứng ngay. Các bậc phụ huynh thường hay than phiền, trẻ sẽ khóc ầm ĩ đòi ăn McDonald’s, đòi mua đồ chơi mà mình thích bằng được… Dù than phiền vậy, nhưng chỉ cần trẻ khóc đòi, là họ lại mủi lòng, vội vàng dỗ dành con, lập tức đáp ứng yêu cầu của con. Lâu dần trẻ sẽ hình thành thói quen xấu, chỉ cần muốn là phải được đáp ứng, không biết cách khống chế bản thân, không có lòng kiên nhẫn chờ đợi. Hình thành thói quen chi tiêu khoa học cũng là bồi dưỡng khả năng quản lí tài chính của trẻ, điều đó rất có lợi cho cuộc sống sau này của trẻ.
5. Phải có kỉ luật với bản thân và tuân thủ thời gian một cách quy củ
Không có quy củ, nề nếp, sự việc khó có thể vuông tròn. Nhưng có nề nếp mà không tuân thủ cũng không được. Trong cuộc sống, chúng ta vừa phải tuân thủ những nguyên tắc chung mà xã hội đề ra, đồng thời cũng phải tự đặt ra và nghiêm khắc thực hiện những nguyên tắc của bản thân mình.
Nói đến việc tuân thủ thời gian của người Trung Quốc, phải kể đến nhất là hiện tượng: Thời gian thông báo họp phải sớm hơn thời gian họp chính thức nửa tiếng, ví dụ thông báo 8 giờ họp thì thực tế 8 giờ 30 phút mới họp. Hẹn 8 giờ, nhiều khi 8 giờ 30 phút cũng vẫn chưa thấy người đâu.
Tôi rất coi thường những người không tuân thủ thời gian, trong từ điển của tôi không có hai chữ “đến muộn”. Tôn trọng người khác cũng chính là tôn trọng bản thân mình. Yêu cầu của tôi với con gái cũng vậy.
Sự hình thành thói quen sống tốt cũng không phải chuyện một sớm một chiều, cho nên cha mẹ không thể vội vàng, mà phải có lòng kiên trì. Những người cha phải chú ý bồi dưỡng thói quen sống khoa học cho trẻ, chú ý không để trẻ hình thành những thói quen xấu, bởi vì một khi đã hình thành thì rất khó sửa. Nhiều trẻ biết mình có thói quen xấu, nhưng thường không thể khống chế bản thân mà lặp đi lặp lại những thói quen xấu đó. Lúc này, người cha phải giúp trẻ ngăn chặn và thay đổi những thói quen xấu.
Thói quen tốt phải được bồi dưỡng trong thực tiễn. Trong cuộc sống phải để ý, giám sát, kiểm tra hành vi và biểu hiện của trẻ; có ý thức hướng dẫn trẻ phát huy những hành vi tốt. Gia đình là môi trường đầu tiên để trẻ trưởng thành, là cái nôi hình thành những thói quen của trẻ; vì thế, cuộc sống gia đình và thói quen sống của cha mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến trẻ.
Tâm hồn trẻ là một mảnh đất thần kì, bạn trồng tư tưởng thì sẽ gặt được hành vi, trồng hành vi thì sẽ gặt được thói quen, trồng thói quen thì sẽ gặt được tính cách, trồng tính cách thì sẽ gặt được số phận. Vì thế, hãy giúp trẻ hình thành thói quen sống khoa học.