Thường xuyên lấy nhược điểm và thiếu sót của con mình để so sánh với ưu điểm và điểm mạnh của con nhà người khác, thì trẻ tự ti là điều không tránh khỏi.
Bill Gates là nhân vật cả thế giới đều biết đến, trong thời gian 20 năm ngắn ngủi, ông ta đã có một khối tài sản khổng lồ, trở thành người giàu nhất thế giới, cũng đạt được thành tựu to lớn làm thế giới quan tâm.
Sau khi sáng lập công ty phần mềm, Bill Gates đã viết một bức thư cho cha mẹ của mình, trong đó có đoạn:
Cha mẹ yêu quý, cảm ơn cha mẹ! Cha mẹ không bao giờ nói con kém cỏi hơn những đứa trẻ khác. Cho dù trên một phương diện nào đó con thực sự không bằng họ nhưng cha mẹ luôn nói với con: “Con à, con không kém cỏi hơn bất kì đứa trẻ nào, hãy tin vào bản thân, con là người giỏi nhất!”. Sự động viên như ánh sáng mặt trời của cha mẹ đã khiến con có lòng tự tin mạnh mẽ làm động lực, giúp con dần dần đi đến thành công, bước đến sự huy hoàng trong cuộc đời!
Sau khi đọc xong đoạn này, tôi nghĩ đến một người cha. Phương pháp giáo dục con cái của ông ta hoàn toàn tương phản với người cha của Bill Gates. Ông ta thường xuyên đem những thiếu sót của con cái mình so sánh với những ưu điểm của con nhà người khác, và cho rằng như vậy có thể làm con nỗ lực vươn lên.
“Bạn X trong lớp con mỗi lần thi đều đạt điểm cao hơn con, tất cả các môn học đều rất xuất sắc, thành tích luôn luôn đứng đầu. Nhưng thành tích của con chưa từng vượt qua bạn ấy, con biết tại sao không? Sau khi tan học người ta về nhà làm bài tập, làm bài tập xong lại đọc sách.
Nhưng con tan học là lên mạng chơi game, mở vở bài tập ra chưa viết được mấy chữ, hễ nghe thấy tiếng hát của Châu Kiệt Luân là ngay lập tức ném bút lên bàn, chạy đến trước màn hình tivi vừa hát vừa nhảy, quên luôn chuyện làm bài tập. Thái độ và thành tích học tập của con kém xa người ta”.
Đây chính là phương pháp giáo dục gia đình kiểu mà chúng ta thường thấy.
Thường xuyên lấy nhược điểm và thiếu sót của con mình để so sánh với ưu điểm và điểm mạnh của con nhà người khác, thì trẻ tự ti là điều không tránh khỏi, trẻ sẽ cảm thấy mình kém cỏi hơn các bạn khác Phương pháp giáo dục so sánh như thế này không hợp lí.
Mỗi đứa trẻ đều có ưu điểm và nhược điểm riêng, không được so sánh chúng với nhau. Phải cố gắng phát hiện những điểm sáng của trẻ, đồng thời động viên khích lệ, làm cho trẻ tự tin. Phải nói với trẻ con là người giỏi nhất.
Tự tin là một tâm thế tích cực, là dũng khí giúp con người đối mặt với những thách thức trong những giai đoạn khác nhau của cuộc đời, chỉ có tin tưởng bản thân, tôn trọng bản thân mới có thể tích cực vươn lên, dũng cảm tiến về phía trước.
Trong cuộc sống, một người tự tin nhất định là người mạnh mẽ, người đó hiểu rõ ưu điểm cũng như nhược điểm của mình, vì thế tự tin phát huy các ưu điểm. Một người có tri thức, chưa chắc có thể bay xa, nhưng một người tự tin lại có thể đi khắp chân trời góc bể.
Chúng ta không khó phát hiện ra những người giàu lòng tự tin có thể nắm bắt thời cơ, tràn đầy tự tin đối mặt với thách thức, nghĩ mọi cách để đạt được thành công; còn những người không có lòng tự tin luôn luôn lùi bước trước khó khăn thì sẽ thất bại trong cuộc sống.
