Phong thần diễn nghĩa

Hồi 3: Xem thơ Tây Bá Hầu, Tô Hộ dâng Ðắc Kỷ



Cha con Sùng Hầu Hổ bị thương chạy riết cho đến sáng mới dám dừng lại, kiểm điểm binh mã thấy trong đám tàn quân người nào cũng bị lỗ đầu chảy máu, người thì rách áo cụt tay, không một tên quân nào còn nguyên vẹn.

Binh tướng một đoàn trở thành vô dụng. Nhìn thảm trạng ấy Hầu Hổ thấy lòng đau đớn vô cùng, ngồi than thở mãi.

Huỳnh Nguyên Tuế nói:

– Chúa công hơi đâu than thở? Việc binh thắng bại là thường. Bởi ta sơ ý nên nhằm mưu địch. Vậy Chúa công dừng binh nơi đây, viết thơ thôi thúc Tây Bá Hầu đem binh đến rửa hận. Ký Châu chẳng qua chỉ là một trấn nhỏ, dẫu hùng mạnh đến đâu cũng không chống nỗi binh của thiên triều.

Sùng Hầu Hổ nói lảm nhảm:

– Tây Bá Hầu Cơ Xương không tuân mệnh thiên tử, không chịu đem binh tiếp ứng, ấy là tội khi quân và làm nhục ta. Ta căm hận lắm. Nếu nay ta thôi thúc nó đem binh đến phạt Ký Châu chẳng khác nào ta cứu vớt tội khi quân của nó, và thể diện ta cũng tổn thương.

Mặt Sùng Hầu Hổ lúc đỏ lúc tái, lòng lúng túng chưa biết tính kế gì, thì bổng xa xa có một đoàn quân người ngựa kéo đến đông nghẹt. Hầu Hổ thất kinh vội cầm thương lên ngựa, toan tìm đường chạy.

Nhưng may thay đạo quân này không phải là quân của Ký Châu Hầu Tô Hộ. Cầm đầu là một tướng mặt đen như lọ, râu đỏ như râu tôm, chân mày bạc, con mắt ốc, đầu đội mão da thú, mình mặc giáp liên hoàn, lưng mang đai ngọc, cỡi một con thú mắt lừa tròng vàng, hai tay cầm cặp búa đồng.

Sùng Hầu Hổ thấy tướng ấy thì mừng rỡ reo to:

– A, không phải địch quân. Chính em của ta đem binh đến giúp đỡ.

Thật vậy, tướng ấy là Sùng Hắc Hổ, em ruột của Hầu Hổ, làm Chúa Tào Châu. Các tướng sĩ đều xuống ngựa làm lễ.

Hắc Hổ nói với Hầu Hổ:

– Em nghe anh thất cơ nên đem binh đến giúp, không ngờ lại gặp nhau đây, thật may lắm.

Hầu Hổ thở dài:

– Ngu huynh sơ ý lầm mưu tên phản loạn, bây giờ binh tướng lớp chết, lớp bị thương, còn đánh ai được nữa?

Sùng Hắc Hổ nói:

– Hiền huynh chớ lo. Một mình đạo binh của em đây cũng đủ sức tiêu diệt Ký Châu rồi. Vậy hiền huynh ra lệnh đồng hiệp binh trở lại thành Ký Châu rồi sẽ liệu.

Sùng Hầu Hổ ra lệnh kéo binh trở lại. Hắc Hổ có ba ngàn phi mã nên xông pha đi trước, còn binh mã hai vạn bổ xung vào đội tàn quân của Hầu Hổ kéo theo sau.

Quân thám thính về báo cho Tô Hộ hay:

– Nay có binh của Sùng Hắc Hổ ở Tào Châu kéo đến vây thành.

Tô Hộ nghe nói ngồi ngẩn ngơ suy nghĩ một lúc lâu, rồi than thầm:

– Sùng Hắc Hổ võ nghệ cao cường, lại có phép tiên, nội thành không tướng nào cự lại. Nay nó kéo binh đến đây biết liệu làm sao?

Hai bên tướng sĩ đều lo lắng. Tô Toàn Trung bước ra thưa:

– Hễ binh đến thì tướng ngăn, nước tràn vào thì lấy đật chận. Một mình Hắc Hổ làm gì nên việc mà phụ thân sợ sệt như vậy?

