Người Cha Tốt Hơn Là Người Thầy Tốt

CHƯƠNG 63: SÁNG TẠO SẼ LÀM THAY ĐỔI CUỘC ĐỜI



Hãy trân trọng ý thức sáng tạo từ những nét vẽ nguệch ngoạc của trẻ, cũng có thể cuộc đời huy hoàng của trẻ bắt nguồn từ những nét vẽ nguệch ngoạc ấy.
Có một đứa trẻ 4 tuổi tên là Cầm Cầm, khi bà nội để cô bé tự do vẽ, cô bé vẽ một cây táo rất lạ, quả táo ở dưới gốc cây, chìm dưới đất.
Bà nội liền nói với cô bé: “Cháu vẽ sai rồi, quả táo phải ở trên cành cây.”
Cô bé liền trả lời: “Cây khoai, cây lạc và cây khoai tây, quả của chúng đều ở dưới đất, như vậy thì sẽ không sợ gió bão”.
Bà nội không biết phải nói với cô bé như thế nào: “Bà nói thế nào thì cháu mới hiểu, táo chỉ mọc trên cành cây thôi”.
Một bé trai khác là Tân Tân thì vẽ một con mèo, khi mẹ cậu bé nhìn thấy, mẹ cậu bé nói: “Tân Tân, tại sao con vẽ mèo lại có một chiếc đuôi của hồ li, trên đời làm gì có con mèo nào như vậy?”.
Tân Tân đáp: “Khi mèo lạnh, thì chiếc đuôi lớn đó có thể làm chăn để mèo đắp”.
Người mẹ nói: “Có đuôi lớn thì không phải là mèo nữa”.
Cậu bé nghiêng đầu hỏi lại: “Không phải lúc nãy mẹ gọi nó là mèo sao?”.
Người mẹ không biết nói gì nữa.
Thông qua hai câu chuyện nhỏ trên, điều Đông Tử muốn nói là từ nhỏ hãy bồi dưỡng cho trẻ khả năng tưởng tượng, tạo cho trẻ môi trường sáng tạo rộng mở. Đối với những nét vẽ nguệch ngoạc của trẻ, chúng ta không được chỉ giới hạn ở việc giống hay không giống, mà phải cổ vũ động viên trẻ tự do tưởng tượng, mạnh dạn thể hiện, để trẻ có được niềm vui sáng tạo khi tư duy ngược, tư duy phân kì (Divergent Thinhking).
Albert Einstein và Thomas Edison khi còn nhỏ, thường nghĩ và làm những việc mà người lớn cho là “không có lí”, và thường xuyên bị thầy cô mắng mỏ. Nhưng thực tiễn chứng minh, điều này giúp ích nhiều cho những nghiên cứu khoa học và những phát minh sáng tạo của họ sau này. Hãy trân trọng ý thức sáng tạo từ những nét vẽ nguệch ngoạc của trẻ, cũng có thể cuộc đời huy hoàng của trẻ bắt nguồn từ những nét vẽ nguệch ngoạc ấy.
Thời đại hiện nay chính là thời đại khoa học kĩ thuật phát triển nhanh chóng, tri thức ngày càng đổi mới, và cũng là một thời đại cạnh tranh khốc liệt. Một quốc gia muốn chiến thắng trong cuộc cạnh tranh đó, thì cần phải có một đội ngũ nhân tài thông minh sáng tạo có nền tảng vững chắc, có tố chất tổng hợp cao, luôn dũng cảm sáng tạo.
Nhật Bản sau chiến tranh tại sao lại có thể phục hồi nhanh chóng, đồng thời trở thành một cường quốc kinh tế? Đó là bởi vì một mặt họ thực hành chính sách nhập khẩu kĩ thuật lâu dài, một mặt họ coi trọng việc bồi dưỡng một thế hệ mới có khả năng sáng tạo, đồng thời mở ra các hoạt động phát minh sáng tạo rộng rãi trong nhân dân.
