Phong thần diễn nghĩa
Hồi 64: La Tuyên nổi lửa đốt Tây Kỳ
Ân Giao nghe quân vào báo:
– Có một vị đạo truởng mời điện hạ ra trước dinh.
Ân Giao nghĩ thầm:
– Chắc sư phụ ta đến đó rồi.
Liền nai nịt cỡi ngựa ra, thấy Quảng Thành Tử đang đứng chờ, Ân Giao cúi đầu thưa:
– Ðệ tử mang giáp trong mình, làm lễ không trọn xin thầy tha cho.
Quảng Thành Tử thấy Ân Giao mặc vương phục, nổi giận hét:
– Súc sanh! Ngươi thề trên núi với ta như thế nào mà bây giờ ngươi trở lòng như vậy?
Ân Giao khóc và nói:
– Xin sư phụ cho phép con thưa vài lời. Con đã thề với sư phụ chẳng bao giờ dám đổi ý. Khi xuống trần con có gặp Mã Thiện và Ôn Lương, sau đó lại gặp Thân Công Báo khuyên con phò Trụ. Tuy nhiên con không kể lời ấy, vì biết cha mình là người bạo ngược, mắc tội với thiên hạ đã nhiều. Con chỉ hận có một điều là Tử Nha đem Thái Cực Ðồ đốt Ân Hồng là em trai con thành tro bụi. Em con thù oán gì, mà Tử Nha đối xử như vậy? Sư phụ bảo con phải theo phò kẻ thù, đánh lại cha con, thì dù lòng con có là đất đá, không biết tri giác, cũng không thể nhịn nổi. Thầy hiểu cho tâm trạng con.
Quảng Thành Tử nói:
– Ngươi không rõ, Thân Công Báo là kẻ thù của Tử Nha nên kiếm lời nói gạt. Chuyện ấy do em ngươi liều lĩnh, không chịu nghe lời thầy, và cũng do số trời định cả.
Ân Giao mỉm cười cay đắng:
– Xin sư phụ nghĩ lại. Con không kể lời nói của Thân Công Báo làm gì. Chẳng lẽ em con tự nhiên chạy vào Thái Cực Ðồ cho chết hay sao? Còn số trời định thì số trời có bảo Tử Nha đem Thái Cực Ðồ giết em con không? Tại sao Tử Nha tạo ra chuyện ác tâm như vậy? Rồi bảo là do trời định? Nay lòng con thảm thiết quá, không thể nào khác hơn là giết Tử Nha để rửa hận. Xin thầy về núi nghỉ ngơi, để con liều mình giết Tử Nha rồi sẽ đầu Châu lấy năm ải.
Quảng Thành Tử nói:
– Ngươi không nhớ lời thề của ngươi hay sao?
Ân Giao nói:
– Ðệ tử nào không nhớ, song chết vì lời thề cũng đành, sống làm chi một mình cho đời thêm tủi nhục.
Quảng Thành Tử nỗi giận chém một gươm.
Ân Giao đưa kích ra đỡ và nói:
– Sư phụ bênh Tử Nha, không kể đến nghĩa thầy trò, sao gọi là nhân đạo, thiên đạo?
Quảng Thành Tử chém tiếp một gươm nữa. Ân Giao cũng đỡ ra và nói:
– Sư phụ cố tình buộc con vào thế bí, phải mang tiếng thất lễ với thầy ư? Sư phụ muốn có một đứa đệ tử hèn hạ, quên tình cha con, anh em theo phò một kẻ thù không?
Quảng Thành Tử nói:
– Ấy là số trời đã định. Nếu ngươi không biết ăn năn hối cải thế nào cũng uổng công ta dạy dỗ.
Ân Giao nói:
– Nếu trời bắt con phải bỏ thù em, bỏ hiếu cha, để cúi đầu vâng theo mệnh lệnh của một kẻ giết em, đánh cha mình thì thà con cãi lại mệnh trời để bị bỏ xác còn hơn.
Quảng Thành Tử nổi giận chém bồi một gươm nữa, Ân Giao khóc lớn:
– Thầy đã không tưởng tình thầy trò, thì đệ tử làm saogiữ được đạo kính vì. Thôi thì đành chịu làm đứa thất phu vậy.
Nói rồi đâm Quảng Thành Tử một kích.
Quảng Thành Tử cũng hét lên một tiếng, hai thầy trò đánh nhau một lúc.
Ân Giao liền móc túi lấy Phiên Thiên Ấn quẳng lên.