Tô Hộ thấy con mình nông nỗi nạt lớn:

– Ngươi là đứa hậu sanh, chưa từng trải việc đời, biết gì mà nói. Ngươi tưởng ngươi anh hùng lắm sao? Hắc Hổ là người có học phép tiên, lấy đầu tướng giặc giữa vòng binh như lấy đồ trong túi. Ngươi chớ có khoe khoang mà uổng mạng.

Toàn Trung nói:

– Phụ thân khiếp sợ tài năng của chúng mà quên uy thế của quân ta. Con ra binh trận này, nếu không bắt được Sùng Hắc Hổ quyết không về đây thấy mặt phụ thân nữa.

Tô Hộ nói:

– Thằng phách lối. Ta cho mày ra trận một chuyến cho biết khôn.

Toàn Trung vội nhảy lên ngựa, kéo ba ngàn quân ra trận, kêu lớn:

– Chúng bay vào gọi Sùng Hắc Hổ ra đây cho mau.

Quân trở vào báo với Hắc Hổ:

– Có Tô Toàn Trung mời Chúa công ra nói chuyện.

Hắc Hổ nghĩ thầm:

– Mình kéo quân đến đây không phải để so tài cao thấp mà để gỡ rối việc này. Anh mình nóng nảy, đem quân đánh Tô Hộ là điều thất sách. Nếu có Tô Toàn Trung ra trận thì ta dùng lời phải trái gọi Tô Hộ ra phân giải ắt xong, cởi mở hận thù giữa anh ta với Tô Hộ rất tiện.

Hắc Hổ nghĩ rồi lên ngựa ra trước trại, thấy Toàn Trung đang múa kích mặt giận hầm hầm, thì nói lớn:

– Toàn Trung! Cháu trở về mời phụ thân của cháu ra đây cho chú nói chuyện đã.

Tô Toàn Trung còn nhỏ, chưa hiểu việc đời, lại nghe cha mình khen tài Hắc Hổ là anh hùng, nên không phục, quyết một trận đua tranh, liền lướt ngựa tới mắng lớn:

– Sùng Hắc Hổ, ngươi với ta là thù địch, còn nói chuyện tình nghĩa làm gì? Hãy lui quân về Tào Châu thì giữ được tánh mạng, bằng ở đây giao tranh ắt mất đầu.

Hắc Hổ nổi giận gầm lên một tiếng;

– Thằng súc sanh, vô lễ!

Toàn Trung múa kích chém liền. Hắc Hổ đưa cặp búa đồng ra đỡ.

Hắc Hổ có tiếng là tay võ nghệ cao cường, lúc nhỏ lại có học được phép tiên về phái Triệt Giáo, bởi vậy lúc ra trận có mang bầu phép sau lưng, biến hóa nhiều lối lạ. Toàn Trung không rõ việc ấy, cậy mình có tài sức, múa kích như bay, quyết bắt sống cho được Hắc Hổ làm nổi tiếng anh hùng với thiên hạ chơi.

Toàn Trung đánh với Hắc Hổ năm mươi hiệp, tài múa kích của Toàn Trung quả vô địch, Hắc Hổ cầm búa đồng đỡ gạt đến toát mồ hôi, hơi thở khò khè, còn Toàn Trung vẫn hăng say không biết mệt.

Thấy vậy Hắc Hổ cũng phải khen thầm:

– Tô Hộ có thằng con xứng đáng quá. Cọp cha sanh cọp con là phải.

Nói rồi quày ngựa bỏ chạy. Toàn Trung ngỡ Hắc Hổ cự không lại, cười ngất nói:

– Nếu mình nghe lời cha mình thì mình đã lầm tên tướng dở này rồi! Có thế mà cũng khoe là dũng tướng. Dù mầy là Hắc hay Bạch Hổ mặc kệ, ta quyết bắt sống đem về lột da để thiên hạ biết danh ta.

Nói rồi giục ngựa đuổi theo rất gấp. Hắc Hổ nghe phía sau tiếng lạc ngựa của Toàn Trung đã đến gần, liền mở nút hồ lô niệm chú lâm râm, tức thì trong hồ lô bay ra một làn khói trắng tua tủa. Trong làn khói trắng ấy hiện ra một con chim ó mỏ sắt, kêu chí choé, bay đến mổ vào mắt Toàn Trung. Toàn Trung thất kinh cầm kích xoay tròn, không cho chim ó mổ mắt mình. Chim ó không xông vào được, liền mổ vào mắt ngựa. Con ngựa đau quá ré lên một tiếng nhãy lồng lên ném Toàn Trung xuống đất.

