Phong thần diễn nghĩa
Hồi 45: Nhiên Ðăng phá trận Thập Tuyệt
Các đạo sĩ xem thấy một vì tiên cỡi hươu bay nửa lừng trời, hình dung cổ quái, phong cách siêu phàm, đúng là một kẻ có chức cao trong phật giới.
Có bài thơ rằng:
Năm sắc mây lành nổi bốn phương
Trên trời dưới đắt nực mùi hương
Hào quang chiếu sáng ba ngàn trượng
Thanh thế hươu kêu mấy dặm đường
Tướng mạo nghiêm trang hình cổ quái
Tinh thần mạnh mẽ thật phi thường
Gồm thâu đồ trận thông muôn phép
Nghe tiếng Nhiên Ðăng chúng phải nhường.
Mười hai vị tiên biết người nầy là Nhiên Ðăng đạo nhơn, ở núi Linh Tựu, động Kim Giáp, liền bước tới làm lễ ra mắt, và rước lên Lư Bồng.
Nhiên Ðăng nói:
– Các đạo hữu đến đây đã lâu. Tôi trễ nãi tới sau, xin anh em miễn chấp. Nay định phá mười trận dữ, ông nào nắm quyền điều khiển, khiến tướng sai binh?
Tử Nha bước ra bái và thưa:
– Chúng tôi nhờ Lão sư đến đây để sai khiến chúng tôi trong việc khó nhọc nầy.
Nhiên Ðăng không từ chối, nói:
– Ðược! Tôi sẽ thay mặt Tử Nha lãnh ấn soái giải nạn cho anh em.
Tử Nha mừng rỡ vội lấy ấn trao cho Nhiên Ðăng.
Mười hai vị đại tiên đều cúi đầu, nói:
– Ðược đạo trưởng ra công chỉ dạy chúng tôi nguyện đem hết sức mình đền ơn.
Nhiên Ðăng lãnh ấn, xin lỗi các tiên rồi ngồi vào ghế giữa nói:
– Muốn phá trận Thập Tuyệt phải hao hết mười người bạn hữu ta. Thật đau lòng! Nhưng số trời đã định không thể nào tránh được.
Bấy giờ Văn Thái Sư mời mười vị chủ trận họp mặt trước trướng và hỏi:
– Mười trận của các đạo huynh đã hoàn thành chưa?
Tân Hoàn nói:
– Ðã hoàn thành lâu rồi. Thái Sư nên cho người hạ chiến thơ. Chúng tôi muốn mau cho xong việc mà ban sư kẻo trễ.
Văn Thái Sư liền viết thơ sai Ðặng Trung đem vào thành Tây Kỳ.
Na Tra thấy Ðặng Trung một mình một ngựa đến trước cửa dinh liền hỏi:
– Ngươi đến đây có việc gì?
Ðặng Trung đáp:
– Ta vâng lệnh Văn Thái Sư đến hạ chiến thơ.
Na Tra vào báo:
– Thái Sư Văn Trọng cho người đem thơ đến.
Tử Nha truyền mời vào.
Ðặng Trung vào trước trướng trình chiến thơ cho Tử Nha xem
Trong thơ viết như sau:
“Chinh tây Ðại nguyên Soái Thái Sư Văn Trọng đệ thơ cho Thừa Tướng Khương Tử Nha được rõ.
Lời xưa nói: Người ở trong đất nước là kẻ tôi con. Nay Võ vương làm phản với triều đình, khiến Tây Kỳ mang tội với Thiên hạ. Thiên binh hằng chinh phạt, phản tặc không kiên, ghét tướng cửu trùng không tuân phép nước. Nay ta lập trận đồ, sai người đi hạ chiến thơ. Phải định ngày giao công cho biết ai thắng bại”.
Tử Nha xem rồi, đề sau chiến thơ rằng:
– Ba ngày nữa sẽ phá trận
Ðặng Trung về dâng thơ lại Văn Thái Sư xem rõ, truyền dọn tiệc đãi tướng khao binh, chờ đợi ba ngày sẽ cùng nhau ra sức.
