Người Cha Tốt Hơn Là Người Thầy Tốt

CHƯƠNG 57: CHO TRẺ TÍNH CÁCH LẠC QUAN



Người lạc quan đều nhìn thấy cơ hội trong những hiểm nguy, còn người bi quan trong mỗi cơ hội đều nhìn thấy sự nguy hiểm.
Lạc quan là một thái độ sống tích cực.
Trong sa mạc rộng lớn, khi hai người nọ đang chật vật tiến bước, thấy chỉ còn lại nửa chai nước, người bi quan sẽ nói, “Ôi, chỉ còn nửa chai nước thôi” nhưng người lạc quan lại nói, “A, còn nửa chai nước nữa”. Cuối cùng người bi quan mãi mãi ở lại sa mạc, còn người lạc quan sẽ thoát ra khỏi sa mạc.
Tôi đã từng hai lần đi qua sa mạc, nên có cảm nhận sâu sắc với vấn đề này.
Đối mặt với cùng một hiện tượng, có tâm thế không giống nhau, sẽ nảy sinh kết quả không giống nhau: Người bi quan vĩnh viễn chỉ nhìn thấy sự thất vọng, nhưng người lạc quan lại có thể nhìn thấy hi vọng.
Người và người chỉ có sự khác biệt rất nhỏ, nhưng sự khác biệt rất nhỏ này lại tạo nên sự khác biệt vô cùng to lớn. Sự khác biệt rất nhỏ chính là tâm thế vốn có là tích cực hay tiêu cực, sự khác biệt lớn chính là thành công và thất bại.
Nếu một người luôn có tâm thế tích cực, thì anh ta nhất định sẽ đạt được hạnh phúc. Có nghĩa là tâm thế quyết định thành công. Người lạc quan đều nhìn thấy cơ hội trong những hiểm nguy, nhưng người bi quan trong mỗi cơ hội đều nhìn thấy sự nguy hiểm.
Có một người cha đã tiến hành “cải tạo tính cách” cho một cặp anh em sinh đôi, vì trong đó có một người quá lạc quan, một người lại quá bi quan. Một hôm ông mua rất nhiều đồ chơi mới đầy màu sắc cho đứa trẻ bi quan chơi rồi lại nhốt đứa trẻ lạc quan vào chuồng ngựa đầy phân ngựa. Sáng sớm hôm sau, người cha thấy đứa trẻ bi quan đang khóc nức nở, liền hỏi: “Tại sao con không chơi những đồ chơi kia?”, “Chơi thì sẽ hỏng”, đứa trẻ vẫn tiếp tục khóc.
Người cha thở dài chạy vào chuồng ngựa, lại phát hiện đứa trẻ lạc quan đang vui vẻ móc cái gì đó trong đống phân ngựa. Đứa trẻ đó đắc ý nói với cha, “Con kể cha nghe, con nghĩ trong đống phân ngựa nhất định có một con ngựa con”.
Đối với đa số trẻ em, tính cách lạc quan quyết định sự thành bại trong cuộc đời của chúng.
Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha
1. Phải có phương thức tư duy lạc quan
Trong cuộc sống chúng ta thường phát hiện, có trẻ tuy chỉ 5, 6 tuổi, nhưng luôn luôn buồn rầu, sợ người lạ, sợ nói chuyện, sợ làm sai. Ở trường học, những nơi náo nhiệt, trẻ đều không xuất hiện; ở nhà rất ít khi nói chuyện với cha mẹ, thích thu mình trong căn phòng nhỏ.
Có trẻ thiếu sự tự tin, thường xuyên cho rằng mọi mặt của mình đều không xuất sắc, mọi ưu điểm mà những đứa trẻ khác có thì mình không có, trẻ nghĩ rằng mọi niềm vui trong cuộc sống đều dành cho những trẻ được thầy cô, cha mẹ yêu quý hưởng thụ.
Những đứa trẻ như vậy sau này lớn lên có khả năng trở thành những người theo chủ nghĩa bi quan, thậm chí mắc bệnh về tinh thần. Ngược lại những đứa trẻ lạc quan luôn hoạt bát đáng yêu, tư duy nhanh nhạy, tương lai chúng có thể trở thành những người thành công trong sự nghiệp, xây dựng được một gia đình hạnh phúc.
