Phong thần diễn nghĩa

Hồi 29: Văn Vương chém Sùng Hầu Hổ



Bấy giờ Sùng Hắc Hổ ở tại Tào Châu, đang ngồi trong thính điện bỗng có quân vào báo:

– Nam Cung Hoắt, tướng của Tây Kỳ đến xin ra mắt Chúa Công dâng thơ.

Sùng Hắc Hồ mừng rỡ, bước ra nghênh tiếp, rước vào soái phủ và hỏi:

– Không hay tướng quân đến đây dạy bảo việc chi?

Nam Cung Hoắt nói:

– Tôi vâng lệnh Khương Thừa Tướng đem thư đến Hiền hữu.

Nói rồi dâng trình bức thư của Khương Tử Nha.

Sùng Hắc Hổ thấy trong thư viết như sau:

“Thừa Tướng Ký Châu là Khương Thượng, kính dâng thơ đến Ðại Quân Hầu Sùng tướng quân.

Tôi từng Nghe: Ðạo làm tôi, vua có lổi phải can, để cho yên xã tắc. Cho nên, không có vị Ðại thần nào làm vừa lòng chúa bao giờ, nếu một khi xã tắc điêu linh vì chúa bất minh.

Nay Bắc Bá Hầu thấy chúa làm điều tà lại chẳng can ngăn, còn cậy oai mà nhũng lạm, mượn lịnh mà hút máu dân. Dân sợ như cọp mà không dám nói, oán hận tày trời mà chẳng dám than. Nay chúa công tôi lãnh búa Việt cờ Mao, có bổn phận trừ diệt tôi loàn, song nghĩ lại mía sâu có đốt, nhà dột có nơi, chẳng lẽ tội của một người mà làm cho dân chúng hai Châu phải khổ. Nên tôi sai sứ đem thơ này, xin ngài suy xét, hợp lực với chúng tôi bắt tên quốc tặc nộp đến Châu dinh, trước là thiên hạ bằng lòng, sau cứu nền xã tắc.

Tuy cây một cội nhưng có trái ngọt trái chua, Quân Hầu và Sùng Hầu Hổ tuy là anh em, song chánh tà khác biệt. Nếu Quân Hầu không làm như vậy sao tỏ được đạo đức của mình, thiên hạ không thể phân biệt.

Thấy Quân Hầu là người cơ trí, có đức, tôi không nỡ nghoảnh mặt khoanh tay, phải viết mấy dòng tâm tư trình với hiền hầu trước. Nếu Quân Hầu hành động theo chúng tôi, thì chẳng những trăm họ mang ơn mà riêng Khương Thượng nầy cũng cảm nghĩa. Tôi đang đợi hồi âm.”

Sùng Hắc Hổ xem thơ xong làm thinh không nói, đọc đi đọc lại năm ba lượt và nghĩ thầm:

– Lời Tử Nha luận rất phải. Ta thà chịu tội với ông bà, chẳng lẽ để mang tiếng xấu với thiên hạ. Nếu để giòng họ Sùng bị nhơ danh, thì sau nầy con cháu ta dẫu hiền lương đến đâu cũng khó rửa được tiếng nhục.

Nam Cung Hoát ngồi một bên thấy Sùng Hắc Hổ gật đầu nghĩ mãi nên không dám hỏi.

Qua một lúc Sùng Hắc Hổ nói với Nam Cung Hoát:

– Tôi xin dâng lời chỉ dạy, nhưng chẳng có lời hồi âm. Ông về thưa lại với Tử Nha tôi sẽ tìm cách bắt anh tôi chịu tội.

Nói rồi dọn tiệc đãi đằng. Nam Cung Hoát lưu lại một đêm sáng hôm sau dời gót.

Nam Cung Hoát đi rồi, Sùng Hắc Hổ bảo con mình là Sùng Yến Loan coi giữ Tào Châu, lại sai Phó tướng là Cao Ðịnh, Thẩm Cang điểm ba ngàn binh đồng kéo đến Sùng thành.

Quân thám thính hay được chạy về báo tin với Sùng Ứng Bưu.

