Nếu như nhân loại phải có tình yêu, thì đầu tiên phải yêu cha mẹ của mình, sau đó mới có thể nói đến chuyện yêu người khác, yêu tập thể, yêu xã hội, yêu đất nước…
Tình thân là biểu hiện tổng hợp của lòng tốt và lương tâm một con người hiếu thuận kính trọng cha mẹ, tôn trọng người lớn. Đây là bổn phận và nghĩa vụ làm người, là đạo lí tốt đẹp không bao giờ thay đổi, cũng là tiền đề để hình thành các phẩm chất đạo đức tốt đẹp khác. Thử nghĩ xem, một người ngay cả việc hiếu thuận kính trọng, báo đáp công ơn nuôi dạy của cha mẹ cũng không làm được, thì ai có thể tin anh ta là một con người? Còn ai muốn giao lưu với anh ta nữa?
Trong Tân Tam Tự Kinh có câu: “Tiểu Hoàng Hương, yêu cha mẹ, tiếng tăm muôn đời”. Câu chuyện về cậu bé tên Tiểu Hoàng Hương thời Hán sống ở Hồ Bắc hiếu thuận với cha mẹ đã lưu lại tiếng thơm mãi mãi. Khi Hoàng Hương 9 tuổi, mẹ cậu không may qua đời, từ đó cậu đã dành mọi sự kính trọng hiếu thuận cho cha. Mùa hè oi nóng, cậu mắc màn, đuổi muỗi cho cha ngủ. Đông lạnh giá, cậu dùng hơi ấm cơ thể mình để sưởi ấm chăn gối cho cha…
Trong cuộc đời mỗi con người, sự quan tâm và tình yêu thương của cha mẹ đối với con cái là chân thành, là vô tư nhất. Công ơn nuôi dạy của cha mẹ không bao giờ có thể kể hết được. Con cái lớn lên nhờ dòng sữa mẹ; bám chặt vào cha mẹ để chập chững những bước đi đầu tiên của cuộc đời; chìm vào giấc ngủ trong những lời ru ngọt ngào; trưởng thành trong sự quan tâm hết mực; khi ốm khi đau không biết cha mẹ đã phải thức bao nhiêu đêm dài, khi đi học không biết đã tốn bao nhiêu mồ hôi công sức của cha mẹ; cha mẹ đã trải qua biết bao gian lao để con lập nghiệp, thành gia thất…
Có thể nói, cha mẹ đã bỏ ra tâm huyết cả đời để nuôi dạy con cái. Ân tình này cao hơn trời, dày hơn đất, là sức mạnh vĩ đại nhất trên thế gian. Nếu như nhân loại phải có tình yêu, thì đầu tiên phải yêu cha mẹ của mình, sau đó mới có thể nói đến chuyện yêu người khác, yêu tập thể, yêu xã hội, yêu đất nước…
Trong Lễ kí cuốn sách kinh điển Nho gia viết: “Lập ái tự thân thủy”. Ý nói, bồi dưỡng lòng nhân ái phải bắt nguồn từ việc kính trọng hiếu thuận với người lớn tuổi, mà trước hết đó là mẹ cha. Nếu ngay cả cha mẹ mà ta cũng không yêu quý thì làm gì biết tương thân tương ái, yêu đồng bào, yêu Tổ quốc nữa đây.
Cổ nhân có câu: “Bách thiện hiếu vi tiên”. Ý muốn nói hiếu thuận kính trọng cha mẹ là phẩm chất đạo đức tốt đẹp nhất. Trong cuộc sống, không ít các bậc cha mẹ có yêu cầu quá thấp đối với con cái về sự kính trọng hiếu thuận với bề trên. Chỉ cần khi đi con hỏi, khi về con chào là cha mẹ đã mãn nguyện lắm rồi. Chỉ cần trẻ biết gắp thức ăn cho ông bà, cha mẹ, thì mọi người sẽ cảm thấy như vậy là rất hiếu thuận rồi. Điều này thực ra đã hạ thấp sự hiếu thuận kính trọng xuống mức văn hóa lễ phép quá bình thường.
