Người Cha Tốt Hơn Là Người Thầy Tốt

CHƯƠNG 40: TRẺ GIỎI CHƠI LÀ TRẺ GIỎI SÁNG TẠO



Trong quá trình tự do vui chơi, độ linh hoạt của hai bàn tay của trẻ được rèn luyện, vì sự vận động của tứ chi và tư duy của bộ não có mối liên hệ sinh lí với nhau, vì thế mà vùng não bộ giàu tính sáng tạo nhất của trẻ được khai phá.
Lịch sử phát triển của xã hội loài người là lịch sử tràn đầy sự sáng tạo. Cuộc sống của con người phát triển từ hang động đến những ngôi nhà cao tầng, từ xe ngựa đến phi thuyền vũ trụ, từ việc đốt cành thông đến việc dùng năng lượng mặt trời nhân tạo. Sự phát triển của xã hội loài người cần sự sáng tạo, mà nguồn gốc của những sáng tạo đó là con người. Chỉ có con người với phương thức tư duy mang tính sáng tạo, mới có thể phá vỡ quy luật thông thường, sáng tạo kì tích.
Sự phát triển khả năng sáng tạo của con người bắt đầu ngay từ trong giai đoạn sơ sinh và mầm non. Giai đoạn mầm non chính là giai đoạn then chốt để bồi dưỡng và phát huy khả năng sáng tạo của trẻ, những cơ sở được đặt nền móng trong giai đoạn này sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình phát triển trong cuộc đời trẻ.
Theo kết quả nghiên cứu có liên quan đến khả năng sáng tạo của trẻ ở Mĩ: Từ 3 đến 5 tuổi là thời kì phát triển cao độ khả năng sáng tạo của trẻ, khi 4 tuổi trẻ sẽ đạt điểm số cao nhất trong bài kiểm tra tư duy sáng tạo, sau 5 tuổi khả năng sáng tạo của trẻ dần dần có xu thế giảm đi. Điều này rốt cuộc là tại sao?
Đó chính là vì trong giai đoạn mầm non, hoạt động chủ yếu của trẻ trong trường mầm non hay trong gia đình là hoạt động vui chơi, cha mẹ và các thầy cô giáo rất ít khi hạn chế hoạt động vui chơi của trẻ, trẻ có rất nhiều không gian tự do để thỏa sức chơi, thỏa sức nghĩ và thỏa sức phát huy. Lúc này cha mẹ và thầy cô cũng không can thiệp quá nhiều vào suy nghĩ và hành động của trẻ, trẻ sẽ không bị người khác phủ định và trách mắng vì những ý nghĩ viển vông của mình. Cho nên, tư duy sáng tạo được phát triển tốt.
Nhưng khi lớn lên, trẻ dần dần phải đối diện với hoạt động học tập, lúc này cha mẹ trở nên nghiêm khắc, họ nhấn mạnh việc trẻ nên nắm vững nhiều tri thức, họ rất coi trọng việc trẻ có suy nghĩ đúng đắn hay không. Cha mẹ sẽ nói với trẻ cái gì là đúng, cái gì là sai; nên làm gì, và không được làm gì. Khi trẻ không làm theo lời dạy dỗ của người lớn, trẻ sẽ bị phê bình và trừng phạt. Để làm vừa lòng người lớn, trẻ dần dần bỏ đi những ý nghĩ “viển vông” của mình, suy nghĩ tìm ra đáp án người lớn muốn, như vậy trẻ sẽ được người lớn khen ngợi và động viên. Vì thế sự phát triển tư duy mang tính sáng tạo của trẻ bị hạn chế.
Xã hội cần phát triển, muốn phát triển thì phải dựa vào khả năng sáng tạo, trẻ phải có tư duy sáng tạo thì mới có thể đảm bảo cho sự tiến bộ của xã hội.
Tư duy mang tính sáng tạo của trẻ được bồi dưỡng trong quá trình vui chơi. Vui chơi là hoạt động chủ đạo của trẻ mầm non, trong quá trình vui chơi, khả năng sáng tạo của trẻ ngày càng được nâng cao, từ mô phỏng đơn thuần phát triển đến sự sáng tạo, trẻ dần dần tận dụng tư duy sáng tạo của mình phát triển những hình thức vui chơi kiểu mới, đóng vai một cách sáng tạo, chế tạo đồ chơi một cách sáng tạo…
Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha
1. Cho trẻ tự tay làm để bồi dưỡng tư duy sáng tạo
Tính hiếu kì vốn có của trẻ sẽ thúc đẩy trẻ không bao giờ chịu ngồi yên, thường sờ cái này, động cái kia. Lúc này, cha mẹ không được thô bạo ngăn cấm vì sợ trẻ làm loạn đồ đạc, mà nên cổ vũ tính hiếu kì của trẻ, đồng thời giải thích cho trẻ, động viên trẻ tự tay tạo ra một số phát minh nhỏ. Trong quá trình các đầu ngón tay tiếp xúc với đồ vật, tư duy sáng tạo của trẻ cũng được phát triển tốt nhất.
