Một người thành thật có chữ tín, tự nhiên sẽ được nhiều người giúp đỡ, có thể giành được sự tôn trọng và tình bạn từ mọi người.
Thế nào gọi là thành tín? Thành tín chính là thành thật giữ chữ tín. Thành thật tức là nói thật, làm những việc thật. Giữ chữ tín chính là tuân thủ lời hứa, thực hiện lời hứa.
“Dân vô tín bất lập, gia vô tín bất hòa, quốc vô tín bất hưng”. Thành tín là phạm trù đạo đức của văn hóa nhân loại, nó là phẩm chất đạo đức quan trọng nhất để làm người, là cơ sở để một con người sinh tồn và phát triển trong xã hội và cầu nối của một xã hội hài hòa. Thành tín là bộ phận cấu thành quan trọng không thể thiếu được trong nhân cách hoàn mĩ của một con người.
Thành tín là cơ sở xử lí mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội, cá nhân và cá nhân. Nhưng ngày nay, điều vốn luôn được coi là một đạo đức truyền thống kinh điển đang phải đối mặt với những xung đột và khảo nghiệm trước đây chưa từng có, đồng thời có xu thế không ngừng phát triển và kéo dài. Nói rằng xã hội đang ở trong cuộc “khủng hoảng thành tín” cũng không có gì là quá lời.
Rất nhiều trẻ cũng không thể tránh khỏi cuộc khủng hoảng này. Do chịu ảnh hưởng của các loại nhân tố xấu, không ít trẻ có quan niệm mờ nhạt về thành tín. Trẻ không hiểu nhưng lại tỏ ra rất hiểu, sao chép bài tập, copy lúc thi cử, nói dối, lừa dối thầy cô và cha mẹ, nói nhưng không làm, lấy đủ mọi lí do để trốn học; khi vi phạm kỉ luật thì có những hành vi như che giấu chân tướng sự việc, thêu dệt nên những lời nói dối; trước mặt cha mẹ thầy cô hứa rất nhiều lần nhưng luôn không thực hiện.
Cha mẹ hiện nay chỉ quan tâm đến thành tích học tập của trẻ mà coi thường việc giáo dục về sự thành thật và chữ tín, đây là vấn đề tồn tại phổ biến trong giáo dục con cái của rất nhiều gia đình. Rất nhiều cha mẹ dưới sự ảnh hưởng của tư tưởng giáo dục học để thi, vì muốn trẻ thi vào các trường điểm, thi đỗ các trường đại học lí tưởng, nên chỉ coi trọng việc giáo dục trí tuệ, mà coi thường việc giáo dục về sự thành thật và chữ tín. Trẻ không chăm chỉ học tập là vấn đề cha mẹ đau đầu nhất; điểm số của trẻ là vấn đề cha mẹ quan tâm nhất. Vậy là, “học tập hàng đầu, thành tích là số một” cũng trở thành mục tiêu duy nhất của trẻ, thành tín hay không thành tín cha mẹ đều không quan tâm. Thậm chí có một số trẻ vì muốn thỏa mãn ý nguyện của cha mẹ, lúc thi thì chép bài, thi đạt điểm kém về nhà nói dối hoặc sửa bảng điểm.
Cuối thời Tần có một người tên là Quý Bố, luôn luôn giữ lời, uy tín rất cao, rất nhiều người có tình bạn sâu đậm với ông ta. Lúc đó còn lưu truyền câu ngạn ngữ: “Có 100 lượng vàng không bằng có một lời hứa của Quý Bố” (Đây chính là nguồn gốc của câu thành ngữ “Lời hứa ngàn vàng”). Sau này, ông ta đắc tội với Hán Cao Tổ Lưu Bang, bị treo thưởng truy nã. Kết quả là những người bạn cũ của ông ta không những không bị tiền bạc mê hoặc mà còn đối diện với nguy hiểm chu di cửu tộc để bảo vệ ông ta, giúp ông ta thoát nạn. Một người thành thật có chữ tín, tự nhiên sẽ được nhiều người giúp đỡ, có thể giành được sự tôn trọng và tình bạn của mọi người. Ngược lại, nếu như chỉ ham lợi lộc trước mắt mà mất đi chữ tín với bạn bè, bề ngoài là được lợi, nhưng thực chất đã hủy hoại danh dự chữ tín của mình, mà điều đó còn quan trọng hơn vật chất nhiều. Cho nên, mất chữ tín với bạn bè, không khác gì với việc bỏ dưa hấu nhặt vừng.
Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha
1. Cha mẹ phải dùng hành động của mình để làm gương cho trẻ
Có phụ huynh dạy trẻ phải chăm chỉ học tập không được ham chơi, nhưng bản thân mình lại ngày đêm ngồi chơi trên bàn mạt chược; có phụ huynh dạy trẻ phải văn minh, không được cãi nhau, nhưng giữa cha mẹ lại thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, đánh mắng; có phụ huynh dạy trẻ phải thành thực không được nói dối, nhưng cha mẹ lại thường xuyên làm những việc giả dối trước mặt trẻ… Những đứa trẻ được giáo dục trong môi trường như vậy có thể thành thật giữ chữ tín không?
Có nhiều nhân tố ảnh hưởng đến quan niệm về sự thành thật và chữ tín của trẻ, nhưng trong đó gia đình đóng vai trò vô cùng quan trọng. Gia đình là trường học đầu tiên của trẻ, giáo dục gia đình không những là cơ sở giáo dục sự thành tín của trẻ, mà còn đóng vai trò chủ đạo, những nhân tố khác đều là hỗ trợ, bổ sung. Trường học và đặc biệt là xã hội đều có những điểm không hoàn thiện, ngoài ra thường có một số ảnh hưởng tiêu cực. Nếu như coi giáo dục là một cuộc chiến tranh để giành giật thế hệ trẻ, thì xã hội là chiến trường, trường học chính là trận địa tuyến đầu, gia đình lại là khu căn cứ. Nếu như khu căn cứ được xây dựng vững chãi – giáo dục gia đình tốt, thì sẽ bảo đảm và thúc đẩy sự thắng lợi trong cuộc chiến. Cho nên tăng cường giáo dục lòng thành tín của trẻ phải bắt đầu từ gia đình, bắt đầu từ chính cha mẹ.
Còn nhớ khi Y Y 6 tổi, cả nhà chúng tôi đi chơi phố. Lúc bắt xe là dùng thẻ, lúc lên xe tôi chỉ quẹt hai cái rồi bước vào trong, con gái tôi hét lên trước mặt mọi người: “Cha ơi, cha không quẹt thẻ cho con!”, “Con còn nhỏ”, tôi giải thích nhẹ nhàng. “Con đã cao hơn mét mốt rồi”. Lúc đó tôi và tài xế đều không để ý, con gái tôi lại rất kiên quyết.
Chúng tôi cùng đo, quả nhiên con gái đã cao hơn mét mốt, thế là tôi quay lại quẹt thẻ thêm một lần nữa. Sau đó tôi vỗ vai con gái và nói: “Con gái đã lớn rồi. Con là một đứa trẻ thành thật”.
2. Chữ tín chính là sợi dây nối quan hệ của người với người
Tất cả các mối quan hệ giữa con người với nhau đều dùng chữ tín làm cơ sở để bắt đầu và duy trì. Chữ tín mất đi, mối quan hệ giữa con người với con người cũng đổ vỡ; không có chữ tín bạn sẽ bị người khác bài trừ trong tất cả mọi trường hợp.