Lịch sử chứng minh, một quốc gia muốn hưng thịnh, một dân tộc muốn độc lập thì phải có một đội ngũ lớn nhân tài có khả năng sáng tạo. Có nghiên cứu đã chứng minh: Từ 3 đến 9 tuổi là giai đoạn nền tảng để phát triển khả năng sáng tạo của trẻ, nếu như bỏ qua giai đoạn này, sau này rất khó có thể bắt đầu lại được.
Hiện nay trong rất nhiều gia đình, do cha mẹ thiếu nhận thức về những hành vi sáng tạo của trẻ, coi những biểu hiện sáng tạo của trẻ là những điều kì quặc, nghịch ngợm, thường không quan tâm, hoặc thô bạo can thiệp, vô tình đã làm tổn thương, hạn chế khả năng sáng tạo của trẻ.
Có ý thức sáng tạo mới có thể có khả năng sáng tạo.
Nói đến đây, có phụ huynh có thể cho rằng, con của tôi không phải là người có khả năng sáng tạo, không thể trở thành nhà khoa học, nhà phát minh. Thực ra, đó là nhận thức sai lầm của cha mẹ, coi khả năng sáng tạo là vô cùng thần bí, ở một tầm cao không với tới được. Đối với trẻ, tuy không thể sáng tạo ra “điều gì làm chấn động thế giới”, nhưng trẻ lại có tiềm năng sáng tạo to lớn, chỉ có điều khả năng sáng tạo tiềm tàng của trẻ vẫn chưa được khai phá và tận dụng.
Đào Hành Tri tiên sinh từng nói: “Mọi nơi đều là chỗ sáng tạo, ngày ngày đều là thời gian sáng tạo, người người đều là những người sáng tạo”.
Khi con bạn vẽ ra một bức tranh mới mẻ kì lạ, đó chính là biểu hiện của sự phát huy tính sáng tạo; khi con bạn tháo tung đồ chơi, đèn pin, máy móc, đó cũng là biểu hiện của tính hiếu kì và ham muốn sáng tạo; khi con bạn nói ra những từ ngữ mới mẻ, hát lên những lời hát tự sáng tác, đó đều là biểu hiện của khả năng sáng tạo.
Trong gia đình, khi ở bên cạnh trẻ, nếu bạn tinh tế thì không khó phát hiện ra trẻ luôn luôn có khả năng sáng tạo tiềm tàng, vấn đề chính là bạn phát hiện, hướng dẫn và bồi dưỡng khả năng sáng tạo của trẻ như thế nào.
Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha
1. Không khí gia đình hòa thuận là điều kiện đảm bảo để trẻ phát triển khả năng sáng tạo
Gia đình là môi trường đầu tiên mà trẻ tiếp xúc, việc tạo ra một không khí vui vẻ thoải mái trong gia đình, để trẻ tự do tưởng tượng, giao lưu bình đẳng với trẻ, có tác dụng cực kì quan trọng trong việc thúc đẩy khả năng sáng tạo của trẻ phát triển. Trong bầu không khí này, trẻ có nguyện vọng giao lưu tích cực với cha mẹ, thường xuyên muốn thử nghiệm những ý tưởng và cách nhìn mới mẻ, làm cho phương thức tư duy và hành vi của bản thân mang tính độc đáo. Chỉ khi ở trong bầu không khí tự do vui vẻ đó, trẻ mới dám nghĩ dám hỏi, dám sáng tạo.
Vì thế người cha nên tạo ra một môi trường gia đình cởi mở, đồng thời cho trẻ một không gian độc lập, thời gian đầy đủ và những vật liệu cơ bản trên phương diện vật chất (như giấy và các nguyên liệu để vẽ, bút vẽ, các loại đồ chơi có thể tháo rời, và một số thứ bán thành phẩm), đồng thời cổ vũ ủng hộ trẻ về mặt tinh thần.