Hắc Hổ nhảy xuống ngựa, đè Toàn Trung hối quân trói lại dẫn về dinh.

Sùng Hầu Hổ nghe tin thắng trận, vội ra ngoài nghênh tiếp, Hắc Hổ nói:

– Em mới ra quân đã bắt được viên tiểu tướng đem về đó.

Hầu Hổ thấy Toàn Trung, nghiến răng trợn mắt nói:

– Ðêm vừa rồi, ngươi đón đường đánh quân ta tại Ngủ Cang, ngươi anh hùng thật. Nay sao lại chịu trói, không tỏ tài anh hùng tao xem thử?

Toàn Trung đứng trợn mắt nhìn Hầu Hổ nói:

– Chúng bay dùng tà thuật bắt ta đâu gọi là anh hùng. Ta tiếc không cầm quân được lâu để bắt chúng bay nhai xương cho đả giận.

Hầu Hổ sỉ sỏ:

– Nay ngươi đã bị bắt, ngươi còn dám vô lễ sao? Cha con ngươi tội đáng tru lục, giờ đây ta chém ngươi trước đã.

Nói rồi liền hô võ sĩ dẫn Toàn Trung ra ngoài xử tử.

Hắc Hổ can:

– Hiền huynh bớt giận. Tội cha con Toàn Trung đáng chết, song cha con nó làm phản triều đình, hiền huynh được ủy thác đến đây vấn tội. Vậy bắt được tội phạm, hiền huynh phải giải về Triều Ca cho thiên tử hành hình, nếu hiền huynh tự tiện giết đi, sau nầy không khỏi tiếng khi quân. Vả lại, con gái Tô Hộ là Ðắc Kỷ đang được thiên tử mơ ước, nếu sau nầy Ðắc Kỷ được gần gủi thiên tử, xin tha tội cho Tô Hộ, và Tô Hộ lên hàng Quốc thích, quyền hành trong tay, muốn trả thù hiền huynh là chuyện rất dễ. Chúng ta dại gì chuốc lấy oán cừu, mà không có lợi gì cho chúng ta cả?

Sùng Hầu Hổ nghe nói như sáng con mắt lên:

– Hiền đệ định xử trí việc này ra sao?

Sùng Hắc Hổ nói:

– Cứ giam Toàn Trung lại, chờ bắt được Tô Hộ rồi sẽ giải về triều đình cho Thiên Tử xét xử. Chúng ta chỉ tuân lệnh Thánh hoàng thôi không chuốc lấy ân oán làm gì?

Sùng Hầu hổ hậm hực:

– Hiền đệ nói cũng phải. Song chúng nó làm nhục anh mấy lần nơi trận chiến, nếu không trả được thù hận ấy, anh không thể vui được.

Nói rồi truyền đem giam Toàn Trung đợi giải về Triều Ca và truyền dọn tiệc ăn mừng thắng trận.

Bên kia quân sĩ theo Toàn Trung ra trận, thấy Toàn Trung bị bắt vội vã chạy về báo với Tô Hộ:

– Công tử ra binh, rượt Sùng Hắc Hổ chạy một lúc, bị hắn dùng pháp thuật bắt sống rồi.

Tô Hộ nói:

– Ta đã biết trước rồi, thế nào nó cũng không toàn mạng được. Bởi nó ỷ tài, không nghe lời ta nên mới bị bắt đó.

Nét mặt Tô Hộ dàu dàu. Các tướng xúm lại khuyên giải, và xin ra trận để báo thù cho Toàn Trung. Tô Hộ nói:

– Không được đâu! Hắc Hổ là trang dũng tướng, lại có tà thuật hại người. Các ngươi ra đó chẳng khác gì đem trứng chọi đá. Làm một việc biết chắc không thành công thì không nên làm.

Các tướng thưa:

– Dù sao cũng đem hết sức mình chống giặc đã! Chúa công nói như vậy chẳng lẽ chịu đem Ký Châu nầy giao cho địch sao?

