Con cái và cha mẹ là bình đẳng, cha mẹ phải đứng ở góc độ của trẻ để nhìn nhận vấn đề, ý thức đầy đủ con mình đang ở giai đoạn lứa tuổi nào, đặc điểm của giai đoạn lứa tuổi này là gì.
Rất nhiều trẻ biết câu “Người ngoài cuộc thường sáng suốt hơn người trong cuộc”. Con người khi đối mặt với sự vật, giải quyết vấn đề, đều suy nghĩ theo một lối mòn đơn nhất, chủ quan. Cho dù cha mẹ biết rằng dạy trẻ đọc thơ cổ có rất nhiều lợi ích, nhưng có bao nhiêu cha mẹ có thể vừa dạy trẻ thơ cổ đồng thời bản thân cha mẹ cũng học hỏi vận dụng được những câu thơ đó?
Đổi vị trí để suy nghĩ chính là khi một bên đưa ra quyết sách liên quan đến bên còn lại, không những phải suy nghĩ đến tình hình của mình mà còn phải đứng trên lập trường của đối phương để suy xét vấn đề.
Rất nhiều các bậc cha cha mẹ cảm thấy không thể hiểu được trẻ. Thực ra, vấn đề này không hề phức tạp, cha mẹ chỉ cần đặt mình vào vị trí của trẻ, đứng từ góc độ của trẻ để suy nghĩ vấn đề, thì có thể tất cả mọi khó khăn sẽ được giải quyết.
Đại đa số các bậc phụ huynh khi giáo dục con cái đều đem những suy nghĩ mà người lớn chúng ta cho là đương nhiên để áp đặt trẻ, chỉ thích nói với trẻ nên làm cái gì, làm thế nào, nhưng lại không nói với trẻ tại sao lại làm như thế. Kết quả là sự việc thường có chiều hướng phát triển ngược lại, những việc yêu cầu trẻ làm thì trẻ không làm, những việc không cho trẻ làm thì trẻ lại làm. Khi chúng ta trách móc trẻ không thể thấu hiểu nỗi lòng của cha mẹ, chúng ta có nên thử tìm hiểu thế giới nội tâm của con trẻ ngoài việc chỉ chăm chút đến việc ăn, mặc, học hành của con? Tôi cho rằng, cha mẹ nhất thiết phải hoán đổi vị trí với trẻ để suy nghĩ, phải đứng trên góc độ của trẻ để nhìn nhận vấn đề.
Có một người mẹ trẻ đưa con đi siêu thị, nhưng đứa trẻ lại không chịu đi bộ, mà muốn mẹ bế. Người mẹ hết sức tức giận, khi người mẹ ngồi xuống định đánh trẻ, mới sững sờ nhận ra: Khi ngồi xuống, người mẹ nhìn theo tầm nhìn của trẻ thì thấy trong mắt trẻ là vô số những cặp chân và mông đầy quái dị của người lớn. Lúc này người mẹ hết sức thương con và bế con lên.
Con cái và cha mẹ là bình đẳng, phải đứng ở góc độ của trẻ để nhìn nhận vấn đề, ý thức đầy đủ con mình đang ở giai đoạn lứa tuổi nào, đặc điểm của giai đoạn lứa tuổi này là gì. Như vậy mới có thể đề ra những kế hoạch hợp lí, trẻ thích thú đồng thời vui vẻ chấp hành.
Có một người cha yêu cầu đứa con 5 tuổi của mình phải luyện thư pháp. Dù rèn luyện không ngừng, nhưng việc luyện thư pháp của con không hề có hiệu quả. Rõ ràng kế hoạch này không hề phù hợp với quy luật cơ bản, trẻ 5 tuổi cầm bút chưa chắc làm sao có thể luyện thư pháp. Những việc không hợp với quy luật phát triển như vậy thì không nên áp đặt trẻ.
Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha
1. Đổi vị trí để suy nghĩ, có thể làm chúng ta hiểu được nhu cầu tâm lí của trẻ
Trong quá trình giáo dục thực tế, thường xuất hiện các tình huống trừng phạt học sinh. Có thể con cái của chúng ta cũng đã từng bị phạt. Những tình huống như một học sinh nào đó viết sai một chữ hoặc dùng sai một từ, giáo viên phạt trẻ viết lại chữ này hoặc từ này một trăm lần không hề lạ lẫm với chúng ta. Hiện nay, phạm vi được thi hành phương pháp này được mở rộng hơn, phụ huynh chúng ta cũng dần dần hưởng ứng phương pháp này. Thực tế, phương pháp này không hề đem lại hiệu quả như mong muốn, bởi cho dù có viết một nghìn lần thì cũng chỉ làm cho trẻ thấy chán ghét, làm gì còn có ý nghĩa giáo dục nào nữa? Thử nghĩ xem nếu bạn làm sai một việc, lãnh đạo phạt bạn đi làm lại nó một trăm lần, bạn sẽ cảm thấy thế nào?