Tóm lại, bồi dưỡng lòng tự tin của trẻ có tác dụng quan trọng trong cuộc đời trẻ. Đây cũng chính là tố chất tâm lí cần thiết để trẻ thành tài. Muốn làm cho trẻ có tố chất tâm lí mạnh, đầu tiên phải bồi dưỡng cho trẻ lòng tự tin.
Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha
1. Nói với trẻ “Con rất giỏi”
Thái độ của cha mẹ đối với trẻ rất quan trọng. Sự khẳng định, động viên của cha mẹ, sẽ làm cho trẻ vô cùng tự tin. Thử nghĩ xem, nếu như ngay cả cha mẹ cũng không cho rằng con mình làm được thì trẻ phải tìm sự tự tin ở đâu?
Từ khi con gái tôi có thể tự mình làm việc, câu nói mà tôi nói với con nhiều nhất là: “Con thật là giỏi!”.
Tôi còn thường xuyên nói với con: “Cha tin con có thể làm được!”.
Cho nên, Y Y ngay từ nhỏ đã thích nói “Yên tâm đi, con làm được!” hoặc là khi người khác muốn giúp đỡ con bé, con bé liền kiên quyết từ chối: “Cháu tự làm được!”, mặt đầy vẻ tự tin kiên định.
Rất ít khi tôi nghe thấy con nói những lời tiêu cực như “Con không thể”, “Con không dám” hay “Con không biết”.
Trên phương diện tâm lí học và giáo dục học có một thực nghiệm nổi tiếng về vấn đề này. Thực nghiệm này do nhà tâm lí học nổi tiếng người Mỹ – giáo sư Robert Rosenthal hoàn thành.
Ông chia một đàn chuột bạch thành hai nhóm, nhóm A và nhóm B. Ông nói với người nuôi dưỡng nhóm A, chuột trong nhóm này rất thông minh; đồng thời lại nói với người nuôi dưỡng nhóm B, nhóm chuột này có trí tuệ bình thường.
Mấy tháng sau, vị giáo sư này tiến hành kiểm tra cho hai nhóm chuột vào mê cung, và phát hiện ra chuột nhóm A thực sự thông minh hơn chuột nhóm B, chúng có thể ra khỏi mê cung và tìm thấy thức ăn trước.
Thế là Rosenthal nghĩ hiệu ứng này có thể xảy ra ở người hay không? Ông ta đến một trường trung học bình thường, đi vào một lớp bất kì, sau đó khoanh tròn tên mấy học sinh, rồi nói với giáo viên của chúng rằng những đứa trẻ này có chỉ số thông minh rất cao, rất thông minh.
Một thời gian sau, giáo sư lại đến trường học này. Kì tích đã xảy ra, những học sinh được ông lựa chọn ra đã trở thành những học sinh xuất sắc trong lớp. Lúc này giáo sư mới nói với giáo viên của chúng rằng bản thân không hiểu biết gì về những học sinh này. Điều này khiến giáo viên rất kinh ngạc.
Tại sao lại xuất hiện hiện tượng này?
Chính là ma lực thần kì của sự kì vọng đã phát huy tác dụng. Giáo sư Rosenthal là nhà tâm lí học nổi tiếng, rất có uy tín. Các thầy cô giáo tin tưởng sâu sắc vào lời nói của ông nên đã có kì vọng tích cực đối với những học sinh mà ông chọn ra, đối xử với chúng như những đứa trẻ thông minh; mà những học sinh này cũng cảm nhận được sự kì vọng này, cũng cho rằng mình là người thông minh, từ đó nâng cao lòng tự tin, nâng cao tiêu chuẩn yêu cầu với bản thân, cuối cùng chúng thật sự đã trở thành những học sinh xuất sắc.