Tô Hộ thở dài:

– Việc nầy do ta gây nên. Nay đã lỡ, ta không muốn các ngươi là những kẻ vô tội phải gánh chịu tai ương.

Nói rồi Tô Hộ cấm các tướng không cho ra quân, chỉ truyền kiên thủ thành trì chờ lệnh.

Ðêm ấy Tô Hộ ngồi một mình trước long án, ôm đầu suy nghĩ:

– Ðem thân tùng phục một kẻ vô đạo là kẻ bất trí, ta không thể làm được. Còn chống lại kẻ vô đạo trong lúc cô thế, làm thiệt hại sinh mạng binh tướng ta không bằng lòng. Ôi, chỉ tại ta sanh con Ðắc Kỷ có chút ít nhan sắc, khiến cho hôn quân nghe lời bọn nịnh thần mới sanh chuyện rắc rối như vậy. Bây giờ thế đã cùng, thà ta chịu hy sinh cả gia quyến còn hơn để chúng bắt đem về Triều Ca thêm nhục.

Tô Hộ định giết hết vợ con rồi tự vận cho xong. Vì vậy vào khoảng canh hai đêm ấy, Tô Hộ cầm gươm thẳng đến hậu dinh.

Lúc nầy Ðắc Kỷ vẫn chưa ngủ, thấy cha mình cầm gươm vào phòng trong lúc đêm khuya, khép nép thưa:

– Thưa phụ thân, đêm khuya rồi sao phụ thân không an nghỉ, lại xách kiếm vào hậu cung?

Nét mặt vô tư và kiều diễm của Ðắc Kỷ làm cho Tô Hộ động lòng. Dù Tô Hộ bực tức đến đâu cũng không thể làm cái chuyện hùm dữ ăn thịt con, huống chi Ðắc Kỷ ngây thơ đẹp đẽ như vậy. Tô Hộ nỡ nào giết con cho đành. Hai hàng nước mắt Tô Hộ rưng rưng chảy. Lần đầu tiên, nước mắt kẻ khẳng khái như Tô Hộ hoen ố trước cảnh đau lòng.

Tô Hộ nói:

– Cha cũng vì sanh con ra mà mang họa đó.

Ðắc Kỷ hỏi:

– Mấy hôm nay con có nghe triều đình đem binh đến vấn tội cha nhưng chẳng rõ cha đã phạm tội gì với thiên tử?

Tô Hộ bùi ngùi:

– Khí số nhà Thương đã hết, khiến Trụ Vương không lo sửa mình gìn giữ sự nghiệp, nghe lời nịnh thần đam mê sắc dục. Vừa rồi cha vào Triều Ca chầu, hôn quân buộc cha tiến dâng ái nữ, cha không tuân lệnh, nên hôn quân khiến chư hầu kéo quân tới đánh Ký Châu ta. Anh con đã bị bắt, trong thành không ai đủ sức chống lại Sùng Hắc Hổ. Sớm tối cả thành đều bị bắt. Cha tính thà liều mình trước còn hơn để chúng bắt mang nhục.

Ðắc Kỷ thưa:

– Chỉ vì con mà cả nước mang khốn như vầy. Thôi để con liều mình cứu nước vậy.

Tô Hộ nói:

– Chết một mình con không cứu được gia đình và tướng sĩ đâu. Chỉ trừ việc con bằng lòng vào triều để thỏa mãn tính dục của hôn quân mà thôi.

Ðắc Kỷ nói:

– Như vậy xin cha cứ tiến dâng con vào triều cũng được. Thân con đâu kể gì, miễn thân phụ khỏi tội, nước nhà được bình yên.

Tô Hộ nói:

– Hôn quân vô đạo, sớm tối cơ nghiệp không còn. Nếu đưa con vào đó không khỏi sau này mang tiếng với thiên hạ.

Cha con Tô Hộ vừa nói đến đây thì bên ngoài có tiếng trống báo nguy. Tô Hộ vội xách kiếm ra khỏi hậu cung, đã thấy quân giữ cửa hối hả chạy vào báo:

– Sùng Hắc Hổ công thành rất gấp.

Tô Hộ truyền lệnh các tướng giử chặc bốn cửa thành, dùng cây đá, tên bắn và nước sôi dội xuống không cho địch quân hãm thành.