Ở Đức có một câu chuyện như sau: Một lưu học sinh cho rằng, dưới tàu ngầm không thu vé nên thường xuyên trốn vé. Đến khi tốt nghiệp, vì bản thân không có chữ tín, nên dù thành tích học tập có tốt đến đâu thì anh ta cũng không được công ty nào nhận. Một nhân viên ngân hàng nói rất rõ ràng: “Tôi thà cho những người nghèo thành thực biết giữ lời vay tiền còn hơn cho những người giàu, không có chữ tín vay, tuy những người giàu này có khả năng trả tiền dễ dàng hơn”.
Đại văn hào người Pháp Balzac (1799-1850) từng nói: “Nếu như bạn muốn trở thành một con người thành công, bạn nhất định phải coi lời hứa là tôn giáo thứ hai, tuân thủ lời hứa như bảo vệ danh dự của bạn”. Từ đó có thể thấy, thành thực giữ chữ tín có giá trị tiềm tàng rất to lớn.
Hầu hết các nhà tâm lí học giáo dục của Đức đều cho rằng, thời kì trẻ 4, 5 tuổi là thời kì chủ yếu nhất để bồi dưỡng giá trị quan và khả năng phân biệt phải trái đúng sai, 97% phẩm chất tính cách của trẻ được hình thành trong giai đoạn này. Vì thế, trong hệ thống giáo dục thanh thiếu niên của Đức, gia đình là môi trường quan trọng để giáo dục đạo đức của con người, cha mẹ là người thầy đạo đức vỡ lòng của trẻ. Luật giáo dục của Đức quy định rõ, cha mẹ có nghĩa vụ và trách nhiệm giáo dục trẻ. Phụ huynh ở Đức cũng rất coi trọng việc tạo cho trẻ một không khí chân thành trong gia đình. Các phụ huynh đều tuân thủ quy tắc đó, giáo dục trẻ thành thật giữ chữ tín, cha mẹ nhất định phải là tấm gương cho trẻ.
Cũng là đất nước thất bại trong chiến tranh thế giới thứ hai, ở Nhật Bản, việc giáo dục sự thành tín xuyên suốt cuộc đời của một con người. Trong gia đình, cha mẹ thường xuyên giáo dục trẻ “không được nói dối”, đến trường luôn luôn nghe thấy hai chữ “thành thực”, ở công ty hai chữ “thành tín” là quan niệm kinh doanh phổ biến. Rất nhiều nội quy ở các trường học đều có hai chữ “thành tín”, như khẩu hiệu giáo dục của trường trung học Đông Kinh là “Thành thật, cần cù, nhân ái”.
Ở Nhật Bản, giáo dục về sự thành tín không phải là một câu nói sáo rỗng mà nó được quán triệt trong cuộc sống của trẻ ở trường học. Các trường ở Nhật Bản có môn đạo đức, nội dung chủ yếu của môn học này là thành thực, lương thiện, vươn lên, cống hiến, nhường nhịn, danh dự, chính nghĩa. Trong các trường tiểu học ở Nhật Bản, mỗi người đều phải có một cuốn sổ tay về đạo đức, được gọi là “Sổ ghi chép của tấm lòng”. Cuốn sổ tay đạo đức này dùng những ngôn ngữ dễ hiểu để ghi lại các quy phạm đạo đức, trong đó thành thực là một trong những nội dung quan trọng.
Phụ huynh chúng ta phải lấy hành động của mình làm gương, tăng cường sự giáo dục về lòng thành thực đối với trẻ. Phải bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất của bản thân mình, dạy trẻ đối xử với mọi người bằng tấm lòng thành thực, bằng hành động và lời nói chân thành, quan tâm đến mọi người, đồng cảm với người khác, luôn vui vẻ giúp đỡ người khác, nghiêm khắc yêu cầu bản thân nói đi đôi với làm, không được nói dối. Trên phương diện giáo dục giữ lời, cha mẹ phải luôn đúng giờ, giữ chữ tín, có tinh thần trách nhiệm, nói phải làm, khi mắc lỗi phải dũng cảm nhận trách nhiệm, biết sửa sai, cho trẻ một tấm gương chân chính.