Thông qua việc chơi bài, khả năng suy đoán, phán đoán, quyết đoán, khả năng ghi nhớ và cả khả năng đối mặt với thất bại của trẻ cũng được rèn luyện.
Đánh bài Tây là trò chơi thường gặp nhất trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, người lớn hay chơi, trẻ em cũng vậy.
Đánh bài không chỉ là một hình thức giải trí mà nó cũng giống như các trò chơi khác, nó có thể phát huy tác dụng tăng cường mối quan hệ giữa con người với nhau, làm linh hoạt bộ não, bồi dưỡng tình cảm lành mạnh… Những lá bài vừa rẻ vừa đẹp, thuận tiện mang theo, mặt bài dễ nhận biết, không hạn chế số người chơi, không cần chọn địa điểm, cách chơi đa dạng, già trẻ đều có thể chơi. Vì thế đó là loại hình giải trí được mọi người yêu thích nhất.
Sở dĩ chơi bài có thể phát triển trí lực của trẻ là bởi vì khi chơi bài, người chơi phải không ngừng điều chỉnh sách lược của mình, làm thế nào để lợi dụng những con bài có ích, làm thế nào để biến thế bất lợi thành thế có lợi… mỗi lần đánh ra một con bài phải suy nghĩ và tính toán kĩ lưỡng.
Tôi luôn luôn cho rằng chơi bài là một hình thức lao động trí óc phức tạp, nó giống như đánh cờ, muốn giành được thắng lợi phải tính toán suy nghĩ cẩn thận. Thông qua việc chơi bài, khả năng suy đoán, phán đoán, quyết đoán, khả năng ghi nhớ và cả khả năng đối mặt với thất bại của trẻ cũng được rèn luyện.
Ngoài ra, chúng ta có thể rèn luyện khả năng toán học thông qua việc chơi bài. Qua trò chơi, trẻ có thể nhận biết những con số đơn giản, lại có thể làm những phép toán đơn giản, phụ huynh có thể hoàn thành việc giáo dục vỡ lòng về toán học cho trẻ trong không khí thoải mái thư giãn.
Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha
1. Nhận thức đúng đắn về việc trẻ chơi bài
Nói đến việc đánh bài trong đầu chúng ta sẽ nghĩ tới cảnh tượng như thế nào? Một đám người ngồi hút thuốc, quây vào đánh bài, bên ngoài là một đám người đứng xem…
Nếu như thử thay vào đó là một lũ trẻ quây vào đánh bài thì sẽ gây xôn xao dư luận. Trong mắt của cha mẹ, đánh bài đồng nghĩa với việc đánh bạc hoặc là đồng nghĩa với việc giết thời gian, không có ích lợi gì. Nhưng trẻ thì không thể đánh bạc, và trẻ đánh bài để giải trí chứ không phải để giết thời gian. Thậm chí có phụ huynh vì cho rằng cho trẻ chơi bài thì trẻ sẽ hư đốn nên bắt trẻ tránh xa những cây bài.
Tôi muốn nói, thứ nhất, đánh bài có liên quan đến đánh bạc hay không thì phải xem bài có phải là dụng cụ để đánh bạc không, trong quá trình chơi có hình thức ăn thua hay không. Nếu như muốn đánh bạc, bất kì vật gì cũng đều có thể dùng để đánh bạc. Ví dụ như cầm hai chiếc bút đoán xem chiếc bút ở tay nào dài hơn, đoán đúng thì được tiền đoán sai phải trả tiền, lúc đó hai chiếc bút chính là dụng cụ đánh bạc, như thế thì không cho trẻ dùng bút nữa sao? Cho nên không thể chỉ có định kiến với đánh bài. Điều thứ hai, trẻ không được giải trí sao? Người lớn làm việc mệt mỏi thì phải nghỉ ngơi thư giãn, đánh mạt chược, đi nhảy, đi hát hoặc đi du lịch; trẻ học tập mệt mỏi thì không thể thư giãn giải trí sao?
Đánh bài cũng là con dao hai lưỡi, nếu như mải mê đánh bài hoặc tham gia đánh bạc, thì nó có hại; nếu như biết tận dụng nó làm trò chơi giải trí, chơi một cách hợp lí thì nó có ích. Giống như con dao trong nhà bếp, nếu để thái rau thì nó là dụng cụ, nếu dùng nó để giết người thì nó lại là một hung khí.