Ðến canh ba tiệc mãn, mọi người đều ra khỏi dinh hứng gió, thấy bên kia thành Tây Kỳ hào quang chiếu sáng, nghi ngút mây lành, mấy vị đạo sư thất kinh nói:
– Các vì tiên ở núi Côn Lôn đã đến! Như vậy chúng ta không phải đương đầu với Tử Nha, mà đương đầu cả với Xiển Giáo.
Tuy lo lắng, nhưng ai nay đều tin tưởng vào trận Thập Tuyệt của mình, nên cùng nhau về dinh an nghỉ.
Ðến ngày thứ ba, trong thành Tây Kỳ nổi lên một tràng pháo.
Văn Thái Sư biết Tử Nha y hẹn đến phá trận, liền dẫn binh tướng đi với các đạo sĩ ra ngoài điều khiển trận đồ.
Bấy giờ, trên Lư Bồng ngọn cờ phất phới, hơi ấm trùng trùng từng lớp người lũ lượt kéo ra:
Cặp thứ nhất là Hoàng Thiên Hóa, Na Tra.
Cặp thứ nhì là Dương Tiển, Lôi Chấn Tử.
Cặp thứ ba là Hàng Ðộc Long Tiết Át Hổ.
Cặp thứ tư là Kim Tra, Mộc Tra.
Bốn cặp ấy đi đầu ra trước còn mấy vị tiên thủng thỉnh ra sau:
Cặp thứ nhất là Xích Tinh Tử, Quảng Thành Tử.
Cặp thứ nhì là Thái Ất chơn quân, Linh Bửu đại pháp sư.
Cặp thứ ba là Ðạo Ðức chơn quân, Cù Lưu Tôn.
Cặp thứ tư là Văn Thù Quảng pháp thiên tôn, Phổ Hiền chơn nhơn.
Căp thứ năm là Từ Hàng đạo nhơn. Huỳnh Long chơn nhơn.
Cáp thứ sáu là Ngọc Ðảnh chơn nhơn, Ðạo Hạnh thiên tôn ấy là thập nhị đại tiên.
Có bài thơ rằng:
Khánh ngọc chuông vàng nổi tiếng vang
Tphần tiên nhóm họp tại Kỳ San
Từ đây Thập Tuyệt lần lần phá
Từ chánh phân minh khói luận bàn.
Còn Nhiên Ðăng cỡi Mai hoa lộc đi sau rốt.
Xích Tinh Tử gióng chuông vàng, Quản Thành Tử đánh khánh Ngọc.
Các tiên vừa ra khỏi thành đâ nghe trong trận thập tuyệt đánh lên một tiếng chuông, tức thì có hai ngọn phướng kéo ra, một đạo sĩ xuất trận, tóc đỏ ngòm như lửa, mặt xanh lét như chàm, cỡi lộc lướt tới.
Ðạo sĩ ấy là Tân Hoàn, chủ nhân trận Thiên Tuyệt.
Nhiên Ðăng xem thấy nghĩ thầm:
– Trong mười hai vị thượng tiên chẳng có người nào mắc nạn, ta không biết lựa kẻ vô phước nào cho chết trước một người, sau mới phá trận được.
Ðang đắn đo suy nghĩ. Xảy nghe một cơn gió thổi tới rồi từ trên trời sa xuống một đạo sĩ. Người nầy họ Ðặng tên Hoa, cầm phương thiên họa kích, vốn là học trò thứ năm cửa Cung Ngọc Hư đến chào bạn hữu và nói:
– Tôi vâng lệnh thầy xuống phá trận Thiên Tuyệt.
Nhiên Ðăng gật đầu thầm nghĩ:
– Người này không được thành tiên, vì phước đức, nên Thầy sai xuống Phong thần, ấy là số trời đã định.
Nghĩ rồi liền khiến Ðặng Hoa vào trận trước.
Bên kia, Tân Hoàn thấy quần tiên kéo đến, liền lớn tiếng gọi:
– Ðệ tử Cung Ngọc Hư có ai dám vào trận Thiên Tuyệt không?
Ðặng Hoa lướt tới nói:
– Tân Hoàn chớ ỷ mạnh, tài cán bao nhiêu mà dám khoe khoang?