Các tướng tuân lệnh quan phòng rất gắt. Bên ngoài Sùng Hắc Hổ cũng không có ý hãm thành, chỉ muốn cho mời Tô Hộ ra để đàm luận thôi, nhưng không thấy Tô Hộ ra buộc lòng phải truyền quân công phá. Khi thấy trên thành kháng cự, Hắc Hổ liền thu quân về trại.

Sùng Hầu Hổ thấy em mình không công thành, lại kéo binh về liền vào trướng hỏi thăm:

– Sao hiền đệ không bắt thang lên đoạt thành?

Hắc Hổ nói:

– Trong thành dự trữ tên đạn khá nhiều, nếu đoạt thành sẽ hao binh không ít. Tôi xem thành Ký Châu lương thảo không bao nhiêu, nếu cố thủ cũng chỉ trong vòng một tháng là cùng. Chúng ta cứ đóng quân nơi đây, đợi quân của Tây Bá Hầu tới sẽ tính kế, Còn Tây Bá Hầu không đến, thành Ký Châu một thời gian nữa cũng sẽ thất thủ, không cần phải đánh.

Sùng Hầu Hổ nghe nói cũng an tâm, truyền mở tiệc khao thưởng quân sĩ. Trong lúc đó Tô Hộ không biết tính lẽ nào, phần nóng lòng vì con mình là Tô Toàn Trung bị bắt, sống chết chưa được tin.

Trong lúc lo lắng thì có Trịnh Luân đi giải lương về.

Tô Hộ than:

– Tuy có thêm lương thực nhưng cũng chẳng ăn thua gì, vì thành Ký Châu này nếu không giải vây được, sớm tối quân sĩ phải chết đói hết.

Trịnh Luân vào chầu, hỏi thăm tin tức:

– Tôi nghe Chúa công phản Thương, Hầu Hổ đem binh vấn tội, tôi lo lắng bôn ba về đây. Chẳng hay Chúa công thắng bại như thế nào?

Tô Hộ buồn bã nói:

– Ta vì không phục hôn quân nên hành động như vậy. Nay Hầu Hổ tuân lệnh hôn quân đến đây vấn tội. Ký Châu ta nhỏ bé, cự sao lại binh triều. Ta tính sai sứ sang các nước chư hầu dọ xét ý tình để liên minh chống cự, như thế mới lâu dài được. Ngặc vì Toàn Trung bị Hắc Hổ bắt giử, chưa biết sai ai đi làm công chuyện ấy.

Trịnh Luân nói:

– Hầu Hổ chẳng qua là đứa bất trí, chúa công sợ gì nó? Còn các trấn chư hầu nếu nghe lời hôn quân cùng đến đây một lúc, tôi thiết tưởng chưa chắc đã lấy được Ký Châu một cách dễ dàng. Ý kiến liên minh các chư hầu để chống lại nhà Thương thì cũng phải biểu dương lực lượng chúng ta đã.

Tô Hộ nói:

– Trước kia các tướng cũng đã bàn đến kế sách ấy. Hai trận đầu ta ra binh, đánh Sùng Hầu Hổ không còn manh giáp, sau đó có Sùng Hắc Hổ đem binh đến trợ lực. Hắc Hổ học phép tiên, tài năng vô địch, trong thành không ai dám đương cự, Toàn Trung cũng vừa bị bắt sống.

Trịnh Luân nói:

– Sá gì một Hắc Hổ mà sợ? Tôi từ lâu nay đã được Chúa công hậu đãi ơn ấy chưa đền. Nay nguyện ra binh bắt Hắc Hổ, cứu công tử cho.

Tô Hộ ngạc nhiên nhìn các tướng, nói:

– Hắc Hổ có phép thuật cao cường, nội thành không ai dám ra đánh. Tướng quân có tài gì mà nói như vậy?

Trịnh Luân rút gươm giơ lên trời nói lớn:

– Nếu tôi ra trận mà không bắt được Hắc Hổ xin dâng đầu cho Chúa công để trừng trị những kẻ phách lối.

Nói rồi nhảy lên con thú mắt đỏ tròng vàng, xách cặp thiết tiên, đốt ba tiếng pháo khai thành, dẫn ba ngàn quân ra trước trại địch, gọi lớn:

– Sùng Hắc Hổ? Hãy ra cho ta bảo đây.