Sùng Ứng Bưu liền dẫn tướng ra thành, đón rước chú mình và nói:

– Thúc thúc đến đây, cháu mang giáp nơi mình làm lễ không trọn, xin chú miễn chấp.

Sùng Hắc Hổ nói:

– Chú nghe Cơ Xương đem binh đến đánh Sùng thành, nên đến trợ chiến.

Sùng Ứng Bưu mừng rỡ rước vào phủ.

Sùng Hắc Hổ hỏi:

– Vì cớ gì Cơ Xương lại đem binh đến đánh?

Sùng Ứng Bưu thưa:

– Cháu không rõ nguyên do làm sao cả. Binh Tây Bá kéo đến đây vừa giao chiến với binh ta một lần, cháu thất cơ nên bị bại trận phải cố thủ thành trì để ngụy kế. Nay có chú đến đây thì Sùng thành may mắn đến chừng nào.

Nói rồi truyền dọn tiệc, chú cháu đồng ăn uống.

Hôm sau, Sùng Hắc Hổ dẫn binh đến dinh Chân khiếu chiến.

Nam Cung Hoát hiểu ý, liền xin lãnh binh ra trận.

Sùng Hắc Hổ thấy Nam Cung Hoát, liền hét lớn:

– Vô cớ đem quân xâm chiếm nước người, kẻ đạo đức không hành động như vậy.

Nam cung Hoát nói:

– Bởi anh ngươi thông đồng với bọn nịnh hà khắc nhân dân, tham ô nhũng lạm, nên chúa ta mới đến đây trừ loạn, chớ không phải lấy thành chiếm đất của ai. Ðã là giặc thì ai giết cũng được.

Dứt lời, Nam Cung Hoắt múa đao chém tới. Sùng Hắc Hổ đưa búa ra đỡ, cả hai đều có sức mạnh như thần.

Ðánh được vài mươi hiệp Sùng Hắc Hổ nói nhỏ với Nam cung Hoạt:

– Tôi sẽ lập kế bắt anh tôi dâng nạp. Ðánh trận nầy chỉ để thực hiện âm mưu của tôi mà thôi, xin tướng quân giả vờ trá bại.

Nam Cung Hoát cũng nói nhỏ:

– Tôi xin vưng lệnh.

Nói rồi chém bậy một đao, quẫy ngựa bỏ chạy và nói lớn:

– Hắc Hổ ngươi có sức mạnh như thần ta chịu thua đấy, ngươi chẳng nên đuổi theo.

Sùng Hắc Hỗ cười ngất, thâu binh vào thành lập tức.

Sùng Ứng Bưu đứng trên thành trông thấy Nam Cung Hoát bại tẩu mà Sùng Hắc Hổ không đuổi theo, lại thâu binh về, thì lấy làm lạ, khai thành nghênh tiếp và hỏi:

– Sao chú không thả thần ưng bắt Nam Cung Hoắt?

Sùng Hắc Hổ nói:

– Cháu còn nhỏ tuổi không biết việc lợi hại đâu. Khương Tử Nha có học phép tiên, nếu chú thả thần ưng ra, Tử Nha đùng phép trừ ngay, như vậy chú sẽ mất phép mầu thì uổng lắm. Chúng ta thắng một trận có cơ hội toan tính mưu kế khác.

Sùng Ứng Bưu nghe nói không vui. Hai chú cháu đồng vào phủ.

Sùng Hắc Hổ nói với Sùng Ứng Bưu:

– Cháu nên viết sớ gởi về Triều Ca thân phụ cháu rõ, còn phần chú, chú cũng viết thư mời thân phụ cháu về đây, cùng nhau tính kế mới mong thắng được Cơ Xương.

Sùng Ứng Bưu tuân lệnh viết sớ sai tướng là Tôn Vinh đem về Triều Ca.

Sùng Hắc Hổ cũng viết thư kèm theo.