Tân Hoàn nói:
– Ngươi là ai đó?
Ðặng Hoa đáp:
– Yêu nghiệt! Không biết ta hay sao? Ta là Ðặng Hoa, đệ tử Cung Ngọc Hư Xiển giáo.
Tân Hoàn hỏi:
– Ngươi dám vào phá trận chăng?
Ðặng Hoa đáp:
– Ðã vâng lệnh xuống đây sao không dám phá.
Nối rồi cầm Phượng thiên họa kích đâm tới.
Tân Hoàn giục hươu đưa giản ra đỡ.
Hai người đánh nhau một trận. mắt trắng hóa hồng mặt xanh biến xám, Tân Hoàn đánh được mười hiệp bỏ chạy vào trận, Ðặng Hoa đuổi theo.
Tân Hoàn chạy vào bên đài, lấy ba cây phướng phát mấy cái rồi quăng xuống đất, bỗng nghe tiếng sấm nổ vang, Ðặng Hoa xiêu hồn lạc phách té nhào xuống đất.
Tân Hoàn bước xuống rút gươm chặt lấy thủ cấp, xách ra ngoài trận, kêu lớn:
– Ðệ tử Cung Ngọc Hư còn ai dám vào phá trận nữa không?
Nhiên Ðăng thấy thủ cấp Ðặng Hoa động lòng than:
– Khá thương công tu luyện bấy lâu, ngày nay phải ôm hận.
Nói rồi liền khiến Văn Thù quản pháp thiên tôn vào phá trận.
Văn Thù cầm gươm lướt tới ca rằng:
Lòng quyết thanh nhàn chẳng đặng nhàn
Gươm linh muốn thử giám từ nan
Hào quang trên cán cao trăm thước
Bửu bối trong tay chiếu mấy ngàn
Từng nhóm ăn đào nơi điện ngọc
Hằng nghe giảng đạo tại cung vàng
Vâng lời đến phá trận thiên tuyệt
Nên phải dời chân đến thế gian.
Văn Thù ca rồi kêu Tân Hoàn nói:
– Ngươi là Triệt Giáo ở non cao thong thả, dạo cảnh thanh nhàn, sao lại xuống cõi trần lập trận dữ để hại người? Nay ta phá trận phải phạm sát sanh, không phải quên lòng từ bi, mà do nhân quả phải rửa thù cho bạn.
Tân Hoàn cười lớn nói:
– Các ngươi là thần tiên Xiển Giáo, hằng nói điều nghĩa nhân, đạo đức. Ta tưởng kiếp tu hành không nên nhúng tay vào trần tục. Cỏi trần gian là của người trần thế. Các ngươi ỷ mình có phép tắc không hiểu lẽ âm dương, sai đệ tử xuống làm loạn, phò người này diệt người nọ, làm khổ nhân gian. Nếu trần gian có một lẻ bạo tàn, phải để cho người trần luận tội. Các ngươi có can hệ gì? Ðã vậy, các ngươi lại khinh chúng ta là tà đạo, nói nhiều lời khích lệ. Nếu không phá được thì thôi, ta không ép ngươi đâu mà liều mạng chết.
Văn Thù cũng cười lớn:
– Chưa biết ai đem mạng nạp cho ai?
Tân Hoàn nổi giận đánh một giản.
Văn Thù đưa gươm ra đỡ và khen:
– Khá lắm, sức mạnh cũng không phải tầm thường.
Ðánh được ít hiệp, Tân Hoàn bỏ chạy vào trận.
Văn Thù đuổi theo đến cửa, nhìn thấy gió lốc xoay vần, hơi lạnh ghê gớm, trong người rờn rợn không muốn bước vào. Xảy nghe động sau tiếng chiêng vàng, khánh ngọc giục thúc.
Văn Thù phải quyết lòng vào trận, liền chỉ xuống đất hóa ra hai bông sen trắng.
Văn Thù đứng trên bông sen ấy lướt tới.
Tân Hoàn xem thấy cười lớn:
– Văn Thù! Dầu ngươi miệng nở bông sen, tay chỉ hào quang cũng không thoát khỏi trận Thiên Tuyệt nầy.
Văn Thù nói:
– Việc ấy cũng chẳng khó gì.