Đây chính là “Hiệu ứng Pygmalion” nổi tiếng. Động viên con bạn, xây đắp cho chúng lòng tự tin, kì vọng của bạn sẽ quyết định phần lớn tương lai của trẻ.
2. Kịp thời động viên và cho trẻ sự tự tin
Tự tin bắt nguồn từ tâm lí tích cực, tự ti bắt nguồn từ tâm lí tiêu cực.
Tâm lí tích cực của con người một khi đã hình thành sẽ giống cánh buồm giúp bạn thành công; ngược lại, tâm lí tiêu cực của con người một khi đã hình thành mà không kịp thời loại bỏ, thì sẽ ảnh hưởng đến thành công của bạn.
Khi trẻ làm việc gì đó thất bại, chúng ta phải nói với trẻ, thất bại là chuyện bình thường, không được nản chí, phải tràn đầy tự tin bắt đầu lại. Trẻ sẽ rất nhanh chóng xây dựng sự tự tin dưới sự cổ vũ của chúng ta, trẻ sẽ nhớ rõ: Thất bại một lần không đồng nghĩa với mãi mãi thất bại.
Khi Y Y lần đầu tiên vượt cấp, kiểm tra tiếng Anh giữa kì chỉ đạt 47 điểm. Con khóc, về nhà trong tâm trạng buồn bã cực điểm.
Tôi không hề phê bình con nửa câu, ngược lại vỗ vai con biểu dương: “Con được 47 điểm là rất tốt rồi. Điều này thể hiện tri thức của 47 điểm này con hoàn toàn nắm vững. Thử nghĩ xem, so sánh với các bạn cùng lớp, con ít hơn các bạn 2, 3 tuổi, mà còn học sau các bạn một năm, các bạn được 80, 90 điểm, con được 47 điểm, con không hề kém cỏi hơn các bạn. Hơn nữa, khi cha lớn bằng con, ngay cả 26 chữ cái cũng không thuộc, con xuất sắc hơn cha hồi nhỏ rất nhiều!”. Y Y cuối cùng đã lau nước mắt và cười.
Trong kì thi cuối kì 3 tháng sau, môn tiếng Anh của con đã đạt 97 điểm.
Muốn trẻ tự tin, đầu tiên người cha phải tự tin. Rất khó tưởng tượng ra một người cha không tự tin lại bồi dưỡng nên một đứa trẻ tự tin.
Có một lần, tôi và vợ đưa Y Y đến công viên Ngũ Ly Hà ở Thẩm Dương chơi. Khi nhìn thấy mấy người bạn đang chơi rất vui vẻ trên mấy loại dụng cụ thể dục leo trèo, con cũng muốn chơi, nhưng vợ tôi không yên tâm, khuyên con nên chơi những trò chơi đơn giản, có chỉ số an toàn cao. Con gái cầu cứu tôi, tôi khuyên vợ nên đáp ứng yêu cầu của con gái.
Để vợ tôi yên tâm và động viên con gái, tôi cũng trèo lên, cùng con gái chơi. Tôi nhanh chóng trèo lên, hoàn thành động tác rồi lại nhảy xuống, nhưng sau khi con gái leo lên liền sợ hãi, không dám trèo lên nữa, nói: “Cha ơi, mau bế con xuống”. Tôi xem xét tình hình xung quanh, xác định là an toàn, không có vấn đề gì liền trả lời: “Xuống để làm gì, không sao, cứ trèo lên đi!”. Dưới sự động viên của tôi con gái cuối cùng cũng chiến thắng khó khăn.
Tôi thường xuyên nói với Y Y, người tốt nghiệp tiểu học như cha làm thế nào để đi đến ngày hôm nay. Thông qua quá trình trưởng thành gian khổ của tôi, con cảm nhận được sức mạnh của tôi, cho nên khi làm việc con cũng giống tôi, luôn tràn đầy tự tin, không dễ dàng từ bỏ.