Thường xuyên đặt mình vào vị trí của trẻ để suy nghĩ, mới có thể làm cho chúng ta hiểu được nhu cầu tâm lí của trẻ, từ đó có thể dễ dàng giao lưu trò chuyện với trẻ; giúp chúng ta đoán được tâm lí của trẻ, nắm được trọng điểm, để tiến hành giáo dục bằng cách thuyết phục trẻ; đồng thời từ đó chúng ta phát hiện ưu điểm của trẻ, cổ vũ, ủng hộ trẻ làm những việc mình thích, giúp trẻ có không gian phát triển rộng hơn.
Trong tác phẩm Chơi qua tiểu học, Y Y đã rất đắc ý kể về biểu hiện và cảm nhận khi mình làm “trợ lí cha mẹ”. “Trợ lí cha mẹ” chỉ là cách gọi tôi tạm thời nghĩ ra, bởi có trợ lí chủ tịch thành phố, trợ lí giám đốc thì sao không thể có “trợ lí cha mẹ”?
Sau khi Y Y có chức danh như vậy, con đã rất tích cực tham gia làm việc nhà, và cũng rất chủ động làm việc nhà. Ngoài việc nhà, Y Y còn tham gia “nghị chính”. Mỗi lần trong gia đình có việc gì cần bàn bạc, chỉ cần con có thể nghe, chúng tôi đều thông báo với con “mở cuộc họp gia đình”. Thế là Y Y sẽ lấy giấy bút, tập trung ngồi bên cạnh ghi chép “biên bản cuộc họp”. Đương nhiên, Y Y cũng không quên “phát biểu”, nói cách nghĩ và cách nhìn của mình, đặc biệt là khi nói những chuyện liên quan đến mình, Y Y không bao giờ từ bỏ quyền phát ngôn của mình.
Việc khi Y Y làm “trợ lí cha mẹ”, lợi ích đầu tiên là con hiểu chúng tôi hơn trước, lợi ích thứ hai là khi ý kiến có sự khác biệt với chúng tôi, con có thể nghĩ cho chúng tôi. Con có cách tư duy như vậy, tôi rất mừng. Đồng thời tôi cũng hay đứng ở góc độ của con để suy nghĩ, hiểu con.
2. Đổi vị trí để suy nghĩ có thể làm cho chúng ta trở nên trí tuệ, lí trí
Cha trách mắng trẻ quá nhiều sẽ làm cho trẻ bối rối. Việc trẻ con mắc lỗi là một việc hoàn toàn bình thường. Nhưng có người cha khi trẻ làm sai một việc gì đó, thường một mực trách mắng trẻ. Sự trách mắng hợp lí có thể làm cho trẻ biết được hậu quả việc làm sai trái của mình, giúp trẻ sửa sai, nhưng mắng mỏ quá nhiều chỉ có thể có tác dụng ngược lại.
Biết hoán đổi vị trí để suy nghĩ sẽ làm người và người hiểu nhau, sống hòa thuận với nhau; học được cách đổi vị trí để suy nghĩ sẽ làm cho lòng mình rộng mở hơn. Còn nếu không biết khoan dung, chỉ biết cho mình là trung tâm, làm mọi việc đều xuất phát từ cái tôi cá nhân mà bỏ qua hoặc bất chấp cảm giác của người khác, làm những việc tổn hại người khác thực chất là cũng làm tổn hại đến mình. Như vậy, người cha và trẻ học được cách hoán đổi vị trí để suy nghĩ sẽ làm bản thân trở nên trí tuệ, lí trí, giảm bớt xung đột và mâu thuẫn.
Có một câu chuyện nhỏ kể về một người đi tàu hỏa, sau khi lên tàu anh ta ngồi ở vị trí gần cửa sổ. Tàu hỏa dần dần chuyển bánh, anh ta không cẩn thận nên làm rơi một chiếc giày mới mua ra ngoài cửa sổ. Có người nói, thật đáng tiếc, chiếc giày đẹp như thế! Nhưng người này lại không hề mảy may thấy tiếc, mà còn vứt chiếc giày còn lại đi. Mọi người bắt đầu bàn tán, họ đều nói anh ta quá ngốc nghếch. Nhưng anh ta lại nói giọng rất thản nhiên rằng, trong mắt mọi người có thể tôi rất ngốc nghếch, nhưng giày thì có đôi, khi đã mất một chiếc rồi, chiếc còn lại dù có mới có đẹp thế nào, thì đối với tôi cũng chẳng còn ý nghĩa gì; tôi ném chiếc còn lại đi thì người nhặt được sẽ kết hợp thành một đôi, vẫn có thể đi được. Kết quả này không phải rất viên mãn sao?
