Nếu bạn bảo vệ trẻ như con gà mái già, bạn sẽ rất mệt, trẻ cũng mệt; để trẻ có cơ hội chăm sóc mọi người, trẻ sẽ cảm thấy rất thoải mái và sẽ trưởng thành rất nhanh.
“Không dựa vào trời vào đất, mọi việc đều phải dựa vào chính bản thân mình”, đây là tư tưởng mà tôi truyền đạt cho con gái ngay từ khi con tôi còn rất nhỏ. Bởi vì tôi biết rõ rằng xã hội tương lai đầy sự cạnh tranh và thử thách, nếu muốn trẻ trở nên bất bại trong cuộc cạnh tranh đó, đứng vững đứng thẳng trong giông tố, thì nhất định trẻ phải có khả năng độc lập tự chủ. Ngay từ khi trẻ còn nhỏ hãy bồi dưỡng cho trẻ ý thức tự lập, để trẻ tự nghĩ tự làm, thử và trải nghiệm, trẻ mới dần dần trở nên độc lập, đồng thời tự tin đối mặt với mọi giông bão và thử thách trong tương lai.
Thực ra mỗi đứa trẻ khi còn nhỏ đều rất thích làm việc, phụ huynh chúng ta phải có ý thức tạo điều kiện, bồi dưỡng cho trẻ mọi năng lực. Chỉ cần là những việc trẻ có thể làm, muốn làm, tình nguyện làm, thì hãy cho trẻ cơ hội rèn luyện, dù trẻ làm không tốt cũng không sao, như vậy trẻ sẽ dần trở nên độc lập tự chủ.
Nếu bạn bảo vệ trẻ như con gà mái già, bạn sẽ rất mệt, trẻ cũng mệt; để trẻ có cơ hội chăm sóc mọi người, trẻ sẽ cảm thấy rất thoải mái và sẽ trưởng thành rất nhanh. Như vậy, tại sao lại không để trẻ làm?
Bạn có để trẻ làm việc nhà không? Hầu như các vị phụ huynh đều lắc đầu. Ở nhà cháu có làm việc nhà không? Đa số trẻ đều lắc đầu.
Cha mẹ chỉ quan tâm việc học tập của trẻ, coi nâng cao thành tích là việc quan trọng nhất khi giáo dục trẻ, thực sự không quan tâm việc bồi dưỡng cho trẻ khả năng độc lập tự chủ.
Trên thực tế, làm việc nhà không những không ảnh hưởng đến việc học của trẻ, mà còn giúp ích cho việc nâng cao năng lực, nâng cao thành tích học tập của trẻ. Bởi vì, thứ nhất, làm việc nhà có thể rèn luyện cho trẻ khả năng động não động tay và khả năng giải quyết vấn đề. Điều này trực tiếp có tác dụng nâng cao khả năng tư duy logic của trẻ, nâng cao khả năng học Toán, Vật lí và khả năng logic trong ngôn ngữ của trẻ; thứ hai, làm việc nhà có thể bồi dưỡng cho trẻ lòng tự tin, những việc trẻ biết làm càng nhiều, trẻ sẽ càng tự tin, càng ngày càng lạc quan; thứ ba, có thể bồi dưỡng cho trẻ tinh thần trách nhiệm, giúp trẻ hiểu được nỗi vất vả của cha mẹ thông qua việc làm việc nhà, từ đó trẻ hiểu được trách nhiệm của bản thân; thứ tư, lao động có thể rèn luyện sức khỏe, giúp bộ não được nghỉ ngơi đầy đủ.
Vì vậy, sau khi trẻ học tập trong một thời gian dài, nên để trẻ làm việc nhà.
Cho trẻ học cách tự quản lí bản thân, sống độc lập, tự mình đối mặt với khó khăn, là tình yêu lí trí dành cho trẻ. Chúng ta không thể theo trẻ, chăm sóc trẻ suốt đời, đến một ngày trẻ phải rời xa chúng ta để tự mình đi trên con đường của mình.
Tòa soạn tạp chí Nghiên cứu thiếu niên nhi đồng đã từng làm một cuộc điều tra về việc giáo dục thời ấu thơ đối với 148 thanh niên xuất sắc, và phát hiện ra, những thanh niên xuất sắc khi còn ở lứa tuổi nhi đồng có sáu đặc tính lớn, trong sáu đặc tính đó, tinh thần độc lập tự chủ được đưa lên hàng đầu.
