Người Cha Tốt Hơn Là Người Thầy Tốt

CHƯƠNG 54: GIÁO DỤC BẰNG HÀNH ĐỘNG CÓ SỨC MẠNH VÔ CÙNG TO LỚN



Dạy trẻ bằng hành động sở dĩ có ảnh hưởng to lớn là bởi vì giáo dục bằng hành động có thể làm cho người học trực tiếp có một ví dụ để mô phỏng.
Giáo dục bằng hành động tức là thông qua biểu hiện tự nhiên về hành vi và thái độ của người giáo dục để gây ảnh hưởng đến người khác. Giáo dục bằng lời nói là hình thức và cách làm phổ biến nhất, là quá trình giáo dục một phía, là sự gợi mở cho trẻ chủ động trải nghiệm, cảm nhận thế giới, mà trẻ là người bị động gián tiếp tiếp nhận và đạt được kinh nghiệm.
Bản chất của việc giáo dục bằng hành động chính là việc lấy mình làm gương, chú trọng việc dùng hành động thực tế của bản thân để gây ảnh hưởng đến trẻ, hiệu quả của việc giáo dục bằng hành động cao hơn rất nhiều so với việc giáo dục bằng lời nói. Giáo dục bằng lời nói có thể làm cho trẻ nhận biết được mấy nghìn chữ, học thuộc mấy trăm bài thơ cổ, nắm vững một số kĩ năng tính toán…, nhưng những quy phạm đạo đức, những tình cảm đạo đức, những phẩm chất ý chí, nhân sinh quan, giá trị quan và thế giới quan có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đối với sự trưởng thành của một con người thì không thể thông qua việc giáo dục bằng lời nói để đạt được, chỉ có ảnh hưởng ngầm từ hành động của cha mẹ, thầy cô mới có thể cắm rễ sâu trong tâm hồn trẻ. Cho nên, chúng ta nói “Giáo dục bằng hành động quan trọng hơn giáo dục bằng lời nói”.
Người thầy đầu tiên của mỗi người chỉ có thể là cha mẹ. Bất luận là khi trẻ bi bô học nói, hay trẻ chập chững biết đi, luôn luôn có tâm huyết của cha mẹ trong đó. Vì thế, hành vi lời nói của cha mẹ có thể khắc dấu ấn sâu đậm nhất trong tâm hồn ngây thơ của trẻ. Cha mẹ không chỉ là người thầy đầu tiên của trẻ, mà còn là người thầy suốt đời của trẻ.
Gia đình là xã hội thu nhỏ đầu tiên trong quá trình trẻ trưởng thành. Trong gia đình trẻ học tập, phát triển nhận thức và hành vi. Cử chỉ lời nói của cha mẹ tự nhiên sẽ trở thành đối tượng để trẻ mô phỏng, đối với trẻ, tấm gương chính là sự động viên và khích lệ tốt nhất. Mọi người đều rất quen thuộc với đoạn quảng cáo công ích sau:
Một người mẹ trẻ dù đã làm việc mệt mỏi cả ngày, sau khi đi làm về vội vàng rửa chân cho người mẹ già của mình, con trai của chị nhìn thấy, một lát sau, cậu bé khó nhọc bê một chậu nước đến rửa chân cho mẹ mình.
Tuy tình tiết của đoạn quảng cáo đơn giản, nhưng nó bao hàm một đạo lí sâu sắc – giáo dục bằng hành động có tác dụng to lớn hơn giáo dục bằng lời nói.
Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha
1. Giáo dục bằng hành động có sức mạnh vô cùng to lớn
Kêu gọi hàng ngàn khẩu hiệu không bằng một hành động cụ thể của bản thân. Tôi từng đọc hai câu chuyện như sau:
Chuyện thứ nhất: 200 năm trước, có một người Mỹ tên là Janas, người này học rộng tài cao, rất chú trọng đến việc giáo dục bản thân, cũng rất coi trọng việc giáo dục con cái. Qua 200 năm, gia tộc của ông ta đã trải qua 8 đời, trong đó, có 13 người làm hiệu trưởng trường đại học, 100 người từng làm giáo sư ở các trường đại học, 14 người kiến lập nên các trường đại học và các trường chuyên môn, 18 người trở thành nhà văn, 1 người làm phó tổng thổng, 2 người làm đại sứ, hơn 20 người là thượng nghị sĩ, 18 người trở thành tổng biên tập các tòa soạn báo. Trong hai thế kỉ, không một ai bị bắt giữ, tù tội hay nhận bất kì hình phạt gì.