Tôn Vinh lãnh mạng đem thư đến nơi, tìm Sùng Hầu Hổ dâng trình, Sùng Hầu Hổ khai thư thấy viết như sau:

“Em là Hắc Hổ cúi lạy dâng thư cho huynh hầu rõ. Cơ Xương và huynh hầu chức vụ ngang nhau, đều cầm đầu một trấn, thế mà Cơ Xương ỷ mình có búa Việt cờ Mao, kéo binh đến bắt tội huynh hầu là kẻ tham nhủng, sâu dân mọt nước. Bởi Cơ Xương nghe lời Khương Thượng nên mới làm điều quấy như vậy. Tiểu đệ hay tin đem binh đến giúp, nhưng đã mấy lần ra binh vẫn chưa bắt được tướng địch. Vậy huynh hầu nên làm sớ dâng với Thiên tử xin phát binh phạt Châu, rồi trở về nước anh em ta đồng thương nghị.”

Sùng Hầu Hổ xem thư xong vổ án hét:

– Lão Cơ Xương là đứa tôi loàn phản chúa, trốn đi không đợi mệnh vua, vua sai theo bắt nhờ ta tâu mới về nước được, thế mà không biết ơn ta lại cử binh làm loạn. Lần này nếu không bắt được Cơ Xương để hài tội, ta nguyện không sống trên đời.

Mắng xong Sùng Hầu Hổ cầm sớ đi thẳng đến trước mặt vua Trụ quỳ tâu:

– Cơ Xương không giử bổn phận, đem quân đến đánh Sùng thành, bắt tội hạ thần xây cất Lộc đài hao tổn của dân. Xét như thế Cơ Xương là đứa khi quân, tội rất nặng, xin bệ hạ xét định.

Trụ vương đọc sớ xong, mắng lớn:

– Cơ Xương phạm tội trốn, trẫm chưa vấn tội nay lại đem binh gây chiến với Ðại thần. Vậy thì khanh về trước lo việc giữ nước, trẫm sẽ sai quân đến ứng chiến.

Sùng Hầu Hổ lạy tạ dẫn ba ngàn binh mã cấp tốc trở về Sùng thành.

Bấy giờ Sùng Hắc Hổ ngày đêm sai người tâm phúc dò thám, nay nghe tin Sùng Hầu Hổ sắp kéo binh về, liền ra mật lệnh bảo Cao Ðịnh là tướng tâm phúc của mình rằng:

– Ngươi hãy mai phục hai mươi tên đao phủ áp lại bắt anh ta đem nạp nơi Châu dinh.

Cao Ðịnh tuân lệnh ra đi.

Sùng Hắc Hổ lại gọi Thẩm Cang đến dặn:

– Ngươi ở trong phủ, hễ thấy ta ra nghênh tiếp anh ta thì phải bắt hết cả vợ con anh ta đem nạp.

Thẩm Cang vâng lệnh bố trí kế hoạch đâu đó sẵn sàng.

Qua một lúc có quân vào báo:

– Bắc Bá Hầu đã về đến nơi.

Sùng Hắc Hổ cùng đi với Sùng Ứng Bưu ra ngoài thành tiếp đón.

Sùng Hầu Hổ vừa thấy mặt Hắc Hổ đã mừng rỡ, nói lớn:

– Có hiền đệ đến đây thì lo gì khai trừ được Cơ Xương!

Sùng Hắc Hổ liền rút gươm ra khỏi vỏ, tức thì Cao Ðịnh dẫn hai mươi tên đao phủ áp lại bắt Sùng Hầu Hổ và Sùng Ứng Bưu trói liền.

Sùng Hầu Hổ nạt lớn:

– Chú bắt tôi làm gì vậy?

Sùng Hắc Hổ nói:

– Anh làm quan đến cực phẩm mà không lo tu nhân tích đức, cậy lệnh vua làm Lộc đài hà khắc dân gian, thâu của hối lộ, để tiếng xấu cho họ Sùng ta. Anh nghĩ coi ông bà cha mẹ ta trước kia nhân đức yêu lành lánh dữ, mới tạo được tiếng thơm, để lại chúng ta sự nghiệp ngày hôm nay. Nay anh làm như vậy vong hồn ông bà cha mẹ chúng ta ở suối vàng không thể yên được. Tôi thà lỗi tình huynh đệ giữ lại danh tiết cho giòng họ Sùng, quyết bắt anh nạp cho Văn Vương để sau này họ Sùng ta khỏi mang tội với chư hầu.