Quảng Thành Tử kinh hãi, biết Phiên Thiên Ấn là một báu vật lợi hại, liền hóa ra hào quang bay về thành.
Trước đây Quảng Thành Tử trao Phiên Thiên Ấn cho Ân Giao đi đánh giặc, không ngờ Ân Giao lại dùng chính Phiên Thiên Ấn đánh thầy.
Quảng Thành Tử chạy vào thành, mặt mày buồn xo, Tử Nha trông thấy hỏi:
– Ân Giao đã chịu phép chưa?
Quảng Thành Tử nói:
– Nó bị Thân Công Báo mê hoặc, tôi khuyên không được, nổi giận chém nó vài gươm, nó lấy Phiên Thiên Ấn ném trả nên tôi phải chạy về đây.
Tử Nha không rõ Phiên Thiên Ấn là báu vật lợi hại như thế nào mà Quảng Thành Tử phải kinh hãi như vậy thì có quân vào báo:
– Có Nhiên Ðăng đại sư đến.
Tử Nha và Quảng Thành Tử ra cửa rước vào, Nhiên Ðăng nói:
– Cái đèn lưu ly của tôi nó cũng đi khuấy ông thật là thiên số.
Tử Nha nói:
– Trời khiến sao chịu vậy, biết trốn vào đâu.
Nhiên Ðăng nói:
– Ân Giao là chuyện lớn, còn Mã Thiện là chuyện nhỏ, để bần đạo thâu Mã Thiện về cho rảnh rang rồi sẽ tính đến việc Ân Giao.
Tử Nha nói:
– Xin tuân theo ý kiến quyết định của đạo trưởng.
Nhiên Ðăng nói:
– Muốn bắt Mã Thiện, ngươi phải làm kế này giúp ta mới được.
Liền kề tai dặn nhỏ Tử Nha một hồi, Tử Nha vâng lời cầm roi, lên lưng Tứ Bất Tướng, đến trước cửa trại Thương kêu lớn.
– Mã Thiện hôm nay ta quyết chém đầu ngươi.
Quân vào báo lại Ân Giao nghĩ thầm:
– Hôm qua sư phụ ta vừa bỏ chạy, nay lại Tử Nha đến khiêu chiến một mình, e chúng lập mưu giết ta như giết Ân Hồng trước kia chăng?
Nghĩ rồi sai Mã Thiện ra trận xem thử thế nào.
Mã Thiện tuân lệnh cầm thương ra trận, thấy Tử Nha vểnh râu chửi mắng.
Mã Thiện nói:
– Thằng già hỗn quá! Sao dám chửi ta nhiều lời như vậy?
Tử Nha nói:
– Ngươi có tài phép chém không bay đầu, ta chửi một chập cho ngươi mất đầu chơi.
Mã Thiện giận quá, khua đao tới chém, Tử Nha đánh được ít hiệp rồi bỏ chạy về hướng Nam, Mã Thiện dừng ngựa không đuổi theo, Tử Nha thấy vậy quay ngựa lại chửi nữa. Mã Thiện giận quá chịu không nổi, quất ngựa đuổi theo. Chừng hai dặm đường đến một cội dương, Mã Thiện không thấy Tử Nha đâu, thấy một đạo sĩ bước ra chặn mặt, nói:
– Mã Thiện, ngươi biết ta chăng?
Vì Nhiên Ðăng làm phép ẩn mặt nên Mã Thiện không biết, liền đâm Nhiên Ðăng một giáo.
Nhiên Ðăng lấy đèn lưu ly trong tay áo quăng lên, Mã Thiện xem lại biết là thầy mình, kinh hãi ẩn mình không kịp, bị đèn lưu ly hút vào.
Nhiên Ðăng cười lớn, sai Huỳnh Cân lực sĩ đem đèn về núi trước.
Bấy giờ quân thua chạy về báo với Ân Giao:
– Mã tướng quân theo đuổi Tử Nha thấy một luồng hào quang xông lên, rồi Mã tướng quân biến mất chỉ còn con ngựa mà thôi!
Ân Giao nghe nói lấy làm lạ, liền dẫn quân đến thành khiêu chiến.
Tử Nha liền mời Nhiên Ðăng và Quảng Thành Tử đến thương nghị.
Nhiên Ðăng hỏi Quảng Thành Tử:
– Ân Giao bị Thân Công Báo xúi giục làm loạn, nay đạo huynh tính lẽ nào?