2. Bảo vệ tính hiếu kì của trẻ, thắp lên khả năng sáng tạo của trẻ
Tính hiếu kì được biểu hiện rõ ràng nhất ở trẻ em. Đối diện với thế giới nhiều sắc màu, trẻ có tính hiếu kì mạnh mẽ. Một bông hoa nhỏ bình thường, những thứ đồ chơi trong cửa hàng, thậm chí là những thứ trong mắt người lớn không có tác dụng gì như viên đá nhỏ, chiếc chai nhỏ, vỏ ốc, giấy vụn, hộp diêm hết, hộp bút bỏ đi… đều có thể trở thành đối tượng “nghiên cứu” của trẻ.
Những sự vật đối với người lớn là bình thường, nhưng đối với trẻ lại là những điều thần kì. Trẻ thường đặt ra rất nhiều câu hỏi, ví dụ như tại sao những ngôi sao trên bầu trời lại không rơi xuống, tại sao chim lại biết bay, tại sao gà mái có thể đẻ trứng mà gà trống lại không thể, cầu vồng hình thành như thế nào…
Tính hiếu kì chính là động lực lớn để trẻ chủ động quan sát, suy nghĩ cân nhắc vấn đề; là động lực bên trong thúc đẩy trẻ tích cực chủ động quan sát thế giới, phát triển tư duy sáng tạo; là khởi điểm của khả năng sáng tạo. Người cha phải bảo vệ tính hiếu kì của trẻ đồng thời hướng dẫn trẻ, để trẻ học được cách suy nghĩ sâu xa hơn.
Đối với những câu hỏi của trẻ, người cha nên tận tình trả lời, nếu gặp những vấn đề không hiểu, thì cùng trẻ tìm tài liệu, không trả lời qua loa cho xong chuyện, giết chết khát vọng tìm tòi của trẻ.
3. Cổ vũ trẻ tích cực tìm tòi
Khi người khác hỏi nhà khoa học Einstein tại sao ông lại có nhiều sáng tạo như vậy, ông trả lời: “Tôi không có tài năng gì đặc biệt, chỉ có điều tôi thích tìm hiểu đến cùng mà thôi”. Tích cực suy nghĩ là người dẫn đường của ý thức sáng tạo, cho nên người cha phải bảo vệ và ủng hộ ham muốn tìm tòi và hành vi sáng tạo của trẻ.
Khi con gái Y Y của tôi 5 tuổi, có một lần xuống sân chung cư chơi, gọi con về nhà ăn cơm con không về. Thế là tôi liền chạy xuống chỗ con, chỉ thấy con đang ngồi dưới một cây đại thụ, chăm chú nhìn những con kiến đang “chuyển nhà”, tôi không làm phiền con, mà ngồi xuống cùng con quan sát.
Con thấy tôi cùng quan sát, liền hỏi: “Cha ơi, con kiến nhỏ như vậy tại sao lại có thể vận chuyển những đồ ăn lớn như vậy?”. Con bé lấy đất đắp thành một đống nhỏ rồi nói: “Chúng ta làm thí nghiệm nhỏ nhé, xem kiến có thể chuyển đồ ăn qua núi không?”. Tôi gật đầu.
Thí nghiệm bắt đầu, chỉ nhìn thấy một con kiến vác đồ ăn đến “chân núi” thì không thể tiếp tục di chuyển, lúc này, con kiến để đồ ăn xuống, bò lên “sườn núi” để kéo đồ ăn qua núi. Sau khi thí nghiệm làm xong, cha con tôi vui vẻ về nhà ăn cơm. Chủ đề những con kiến vẫn tiếp tục được nói đến sau bữa cơm.
Quan sát tâm lí trẻ, bảo vệ ham muốn tìm tòi của trẻ, ủng hộ hành vi khám phá của trẻ, rất có lợi cho sự nảy mầm ý thức sáng tạo của trẻ.