Câu chuyện thứ hai: Hơn 200 năm trước ở thành phố New York, có một người nghiện rượu và cờ bạc, không quản lí giáo dục con cái. Tính đến thời điểm này, gia đình này cũng đã trải qua 8 đời, trong đó, hơn 200 người đã trở thành hành khất và người lang thang, có một số người lưu lạc chết nơi đất khách quê người. Trong số con cháu có 7 người bị án tử hình vì tội giết người, hơn 300 người bị mất mạng hoặc bị tàn phế vì những bữa tiệc thác loạn.
Từ đó, có thể thấy, cử chỉ và lời nói của cha mẹ chính là cuốn sách giáo khoa không có chữ, những thói quen hành vi, những cử chỉ lời nói, những sự tu dưỡng trong cuộc sống hàng ngày của cha mẹ đều có tác dụng ngầm đối với trẻ.
Tục ngữ có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Tục ngữ lại dạy: Trẻ là cái bóng của cha mẹ, cha mẹ là tấm gương để trẻ soi vào; cha thế nào con sẽ thế nấy. Có thể thấy tầm quan trọng của cha mẹ đối với trẻ. Cho nên, cha mẹ là “mực” hay là “đèn”, sức mạnh tấm gương của cha mẹ là vô cùng to lớn. Thử nghĩ xem, những người cha, người mẹ cả ngày đánh mạt chược, uống rượu, uy tín của họ trong mắt trẻ sẽ như thế nào, khả năng thuyết phục trẻ của họ sẽ lớn đến đâu? Kết quả đương nhiên sẽ là trẻ không yêu thích học tập và ham chơi.
Gần đây, trên một số phương tiện thông tin đại chúng đã công bố một số kết quả điều tra nghiên cứu: Theo thống kê, không ít gia đình tuy có điều kiện sống đầy đủ, vật dụng gia đình cao cấp, nhưng lại không hề có mùi hương của sách vở trong nhà. Một nửa trong số những gia đình được điều tra không có phòng đọc sách, thậm chí một phần tư số gia đình ngay cả giá sách cũng không có. Có cha mẹ chỉ yêu cầu trẻ chăm chỉ học tập, nhưng lại không yêu cầu trẻ nỗ lực vươn lên, như vậy có được không? Sống trong môi trường gia đình thiếu văn hóa như vậy, trẻ làm sao có thể tiến bộ được? Thực ra, trong quy luật trưởng thành của một con người, sự hình thành nhân cách, tố chất có mối quan hệ trực tiếp với không khí gia đình tốt đẹp.
Nếu như cha mẹ tự do xem phim, bắt trẻ đóng cửa học bài, trẻ có thể học được không? Nếu như cha mẹ mải mê đánh mạt chược, chơi trò chơi, nhưng lại bắt trẻ chăm chỉ học tập, trẻ làm sao có thể nghe theo được? Không khí gia đình không tốt, sẽ có tác dụng xấu đến quá trình trưởng thành của trẻ.
Muốn giáo dục trẻ, phụ huynh chúng ta phải biết tự giáo dục bản thân mình, lấy hành động của bản thân gây ảnh hưởng cho trẻ.