Quảng Thành Tử nói:
– Tôi trao hết báu vật cho nó rồi, nay không biết cách nào để thu hồi lại.
Bỗng có quân vào báo nữa:
– Ân Giao gọi quyết tên Thừa Tướng ra trận.
Tử Nha sợ Phiên Thiên Ấn, không biết có nên xuất trận hay không.
Nhiên Ðăng nói:
– Tử Nha có Hạnh Huỳnh Kỳ vật che thân rất bảo đảm, Phiên Thiên Ấn làm gì được mà lo.
Tử Nha nghe lời liền dẫn quân ra thành nói với Ân Giao:
– Ân Giao! Ngươi cãi lời thầy dạy, không nhớ lời thề thế nào cũng bị lưỡi cày đâm trúng bụng. Nếu thuận theo ta, xuống ngựa hàng đầu may ra thoát nạn.
Ân Giao cười lớn:
– Nếu ta theo phò ngươi mà tránh lời thề thì ta chết còn hơn. Ngươi tàn nhẫn đốt em ta ra thành tro bụi, thù ấy ta quyết không đội trời chung.
Nói rồi đâm Tử Nha một kích.
Tử Nha đưa gươm báu ra đỡ.
Hai người đánh với nhau một hồi, Ôn Lương xông vào trợ chiến, Na Tra đón lại giao công.
Ôn Lương quăng Bạch Ngọc hoàn đánh Na Tra, Na Tra quăng Càn Khôn Quyện lên nghe một tiếng chát tai.
Bạch Ngọc hoàn vỡ vụn, nát như tro.
Ôn Lương hét lớn:
– Ngươi phá phép báu của ta, ta không thể dung ngươi được.
Nói rồi hỗn chiến với Na Tra. Na Tra quăng Kim chuyên lên đánh nhằm lưng Ôn Lương gần sa xuống đất.
Dương Tiễn thừa thế bắn Ôn Lương một viên đạn bể đầu chết tốt.
Ân Giao thấy Ôn Lương bị chết, nổi giận ném Phiên Thiên Ấn lên đánh Tử Nha.
Tử Nha thất kinh, xổ Hạnh Huỳnh Kỳ ra, lập tức muôn đạo hào quang chiếu sáng loà, hàng ngàn bông sen rơi xuống, che chở khắp mình Tử Nha, Phiên Thiên Ấn không dám rơi xuống.
Tử Nha liền quăng roi Ðả Thần Tiên lên, đánh trúng lưng Ân Giao, Ân Giao sa xuống ngựa, Dương Tiễn bước tới chém đầu, may nhờ Trương Sơn, Lý Cẩm lanh tay đỡ thương.
Ân Giao độn thổ chạy mất.
Tử Nha thắng trận thâu quân về thành, Nhiên Ðăng nói với Quảng Thành Tử:
– Phiên Thiên Ấn khó thu về được, mà ngày bái tướng đăng đàn của Tử Nha gần đến, nếu để trễ tội của đạo huynh không tránh khỏi.
Quảng Thành Tử nói:
– Xin đạo trưởng tìm kế gì trừ nó kẻo tôi mắc tội oan.
Nhiên Ðăng nói:
– Ở đây không có phép gì trị được nó biết tính làm sao?
Quảng Thành Tử ngồi làm thinh buồn bã.
Lúc này Ân Giao cũng về dinh, trong người đau đớn vì vừa bị một roi chí tử, không biết làm cách nào giết Tử Nha để trả thù cho Ân Hồng.
Bỗng có quân vào báo:
– Có một đạo sĩ xin vào ra mắt.
Ân Giao truyền mời thì thấy một vị đạo sĩ mặt đỏ như trái táo, râu tóc cũng đỏ hoe mình mặc áo đỏ, đội mão đuôi cá, bước đến xá Ân Giao.
Hỏi ra thì hay đó là La Tuyên ở Hỏa Long động, hiệu là Diêm Trung tiên. Do Thân Công Báo đến thỉnh cầu nên đến giúp Ân Giao.
Ân Giao mừng rỡ vô cùng, dọn tiệc đãi đằng.
La Tuyên nói:
– Bần đạo lâu nay ăn chay đã quen nên không dùng đồ mặn.
Ân Giao truyền đem cơm chay đãi La Tuyên rất hậu.
La Tuyên ở lại dinh đã ba hôm mà không nhắc gì đến việc giao tranh.
Ân Giao hỏi:
– Ðạo trưởng đến giúp tôi sao không tính kế đánh Khương Tử Nha.?