Sùng Hầu Hổ nghe nói làm thinh không biết lời nào cãi lại.

Bấy giờ, Thẩm Cang đã bắt vợ Sùng hầu Hổ là Lý thị và con gái giải đến trước trại Châu rồi.

Khi cha con Sùng Hầu Hổ đến nơi đã thấy hai mẹ con Lý Thị bị trói tại biên môn, Sùng Hầu Hổ khóc òa than:

– Không dè em lại hại anh, bắt cả nhà ta đem nạp cho địch.

Sùng Hắc Hổ được Tử Nha nghênh tiếp mời vào trong, dùng trọng lễ khoản đãi, và nói:

– Quân Hầu là đấng trượng phu, dám hy sinh tình anh em để cứu vãn danh tiết cho giòng giống làm thỏa mãn nguyện vọng của nhân dân, đáng là bậc kỳ nhân trong thiên hạ.

Sùng Hắc Hổ buồn bã nói:

– Tôi được thư Thừa Tướng không đám cãi lời, nếu giữ tình anh em thì cả giòng họ tôi mang tiếng thất đức.

Tử Nha mời Văn vương ra đãi khách.

Sùng Hắc Hổ thấy Văn vương liền xá dài và nói:

– Tôi xin yết kiến Ðại vương

Văn vương sửng sốt hỏi:

– Sùng Nhị hiền hầu đến đây có chuyện chi?

Sùng Hắc Hổ nói:

– Anh tôi làm nhiều chuyện bất nhân thất đức, để tiếng xấu cho giòng họ Sùng, tôi phải bắt đem đến đây để Ðại vương xét trị.

Văn vương chưa biết việc Tử Nha gửi thư cho Sùng Hắc Hổ, nên nghe Sùng Hắc Hổ nói như vậy lòng không vui nghĩ thầm:

– Bắt anh ruột đem dâng ấy là hành động bất nghĩa.

Tử Nha hiểu ý nói với Văn vương:

– Việc nầy do tôi viết thư cậy Sùng Hắc Hổ. Sùng Hắc Hổ là một đấng trượng phu ưa lành ghét dữ, chẳng lẽ vì tình anh em mà để dòng họ chịu tiếng xấu? Ðó là việc làm cực chẳng đã, xin Chúa công phải thấy cái đau lòng của Sùng Hắc Hổ trong lúc này.

Tử Nha nói dứt lời truyền dẫn cha con Sùng Hầu Hổ tới.

Cha con Sùng Hầu Hổ vừa bước vào đã quỳ mọp dưới đất, thấy Văn vương ngồi chính giữa, Hắc Hỗ ngồi bên trái, Tử Nha ngồi bên phải, toan cất giọng phân trần.

Tử Nha đã nói trước:

– Sùng Hầu Hổ lâu nay làm nhiều việc bất nhân, buôn dân bán nước, nay đã đến ngày diệt vong, không còn nói gì nữa.

Văn vương thấy tội nghiệp không nỡ gia hình. Nhưng Tử Nha sợ để lâu e Văn vương cản trở, liền truyền võ sĩ dẫn hai cha con Sùng Hầu Hổ ra chém. Võ sĩ tuân lệnh kéo hai cha con Sùng Hầu Hổ ra ngoài chém đầu đem vào nộp tức khắc.

Văn vương thuở nay chưa từng thấy thủ cấp, nay thấy hai cái đầu trùi trũi, máu me nhầy nhụa, vội lấy áo che mặt than:

– Ôi! Ðời sống con người tàn nhẫn đến thế sao!

Tử Nha vội truyền đem hai cái đầu bêu ngoài cửa trại.

Sùng Hắc Hổ nói:

– Anh tôi đã đền tội, còn chị tôi và cháu gái chẳng liên can gì, tôi xin phép được cất nhà riêng nuôi dưỡng để trọn niềm huynh đệ.

Tử Nha nói:

– Xin chiều ý Quân Hầu. Nay chúng tôi đem quân đến đây cốt trừ kẻ bạo tàn mà thôi, vậy Quân Hầu nên sai một tướng tâm phúc coi giữ Tào Châu, còn Quân Hầu nên ở lại đây, thay mặt anh nhận chức Bắc Bá Hầu coi giữ Sùng thành.