2. Sức mạnh của tấm gương là vô cùng lớn
Trên đường phố, một người cha trẻ dắt cậu con trai khoảng 4, 5 tuổi đi dạo chơi. Cậu con trai mua một que kem, tiện tay vứt vỏ que kem ra đường. Người cha trẻ ngay lập tức dừng lại, cúi xuống nhặt vỏ que kem, cậu con trai quay lại nhìn cha không nói gì. Người cha tay cầm vỏ que kem đi về phía trước. “Cha ơi, cha nhặt nó để làm gì?”, cậu con trai băn khoăn hỏi. Người cha không nói gì tiếp tục đi về phía trước, đi được một đoạn, nhìn thấy thùng rác, người cha vứt vỏ que kem vào thùng rác, sau đó nhìn cậu con trai nhỏ. Cậu bé sáng mắt lên và nói: “Cha ơi, con biết rồi, lần sau con sẽ vứt vỏ kem vào thùng rác”. “Đúng rồi, không chỉ là vỏ kem, mà các loại rác khác như vỏ hoa quả, giấy bỏ đi, đều không được vứt bừa bãi, bởi nó không những ô nhiễm môi trường mà còn dễ làm cho người khác giẫm phải và bị ngã”. Người cha nói một hồi dài. Cậu con trai tin phục gật đầu lia lịa.
Đạo đức và quy tắc xã hội, người người phải tuân thủ. Trẻ giống như một tấm lụa trắng, phải nhìn vào việc phụ huynh chúng ta vẽ hoa lên lụa hay là bỏ mặc nó. Nếu như bỏ mặc nó, thì tấm lụa trắng đó có thể bị bẩn do bị vẽ bừa; nếu như muốn vẽ hoa lên đó, thì người cha phải lấy mình làm gương. Cho nên, người cha phải chú ý đến lời nói và hành vi của mình, muốn bồi dưỡng một thế hệ “Tri vinh minh nhục” (biết vinh biết nhục), phải bắt đầu từ bản thân mình, không ngừng nâng cao tố chất của bản thân làm tấm gương cho trẻ. “Không tích từng bước, không thể đi được vạn dặm; không tích từng dòng, không thành biển lớn”. Thử nghĩ xem ngay cả những quy tắc đạo đức tối thiểu nhất mà con người đó không có thì làm sao có thể đảm nhận trách nhiệm giáo dục nặng nề của mình đối với thế hệ sau?
Trẻ luôn luôn chú ý quan sát chúng ta, chúng ta làm gì có sức mạnh to lớn hơn rất nhiều so với việc chúng ta nói gì. Chúng ta là tấm gương thẳng thắn, trẻ sẽ thành thực; chúng ta dùng tình yêu để chăm sóc trẻ, trẻ sẽ yêu cuộc đời, yêu thế giới; chúng ta dễ dàng tha thứ, trẻ sẽ khoan dung; chúng ta dùng nụ cười và đôi mắt sáng để nhìn cuộc sống, trẻ sẽ lạc quan; chúng ta cảm ơn những lời chúc phúc của người khác, trẻ sẽ biết ơn; chúng ta sống hòa hảo, trẻ sẽ càng hòa thuận với mọi người; chúng ta sống có chí tiến thủ, trẻ sẽ nỗ lực vươn lên; chúng ta dũng cảm đối mặt với thách thức và thất bại, trẻ sẽ học được cách kiên cường sống; hành vi của chúng ta giống một anh hùng, trẻ sẽ trở thành dũng sĩ…
Giáo dục bằng hành động sở dĩ có ảnh hưởng to lớn là bởi vì nó có thể là một ví dụ mẫu để người học mô phỏng bằng hành động, khi người học gặp một sự kiện như vậy, tự nhiên sẽ làm theo hành vi và thói quen của người giáo dục.
3. Khản giọng la hét không bằng hành động
Trong quá trình trưởng thành của trẻ, một hành động hay một lời nói của cha mẹ đều được trẻ nhìn bằng mắt, ghi nhớ trong lòng. Cha mẹ truyền bá cho trẻ tư tưởng gì, là một tấm gương như thế nào đối với trẻ, trẻ đều tiếp thu một cách vô điều kiện. Đây gọi là “Khản giọng la hét không bằng hành động”. Chúng ta quan tâm chăm sóc đến cha mẹ chúng ta như thế nào, trẻ cũng sẽ quan tâm chăm sóc chúng ta như vậy.
Tôi thường xuyên đưa vợ con về quê thăm cha mẹ, đương nhiên mỗi lần về đều phải mua cho cha mẹ những đồ dùng, đồ ăn mà cha mẹ thích, trước khi đi cho ông bà một chút tiền.