La Tuyên nói:
– Ta có hẹn với một người bạn. Ðợi người ấy đến đây rồi tính ra binh cũng chẳng muộn.
Ngày hôm sau quân vào báo:
– Có một đạo sĩ tìm đến trước cửa dinh.
Ân Giao và La Tuyên truyền ra nghinh tiếp, thấy đạo nhân này mọc râu quai nón, mặt vàng, thân thể vạm vỡ.
Ân Giao liền mời ngồi và tiếp đãi rất hậu.
La Tuyên hỏi đạo sĩ:
– Vì sao hiền đệ đến trễ vậy?
Ðạo sĩ đáp:
– Tiểu đệ cần luyện thêm một phép nữa cho hoàn bị rồi mới đến đây hiệo lực với sư huynh.
Ân Giao hỏi:
– Chẳng hay nhị đạo sư danh hiệu là gì?
Ðạo sĩ mới đến đáp:
– Bần đạo là Lưu Hoàn ở Cửu Long đảo.
Ân Giao truyền dọn tiệc đãi đằng hai vị đạo sư rất hậu.
Rạng ngày La Tuyên và Lưu Hoàn đến trước thành Tây Kỳ kêu quân mời Tử Nha ra nói chuyện.
Quân vào báo, Tử Nha dẫn quân ra ngoài thành, thấy La Tuyên khác thường, liền nói với các đồ đệ:
– Người này xem chẳng khác cục lửa đỏ.
Các đồ đệ thưa:
– Ðạo Triệt giáo nhiều người dị tướng, trông mà ghê.
La Tuyên giục ngựa tới hỏi:
– Ngươi phải Khương Tử Nha chăng?
Tử Nha nói:
– Phải. Còn đạo huynh từ đâu đến, xin cho biết danh hiệu?
La Tuyên nói:
– Ta là La Tuyên, hiệu Diêm Trung Tiên ở Hỏa Long đảo, bởi ta nghe ngươi ỷ tài phép cung Ngọc Hư làm nhục Triệt giáo ta nhiều lắm, nên ta phải đến đây tranh tài cao thấp. Ta thiết tưởng chỉ cần ta và ngươi tranh tài mà thôi, đừng sai học trò nhỏ ra múa men làm gì cho mất công, uổng mạng.
Nói rồi liền chém tới một gươm, Tử Nha múa gươm xông vào giao đấu.
Ðánh được một lúc, Na Tra nổi nóng xông vào, Lưu Hoàn bước ra cản lại.
Dương Tiễn, Hoàng Thiên Hóa, Lôi Chấn Tử, Thổ Hành Tôn, Vi Hộ đồng áp tới trợ chiến với Tử Nha, La Tuyên đỡ không kịp, chuyển mình một cái biến thành ba đầu sáu tay cự với các tướng.
Ðánh một hồi, La Tuyên đập Hoàng Thiên Hóa một bánh xe nhào xuống đất, Kim Tra và Mộc Tra vội lướt tới cứu Hoàng Thiên Hóa đem về thành.
Tử Nha quăng Ðả Thần Tiên lên đánh La Tuyên gần hạ mã, vội độn thổ trốn mất.
Còn Na Tra quăng Càn Khôn Quyện đánh Lưu Hoàn đổ hào quang.
Lưu Hoàn thất kinh lui về trại.
Trương Sơn khi ấy lược trận, quan sát thấy sức mạnh của các tướng Châu vô cùng lợi hại, nên thở dài:
– Cơ nghiệp Thành Thang sau này thế nào cũng về tay Võ Vương rồi.
Khi Trương Sơn trở vào dinh thì Lưu Hoàn và La Tuyên cũng về đến, người nào bộ tướng cũng xơ rơ, La Tuyên ân cần tiếp đãi và tìm lời an ủi.
La Tuyên nói:
– Vì ta vô ý bị Tử Nha đánh một roi gần hạ mã.
Liền lấy thuốc trong bầu ra uống, và nói với Lưu Hoàn:
– Ta không muốn giết nhiều mạng, thế mà chúng nó quyết tranh tài, biết làm sao? Ðêm nay ta sẽ đốt hết thành Tây Kỳ, không để sống sót một tên lính nào thì chúng nó mới thấy được phép thuật màu nhiệm của ta.
Lưu Hoàn nói:
– Nếu không trổ tài chúng tưởng thế gian này chỉ có Xiển giáo là thần thông hơn hết.