Có thể thấy tinh thần độc lập tự chủ có vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển của trẻ. Khi trẻ dần lớn lên, trẻ không những học được rằng trong cuộc sống hàng ngày và trong học tập, việc của mình thì mình phải tự làm, mà khi gặp tình huống đột ngột, trẻ sẽ bình tĩnh, quyết đoán giải quyết; điều quan trọng hơn là trẻ trở thành một con người độc lập, đối mặt với giông bão một cách kiên định, quả cảm.
Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha
1. Tăng cường ý thức sống tự lập của trẻ
Quá trình bồi dưỡng ý thức sống tự lập của trẻ, đầu tiên phải có một nhận thức đúng đắn.
Cùng với sự phát triển về cơ thể, hành động của trẻ, trẻ sẽ dần dần học cách tự mình ăn cơm, tự mặc quần áo và thu dọn đồ chơi dưới sự hướng dẫn của cha mẹ. Những trẻ lớn hơn có thể bắt đầu giặt khăn mặt, tất…
Chúng ta nên nắm bắt cơ hội này, để trẻ tự làm việc, cho trẻ cơ hội được động chân động tay, từ đó bồi dưỡng ý thức tự lập cho trẻ. Nếu cha mẹ bỏ qua cơ hội tốt để bồi dưỡng khả năng tự phục vụ bản thân của trẻ, vì luôn cho rằng con mình vẫn còn nhỏ, nên việc gì cũng làm thay trẻ, lâu dần, trẻ sẽ hình thành thói quen ỷ lại vào người lớn.
Tóm lại, phải cung cấp cho trẻ mọi cơ hội thực hành, giải phóng chân tay, mạnh dạn làm mọi việc. Không có cơ hội thì không thể nói đến việc rèn luyện và nâng cao.
2. Dạy trẻ những kĩ năng tự chăm sóc mình
Muốn để trẻ biết tự chăm sóc mình cần phải để trẻ hiểu được phương pháp tự chăm sóc mình. Trẻ không biết cách thắt dây giày, thì không thể thắt được; trẻ không biết cách rửa mặt, thì không thể rửa mặt sạch được; trẻ không biết đồ chơi để ở đâu, thì không thể đặt đồ chơi về chỗ cũ được. Có nghĩa là cho dù trẻ có ý thức tự làm nhưng nếu như thiếu kĩ năng, thì có muốn làm cũng không thể làm tốt được. Cho nên, chúng ta phải cho trẻ học các phương pháp tự chăm sóc mình cụ thể.
Vì mỗi đứa trẻ đều có sự khác biệt, nên yêu cầu đối với mỗi trẻ cũng khác nhau. Đối với những trẻ có khả năng tự lập cao, thì yêu cầu cao; đối với những trẻ có khả năng tự lập kém, thì hãy yêu cầu thấp hơn. Không được ép buộc, cũng không được coi thường trẻ, nhất định phải căn cứ vào đặc điểm của từng trẻ để có phương pháp hợp lí.
Ví dụ khi hướng dẫn trẻ đi giày, đối với những trẻ nhỏ thì đầu tiên phải yêu cầu trẻ đi đúng giày chân trái và giày chân phải; đối với những trẻ lớn hơn không chỉ yêu cầu trẻ đi giày đúng chân, mà còn phải yêu cầu trẻ thắt dây giày. Ví dụ trường hợp trẻ có sự phát triển về khả năng tự lập không cân bằng, thắt dây giày là một điểm yếu của trẻ, chúng ta có thể kiên nhẫn hướng dẫn tỉ mỉ hơn nữa.
Sau khi có được những kĩ năng tự chăm sóc bản thân cơ bản, phải chú ý nâng cao tốc độ, chất lượng làm việc của trẻ. Với những trẻ nhỏ khi ăn cơm, lúc bắt đầu có thể làm rơi vãi, qua một thời gian bồi dưỡng và luyện tập trẻ sẽ dần dần nắm vững kĩ xảo ăn cơm, ít làm rơi hoặc không làm rơi nữa.