Dứt lời hả miệng phun ra một cái bông sen vàng lớn bằng cái mũ, rồi chỉ năm ngón tay xuống đất hiện năm đạo hào quang trắng, chiếu sáng trời đất. Còn trên đất hiện một bông sen, trên bông sen có năm ngọn đèn dẫn lộ.
Tân Hoàn liền lên đài, cầm ba cây phướng rung lên ba cái, rồi quăng xưống đất.
Văn Thù hiện hào quang năm sắc che mình và lẹ tay lấy Ðộn Long Thun liệng lên. Ðộn Long Thun hóa ra cây nọc và ba vòng vàng xiềng Tân Hoàn đứng sững giữa trận.
Văn Thù lạy về núi Côn Lôn ba lạy, và nói:
– Ðệ tử ngày nay phạm sát sanh.
Vái rồi rút gươm chém đầu Tân Hoàn lấy thủ cấp xách ra ngoài trận.
Văn Thái Sư thấy Tân Hoàn bị chém, liền giục Kỳ Lân bảo Văn Thù đừng chạy có ta đến đây.
Văn Thù không nói lại, cứ xách đầu Tân Hoàn mà đi.
Huỳnh Long chơn nhơn cỡi hạc bay đến cản Văn Trọng lại, nói:
– Ðặng Hoa phá trận mà chết. Tân Hoàn thường mạng là chuyện thường. Nay còn chín trận kia, chưa biết bên nào thắng bại. Chúng ta dùng phép thuật của tiên gia tranh cao thấp, xin chớ dùng võ lực làm chi.
Văn Thái Sư còn đang nghĩ ngợi đã nghe trong trận Ðịa Liệt cô tiếng chuông ngân, và Triệu Giang là chủ trận, cỡi mai hoa lộc ra trước cửa ca lớn:
Nhiệm nhiệm nhiệm càng nhiệm
Hay hay hay lại lay.
Làu làu trăng giữa tháng
Rỡ rỡ ngọc trong tay
Ðạo vị cao không nói?
Thần tiên cũng phải bày
Nên công về động cũ
Muôn kiếp chẳng lung lay.
Triệu Giang ca rồi hỏi lớn:
– Văn Thù! Ngươi phá được trận Thiên Tuyệt, vậy dám vào trận Ðịa Liệt hay không?
Nhiên Ðăng liền sai Hàng Ðộc Long đi phá.
Hàng Ðộc Long được lệnh lướt tới nói lớn:
– Ngươi đừng cậy phép, có ta đến đây.
Triệu Giang hỏi:
– Ngươi tên họ là gì, dám xông vào trận dữ?
Hàng Ðộc Long nói:
– Ta là Hàng Ðộc Long, học trò ông Ðạo Hạnh, vâng lệnh Nhiên Ðăng sư phụ vào phá trận nầy.
– Ngươi tài phép bao nhiêu mà vào nạp mạng?
Nói rồi lại kêu Nhiên Ðăng hỏi:
– Các ngươi không ai dám phá trận hay sao mà sai một tên đạo đồng nhỏ tuổi, bản lãnh tầm thường vào chịu chết.
Hàng Ðộc Long nghe Triệu Giang nói như vậy nổi giận đưa bửu kiếm ra chém. Triệu Giang cũng đưa gươm ra đỡ, hai thanh kiếm báu chạm nhau hào quang sáng lóa.
Ðánh được vài hiệp, Triệu Giang bỏ vào trận, Hàng Ðộc Long đuổi theo. Triệu Giang rung cây phướng, tức thì giông sấm nổi dậy. Thương hại cho Hàng Ðộc Long xương thịt nát như tro.
Triệu Giang giết Hàng Ðộc Long rồi cỡi hươu ra trận, lớn tiếng hỏi:
– Trong Xiển giáo ai có phép tắc cao thì vào phá trận, đừng sai những kẻ non nớt vào hy sinh vô ích.
Nhiên Ðăng lại nói với Cù Lưu Tôn:
– Mời đạo huynh vào phá trận nầy.