Sùng Hắc Hổ nói:

– Tôi đã mang tiếng phụ tình huynh đệ, nay lại đoạt chức, đoạt thành sẽ bị thiên hạ hiểu lầm.

Văn Vương nói:

– Sự nghiệp của anh thì em giữ, nếu bỏ cho người khác chẳng hóa ra thất hiếu với tiền nhân. Quân Hầu là kẻ trọng nghĩa, thiên hạ ai không biết? Xin Quân Hầu chớ tị hiềm.

Sùng Hắc Hổ từ chối mãi không được phải nhận chức, sai quân mở trói chị dâu và cháu gái rồi rước về thành, còn Văn vương và Tử Nha cũng từ giã Hắc Hổ đem binh về Tây Kỳ.

Tuy nhiên, Văn vương từ khi thấy thủ cấp giật mình phát bệnh, ăn ngủ không yên, lúc nào cũng thấy như có cái đầu của Sùng Hầu Hổ trước mắt.

Bấy giờ tại phương Bắc có kẻ không phục Sùng Hắc Hổ, dâng sớ đến Triều Ca hài tội giết anh.

Vi Tử xem sớ vừa mừng vừa lo. Mừng là mừng Sùng Hầu Hổ đã chết, bớt được một kẻ xúi giục vua, lo là lo Sùng Hắc Hổ đông binh đông tướng, lại chiếm cả hai châu, nếu làm loạn thì triều đình khó dẹp. Sợ nhất là Văn Vương nếu liên kết với Sùng Hắc Hổ thì cơ nghiệp Thành Thang không thể giữ được.

Vì lo lắng như vậy nên Vi Tử vào đền tâu với vua Trụ.

Vua Trụ nghe giận lắm, nói:

– Sùng Hầu Hổ công lao rất lớn nay bị phản tặc giết đi, vậy thì trẫm phải xuống chiếu truyền binh tướng đến phạt Cơ Xương, phá Tào Châu, bắt Sùng Hắc Hổ trị tội.

Quan Thượng Ðại phu Lý Nhơn quỳ tâu:

– Hầu Hổ tuy có công lao với bệ hạ, song là người tham nhũng, hà khắc lê dân, ai ai cũng đều nghiến răng oán hận. Nay Văn vương trị tội, các chư hầu đều hài lòng, nếu bệ hạ cử binh phạt Văn vương, trừ Hắc Hổ e chư hầu không phục. Vả lại Sùng Hầu Hổ chết đi cũng chẳng là điều hại cho nước nhà, xin bệ hạ bỏ qua, lo việc dẹp giặc phía Ðông và phía Nam là hơn.

Trụ vương nghe vậy ngẫm nghĩ một lúc, rồi đình việc chinh Tây.

Trong lúc đó, Văn vương bệnh càng ngày càng nặng, các quan đến thărn viếng chật đền.

Văn vương truyền đòi Thừa Tướng Tử Nha vào dạy việc.

Tử Nha vào quỳ trước giường bệnh tâu:

– Tôi là Khương Thượng vào thăm bệnh chúa công.

Văn Vương nói:

– Ta mời khanh vào mục đích tỏ vài lời tâm huyết. Vả ta cầm quyền cõi Tây, trị hai trăm trấn chư hầu, nhờ ơn Thiên Tử. Dẫu bề nào cũng là phận tôi con. Ta chưa tâu với vua mà giết Sùng Hầu Hổ ấy là lỗi đạo. Bởi vậy lòng ta không yên, đêm nằm nghe tiếng khóc, ngày mơ thấy đầu người. Nếu ta có chết, Thừa Tướng đừng nghe lời chư hầu mà đánh Thiên Tử, nếu trái ý ta, hồn ta dưới suối vàng không yên được.

Nói rồi nước mắt chảy dầm dề, Tử Nha tâu:

– Tôi mang ơn Ðại vương phong đến chức Thừa Tướng, nếu quên lời Ðại vương đâu phải tôi trung.