Trong những lá bài còn hàm chứa những kiến thức như toán học, thiên văn, lịch, ví dụ: Mỗi nhóm bài có 13 con, bớt đi một con, thì nó chính là các tháng trong một năm, thêm một con chính là tháng nhuận; có 4 nhóm đại diện cho 4 mùa; 52 lá bài biểu thị 52 tuần trong một năm.
Cho nên, cha mẹ phải nhận thức đúng đắn về việc trẻ đánh bài.
2. Dạy trẻ biết đánh bài
Sau khi nhận thức được những ích lợi của việc chơi bài, phải dạy trẻ cách chơi. Bài Tây có thể theo chúng ta suốt cuộc đời, từ khi còn nhỏ đến khi là thanh niên, trung niên hay đến già.
Y Y học tính từ việc chơi bài. Lúc đầu chúng tôi đếm những hình vẽ trên lá bài, con hiểu được khái niệm về những con số; tiếp theo so sánh bài của ai to hơn, con liền hiểu được sự lớn nhỏ của những con số; chơi ba cây, con học được phép cộng…
Hiện nay Y Y đã biết chơi hơn mười trò với bài Tây. Ngay cả khi không có người chơi cùng, con cũng có thể sáng tạo ra cách chơi bài không cần đối thủ, một mình tự chơi vui vẻ.
Tôi còn cùng Y Y sáng tạo ra những cách chơi bài mới. Tôi và Y Y dùng bài để viết ra những câu chuyện, đầu tiên một người rút một cây bài sau đó soạn tình tiết một câu chuyện, người kia cũng rút một cây bài, cũng phải nói ra một tình tiết, nhưng yêu cầu là phải tiếp tục tình tiết câu chuyện của người trước. Cứ như vậy nối tiếp, một câu chuyện mới rất dài sẽ ra đời. Y Y chơi rất vui, tình tiết những câu chuyện được nghĩ ra ngày càng hấp dẫn. Những câu chuyện mà chúng tôi dùng phương thức này nghĩ ra đủ để có thể biên tập thành một cuốn sách.
Khi còn nhỏ, có thể cho trẻ chơi các trò chơi như nhận biết màu sắc hoặc nhớ vị trí. Cách chơi của hai trò này như sau:
Nhận biết màu sắc: Bạn có thể đem các quân bài trong tay chia làm hai phần, đưa một phần cho trẻ đồng thời nói với trẻ: “Con nhìn xem những con số trên cây bài có hai loại màu sắc, một loại là màu đỏ một loại là màu đen, bây giờ chúng ta phân loại những cây bài màu đen và màu đỏ thành hai loại khác nhau, ai phân loại xong trước, thì người đó thắng”. Sau đó hai bên bắt đầu thao tác. Để tăng thêm tính hứng thú, có thể đề ra một số nguyên tắc thi đấu, ai thắng thì có thể được nhận phần thưởng. Cha mẹ nên cố ý để cho trẻ thắng vài lần, để nâng cao lòng tin và sự thích thú lâu dài của trẻ với trò chơi.
Nhớ vị trí: Lấy ba quân bài, trong đó có một lá là Joker, đặt lá bài này vào giữa hai lá bài khác sau đó nói với trẻ, con là Tôn Ngộ Không, còn con Joker này chính là một con yêu quái có rất nhiều phép biến hóa, con phải nhìn đúng, không được nhận nhầm, nếu để nó xểnh ra thì nó sẽ làm những việc xấu. Để cho trẻ nhớ rõ vị trí của quân bài Joker, sau đó bắt đầu thay đổi vị trí của các quân bài rồi bắt trẻ nói ra vị trí của quân Joker. Chơi bài như vậy có thể rèn luyện khả năng tập trung và phản ứng nhanh của trẻ.
Trò chơi có thể phát triển trí tuệ của trẻ. Chơi là bản tính của trẻ. Điều quan trọng là phải để trẻ trưởng thành, tăng thêm tri thức thông qua việc vui chơi.
Con người ai cũng phải bước ra xã hội, người không biết chơi có thể sẽ không biết giao tiếp xã hội, người không biết chơi cũng là người không biết hưởng thụ cuộc sống. Trong khi chơi làm nóng không khí, trong khi chơi thư giãn bản thân, trong khi chơi tích lũy sức mạnh.
Hi vọng các trò chơi bài phong phú có thể cùng trẻ trưởng thành khỏe mạnh.