Trong mắt trẻ, thế giới này đầy ắp những điều mới mẻ và huyền bí, trẻ luôn tò mò và thích thú khi được khám phá thế giới.
Chúng ta thường nói nỗi buồn của con người khi có một người chia sẻ thì sẽ giảm đi một nửa, niềm vui khi có người khác chung vui thì sẽ nhân đôi. Trẻ cũng như vậy.
Trẻ có niềm vui, hi vọng có người khác để cùng chia sẻ, đặc biệt là cha mẹ và thầy cô, bởi vì khi chia sẻ, trẻ còn mong muốn nhận được sự khẳng định và tán thưởng của mọi người. Nhưng rất nhiều phụ huynh, đặc biệt là những người cha thường lơ là điều này, đặc biệt là đối với những việc mà phụ huynh coi là quá vụn vặt.
Xã hội hiện đại là một xã hội cộng hưởng, cho nên mọi người đều phải biết chia sẻ.
Trẻ có thể kể cho bạn nghe những niềm vui, chuyện vui ở trường học, đừng vì lúc đó bạn đang bận hay tâm trạng của bạn không tốt mà từ chối chia sẻ niềm vui với trẻ, hãy chia sẻ niềm vui đó với trẻ bằng sự chân thành và hào hứng của mình.
Trong cuộc sống thực tế của chúng ta, có rất nhiều phụ huynh làm mất đi niềm vui và sự chân thành của trẻ. Chúng ta thường tỏ vẻ nghiêm nghị, nói năng nghiêm khắc với trẻ. Trẻ hát thì nói trẻ “Ầm ĩ quá!”, trẻ kể chuyện thì cũng nói làm người khác đau đầu, trẻ cho chúng ta thưởng thức những tác phẩm nhỏ của trẻ thì lại nói “Chả có ý nghĩa gì”… Hết lần này đến lần khác bị giội gáo nước lạnh vào đầu như vậy, trẻ cảm thấy tại sao cha mẹ không hề hiểu trẻ, không hề hứng thú nói chuyện với trẻ? Ngày ngày tạo khoảng cách với trẻ, tự nhiên cũng mất đi rất nhiều cơ hội và điều kiện để giáo dục trẻ.
Trong mắt trẻ, thế giới này đầy ắp những điều mới mẻ và huyền bí, khiến trẻ luôn tò mò và thích thú khi được khám phá thế giới. Ở bên trẻ, chúng ta hãy nhìn trẻ bằng đôi mắt vui tươi, làm sống lại tâm hồn già nua mệt mỏi của chúng ta, chia sẻ niềm vui với trẻ, giúp trẻ trưởng thành khỏe mạnh, vui vẻ.
Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha
1. Chia sẻ niềm vui với trẻ từ những việc nhỏ nhất
Một người cha trẻ đã nói: “Con trai của tôi vừa qua sinh nhật 7 tuổi, hàng ngày thằng bé đều rất vui vẻ, luôn luôn phát ra những tiếng cười sảng khoái. Những sự việc đối với người lớn không có gì lạ thì trong con mắt của thằng bé lại là chuyện thú vị, chuyện đáng để vui. Vì được uống những đồ uống mình thích nên thằng bé nở một nụ cười hết sức mãn nguyện, vì được chơi những đồ chơi yêu thích nên thằng bé cũng nở một nụ cười rạng rỡ, vì được xem chương trình tivi yêu thích mà thằng bé tỏ ra vui sướng lạ lùng, vì được nghe một bài hát yêu thích mà thằng bé lập tức hát theo, vì phát hiện bên đường có một cây nhỏ đang ra hoa kết quả mà cảm thấy vô cùng thú vị. Một cái nắp chai nhỏ, một chiếc lá rơi trên mặt đất, một cái đầu mẩu thuốc lá, một bông hoa chưa nở hết, một ngôi sao trên bầu trời, một chiếc xe cảnh sát rú ầm chạy qua, một chiếc biển quảng cáo nhiều màu sắc, một bài hát du dương êm ái hay một bài hát vui nhộn âm vang… đều có thể làm thằng bé rung động.
Hàng ngày, niềm vui của con đã tác động đến tôi. Khi chia sẻ niềm vui với con, tôi cũng có thể tìm lại niềm vui thời thơ ấu của mình”.
“Con đắp một lâu đài thần kì”, “Con xây một chiếc cầu rất dài”, “Xe của con có thể chạy rất nhanh trên đường”, “Con phát hiện ra những cây đậu nhà trồng đã lớn hơn rồi ”… Khi trẻ nói những điều này với bạn bè, thầy cô, cha mẹ, trong mắt trẻ đều tràn ngập niềm vui. Không hề nói quá khi cho rằng trẻ rất dễ mãn nguyện với mọi thứ, một chút thay đổi hay thử nghiệm nhỏ cũng làm trẻ thấy vô cùng phấn khởi.