Quân vào báo:

– Có một tướng bên Ký Châu dẫn binh đến khiêu chiến.

Sùng Hắc Hổ đang ngồi nghị luận, nghe quân báo liền đứng dậy nói:

– Hiền huynh để em ra trận xem tướng nào dám vô lễ như vậy?

Nói rồi dẫn ba ngàn quân ra khỏi trại, thấy một tướng mắt như tròng táo, râu như rễ tre, đội mão đỏ, mặc giáp vàng, thắt đai ngọc, cũng cỡi thú như mình, liền lướt tới hỏi:

– Tướng nào đó? Tên họ là gì?

Trịnh Luân nói:

– Ta làm chức Ðốc Lương, tên Trịnh Luân đây. Có phải tên ngươi là Hắc Hổ, đã bắt sống con trai chủ tướng ta chăng? Nếu biết điều hãy mau trả lại, còn cưỡng mệnh thân xác ngươi sẽ tan như bột.

Hắc Hổ nổi giận mắng:

– Thằng khốn! Ðừng phách lối! Chủ mày là Tô Hộ nghịch mạng thiên triều, tội ấy đáng phanh thây. Mày là tôi thần của nó thì cũng liên can, sao chưa chịu quy hàng để bảo tồn tánh mạng, còn dám ra đây múa miệng?

Nói rồi Hắc Hổ giục thú tới, vung búa chém, Trịnh Luân đưa thiết tiên ra đỡ. Hai tướng đánh nhau được hai mươi hiệp chưa phân thắng bại. Trịnh Luân thấy Hắc Hổ có đeo hồ lô sau lưng biết là bầu phép, thầm nghĩ:

– Ðánh người phải ra tay trước mới được. Trước kia mình có học phép hớp hồn của ông Ðộ Ách Chơn Nhơn. Nay dùng phép ấy bắt Hắc Hổ đem về nạp cho Chúa công, để Chúa công khỏi khinh ta là vô dụng.

Nghĩ rồi, Trịnh Luân cầm thiết tiên ngoắt ra sau lưng một cái, ba ngàn binh kéo đến như một con rắn dài, người thì cầm câu móc, kẻ cầm dây xiềng, coi như một đoàn quân chuyên việc trói người.

Hắc Hổ lấy làm lạ, nghe trong lỗ mũi của Trịnh Luân có tiếng như chuông ngân, rồi hai đạo hào quang trắng toát bay ra. Hắc Hổ tối tăm mày mặt, nhào xuống đất, hai chân dãy lia lịa. Trịnh Luân truyền quân bắt Hắc Hổ trói lại. Chỉ chốc lát, Hắc Hổ tỉnh hồn coi lại thấy mình mẩy bị trói gò như một con heo sắp được chọc tiết, thất kinh nghĩ thầm:

– Thằng này có phép thuật gì kỳ lạ, bắt mình không hay biết gì hết?

Trịnh Luân gióng kiểng thu quân, dẫn Hắc Hổ vào thành.

Lúc này Tô Hộ đang ngồi trong trướng lo cho số mạng Trịnh Luân không thoát khỏi tay tà thuật của Hắc Hổ.

Bổng có quân vào báo:

– Trịnh tướng quân đã bắt được Hắc Hổ đem về, còn đứng ngoài chờ lệnh.

Tô Hộ ngạc nhiên, không rõ Trịnh Luân làm thế nào bắt được Hắc Hổ, liền đòi vào khen thưởng, và hỏi:

– Hắc Hổ là một dõng tướng, lại học được nhiều phép tiên, tướng quân làm thế nào bắt được nó?

Trịnh Luân kể lại lúc nhỏ mình có học được phép mầu do tiên gia chỉ giáo, và kể lại trận đánh với Hắc Hổ vừa rồi cho Tô Hộ nghe. Tô Hộ mừng rỡ truyền dẫn Hắc Hổ vào bệ kiến.

Quân dẫn Hắc Hổ đến. Tô Hộ liền bước xuống mở trói cho Hắc Hổ, đoạn quỳ trước mặt Hắc Hổ nói:

– Tôi cam thọ tội với thiên tử, không lấy gì đền được. Trịnh Luân không biết nên xúc phạm oai trời, xin hiền đệ rộng dung.