Khả năng tự chăm sóc chính là chỉ khả năng tự lo liệu cuộc sống, khả năng tự quản lí bản thân, đây là khả năng cơ bản nhất mà mỗi con người cần có để độc lập sống trong xã hội. Bất luận như thế nào, khi trẻ yêu cầu bạn giúp trẻ làm việc gì, nếu như bạn xác định trẻ có thể tự mình làm được, vậy thì hãy “lạnh lùng” nói với trẻ: “Việc của mình thì tự mình làm!”.
3. Làm việc nhà nên là một môn học bắt buộc của trẻ
Hơn 2 tuổi, Y Y đã có ý thức làm việc nhà. Một lần, con không cẩn thận làm đổ nước. Không ai nhắc nhở con, con tự đi vào nhà vệ sinh lấy giẻ lau sạch nước. Bạn thử nghĩ xem một đứa trẻ đi vẫn chưa vững lại có thể cầm giẻ lau nhà, trông sẽ thế nào?
Bà nội không nỡ lòng nhìn cháu như vậy, định chạy đến lấy giẻ nhưng bị tôi ngăn lại. Mọi người nín cười nhìn Y Y như một con chuột, kéo theo một chiếc đuôi dài, để lại một vệt nước dài trên mặt đất, để giẻ lau vào nhà vệ sinh…
Đại bộ phận cha mẹ cho rằng, khi trẻ đi học chỉ cần trẻ học tốt là được, những việc như nấu cơm lớn rồi tự nhiên trẻ sẽ biết, cần gì phải tốn công, tốn sức với trẻ? Tư tưởng này được thiết lập trên cơ sở quan niệm “Học tập là số một”, hậu quả là khi trẻ trưởng thành cũng không biết chăm sóc bản thân. Nấu cơm là một việc có thể học được rất nhanh, nhưng tính ỷ lại không phải ngày một ngày hai có thể thay đổi được, ý thức và khả năng độc lập cũng không phải ngay lập tức mà hình thành được. Những trẻ khi học đại học vẫn phải thuê giúp việc có lẽ không bao giờ trưởng thành được.
Cho nên nếu bạn thực sự yêu trẻ thì hãy để trẻ làm những công việc nhà mà trẻ có thể làm được.
4. Để trẻ làm chim ưng chứ không phải là chim én
Tôi tin rằng mỗi người làm cha mẹ đều hi vọng con mình trở thành chim ưng, tương lai có thể sống độc lập, dũng cảm bay cao trên bầu trời xanh. Nhưng nhiều khi những việc chúng ta làm không phải là để bồi dưỡng một con chim ưng, mà là tạo nên một con chim én.
Trong một ngày hội tuyển dụng đã từng xuất hiện cảnh tượng như sau: Một phụ nữ lớn tuổi chạy hết từ gian này đến gian khác, điền hơn 60 bảng biểu xin việc làm các loại, đồng thời không ngớt yêu cầu các đơn vị tuyển dụng tư vấn. Rất nhiều người tưởng rằng bà ấy đến tìm việc, nhưng hỏi thăm mới biết tất cả những gì bà làm là vì cậu con trai 26 tuổi. Bởi vì cậu con trai ở nhà nhàn rỗi, không có công việc, hàng ngày ngoài việc ăn ngủ thì lên mạng chat, đánh bài, chơi trò chơi. Cha mẹ không thể tiếp tục nuôi cậu ta, giục cậu ta tìm việc, nhưng cậu ta không có can đảm để chấp nhận các cuộc kiểm tra trình độ của đơn vị tuyển dụng. Không có cách nào, người mẹ phải chạy ra ngoài tìm việc cho con trai.