Nơi người ta để tâm đến là nơi có những khám phá, nơi có những khám phá thì sẽ có sự yêu thích, nơi có sự yêu thích thì sẽ có niềm vui, mà niềm vui có từ trong những điều nhỏ nhặt nhất.
2. Biết chia sẻ niềm vui
Có một giáo viên thể dục ở trường tiểu học viết như sau:
Một hôm, trong giờ thể dục của học sinh lớp 1, vừa đi đến hành lang sân vận động, tôi liền nhìn thấy một học sinh tay cầm dây nhảy chạy đến chỗ tôi, do chạy nhanh quá, bị dây quấn vào người rồi ngã ra, òa khóc. Tôi vội chạy đến giúp cậu bé gỡ dây. Cậu bé đột nhiên nhớ ra chuyện vui muốn nói với tôi, liền lau nước mắt mỉm cười: “Thầy ơi, thầy xem chiếc dây nhảy mới mà cha em mới mua cho em khác dây của các bạn”. Tôi nhìn thấy nụ cười ngây thơ của cậu bé, liền nói với cậu bé: “Rất đẹp! Chăm chỉ luyện tập, nhất định em sẽ trở thành người nhảy giỏi nhất!”. Nghe lời khen của tôi, cậu bé lập tức đứng dậy chạy về chỗ xếp hàng.
Trong lớp này có một bé gái gặp trở ngại về tâm lí, thành tích vận động của cô bé rất kém, môn nhảy xa nhảy được không đến 30cm, còn về kĩ thuật nhảy dây của cô bé, tôi cũng không dám kì vọng quá nhiều. Khi tập nhảy dây được gần một tháng, cô bé chạy đến trước mặt tôi và nói với tôi: “Thầy ơi, em biết một cách nhảy dây, thầy có biết không?”. “Ồ, vậy à? Em nhảy cho thầy xem!”. Sau đó, cô bé nhảy rất hăng hái. Chỉ nhìn thấy cô bé cố gắng nhảy (cho dù nhảy không cao đến 10cm), cố gắng dùng lực quất dây, cố gắng hết sức nhảy lên, nhưng cô bé không thể thành công trong việc luồn dây qua chân. Nhưng nhìn sự hào hứng của cô bé, tôi không thể nói “Em nhảy như vậy là không đúng”, bởi vì tôi biết, phương pháp nhảy dây đúng với cô bé là quá khó, khó đến mức có lẽ cả đời cô bé cũng không học được, cho nên tôi động viên cô bé và nói: “Em nhảy giỏi lắm, cố gắng luyện tập, nhất định sẽ trở thành một cao thủ nhảy dây”. Nghe lời khen của tôi, cô bé rất vui, chạy ra khoe với các bạn cách nhảy dây độc đáo của mình.
Đây là một thầy giáo thể dục giỏi, một thầy giáo biết chia sẻ niềm vui với học trò. Thầy chia sẻ niềm vui có dây nhảy mới với học sinh thứ nhất, lại chia sẻ niềm vui có phương pháp nhảy sáng tạo với học sinh thứ hai.
Thực ra, những câu chuyện như vậy cho dù là ở trường hay ở nhà, hàng ngày đều có thể xảy ra, bởi vì mỗi đứa trẻ đều muốn chia sẻ niềm vui của mình với thầy cô và cha mẹ, mỗi đứa trẻ đều muốn nhận được lời khen và lời động viên của thầy cô và cha mẹ. Lúc này cho dù thầy cô và cha mẹ chỉ cần cho trẻ một câu động viên hay một nụ cười rạng rỡ, trẻ sẽ cảm thấy vô cùng mãn nguyện, thậm chí mừng vui khôn xiết. Đây là một trải nghiệm tình cảm tích cực. Trải nghiệm này sẽ khiến trẻ nảy sinh nhu cầu tâm lí muốn tiếp tục có được sự hài lòng mãn nguyện đó, sẽ nảy sinh những động cơ và hứng thú mới. Lúc này, trẻ sẽ dựa vào bạn, bởi vì trong lòng trẻ, bạn là một người thầy tốt, một người cha tốt, một người mẹ tốt có thể hiểu mọi tâm tư tình cảm của trẻ.
Tóm lại, người cha tốt nhất định phải học tập người thầy giáo nói trên, biết cùng trẻ chia sẻ mọi niềm vui.