Một người đàn ông không tự tin thì không phải là một người đàn ông chân chính, một người cha không tự tin thì không phải là một người cha đạt tiêu chuẩn, cũng không thể trở thành tấm gương của trẻ, chỉ khiến trẻ càng thiếu tự tin, mà một con người không có lòng tin thì không thể làm được gì.
3. Tự tin là sức mạnh vô biên
Những người thành công từ xưa đến nay đều có một đặc điểm chung – tự tin.
Chính sự tự tin đã khích lệ họ đi tới thành công. Ví dụ như một người mà mọi người đều biết – Hàn Hàn (1982). Bất luận trong sáng tác văn học, hay là trong cuộc đua xe F1, anh ta luôn cho rằng mình là người giỏi nhất. Cho nên, anh ta đã viết ra những cuốn sách nổi tiếng Tam trùng môn, Trường An loạn, đồng thời giành quán quân trong cuộc đua xe năm 2007.
Tự tin có thể giúp chúng ta phát hiện ra sở trường của mình, từ đó có động cơ tích cực, động viên bản thân phát huy sở trường, để đạt được mục tiêu.
Tự tin là cảm giác tin tưởng bản thân sau khi đánh giá chính xác về bản thân mình, nó có thể khích lệ mọi người lựa chọn những hướng đi khó nhưng lại là con đường tất yếu phải đi qua của bản thân, đồng thời bất chấp tất cả tiến về phía trước. Trong quá trình phấn đấu, tự tin động viên con người khắc phục khó khăn, dũng cảm tiến về phía trước.
Sự thành công của nhà diễn thuyết nổi tiếng người Hy Lạp cổ đại – Demosthenes (384 TCN-322 TCN) là một minh chứng rất rõ ràng. Ông vốn bị nói lắp nghiêm trọng, thở khó khăn, tiếng rất nhỏ. Trong thời đại ông sống, Hy Lạp rất sùng bái thuật hùng biện, ông liền quyết tâm phải trở thành một nhà hùng biện, đồng thời tin tưởng bản thân có thể thành công. Vậy là ông cố gắng rèn luyện, ngậm đá trong miệng để luyện nói, nhốt mình vào hầm để rèn luyện, học tập theo những người nổi tiếng. Từ những nỗ lực rèn luyện gian khổ của mình, cuối cùng ông đã trở thành nhà hùng biện nổi tiếng.
Điều này nói lên sự tự tin có thể làm cho người bình thường làm nên một sự nghiệp to lớn. Tự tin là nguồn gốc sức mạnh để con người thành công.
Người có lòng tự tin vừa không tự ti, không tự phụ, vừa có thể nhận thức chính xác về bản thân. Dưới tiền đề đánh giá hợp lí những nhân tố nội tại của bản thân như tri thức, năng lực, phẩm chất, tính cách… tin tưởng mình có ưu điểm nhất định ở các mặt này, tin tưởng mình có thể khắc phục nhược điểm còn tồn tại, có thể nhìn thấy bản thân có tiềm lực rất lớn để khai phá và phát huy.
Cha đẻ của thuyết tiến hóa Charles Darwin lúc nhỏ học không tốt, rất nhiều người cho rằng ông là một đứa trẻ “hết sức bình thường”. Nhưng ông không hề nản lòng mà luôn kiên định tiến lên thực hiện mục tiêu mình đã lựa chọn, không ngại gian khổ thực hiện chuyến đi khảo sát vòng quanh thế giới trong vòng 5 năm, thu thập một lượng lớn tài liệu về địa chất và sinh vật. Sau đó qua 20 năm phân tích, tổng hợp và viết lách cuối cùng ông đã hoàn thành một tác phẩm vĩ đại mang ý nghĩa vượt thời đại “Ngồn gốc muôn loài” (Tên gốc: On the Origin of Species).
Điều này cho thấy mỗi con người đều có tiềm năng rất lớn, chỉ cần tin tưởng bản thân, nỗ lực phấn đấu, sẽ có thể khai phá tiềm năng, đạt được thành công.