Ðêm ấy vào lối canh ba, La Tuyên và Lưu Hoàn lấy Vạn Lý Vân Yên là thứ tên lửa, đem ra bắn mù mịt vào thành Tây Kỳ, lửa dậy phừng phừng.
Thầy trò Tử Nha thấy thắng trận không đề phòng, đến chừng bá tánh trong thành kêu la mới hay.
Nhiên Ðăng và Quảng Thành Tử đồng ra ngoài quan sát.
Riêng Võ Vương thấy lửa thất kinh, quỳ dưới đất lạy trời van vái rằng:
– Cơ Phát có tội nên trời trừng phạt thế này, xin đốt toàn gia quyến tôi mà thôi còn bá tánh xin dung tha kẻo tội.
Võ Vương vừa vái vừa khóc òa, nhưng lửa mỗi lúc mỗi cháy dữ hơn biến thành Tây Kỳ thành một hòn núi lửa cao ngất.
La Tuyên và Lưu Hoàn chưa hài lòng, còn làm phép đổ cả bầy quạ lửa cả muôn con bay vào đốt khắp thành, còn trên không trung thì sai hai con rồng lửa phun lửa xuống.
Thật là một trận chiến ác liệt. Nhân dân thành Tây Kỳ kinh khiếp.
Bấy giờ Long Kiết Công chúa tại núi Phụng Hoàng đã có lòng giúp Tử Nha đánh Trụ, nay thấy La Tuyên hóa phép dữ đốt thành, liền thừa dịp này chữa lửa làm ơn, liền sai Bích Vân đồng nhi quăng lưới Vụ Lộ càn khôn mà bắt bầy quạ lửa. Vụ Lộ là sương mù, thuộc thủy, khi bủa ra thì bầy quạ lửa sa vào chết hết, nên lửa tắt tức thì.
La Tuyên không rõ nguyên nhân nào mà bầy quạ lửa biến mất hết, nhìn lên trời cao thấy một vị tiên cô đang cỡi loan xanh, mặc áo đỏ đầu đội mão đuôi cá, nhan sắc thoát trần, liền kêu lớn:
– Ai cỡi chim loan đó? Sao dám bắt quạ lửa của ta?
Long Kiết công chúa cười lớn:
– Ta là Long Kiết công chúa, ngươi tài phép bao nhiêu mà dám sanh ác tâm như vậy? Ngươi nên xa lánh chốn này kẻo mang họa.
La Tuyên nổi giận quăng bánh xe Ngũ Long lên.
Long Kiết công chúa cười lớn:
– Phép tắc ngươi chỉ chừng đó thôi sao?
Nói rồi lấy bình Tứ Hải đưa ra, thâu bánh xe vào đó, tức thì rồng lửa ra biển.
La Tuyên nổi giận lấy tên lửa bắn Long Kiết công chúa.
Long Kiết công chúa dùng Nhị Long kiếm phóng lên, chém Lưu Hoàn đứt làm hai khúc.
La Tuyên thấy bạn mình bị hại, hiện ba đầu sáu tay, lấy ấn Chiếc Thiên quăng công chúa.
Long Kiết cầm gươm chỉ một cái, ấn sa xuống tức thì, rồi quăng luôn gươm nhị long lên.
La Tuyên biết cự không lại, giục ngựa Xích yên chạy dài.
Gươm Nhị long bay theo chém con ngựa Xích yên một cái, ngựa té nhào.
La Tuyên rơi xuống đất độn thổ trốn đi.
Long Kiết công chúa bèn hóa mưa chữa lửa cho thành Tây Kỳ.
Dân chúng trong thành thấy lửa tắt hết, đồng reo mừng nói lớn:
– Thật nhờ hồng phước của minh quân, mới khiến trời mưa cứu cả thành khỏi chết.
Bá quan dầm mưa đến thăm nhau suốt đêm không ai ngủ được.
Trờo mờ sáng có quân vào báo:
– Một vị Tiên cô giáng trần, xin vào thành thăm viếng.
Tử Nha mừng rỡ ra rước vào, thì thấy cô nương ấy là Long Kiết công chúa.
Nhiên Ðăng và Quảng Thành Tử ra mắt tạ ơn.
Tử Nha hỏi:
– Vì đâu công chúa đến nơi này, xin chỉ dạy.