Ví dụ như lúc này trời mưa, thì phải dẫn dắt trẻ nói “Mưa rồi”, chứ không được nói “Một ngày chết tiệt, lại mưa rồi”. Bởi vì nói như vậy không thể thay đổi được sự thật là trời mưa. Đương nhiên, nếu nói “Tốt quá, lại mưa rồi”, cũng không thể làm trời mưa phát sinh bất kì thay đổi nào nhưng nếu nói như vậy với trẻ, tình hình sẽ hoàn toàn khác. “Ôi, tốt quá, lại mưa rồi! Chim đang hót, cỏ cũng đang hát, chúng đều nhận được sự tưới tắm của mưa”. Truyền niềm vui cho trẻ như vậy, làm cho trẻ dù sống trong môi trường nào cũng luôn có tâm trạng vui vẻ.
Lạc quan là một loại xu hướng tính cách làm cho con người có thể nhìn thấy mặt có lợi của sự việc, kì vọng vào một kết quả có lợi. Có thể có một số trẻ bẩm sinh lạc quan, một số trẻ hoàn toàn ngược lại. Nhưng các nhà tâm lí học phát hiện tính cách lạc quan có thể bồi dưỡng, cho dù bản tính bẩm sinh của trẻ không có phẩm chất lạc quan, cũng có thể có được thông qua nỗ lực.
Muốn bồi dưỡng phẩm chất lạc quan của trẻ, đầu tiên người cha phải có phương thức tư duy lạc quan.
Người cha có thái độ lạc quan khi xử lí vấn đề của bản thân và gia đình có tác dụng thị phạm quan trọng đối với trẻ, trẻ sẽ dần hình thành phẩm chất lạc quan thông qua quan sát và mô phỏng. Khi trẻ gặp chuyện bất lợi mà bi quan, người cha nên dẫn dắt trẻ suy nghĩ vấn đề trên nhiều phương diện, đồng thời cho trẻ hiểu thực sự vấn đề tồn tại trong đó.
Cách người cha phê bình trẻ có đúng đắn hay không sẽ ảnh hưởng đến tính cách sau này của trẻ là lạc quan hay bi quan. Sự phê bình của người cha với trẻ phải đúng mực, không nên đem những lỗi sai thỉnh thoảng trẻ mắc phải nói quá lên thành những lỗi lầm mang tính vĩnh viễn. Cha mẹ nên chỉ ra lỗi và nguyên nhân mắc lỗi cụ thể, làm trẻ hiểu những lỗi mình mắc phải có thể thay đổi, đồng thời biết cách bắt tay vào thay đổi như thế nào.
Tính cách lạc quan của trẻ đầu tiên bắt nguồn từ một gia đình hòa thuận, bắt nguồn từ sự lạc quan tự tin, hài hước phóng khoáng của cha mẹ và đặc biệt là của người cha. Người cha không chỉ phải lạc quan, mà còn phải giúp trẻ đối mặt đồng thời chiến thắng những khó khăn trẻ gặp phải, dùng tinh thần lạc quan của mình gây ảnh hưởng đến trẻ.
Như vậy cho dù trong cuộc sống sau này trẻ gặp khó khăn thử thách, trẻ cũng sẽ luôn luôn giữ một tâm thế tích cực, đồng thời có khả năng chịu áp lực tâm lí, khắc phục khó khăn để thực hiện mục tiêu đã đề ra. Bởi vì sự giáo dục của người cha đã làm cho trẻ tin tưởng mọi điều đều tốt đẹp. Một người có hồi ức tốt đẹp và hạnh phúc về những năm tháng tuổi thơ của mình sẽ luôn luôn tràn đầy hạnh phúc.
Cha mẹ không được tùy tiện trút sự tức giận và không vui của mình lên trẻ, càng không được tùy ý thể hiện thái độ bi quan với trẻ. Mọi thành viên trong gia đình đều nên chú ý đến việc bồi dưỡng tính hài hước. Cha mẹ nên yêu thương và tôn trọng nhau, có vấn đề gì thì cùng nhau thương lượng, không được tùy tiện thể hiện mâu thuẫn trước mặt trẻ.
Người cha nên có sự động viên và hướng dẫn tích cực đối với trẻ, làm người bạn lớn của trẻ, chú ý lắng nghe yêu cầu và ý kiến của trẻ, luôn giảng giải các vấn đề với trẻ bằng giọng điệu mềm mỏng.