Tôi sống ở ngoài đã 27 năm, số lần trở về thăm quê là hơn 80 lần, ngay cả khi tôi làm việc ở Hải Khẩu, Trùng Khánh, Tây An và Hàng Châu, mỗi năm cũng tối thiểu về nhà một lần. Trong thời gian làm việc ở Trường Xuân, hầu như cách một tháng lại về quê thăm cha mẹ, có lúc quá bận rộn, liền bảo vợ đưa con về quê thăm ông bà. Cho nên, Y Y luôn có tình cảm sâu sắc với ông bà nội và họ hàng, đồng thời con đem tình yêu của chúng tôi dành cho cha mẹ thể hiện với chúng tôi, làm chúng tôi cảm nhận được tình yêu của con gái dành cho chúng tôi.
Sự thực chứng minh, cha mẹ có hiếu thảo với cha mẹ của mình hay không sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thái độ của trẻ. Có một cặp vợ chồng trung niên rất không hiếu thảo với cha mẹ. Họ đuổi cha mẹ của mình đến ở trong căn nhà nhỏ cũ nát, mỗi bữa cơm cho cha mẹ ăn những thức ăn thừa bằng một chiếc bát gỗ nhỏ. Một hôm họ nhìn thấy con trai của mình đang đục đẽo một miếng gỗ, liền hỏi cậu bé đục đẽo cái gì. Cậu bé nói: “Bát gỗ, đợi khi nào cha mẹ già dùng cho tiện”. Lúc này, cặp vợ chồng trung niên tự nhiên tỉnh ngộ, đưa cha mẹ về nhà cùng chung sống, vứt chiếc bát gỗ đi, cho cha mẹ ăn những đồ ăn ngon nhất trong nhà. Dưới sự ảnh hưởng này, cậu con trai cũng thay đổi thái độ của mình đối với cha mẹ.
Phải để trẻ trải nghiệm sự vui vẻ mà tình thân đem đến cho mình trong cuộc sống, từ đó mới có thể phát triển những hành vi tốt, dần dần hình thành thói quen tốt. Tôi luôn luôn giáo dục Y Y phải chú ý đến một số việc nhỏ cụ thể nhất, ví dụ như quan tâm đến người khác, giúp người lớn làm việc; thường xuyên gọi điện thoại hỏi thăm ông bà; cha mẹ đi làm về rót trà cho cha mẹ uống, đấm lưng cho cha mẹ…
Ngoài việc phải là một tấm gương tốt, thái độ giáo dục trẻ cũng là một hình thức giáo dục bằng hành động. Có một số người làm cha, cử chỉ lời nói và cách đối xử của họ với người khác đều rất tốt, nhưng những lỗi sai ngay từ nhỏ của trẻ họ không kịp thời uốn nắn, dung túng những hành vi không đúng mực đó của trẻ, dẫn đến việc khi trưởng thành trẻ sống không có quy tắc, buông thả, bướng bỉnh hư đốn. Thực ra dung túng những hành vi không đúng chính là một sai lầm trong việc giáo dục bằng hành động.
Sự vui mừng phẫn nộ của cha mẹ, sự phán đoán giá trị và thái độ đối với sự vật đều biểu hiện rõ ràng trong hành động của cha mẹ, trẻ sẽ trực tiếp học từ đó. Đặc tính của nó là copy chứ không chỉ đơn giản là mô phỏng. Trẻ rất dễ dàng tiếp nhận toàn bộ hành vi cử chỉ thái độ của cha mẹ, vô tình copy lại mà không biết; còn mô phỏng là thông qua việc học tập có ý thức mới đạt được.
“Bạn muốn đạt được cái gì như thế nào thì đầu tiên bạn phải trồng nó như thế ấy”. Đây là câu nói của tiên sinh Hồ Thích, một nhà triết học nổi tiếng. Một người xuất thân từ nông dân như Đông Tử rất tin tưởng vào điều này vì nó rất phù hợp với quan niệm nhân quả. Nếu người lớn thiếu ý thức xã hội, mải chơi lười lao động, ham hố lợi lộc, không chịu học tập, như vậy thế hệ sau sẽ như thế nào đương nhiên có thể dự đoán được. Vì thế, muốn có một kết quả giáo dục tốt, thì phải giáo dục bằng hành động của bản thân.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.