Làm thế nào để trẻ hiểu được và thể hiện sự hiếu thuận kính trọng, quan tâm yêu quý cha mẹ từ đáy lòng qua những cử chỉ, ngôn ngữ, hành động trong cuộc sống thường nhật?
Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha
1. Thiết lập tôn ti trật tự trong gia đình
Hiện nay trong không ít gia đình, trẻ đã trở thành trung tâm, mọi thành viên trong nhà đều chiều theo ý trẻ. Trưởng thành trong một môi trường trật tự đảo lộn như vậy, trẻ rất khó có được thói quen quan tâm đến người khác, hiếu thuận kính trọng các bậc bề trên. Gia đình chính là một xã hội thu nhỏ, phải có trên dưới trước sau. Cho nên, trong một gia đình, trên cơ sở các thành viên tôn trọng lẫn nhau, cần thiết lập một trật tự hợp lí, tức là cha mẹ đương nhiên là người chèo lái con thuyền trong nhà, trẻ phải tôn trọng cha mẹ, phải sống và học tập dưới sự hướng dẫn và giúp đỡ của cha mẹ. Vì vậy cần làm cho trẻ hiểu mối quan hệ của bản thân với cha mẹ, phải biết cha mẹ là người lớn, người chủ của gia đình, không được phép cãi lộn vô lối.
Để giúp trẻ hiểu được điều đó, chúng ta không thể coi thường một số chi tiết nhỏ, như trong bữa cơm, trẻ nhất định phải đợi cha mẹ, người lớn đến đông đủ mới được ăn, phải để người lớn tuổi gắp thức ăn trước, có đồ ăn ngon, phải nhường cho người lớn tuổi, khi xem các chương trình trên tivi, phải hỏi ý kiến của người lớn.
“Trên dưới phải rạch ròi” không có nghĩa là phong kiến gia trưởng, mà đó chính là dân chủ bình đẳng. Cha mẹ phải tôn trọng nhân cách của trẻ, lắng nghe ý kiến của trẻ, nhưng không phải trẻ thích gì cũng được, bởi gia đình lại là một chỉnh thể, không thể mỗi người một phách, phải có trên dưới trước sau.
2. Phải chú trọng giáo dục trẻ từ những chi tiết nhỏ
Yêu cầu cơ bản của việc giáo dục con cái hiếu thuận kính trọng cha mẹ là nghe lời cha mẹ, quan tâm đến sức khỏe của cha mẹ, chia sẻ những lo âu của cha mẹ và tham gia làm việc nhà.
Xét từ góc độ sự phát triển trình độ đạo đức của trẻ, những trẻ trong giai đoạn mầm non hoặc tiểu học ở các lớp nhỏ, tức là nằm trong thời kì không chịu sự ràng buộc của các luân lí đạo đức, cho rằng mình là trung tâm, có thói quen nhìn thế giới bên ngoài theo cách của mình. Cho nên, cần phải có những yêu cầu cụ thể trên phương diện hành vi của trẻ, từ những chi tiết nhỏ nhất trong cuộc sống, để tạo nên thói quen tốt cho trẻ. Sự biết ơn, giàu tình yêu thương, hiếu thuận kính trọng bề trên sẽ dần dần được hình thành từ những điều nhỏ nhất đó.
Căn cứ vào độ tuổi mà đề ra những yêu cầu với trẻ. Ví dụ, đối với những trẻ trong giai đoạn mầm non và tiểu học lớp nhỏ, phải yêu cầu trẻ biết chào hỏi ông bà, cha mẹ, người thân quen, biết giúp cha mẹ những việc nhỏ như lấy giày, cất quần áo… Đối với những trẻ lớp 4, lớp 5, phải yêu cầu trẻ biết chủ động hỏi thăm cha mẹ và giúp cha mẹ làm việc nhà, phải chủ động chăm sóc khi cha mẹ ốm, biết tôn trọng quyết định của cha mẹ, không được cáu gắt khi không vừa lòng…
Muốn những yêu cầu trên trở thành hiện thực thì phải bắt đầu từ những hoạt động thực tiễn hàng ngày. Ví dụ, trên phương diện quan tâm đến sức khỏe của cha mẹ, hãy yêu cầu trẻ hàng ngày phải hỏi thăm cha mẹ khi cha mẹ đi làm về; khi cha mẹ mệt, phải chủ động giúp cha mẹ làm việc nhà; khi cha mẹ ốm con cái phải chủ động chăm sóc, động viên an ủi; giúp cha mẹ tiếp đãi khách…
Trẻ nhất định phải hoàn thành những công việc nhà mà mình đảm nhiệm. Căn cứ vào độ tuổi, khả năng và tình hình học tập của trẻ mà phân bổ hợp lí, hướng dẫn cụ thể và nhiệt tình động viên trẻ. Như vậy không chỉ có ích cho việc bồi dưỡng thói quen làm việc nhà của trẻ, mà cũng giúp trẻ hiểu được cách kính trọng hiếu thuận cha mẹ.