Hắc Hổ thấy Tô Hộ đối đãi với mình như vậy, vội xụp xuống, nói:

– Trước đây anh em ta kết nghĩa, lòng hẳn chẳng quên. Nay ngu đệ đem binh đến đây chỉ cốt gỡ rối mối thù giữa hiền huynh và Sùng ca ca tôi, chớ đâu có ý chinh phạt. Hôm trước, cháu tuổi nhỏ, cậy sức anh hùng, không chịu mời hiền huynh ra cho tiểu đệ nói chuyện, cố ý giao phong nên tiểu đệ phải bắt về cầm tạm để tiện bề đàm đạo với hiền huynh.

Tô Hộ nói:

– Nếu hiền hầu không quên nghĩa cũ, trọn tình như vậy còn gì quý hơn.

Dứt lời Tô Hộ gọi các tướng lãnh của mình ra mắt Hắc Hổ.

Hắc Hổ thấy Trịnh Luân liền kính cẩn nói:

– Trịnh tướng quân tài phép hơn tôi nhiều. Tôi phục Trịnh tướng quân trọn đời.

Bầu không khí rất hòa nhã. Tô Hộ nhường Hắc Hổ ngồi trên, hối quân đem rượu ra cùng uống.

Ấy mới là:

Ngàn chung tri kỷ, rượu còn ít

Nửa tiếng trái tai, lời quá nhiều

Bấy giờ quân của Sùng Hắc Hổ chạy về báo tin cho Sùng Hầu Hổ hay. Hầu Hổ thất kinh nói:

– Em ta phép thuật cao cường vì cớ gì mà bị bắt?

Quân sĩ thưa:

– Trong lúc đang giao chiến, chúng tôi thấy hai đạo hào quang trắng xóa từ trong lỗ mũi Trịnh tướng quân bay ra, tức thì đệ nhị chủ tướng bị sa xuống ngựa và bị quân sĩ Ký Châu bắt trói giải về thành.

Hầu Hổ nghe nói thất kinh, nghĩ thầm:

– Ôi chao, trong đời lại có phép lạ như vậy sao? Nếu Tô Hộ đã có người tài như vậy giúp sức thì binh ta cự sao lại?

Tiếp đó, Sùng Hầu Hổ cho người đi dọ thám tin tức Tây Bá Hầu.

Xảy có quân vào báo:

– Tây Bá Hầu sai sứ giả đến ngoài trại, xin vào ra mắt.

Hầu Hổ trong bụng không vui, nhưng cũng phải mời vào hội kiến.

Sứ thần của Tây Bá Hầu mặc đồ trắng, lưng thắt đai xanh, bước vào thi lễ và nói:

– Tôi là Táng Nghi Sanh, vâng lệnh Tây Bá Hầu đến ra mắt hiền hầu.

Hầu Hổ nóng lòng hỏi:

– Chúa ngươi không tuân lệnh thiên tử, chẳng chịu động binh, nay sai ngươi đến đây một mình để làm gì?

Táng Nghi Sanh thưa:

– Chúa công tôi cho việc binh đao là việc dư, bất đắt dĩ mới phải dùng đến. Nay Chúa công tôi sai đem đến cho Tô hầu một phong thơ, lấy lời hơn lẻ thiệt khuyên Tô hầu dâng con chuộc tội. Nếu Tô hầu nghe theo thì dân chúng khỏi nạn binh đao, quân sĩ khỏi lo chết chóc. Còn Tô hầu cứ khăng khăng một mực, chừng ấy sẽ đem binh vấn tội cũng chẳng muộn.

Sùng Hầu Hổ nghe nói cười lớn:

– Ta đem quân đến vây thành Ký Châu, giao phong mấy trận thế mà Tô Hộ vẫn cứng đầu ra binh đối địch, không kể mạng lệnh thiên tử nữa. Nay chúa ngươi chỉ sai ngươi đem đến một phong thơ, làm sao Tô Hộ chịu dâng con mà chuộc tội? Ðó là Tây Bá Hầu đã trái mạng thiên tử, nên mới tìm cách gỡ gạc tội lỗi mà thôi. Ngươi cứ đem thư sang đó xem Tô Hộ có chịu đầu hàng không cho biết.

Táng Nghi Sanh nói:

– Chúa công tôi cho lẽ phải có sức mạnh hơn là gươm giáo.