Cù Lưu Tôn tuân lệnh, bước tới ca lớn:
Tu luyện dày công đạo đã minh
Linh châu hai hộ tợ lưu linh
Sáng nhòa nhựt nguyệt soi tâm địa
Hòa thuận càn khôn dưỡng tánh tình
Thong thả năm hồ theo nước bích
Dạo chơi bốn biển bạn trăng thinh
Lên mây, mây nổi ngồi yên ổn
Hạc đỏ loan xanh lại tiếp nghinh.
Cù Lưu Tôn ca rồi bước tới thấy Triệu Giang mặc áo xanh, đội mặc ngọc, cỡi con bạch lộc, cầm gươm thất tinh, liền nói:
– Triệu Giang! Ngươi là tiên Triệt Giáo, thiếu nhơn đức, nỡ nào lập trận dữ mà hại mạng người? Nếu thiếu nhân đức ắt phải đứng vào bảng Phong thần.
Triệu Giang nổi giận liền chém một gươm, Cù Lưu Tôn đưa bửu kiếm ra đỡ.
Hai người đánh được ít hiệp, Cù Lưu Tôn rượt Triệu Giang chạy vào trận.
Cù Lưu Tôn đuổi theo đến trước cửa thì đừng chân, vì nghe trong trận khí lạnh bốc lên ngùn ngụt, hơi dữ rạt rào, nhưng nghe tiếng chuông vàng khánh ngọc đằng sau thúc giục, Cù Lưu Tôn phải vội vã xông vào.
Triệu Giang lên đài rung phướng như trước, Cù Lưu Tôn vội hiện vừng mây lành trên trán mà giữ mình, rồi quăng dây Cổn Tiên lên, truyền Huỳnh Cân lực sĩ trói Triệu Giang dẫn về Lư Bồng.
Có bài thơ rằng:
Mây lành che phủ vóc tiên ông
Ðịa liệt xông vào tự đất không
Dậy phép sai thần ra sức mạnh
Bắt đem họ Triệu lại Lư Bồng.
Huỳnh Cân lực sĩ xách Triệu Giang về Lư Bồng quăng xuống đất, Triệu Giang bị té nằm ngay.
Cù Lưu Tôn phá trận Ðịa Liệt rồi thủng thẳng ra về.
Văn Thái Sư thấy Triệu Giang bị bắt, nổi giận giục kỳ lân tới hét như sấm:
– Cù Lưu Tôn đừng chạy! Có ta đến đây.
Ngọc Ðảnh nhơn nhơn cản lại và nói:
– Văn huynh đừng làm như vậy! Chúng tôi vâng lệnh cung Ngọc Hư xuống trần phá mười trận phép. Nay mới phá được hai, còn lại tám trận chưa biết ai thua thắng. Vả lại chúng ta chỉ cần đấu phép thôi, không nên làm tổn thương huyết khí.
Văn Thái Sư nghe nói làm thinh lui về trước trận.
Nhiên Ðăng truyền chư tiên trở về Lư Bồng nghỉ ngơi dưỡng sức.
Còn Văn Thái Sư và tám vị đạo hữu nhóm nhau trước trướng bàn luận, Văn Thái Sư nói:
– Mới ra hai trận đầu mà hại hết hai người bạn thiết, lòng tôi chẳng an.
Ðổng Toàn nói:
– Ðã ra tranh cao thấp thì được thua, sống chết là lẽ thường. Nếu không liều thân vì giáo đạo, làm sao bảo vệ được danh tiếng của phái Triệt Giáo chúng ta. Theo tôi nghĩ, các vì tiên Xiển Giáo ở Ngọc Hư cung dầu thần thông đến đâu cũng chẳng phá nổi trận Phong Hầu của tôi.
Bấy giờ chư tiên trở lại Lư Bồng họp mặt, Nhiên Ðăng truyền đem Triệu Giang treo lên, đợi bắt hết mười vị tiên Triệt Giáo sẽ xử trí luôn.
Chư tiên hỏi Nhiên Ðăng:
– Ngày may chúng ta phá trận Phong Hầu chưa?
Nhiên Ðăng nói:
– Trận Phong Hầu chúng ta phá không nổi đâu, vì gió trong đó không phải gió thường mà là gió thủy, hỏa ở bên trong có chứa gươm đao lợi hại lắm.