Ví dụ, con gái Y Y của tôi khi còn nhỏ rất thích chơi đồ chơi thủ công, mỗi lần chơi, Y Y đều không ngừng có những ý nghĩ và sáng kiến mới mẻ, đồ vật con tạo ra thường vô cùng mới mẻ, độc nhất vô nhị, nhận được sự khen ngợi của bạn bè.
2. Cho trẻ không gian vui chơi và tưởng tượng tự do
Không nên cho rằng trẻ hoang đường, suy nghĩ kì quái, không phù hợp với thực tế mà coi thường, phải hướng dẫn và ủng hộ trẻ. Sáng tạo không thể tách rời tưởng tượng, trẻ dựa vào khả năng tưởng tượng để khơi nguồn mộng tưởng về thế giới. Chỉ có sống trong thế giới tự do tưởng tượng, tư duy sáng tạo mới có thể phát triển.
Vì mong muốn tương lai con mình trở thành người xuất chúng, các bậc cha mẹ dồn tất cả thời gian của trẻ vào hoạt động học tập, ngay cả thời gian nghỉ ngơi hiếm hoi của trẻ cũng không bỏ qua. Cùng với việc này, các hoạt động vui chơi tự do của trẻ như bắt bướm, chơi xếp gỗ, búp bê, hoặc là vui đùa cùng cha mẹ… lại mất đi vì bận rộn.
Thực ra, cha mẹ nên từ bỏ tư tưởng này, để trẻ có nhiều thời gian chơi đất nặn, bắt côn trùng, chạy nhảy trong sân, đùa nghịch trên bãi biển, làm những việc mà trẻ thích làm.
Trong quá trình vui chơi tự do, tính linh hoạt của đôi tay trẻ được rèn luyện, sự vận động của tứ chi và tư duy bộ não có mối liên hệ sinh lí, vì thế mà vùng não bộ mang tính sáng tạo phong phú nhất của trẻ được khai phá. Những trẻ giàu khả năng sáng tạo việc gì cũng thích hỏi tại sao, thích bình luận về các sự vật, thích thử, suy nghĩ biến đổi nhiều và phản ứng nhanh chóng, không bị hạn chế bởi những thông tin đã biết…
Trong không gian tự do của mình, trẻ thường có những biểu hiện sáng tạo, sáng tạo cũng sẽ đem đến niềm vui, khiến trẻ có cảm giác thỏa mãn và thành công. Cảm giác thành công này có lợi cho sự thiết lập khả năng thích ứng của trẻ đối với môi trường và xã hội. Mà khả năng thích ứng này lại giúp cho năng lực sáng tạo của trẻ được phát huy hơn trong công việc thực tế sau này.
3. Cho trẻ vui chơi để có tài năng đặc biệt
Cuối thế kỷ XVI, một thương nhân buôn kính người Hà Lan có một cậu con trai rất thông minh hiếu động, nghịch ngợm. Cậu bé thường xuyên đến phòng mài kính chơi. Một hôm, cậu bé cùng nghịch kính với người công nhân, cậu bé đặt kính cận thị và kính lão ở cạnh nhau, để xem sự thay đổi của miếng kính. Lúc thì cậu bé tách xa chúng ra, lúc thì đặt gần chúng lại. Khi đặt hai miếng kính một trước một sau, bỗng cậu bé ngạc nhiên kêu lên, thì ra, thông qua hai tầng mắt kính những sự vật ở xa được kéo gần lại. Thương nhân buôn kính phát hiện ra điều kì diệu của kính trong quá trình cậu con trai vui chơi, kính viễn vọng được phát minh từ đó.
Thực ra trong quá trình vui chơi, chúng ta có thể phát hiện ra tài năng đặc biệt và năng khiếu bẩm sinh của trẻ. Nếu có thể bồi dưỡng, làm hứng thú này mạnh hơn, thì có thể gây dựng được tài năng đặc biệt của trẻ, giúp trẻ có bước đột phá trong một phương diện nào đó, giúp trẻ có những cống hiến đặc biệt.
Tài năng bẩm sinh về toán học của nhà toán học vĩ đại người Anh James Clerk Maxwell (1831-1879) do cha ông phát hiện và bồi dưỡng. Có một lần, cha ông tình cờ phát hiện bức tranh mà cậu con trai vẽ rất đặc biệt. Con trai vẽ một chiếc bình cắm hoa cúc, bông hoa cúc do mấy hình hộp tạo nên, những chiếc lá hình tam giác với kích cỡ khác nhau, sự kết hợp hình dạng của chúng rất kì diệu. Người cha ngạc nhiên phát hiện ra khả năng khống chế hình hộp của con trai, từ đó không ngừng hướng dẫn, làm cho Maxwell nhanh chóng có hứng thú với môn toán học, cuối cùng đã trở thành một nhà toán học kiệt xuất.
Không cho trẻ chơi, đồng nghĩa với việc hủy diệt bản tính của trẻ, làm trẻ mất đi động lực sáng tạo, như vậy làm gì còn sáng tạo và phát minh nữa.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.