Sùng Hầu Hổ hiu hiu tự đắc:

– Thì ngươi cứ đem thư đưa cho Tô Hộ rồi sẽ rõ.

Táng Nghi Sanh từ giã Hầu Hổ thẳng đến thành Ký Châu, kêu quân canh bảo vào báo tin.

Lúc đó Tô Hộ đang ăn uống với Hắc Hổ, bổng có quân vào báo:

– Tây Bá Hầu sai người đến trao thơ.

Tô Hộ nói:

– Tây Bá Hầu là người hiền đức, ta không nên đối xử vô lễ.

Nói rồi truyền quân khai thành tiếp sứ. Táng Nghi Sanh bước vào thủ lễ, Tô Hộ hỏi:

– Quan Ðại Phu từ Tây Kỳ đến đây có việc gì chỉ giáo chăng?

Táng Nghi Sanh cung kính đáp:

– Trước đây hiền hầu có làm thơ bất phục thiên tử, nhà vua giận sai Chúa tôi đem binh chinh phạt. Nhưng Chúa tôi biết hiền hầu là người ngay thẳng, tánh khí cương trực, nên không dám ra quân, sai tôi đây dâng hiền hầu một bức tâm thư, xin hiền hầu khai phán.

Dứt lời, lấy phong thư dâng lên Tô Hộ.

Tô Hộ thấy trong thư viết như sau:

“Tây Bá Hầu Cơ Xương cúi lạy dưới trướng Ký Châu Hầu. Tôi nghe nói: Người trong một nước đều là tôi của vua. Vua ra lệnh, tôi không dám trái. Nay hiền hầu có một gái đẹp và hiền đức, Thiên tử muốn chọn vào cung, đó cũng là việc phải xưa nay, sao hiền hầu đã nghịch mệnh vua lại đề phản thi trước ngọ môn nữa. Tội đó không thể châm chước được.

Hiền hầu chỉ biết thương con mà quên nghĩa vua tôi. Hiền hầu là kẻ trung nghĩa xưa nay, tôi không nỡ ngồi nhìn thảm họa đất Ký Châu nên tạm gởi vài lời, khuyên hiền hầu đổi họa làm phước.

Nếu hiền hầu dâng con vào đền sẽ hưởng ba điều lợi:

Thứ nhất, con làm hậu phi được vua yêu dấu, cha làm Quốc trượng uy thế lẫy lừng, ăn lộc ngàn chung, vang danh bốn bể.

Thứ nhì, cõi Ký Châu gia quyến an toàn, tướng sĩ không hề bị khổ sở về binh đao.

Thứ ba, nhân dân Ký Châu không vì lòng khẳng khái của hiền hầu mà mang tai họa.

Xin hiền hầu nghĩ lại, phải biết kinh quyền để tránh tai họa. Tôi với hiền hầu cùng làm tôi nhà Thương cả, đã là tôi trong một nước thì lời hơn lẽ thiệt nói cho nhau biết là nhiệm vụ chung, xin hiền hầu đừng chấp nê, xét cho thấu đáo. Tôi đang mong hồi âm”.

Tô Hộ đọc xong ngồi làm thinh và gật gù mãi.

Táng Nghi Sanh thấy vậy thưa:

– Chúa công tôi nghĩ tình đồng trào nên không nỡ đem binh lực chinh phạt, đó là một dụng ý tốt, xin hiền hầu nghĩ lại cho ý kiến gấp.

Tô Hộ trao bức thư cho Sùng Hắc Hổ xem và nói:

– Tây Bá Hầu là người hiền đức, lời nói trong thư cũng rất hòa nhã. Người đã vì ta khuyên ngăn điều hơn thiệt, ta lẽ nào không nghe theo sao?

Sùng Hắc Hổ cũng nói:

– Lời nói phải nặng hơn Thái Sơn, hiền huynh cũng nên vì nghĩa lớn bỏ những câu nệ nhỏ nhen.

Tô Hộ quay sang nói với Táng Nghi Sanh:

– Quan Ðại Phu về thưa lại với Tây Bá Hầu, tôi sẽ dâng con chuộc tội. Tôi tuân theo lời nhơn nghĩa của Tây Bá Hầu chớ không phải tôi sợ binh lực của Tây Kỳ đâu.

Nói rồi truyền quân mở tiệc thết đãi Sanh Nghi nơi quán dịch.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.