Các tiên hỏi:
– Như vậy Ðạo trưởng tính làm sao? Chẳng lẽ phá hai trận rồi thôi.
Nhiên Ðăng nói:
– Muốn trừ gió ấy phải mượn cho được Ðịnh Phong Châu.
Các tiên hỏi:
– Ðịnh Phong Châu ở đâu có?
Nhiên Ðăng nói:
– Ðịnh Phong Châu là báu vật đệ nhất của người bạn thiết tôi, hiện ở động Bát Bửu Vân Quang, tại núi Cửu Ðảnh, Triết Xa. Nếu có một người nào chịu khó đem thư tôi đến đó thì mượn được.
Tử Nha nghe nói liền sai một quan văn là Táng Nghi Sanh, và một tướng võ là Triều Ðiền lãnh thơ đền núi Cửu Ðảnh lập tức.
Hai người tuân lệnh đi hơn mấy bữa mới ra khỏi Hoàng Hà, rồi đi xa lắm mới tới núi Cửu Ðảnh.
Ðến nơi, hai người tìm không thấy cửa động đâu, thơ thẩn suốt buổi, bỗng gặp một đồng tử từ trong một cái hố đi đến.
Táng Nghi Sanh mừng rỡ hỏi:
– Kính thưa đạo huynh, nơi đây có phải là núi Cửu Ðảnh không?
Ðạo đồng đáp:
– Phải. Hai vị đến đây có việc gì?
Táng Nghi Sanh nói:
– Chúng tôi tìm đến động Bác Bửu yết kiến Lão sư, nhưng tìm mãi không thấy động ấy đâu cả. Xin Ðạo huynh làm ơn chỉ giùm.
Ðạo đồng nói:
– Tôi là đệ tử của Ðộ Ách lão sư đây, hai ông có việc gì nói cho tôi biết, tôi vào thưa lại.
Táng Nghi Sanh mừng rỡ nói:
– Xin đạo huynh vào thưa với lão sư rằng chúng tôi đem thơ của Nhiên Ðăng đạo sư đến yết kiến.
Ðồng tử trở vào một lát rồi ra mời Táng Nghi Sanh và Triều Ðiền vào động.
Táng Nghi Sanh thấy một vị đạo sĩ ngồi trên tấm nệm giữa nhà, đoán là Ðộ Ách chơn nhơn, liền đến làm lễ và dâng thơ.
Ðộ Ách chơn nhơn xem thơ rồi nói:
– Ông đến đây mượn Ðịnh Phong Châu để chư tiên phá trận Phong Hầu lại có thơ của Linh Bửu sư huynh tôi nữa, lẽ nào tôi không cho mượn.
Nói rồi sai đồng tử vào trong lấy bửu bối trao cho Táng Nghi Sanh.
Táng Nghi Sanh cùng với Triều Ðiền bái tạ rồi ra khỏi động lên ngựa trở về.
Hai người đến mé sông Huỳnh Hà, giục ngựa theo mé mà tìm đò. Nhưng tìm mãi không thấy bến đò đâu cả.
Táng Nghi Sanh lấy làm lạ, nói với Triều Ðiền:
– Hôm trước chúng ta đến đây thì bến nầy có đò đưa, tại sao hôm nay chúng ta trở về lại không thấy?
Xảy có mấy người bộ hành đi tới, Triều Ðiền hỏi:
– Bén đò ở đâu sao không thấy? Hôm trước chúng tôi đi ngang đây có đò mà?
Người bộ hành đáp:
– Hôm trước thì có đò, nay thì không.
Táng Nghi Sanh lấy làm lạ hỏi:
– Tại sao có chuyện lạ lùng như vậy?
Người bộ hành đáp:
– Vừa rồi có hai người hình dung cổ quái, sức mạnh như thần, chẳng biết từ đâu đến, đuổi người chống đò không cho hành nghề nữa rồi đoạt luôn chiếc xuồng.
Táng Nghi Sanh hỏi:
– Thế thì người ấy ở đâu?