4. Để trẻ tự do tưởng tượng
Trong quá trình trẻ sáng tạo, tưởng tượng là người dẫn đường, không có sự tưởng tượng thì không có hướng sáng tạo, không thể tiến hành sáng tạo.
Cha mẹ hầu hết đều có những trải nghiệm như một món đồ chơi đến tay trẻ, chơi chưa được mấy ngày thì đã bị tháo rời ra. Thực ra, đây là trẻ muốn triển khai sự tưởng tượng của mình để có những sáng tạo mới. Nếu như cha mẹ không cho trẻ cơ hội này, thậm chí can thiệp, thì sẽ cướp đi cơ hội sáng tạo của trẻ.
Cha mẹ sáng suốt nên dùng thái độ khoan dung kiên nhẫn để đối mặt với tất cả những gì thuộc về trẻ, cho dù đó là hành vi ấu trĩ thậm chí mang tính phá hoại; phải căn cứ vào khả năng tưởng tượng của trẻ để động viên, hướng dẫn trẻ thực hiện ý tưởng sáng tạo của mình.
5. Phải khen ngợi tác phẩm của trẻ
Thế giới trong mắt trẻ rất sinh động, phương thức mà trẻ thể hiện thế giới tâm hồn của mình cũng rất phong phú. Làm cha, phải học cách lắng nghe tiếng lòng của trẻ, chú ý những biểu hiện của trẻ, cho dù đó là sự thay đổi mang tính sáng tạo nhỏ nhất, một từ ngữ mới, một bài hát sai nhạc, bạn đều phải khen ngợi trẻ một cách thật lòng. Như vậy trẻ sẽ rất vui, lại có linh cảm sáng tạo.
Tiểu Lệ dùng bút màu vẽ hình một thứ giống như tivi, rồi vui vẻ chạy đến khoe cha: “Cha ơi, đây là ngôi nhà của người ngoài hành tinh, đây là giường, ghế sofa, tủ tivi của người ngoài hành tinh”. Người cha nhìn thế nào cũng thấy giống hình chiếc tivi, nhưng người cha vẫn tỏ ra ngạc nhiên khen cô bé: “Con vẽ thật giỏi, người ngoài hành tinh nhất định sẽ thích ngôi nhà của con, chúng ta tiếp tục vẽ cho người ngoài hành tinh những đồ dùng khác”.
Được cha khen ngợi, cô bé lại càng có hứng thú sáng tạo, khả năng sáng tạo ngày càng cao.
Do sự thâm căn cố đế của quan niệm giáo dục truyền thống, sự giáo dục của cha mẹ thường vô tình hạn chế khả năng sáng tạo của trẻ, làm trẻ vốn dĩ có khả năng sáng tạo trở nên cứng nhắc, chỉ biết làm theo quy tắc, khả năng ứng biến kém.
Người làm cha nên coi việc bồi dưỡng ý thức sáng tạo cho trẻ là sứ mệnh quan trọng trong công tác giáo dục gia đình, tự giác bồi dưỡng ý thức sáng tạo của trẻ, cho trẻ không gian sáng tạo rộng lớn, hơn nữa làm tiềm năng của trẻ được phát huy hết mức.
Giai đoạn từ 1 đến 3 tuổi chính là giai đoạn hoàng kim để khai phá bộ não của trẻ, bồi dưỡng ý thức sáng tạo và khả năng sáng tạo của trẻ. Bản tính của trẻ tiềm tàng khát khao được sáng tạo mạnh mẽ, chỉ cần chúng ta chú ý dẫn dắt, đồng thời để cho trẻ thoải mái tìm tòi, thì có thể bồi dưỡng khả năng sáng tạo của trẻ. Nếu không thì tinh thần sáng tạo đáng quý của trẻ sẽ bị hủy hoại ngay trong giai đoạn manh nha.
Mức độ coi trọng của người cha đối với việc bồi dưỡng ý thức sáng tạo và khả năng tạo cho trẻ có thể ảnh hưởng đến cả cuộc đời trẻ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.