Giữa lúc đó có Cơ Phát bước tới, Văn vương mừng rỡ nắm tay con nói:

– Con đến đây cha mừng lắm.

Cơ Phát cúi đầu.

Văn vương lại nói:

– Nếu một mai cha chết rồi, con tuổi còn thơ ấu, thế nào cũng nghe người ngoài xúi giục. Vậy cha dặn con dầu Thiên tử có thất đức đến đâu, phận mình làm tôi cũng không nên đánh chúa. Cũng như cha mẹ dù lỗi đạo, con cũng không thể thí cha.Con hãy lạy Tử Nha, kêu bằng Thượng Phụ, mỗi mỗi đều phải nghe lời, vì Thừa Tướng là người thay mặt cha.

Nói rồi bảo Tử Nha ngồi lên trên, dạy Cơ Phát làm lễ kêu bằng Thượng Phụ.

Tử Nha cảm đức, rơm rớm nước mắt, hàm râu bạc rung rinh, quỳ mọp xuống đất nói:

– Tôi nhớ ơn Chúa công đoái tưởng, mới được ấm no, dù thịt nát xướng tan tôi cũng chưa đền được nghĩa nặng. Xin Ðại vương đừng ngại, lo than thuốc cho mau lành.

Văn Vương lại dặn Cơ Phát:

– Làm người chỉ có đạo là lớn, mà lỗi đạo là không nên người, hễ thấy việc lành thì làm ngay, thấy việc quấy thì xa tránh, nghe việc phải chớ nên chần chờ. Ðó là ba điều để trau mình, trị dân, cứu nước. Con nhớ lời cha dạy, dầu thác cha cũng vui.

Cơ Phát cúi lạy tuân lời.

Văn vương than:

– Ta đội ơn Thiên tử rất nhiều tiếc rằng ta không diễn được quẻ tiên thiên để dạy dân thành Dũ Lý nữa.

Qua một lúc Văn vương từ trần, hưởng thọ chín mươi bảy tuổi.

Bấy giờ nhằm niên hiệu Trụ vương năm thứ hai mươi, tháng mười một.

Người sau có bài thơ tặng Văn vương:

Nhân đức rải mười phương

Chư hầu đều kính nhường

Cam chúa liều ba bận

Dũ Lý bảy năm trường

Một lòng trung với chúa

Quyết không chịu đánh Thương

Nhà Châu truyền mấy lớp

Ai sánh kịp Văn vương?

Văn Vương chết rồi, bá quan khâm liệm quan tài tại đền Bạch Hổ, rồi đồng tôn Cơ Phát lên làm chúa nước Châu.

Cơ Phát xưng hiệu là Võ vương, phong Tử Nha làm Thượng Phụ. Còn bá quan đều thăng một cấp. Võ Vương noi theo nhân đức của Văn vương trị an một cõi.

Mấy quận phụ cận là quận nhỏ đều cống sớ cho Tây Kỳ. Hai trăm chư hầu cũng đều tùng phục như trước.

Bấy giờ quan Tổng binh Hàn Vinh đang trấn ải Tri Thủy nghe tin Văn Vương đã qua đời. Khương Thượng tôn Cơ Phát lên làm Võ Vương, thì thất kinh, vội viết sớ dâng về triều báo tin cho Trụ Vương biết.

Quan Thượng Ðại phu Dao Trung xem sớ bàn với Vi Tử:

– Cơ Phát không đợi mệnh vua, tự ý xưng Vương là muốn mưu việc lớn.

Vi Tử nói:

– Chúng ta chớ trách người, trong lúc thiên tử lỗi đạo, không lo việc triều chính, các chư hầu dù có làm sớ chất tày núi cũng không nhìn đến. Như vậy nếu Cơ Phát không xưng Võ Vương đợi dâng sớ thì biết đến bao giờ thiên tử mới xét đến.

Dao Trung nói:

– Kể ra cũng phải. Nếu chúng ta đứng vào địa vị các trấn chư hầu thì cũng không biết xử trí lẽ nào cho hợp tình hợp lý.

Hai người nói chuyện một hồi rồi cầm sớ đến lầu Trích Tinh tâu trình với Trụ Vương.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.