Người bộ hành nói:
– Người ấy không đưa khách ở đây, mà lập nên bến đò khác cách đây hơn năm dặm. Ai muốn sang đò ấy thì phải có thật nhiều tiền vì người ấy đòi bao nhiêu cũng phải trả.
Táng Nghi Sanh hỏi:
– Tại sao có chuyện bắt buộc như vậy?
Người bộ hành nói:
– Vì nếu không đưa đủ tiền theo ý muốn sẽ bị đánh bỏ mạng.
Triều Ðiền nói với Táng Nghi Sanh:
– Không dè mới cách mấy ngày mà lại có chuyện thay đổi lạ lùng!
Hai người theo mé sông, chừng độ năm dặm, thấy có hai người cao lớn phi thường, tướng mạo hung hăng, không dùng thuyền chống đò như mọi người, chúng dùng hai chiếc bè lớn, cột dây nơi mé sông để hai chiếc bè mỗi mé sông một cái, rồi cớ luân phiên nhau kéo qua kéo lại. Bè chạy vun vút như thoi đưa.
Táng Nghi Sanh trông thấy kinh hãi, vì trên đời không thấy người nào có sức mạnh phi thường như vậy.
Táng Nghi Sanh và Triều Ðiền giục ngựa đến mé sông, chỗ chiếc bè đang đậu.
Triều Ðiền thoạt nhìn thấy hai người ấy là Phương Bậc và Phương Tướng, mừng rỡ reo lên:
– Kìa anh em Phương tướng quân.
Phương Bậc đứng dưới bè nhìn lên nhận ra Triều Ðiền, liền hỏi lớn:
– Triều huynh đi đâu đó vậy?
Triều Ðiền nói:
– Xin tướng quân đưa giùm anh em tôi sang sông rồi sẽ nói chuyện.
Táng Nghi Sanh theo Triều Ðiền dắt ngựa luống bè.
Phương Bậc nắm đầu dây rút mạnh một cái, chiếc bè thoát chạy vun vút trên mặt nước.
Táng Nghi Sanh khen:
– Thật là kẻ phi thường trên thiên hạ.
Khi đến bờ, anh em họ Phương với Triều Ðiền nhắc lại chuyện cũ.
Phương Bậc hỏi:
– Ông nào đi với anh vậy?
Triều Ðiền nói:
– Ðây là quan Thượng đại phu Táng Nghi Sanh ở Tây Kỳ.
Phương Bậc hỏi:
– Anh là tôi Trụ, vì cớ nào lại đi với quan Châu?
Triều Ðiền nói:
– Trụ Vương lỗi đạo, tôi đã quy thuận Võ Vương. Nay Văn Thái Sư kéo binh sang đánh Tây Kỳ, lập trận Thập Tuyệt. Tây Kỳ muốn phá trận ấy nên sai tôi đến núi Cửu Ðảnh, mượn Ðịnh Phong Châu, tình cờ gặp hai anh nơi đây, thật là may lắm.
Phương Bậc nghe nói nghĩ thầm:
– Trước kia ta phản Triều Ca, phạm tội với chúa, nên lưu lạc đến bây giờ. Nay ta giựt Ðịnh Phong Châu, đem về nạp cho Văn Thái Sư để chuộc tội và xin phục chức thì tiện lắm.
Nghĩ rồi nói với Táng Nghi Sanh:
– Ðịnh Phong Châu ra làm sao, xin cho tôi xem thử?
Táng Nghi Sanh bị ơn nghĩa đưa sang sông, lại thấy người quen của Triều Ðiền, nên lấy Ðịnh Phong Châu trao cho Phương Bậc.
Phương Bậc cầm ngắm nhìn một hồi, rồi quay lưng bỏ đi và nói:
– Trái châu này trừ tiền đò cũng được
Hai anh em Phương Bậc cùng nhau đi thẳng qua hướng Nam.
Triều Ðiền biết hai tướng ấy dữ như hùm nên không dám cản trở.
Táng Nghi Sanh mặt tái mét than thở:
– Chúng ta lặn lội mấy ngàn dặm, mượn được bửu bối về phá trận, nay bị chúng cướp đoạt, làm sao dám trở về ra mắt Thừa Tướng.