Tuyệt đối không thể để tâm hồn non nớt của trẻ trải nghiệm những cảm xúc như lo lắng, sợ hãi, lạnh lùng, đau khổ… quá sớm, mà nên có ý thức giúp trẻ thường xuyên nhìn thấy nụ cười của bạn, như vậy mới có lợi cho sự hình thành tâm thế lạc quan yêu đời của trẻ.
2. Lạc quan và tự tin luôn gắn liền với nhau
Lạc quan và tự tin giống như anh em sinh đôi, luôn gắn liền với nhau. Đối diện với khó khăn, lạc quan giống như một bộ áo giáp, có thể chống chọi mọi sự tấn công và xâm hại; đối mặt với khó khăn, tự tin giống như một chiếc chìa khóa, mở ra tấm lòng dũng cảm tiến về phía trước.
Làm cha nên có nhận thức con mình có một tiềm năng vô cùng to lớn.
Cũng không nên quản lí trẻ quá chặt chẽ, phải để trẻ thử mọi việc, còn phải thường xuyên nói với trẻ “Con làm được”, “Con thử xem!”.
Trẻ em có đặc điểm luôn lấy sự đánh giá của người khác để đánh giá bản thân. Nếu như trẻ thường xuyên nghe thấy cha mẹ nói: “Con làm được!”, tự nhiên trẻ sẽ có cảm giác “Mình làm được”, sẽ tự tin với bản thân. Cha mẹ tin tưởng vào trẻ, trẻ sẽ tin tưởng vào bản thân. Lâu dần, trẻ sẽ biến thành người lạc quan vui vẻ.
Một đứa trẻ vì bỏ lỡ chương trình hoạt hình yêu thích, cả buổi tối không vui vẻ; một đứa trẻ có nhiều thú vui hơn, không xem được chương trình hoạt hình, trẻ sẽ đọc sách hoặc chơi trò chơi, và cũng tìm thấy niềm vui trong đó.
Lạc quan là sức hấp dẫn lớn nhất mà trẻ có, nó còn quan trọng hơn thông minh và xinh đẹp. Làm cha, bạn phải thường xuyên kể cho trẻ nghe những câu chuyện vui vẻ và hài hước, cho trẻ biết được lạc quan chính là thái độ sống tích cực, dần dần, trẻ sẽ biết cách tạo ra niềm vui và trân trọng niềm vui.
3. Có người cha vui vẻ mới có thể bồi dưỡng một đứa con vui vẻ
Xuất phát từ điều này, nhiều năm nay làm cha, tôi đều cố gắng không biểu lộ sự không vui trước mặt con. Những người quen biết con gái tôi đều nói, đứa trẻ này rất hài hước. Tôi nghĩ ngoài việc được di truyền từ tôi, không khí gia đình vui vẻ hàng ngày của chúng tôi cũng ảnh hưởng đến trẻ. Bất luận trong cuộc sống gặp chuyện phiền não gì, tôi đều cố gắng không thể hiện cảm xúc không vui trước mặt con trẻ.
Trong cuộc sống không thể tránh khỏi những việc không như ý, đã không thể tránh khỏi, thì chúng ta phải học cách vui vẻ đối diện với những việc đó. Làm cha mẹ nếu như không thể luôn luôn cho trẻ niềm vui, thì phải giúp trẻ học cách loại bỏ tâm trạng u buồn, tự mình tạo ra niềm vui.
Tôi rất coi trọng việc đem đến cho Y Y niềm vui, bất luận cho con làm gì, tôi đều phải hỏi con: “Con có vui không?”, đồng thời thường xuyên kể với Y Y về niềm vui của mình, giúp Y Y cảm nhận được niềm vui một cách chân thực hơn.
Trẻ có tính cách lạc quan, vui vẻ sống chính là một năng lực, làm cho trẻ sống vui vẻ là nghĩa vụ của cha mẹ. Nếu không thì cho dù có bồi dưỡng ra những thạc sĩ, tiến sĩ, cũng khó có thể đem đến cho trẻ một cuộc sống hạnh phúc!
Cho trẻ tính cách lạc quan, cũng đồng nghĩa với việc mua cho trẻ bảo hiểm tinh thần suốt đời.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.