3. Cha mẹ phải làm gương
Trong nhà cha mẹ phải làm gương cho con cái, điều này rất quan trọng. Cha mẹ hiếu thuận, kính trọng ông bà sẽ dần hình thành thói quen tốt cho trẻ, bởi hành động bao giờ cũng có hiệu quả cao hơn lời nói. Đặc biệt là đối với trẻ nhỏ, cha mẹ làm thế nào thì trẻ bắt chước thế ấy, chứ trẻ khó có thể hiểu được những đạo lí sâu xa mà người lớn giảng giải. Thái độ đối xử của trẻ với cha mẹ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thái độ đối xử của cha mẹ đối với các bậc bề trên.
Viết đến đây, làm tôi nhớ Lưu Tường(*). Rất nhiều người chỉ biết Lưu Tường chạy rất nhanh, nhưng không biết anh còn là một người rất hiếu thuận kính trọng bề trên, điều này anh học được từ chính cha mẹ anh.
____________
(*)Lưu Tường (1983), là vận động viên người Trung Quốc đi vào lịch sử điền kinh thế giới khi trở thành người châu Á đầu tiên đoạt huy chương vàng Olympic cự li 110m rào nam tại Athens 2004.
Mỗi lần thi đấu về, bao giờ anh cũng đến thăm ông nội. Ông nội bị trúng gió, đi lại không tiện, hễ có thời gian rảnh là anh lại đến chuyện trò với ông. Anh còn là người rất tôn trọng thầy cô giáo, đặc biệt là ân sư của mình – Tôn Hải Bình(*), tiếng lành đồn xa ai cũng ca ngợi anh. Trong buổi trao giải thưởng cho mười vận động viên xuất sắc nhất, Lưu Tường nhận được phần thưởng là một chiếc xe hơi, nhưng anh đã quyết định tặng phần thưởng này cho thầy Tôn Hải Bình.
___________
(*)Tôn Hải Bình (1955), tốt nghiệp Học viện Thể dục Thượng Hải, hiện là huấn luyện viên môn điền kinh cự li 110m cho đội tuyển Quốc gia Trung Quốc.
Từ khi Lưu Tường còn nhỏ, anh đã được cha dạy phải hiếu thuận với bề trên, quan tâm đến người khác. Không những nói, mà cha anh còn là tấm gương sáng về lòng hiếu thảo để anh noi theo.
Tôn trọng người lớn, hiếu thuận kính trọng cha mẹ là truyền thống đạo đức tốt đẹp. Nhưng truyền thống này đang dần bị mai một. Cảnh thường thấy trong những gia đình hiện đại chỉ sinh một con hiện nay, đó là, trẻ ăn xong chỉ biết xem tivi hoặc chạy ra ngoài nô đùa, còn cha mẹ thì bận rộn thu dọn bát đũa; trong nhà có gì ngon cũng phần con; cha mẹ chạy đôn đáo khắp nơi, quan tâm hết mức khi con ốm, nhưng con lại rất ít khi hỏi thăm khi cha mẹ mệt mỏi, ốm đau. Chính sự nuông chiều quá mức đã biến trẻ thành ra như vậy, và hậu quả sau này chính các bậc làm cha làm mẹ phải nhận về mình. Hiếu thuận kính trọng cha mẹ, không đơn giản chỉ là mối quan hệ giữa con cái với cha mẹ, mà trên thực tế đó còn là vấn đề quan tâm đến người khác.