Triều Ðiền nói:
– Quan đại phu là quan văn, còn tôi tuy tướng võ nhưng không đủ sức đuổi theo hai người ấy mà lấy Ðịnh Phong Châu được. Vậy thì chúng ta mau trở về trình lại với Thừa Tướng để tìm cách lấy lại. Thà chúng ta chịu tội bất cẩn còn hơn là để chậm trễ làm hỏng việc triều đinh.
Táng Nghi Sanh than:
– Ta thuở nay cẩn thận, không ngờ nay lại thờ ơ như vậy.
Hai người lên ngựa nhằm thành Tây Kỳ trở lại. Nhưng mới đi độ mười lăm dặm lại gặp Hoàng Phi Hổ giải lương từ trong núi đi ra
Táng Nghi Sanh vội xuống ngựa thi lễ.
Hoàng Phi Hổ cúi chào và hỏi:
– Quan đại phu đi đâu đây?
Táng Nghi Sanh và Triều Ðiền quỳ lạy khóc lóc.
Hoàng Phi Hổ đỡ dậy, hỏi Triều Ðiền:
– Việc gì vậy?
Triều Ðiền thuật hết mọi việc.
Hoàng Phi Hổ hỏi:
– Anh em chúng nó đã đi bao lâu?
Triều Ðiền thưa:
– Chúng nó đi qua phía Nam, chắc chưa quá mười dặm.
Hoàng Phi Hổ nói:
– Không hề chi. Ðể tôi theo đoạt lại. Hai người ở nán nơi đây mà chờ.
Nói rồi cỡi thần ngưu tức tốc đuổi theo.
Ði một lúc thì thấy anh em Phương Bậc đang chờn vờn phía trước, Hoàng Phi Hổ gọi lớn:
– Phương Bậc! Phương Tướng! Hãy dừng lại.
Anh em họ Phương trông thấy Hoàng Phi Hổ vội vàng quỳ nép bên đường và hỏi:
– Thiên tuế đi đâu đây?
Hoàng Phi Hổ hét lớn:
– Sao chúng bay giám cướp đoạt Ðịnh Phong Châu của Táng Nghi Sanh?
Phương Bậc thưa:
– Tại nó đem thế tiền đò chứ chúng tôi đâu dám cướp đoạt của ai.
Hoàng Phi Hổ hỏi:
– Mấy năm nay anh em bây ở đâu?
Phương Bậc thưa:
– Từ khi cứu Ðiện hạ và từ giã đại vương đến nay, anh em tôi làm nghề đưa đò, đắp đổi qua ngày tháng.
Hoàng Phi Hổ nói:
– Ta đã bỏ Trụ đầu Châu, vì Võ vương hiền đức chẳng khác Nghiêu Thuấn. Hiện nay trong ba phần thiên hạ, Võ vương đã thu được hai phần. Mặc dù Văn Thái Sư đang kéo binh chinh phạt Tây Kỳ, nhưng sức người không thể cãi lại mệnh trời, nên đánh thua luôn nhiều trận, các ngươi không chỗ nương nhờ hãy theo ta về Châu hưởng lộc công hầu, khỏi uổng tài hào kiệt.
Phương Bậc nói:
– Nếu đại vương có lòng dìu dắt, chúng tôi mang ơn muôn thuở.
Hoàng Phi Hổ nói:
– Vậy thì đi với ta.
Phương Bậc, Phương Tướng cùng đi theo Hoàng Phi Hổ.
Lúc trở lại gần đến nơi, Táng Nghi Sanh xem thấy thất kinh.
Hoàng Phi Hổ xuống yên, truyền Phương Bậc trả Ðịnh Phong Châu cho hai tướng, rồi dặn:
– Hai ông đem về trước, tôi với Phương Bậc, Phương Tướng vận lương đến sau.
Táng Nghi Sanh và Triều Ðiền lấy báu vật lại, lên ngựa thẳng về thành Tây Kỳ, vào yết kiến Tử Nha thuật rõ mọi việc.
Tử Nha làm thinh không nói, lấy trái châu dâng cho Nhiên Ðăng.
Các tiên nói:
– Ðã có Ðịnh Phong Châu thì ngày mai phải phá trận.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.