Trong cuộc sống có rất nhiều chuyện phức tạp, mâu thuẫn. Chính vì vậy mối quan hệ giữa người và người luôn trong trạng thái hòa hợp và không hòa hợp. Để xóa bỏ những nhân tố không hòa hợp, giảm bớt sự mâu thuẫn, chúng ta nên biết cách “ném giày”, biết cách đặt mình vào vị trí người khác để suy nghĩ.
3. Đổi vị trí để suy nghĩ, trẻ con có cái lí của trẻ con
Tôi đã từng đọc một bài viết của nhà thơ Liễu Á Tử (1887-1958) về Lỗ Tấn như sau:
Một lần, Lỗ Tấn mời vài nhà văn đến nhà ăn cơm. Trong bữa cơm, Châu Hải Anh, con trai duy nhất của Lỗ Tấn, cắn một miếng thịt băm rồi lại nhổ ra, nói có mùi rồi, nhưng những người khác không hề có cảm giác đó. Hứa Quảng Bình (vợ Lỗ Tấn) liền nói Hải Anh nghịch ngợm, những người khách khác cũng nghĩ thằng bé này bị chiều quá sinh hư rồi. Nhưng Lỗ Tấn lại không hề nghĩ vậy, ông gắp miếng thịt băm mà Hải Anh vừa vứt đi lên ăn, thấy quả thật là có mùi, ông liền nói: “Trẻ con cũng có cái lí của trẻ con…”.
Đọc đến đây, tôi rất cảm động, một lúc lâu mới có thể bình tĩnh trở lại. Từ những việc nhỏ nhất này có thể thấy được Lỗ Tấn dành cho con tình thương vô bờ và sự tận tâm hết mình trong việc giáo dục con. Ông không có biểu hiện giống các phụ huynh bình thường khác như: nổi cơn thịnh nộ, phát vào mông Hải Anh mấy cái, hoặc là cau mày quát lớn, làm Hải Anh sợ quá không nói được gì. Tôi bị ảnh hưởng sâu sắc bởi câu nói của Lỗ Tấn: “Trẻ con cũng có cái lí của trẻ con”. Chúng ta là người lớn, trong cuộc sống chúng ta dùng ánh mắt, tư tưởng của người lớn để nhìn nhận vấn đề. Chúng ta đã gạt bỏ hết sự ngây thơ của bản thân, cố gắng làm cho mình trở nên chín chắn, lão luyện. Chúng ta bắt đầu dùng kinh nghiệm cuộc sống tích lũy trong quá trình trưởng thành của mình để đánh giá sự đúng sai của trẻ. Chúng ta dùng tư duy của người lớn để làm tiêu chuẩn, đặt ra hình thức thưởng phạt trẻ.
Tôi từng đọc bài thơ Đề trên tường chùa Tây Lâm của nhà thơ đời Tống Tô Thức (1037-1101), trong đó có câu: “Nhìn ngang thành dãy, nhìn nghiêng thành đỉnh”. Trong khi giáo dục trẻ, chúng ta lại không hề nghĩ mình phải đổi vị trí, đứng trên lập trường của trẻ để nhìn vấn đề, để xem xét mình có thiếu sót gì không. Trong sách giáo khoa của con gái tôi có một bài văn tên là Con cá vàng màu xanh. Tôi chưa từng nhìn thấy cá vàng màu xanh, mọi người cũng chưa từng nhìn thấy nhưng học sinh trong bài văn lại nói: “Bây giờ chưa có, sau này sẽ có”. Đúng, trong xã hội phát triển với tốc độ cao như hiện nay không có cái gì là không thể xuất hiện. Một ví dụ khác là tất cả mọi người đều nói ánh sáng của mặt trăng màu trắng hoặc màu vàng nhạt nhưng có trẻ lại phát hiện ánh sáng của mặt trăng màu xanh, người mẹ đã quan sát kĩ lưỡng và thấy đứa trẻ nói không hề sai.
Như vậy, chỉ khi những người cha thường xuyên đổi vị trí với trẻ để suy nghĩ, hiểu, tôn trọng, tin tưởng trẻ, trẻ mới có thể trưởng thành một cách vui vẻ và khỏe mạnh.