Quan niệm giáo dục của chúng ta là chúng ta thà chịu đói cũng phải để trẻ ăn no; chúng ta thà mệt mỏi cũng không để trẻ phải chịu khổ; chúng ta thà chịu gió rét, cũng phải để trẻ được ở trong căn nhà ấm áp…
Chúng ta hãy xem những người thành công vang dội, bồi dưỡng chim ưng như thế nào:
Con gái độc nhất của cựu tổng thống Mĩ Jimmy Carter, khi 14 tuổi đã đi làm phục vụ trong kì nghỉ hè, nhiệm vụ chủ yếu là chạy việc vặt, gửi văn kiện, làm những việc linh tinh, mỗi ngày được nhận 2,5 dollar. Con trai cựu tổng thống Mĩ Ronald Reagan, sau khi thất nghiệp đã không dựa dẫm vào người cha tổng thống của mình, mà tự tìm việc và sống bằng đồng lương trợ cấp thất nghiệp, luôn thể hiện tinh thần tự lực tự cường. Con gái của thủ tướng Phần Lan đi học ở Thụy Điển, do vật giá ở Thụy Điển cao hơn Phần Lan, số tiền người cha cho cô bé chỉ đủ trang trải 2/3 cuộc sống của mình, thời gian rảnh cô rửa bát ở một nhà hàng để trang trải cuộc sống. Con trai của cố tổng thống nước Yugoslavia (Nam Tư cũ) Tosip Broz Tito (1892-1980), 19 tuổi ra ngoài phấn đấu, không hề lợi dụng ảnh hưởng của cha, bắt đầu từ việc làm một công nhân bình thường, dựa vào sự phấn đấu của mình, cuối cùng đã trở thành tổng giám đốc của một công ty dầu mỏ…
Tại sao ở Trung Quốc con cái các gia đình giàu có và gia thế ít người thành tài, mà trong những gia đình nổi tiếng, giàu có, quyền lực nước ngoài lại có những người xuất sắc như vậy?
Trẻ được bao bọc quá kĩ sẽ chỉ là “chim én”, để trẻ tự do bay nhảy, trẻ mới có thể trở thành chim ưng.
5. Phải rèn luyện trẻ độc lập giải quyết mâu thuẫn trong quan hệ giao tiếp
Giải quyết mối quan hệ giao tiếp như thế nào cũng là một nội dung quan trọng thể hiện khả năng tự lập của trẻ. Rất nhiều lúc, chúng ta đã lơ là việc tận dụng sự xử lí mâu thuẫn trong quan hệ giao tiếp để rèn luyện ý thức tự lực tự chủ của trẻ. Vì vậy, chúng ta thường xuyên nhìn thấy cảnh, khi hai đứa trẻ tranh một món đồ chơi, những người mẹ vội vàng chạy đến, khuyên đứa này, kéo đứa kia, dẹp bỏ mâu thuẫn; trẻ cãi nhau với bạn, bĩu môi trở về nhà, mẹ vội vàng dẫn trẻ đi tìm bạn làm hòa, nhìn thấy hai trẻ nắm tay nhau vui vẻ, mới yên tâm trở về nhà…
Trên đời không có cha mẹ nào là không yêu thương con cái, tuyệt đại đa số đều yêu con vô hạn, dốc hết tâm sức cho con cái. Yêu trẻ là bản tính và trách nhiệm của cha mẹ, nhưng yêu quá mức chỉ có thể làm trẻ chìm đắm trong vòng bảo vệ ấm áp cha mẹ dệt nên, ngăn cản cá tính của trẻ trưởng thành, hạn chế sự độc lập về nhân cách của trẻ. Vì thế, tình cảm này của cha mẹ không phải là yêu trẻ thực sự mà là sự sai lệch trong giáo dục.
Từ khi trẻ ra đời, chúng ta luôn bảo vệ trẻ, sợ trẻ bị lạnh bị đói, sợ trẻ tủi thân không nỡ để trẻ phải chịu khổ, chịu mệt, càng không nỡ để trẻ ra ngoài hứng chịu mưa gió. Trẻ có thể tự làm được, nhưng cha mẹ vẫn thay thế trẻ làm mọi việc. Có những gia đình giàu có hoặc có quyền lực, thậm chí lợi dụng các mối quan hệ, không những cho trẻ một cuộc sống sung sướng sang trọng mà còn “mở cửa sau” cho việc học hành và lập nghiệp của trẻ, trải ra cho trẻ một con đường đời đầy hoa tươi…
Kết quả là trẻ không có chí tiến thủ, khi gặp phải khó khăn thì không biết làm gì, không đứng dậy được. Thậm chí có người vì quen dựa dẫm dưới đôi cánh bảo vệ của cha mẹ, đến lúc phải đảm nhận trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ, vẫn để cha mẹ phải nuôi mình.