Long Kiết công chúa nói:
– Trước kia ta phạm lỗi tại hội bàn đào, nên mẹ ta là Diêu Trì kim mẫu bị đày xuống Phụng Hoàng san. Nay ta thấy La Tuyên đốt thành Tây Kỳ, nên làm mưa giải cứu, nhân dịp ở lại đây giúp Thừa Tướng chinh Ðông, lập công đền tội, để sau này trở lại cung tiên.
Tử Nha nghe nói mừng rỡ, truyền a hoàn dọn một nhà riêng cho công chúa ở.
Bấy giờ thành Tây Kỳ tuy dân chúng thoát nạn hỏa tai, nhưng thành quách hư hại rất nhiều, phải tốn công phu mới sửa chữa được như xưa.
Còn La Tuyên chạy đến núi, mệt thở không ra hơi, ngồi xuống bàn thạch, dựa vào gốc tùng ngẫm nghĩ:
– Ta bị Long Kiết công chúa thâu hết phép, thù này biết thuở nào nguôi.
Giữa lúc đó đàng sau có tiếng người ngâm:
Lánh chốn hồng trần khỏi thị phi,
Nửa đời áo mão ở thành trì
Kích dài một trượng người kiêng sức,
Tháp nặng ngàn cân cọp khiếp uy
Ẩn mặt trước còn nương thạch động,
Trổ tài nay mới xuống Tây Kỳ
Biết thời Trụ mạt, Châu đương thịnh,
Cái mạng La Tuyên cũng hiểm nguy.
La Tuyên nghe ca ngó lại thấy một người đội mão kim khôi mình mặc đạo phục, tay cầm kích liền hỏi:
– Ngươi là ai mà dám ngạo nghễ ta như vậy?
Người kia đáp:
– Ta là Lý Tịnh nay xuống Tây Kỳ giúp Tử Nha đoạt thâu năm ải. Ta không thể làm lễ ra mắt nên mới mượn tạm cái đầu của ngươi.
La Tuyên nổi giận đứng dậy chém một gươm, Lý Tịnh liền đâm lại.
Hai người hỗn chiến một hồi lâu, Lý Tịnh quăng Huỳnh Kim bửu tháp kên, và kêu lớn:
– La Tuyên! Ngươi trốn đâu cho thoát.
La Tuyên tránh không kịp bị bửu tháp sa xuống đầu.
Giết La Tuyên rồi, Lý Tịnh liền đằng vân xuống Tây Kỳ, tìm vào trướng phủ.
Kim Tra, Mộc Tra thấy cha mình đến, mừng rỡ vào bẩm với Tử Nha:
– Có cha tôi là Lý Tịnh xin vào ra mắt.
Nhiên Ðăng nói với Tử Nha:
– Người này trước kia là tôi vua Trụ, làm đến chức Tổng Binh.
Tử Nha nghe nói mừng rỡ, rước vào thành hậu đãi, ai nấy đều vui vẻ.
Riêng Quảng Thành Tử thấy Ân Giao ngăn trở, sợ trễ kỳ bái tướng đăng đàn, liền hỏi Nhiên Ðăng:
– Nay Ân Giao không chịu phép, biết liệu làm sao?
Nhiên Ðăng nói:
– Phiên Thiên Ấn là bửu bối lợi hại, nếu không có cờ Ly Ðịa diệm quang tại cung Huyền Ðô, cờ Thanh Liên bửu sắc bên Tây Phương, và cờ Hạnh Huỳnh thì khó bắt Ân Giao được. Nay cờ Hạnh Huỳnh đã có, nếu mượn được hai cây cờ nữa là xong.
Quảng Thành Tử nói:
– Học trò tôi làm bậy, tôi phải ráng sức đi mượn cho được hai cây cờ đó.
Nói rồi lập tức độn thổ đến cung Huyền Ðô, song không dám vào, cứ đứng ngoài cửa mà chờ.
Bỗng có Huyền Ðô đại pháp sư bước ra.
Quảng Thành Tử bái chào và nói:
– Xin đạo huynh làm ơn bẩm lại với sư bá lão gia, tôi xin vào ra mắt.
Huyền Ðô đại pháp sư vào thưa lại.
Lão Tử nói:
– Ðừng bảo Quảng Thành Tử vào đây mất công, ngươi đem cây cờ Ly Ðịa diệm quang cho nó mượn.
Huyền Ðô pháp sư vânh lệnh đem cờ trao cho Quảng Thành Tử và nói:
– Thầy dạy đạo huynh khỏi vào, đem cờ về kẻo trễ.
Quảng Thành Tử bái tạ trở về Tây Kỳ, giao cờ lại cho Tử Nha.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.