Án mạng trên chuyến tàu tốc hành Phương Đông

Phần I – Những Dữ Kiện – III. Poirot Từ Chối Một Đề Nghị



Thức dậy sớm, Poirot đã dùng điểm tâm ở phòng toa ăn vắng người. Sau đó ông đã xem lại những giấy tờ liên quan đến việc ông phải về Luân Đôn gấp nên Poirot đã không gặp người bạn đồng hành của mình. 

Buổi trưa, Poirot đến toa ăn hơi trễ. Ông Bouc, ngồi ở một bàn ăn đã dọn sẵn, vẫy tay gọi Poirot và mời ông đến ngồi cùng bàn. Poirot nhận lời và thưởng thức một bữa ăn thật ngon. Khi ăn đến món pho mát kem, ông Bouc bỗng thở dài và nói bằng một giọng triết lý: 

– Ước gì tôi có thế viết văn như Balzac 1 để có thể tả cảnh này. 

– Một ý kiến hay đấy! – Poirot nói. 

– Phải không thưa ông? Chắc chưa ai nghĩ ra. Vậy mà ta có thế viết thành một tiểu thuyết đấy, ông Poirot ạ. Hiện diện ở đây là đủ mọi tầng lớp xã hội, đủ mọi chủng tộc và ở mọi lứa tuổi trong suốt ba ngày. Những người này hoàn toàn xa lạ với nhau, sẽ cùng ăn và cùng sống với nhau trong một toa tàu. Sau ba ngày đó họ sẽ từ giã nhau và có lẽ chẳng bao giờ gặp lại nhau. 

– Trừ phi có một tai họa xảy ra… 

– Mong rằng, điều đó sẽ không xảy ra. 

– Lẽ dĩ nhiên, về phía ông, thì đó là một điều đáng tiếc nếu có tai họa xảy ra trên tàu. Nhưng hãy thử nghĩ xem, nếu có một tai nạn. Như thế mọi người ở trên tàu sẽ gặp nhau ở… cõi chết. 

– Thêm một chút rượu nữa nhé, – ông Bouc nói. – Ông quả là bi quan, sẽ ảnh hưởng đến sự tiêu hóa đấy! 

– Thú thật là ở Syrie, đồ ăn không hợp cho dạ dày của tôi. 

Poirot uống một ngụm rượu, ngả người dựa vào ghế, ông đảo mắt nhìn xung quanh. Tất cả có 17 hành khách. Họ thuộc đủ mọi tầng lớp, mọi dân tộc như ông Bouc đã nói. Poirot bắt đầu quan sát họ. 

Ngồi bàn trước mặt Poirot là ba người đàn ông đi, du lịch riêng rẽ: Một người Ý, to lớn đang ngồi xỉa răng một cách thích thú. Trước mặt anh ta là một người Anh, trầm tĩnh có dáng dấp đàng hoàng, gương mặt lạnh lùng. Bên cạnh anh ta là một người Mỹ trong bộ com lê màu sặc sỡ, có vẻ là một nhà buôn. 

– Phải làm cho loá mắt – người Mỹ nói. 

Gã người Ý rút tăm ra khỏi miệng, vung tay cao và tán đồng: 

– Chắc chắn rồi, tôi đã bảo mà! 

Anh chàng người Anh nhìn ra cửa sổ và đằng hắng giọng. 

Poirot đưa mắt sang một người đàn bà lớn tuổi, ngồi ở một bàn nhỏ. Bà ta rất xấu, nhưng cái xấu của bà có một cái gì quí phái, gần như có sức thu hút hơn là gớm ghiếc. Bà ta ngồi rất thẳng, cổ đeo một chuỗi hạt trai thật to, tay đầy nhẫn. Cái áo măng tô bằng lông thú, và cái mũ lông nhỏ không hợp chút nào với khuôn mặt vàng như da cóc của bà. 

Bà ta đang nói với người bồi bằng một giọng trịch thượng: 

– Ông vui lòng mang đến phòng tôi một chai nước suối và một ly nước cam. Cố gắng cho tôi thịt gà trong bữa ăn chiều nay. 

Người bồi nghiêng mình kính cẩn: 

– Thưa bà sẽ được như ý muốn. 

Bà ta khẽ cúi đầu và đứng dậy. Bắt gặp cái nhìn của Poirot, bà ta quay mặt đi chỗ khác. 

– Công chúa Dragomiroff đấy! – ông Bouc nói – Một người Nga. Chồng bà ấy đã chuyển tiền sang ngoại quốc trước cách mạng và bà ấy rất giàu. 

Poirot vừa nghe nhắc đến tên của công chúa Dragomiroff ở đâu rồi… 

– Bà ấy xấu như 7 mối tội đầu 2 – ông Bouc tiếp, nhưng ông phải nhận rằng ba ta rất quí phái. 

Mary Debenham đang ngồi ở một bàn khác cùng với hai người đàn bà. Một người khoảng 35 đến 40 tuổi, cao lớn; ăn mặc theo kiểu người Ái Nhĩ Lan. Mái tóc dày của bà ta hất ngược về phía sau và búi thành một “búi tóc”. Một cặp kính che mất một phần gương mặt hiền từ của bà. Bà ta đang nghe một cách chăm chú những lời phân trần của một bà bạn đồng hành với một khuôn mặt khả ái, đang nói với một giọng chậm rãi và đơn điệu, hình như không lúc nào dừng lại để lấy hơi. 

– Sau đó con gái tôi đã nói: “Áp dụng, những phương pháp Mỹ ở đây là vô ích. Mọi người đều thờ ơ và thiếu tính hiếu động”. Tuy nhiên các bạn sẽ ngạc nhiên về những kết quả lượm hái được trong trường hợp này. Đối với tôi, tri thức là trên hết Con gái tôi còn kể… 

Con tầu qua hầm, và giọng phán của bà ta cũng chìm lẫn trong tiếng máy. 

Ở bàn bên cạnh, đại tá Arbuthnot ngồi một mình. Mắt ông ta cứ dán chặt vào gáy Mary Debenham. Tại sao họ lại không ngồi ăn cùng bàn nhỉ?. Điều đó thật khó hiểu, vậy thì tại sao? Có lẽ Mary Debenham không muốn, sợ hại cho uy tín của mình. 

Poirot tiếp tục quan sát. Ông để ý đến một phụ nữ, mặc toàn đồ đen, mặt vuông và lạnh lùng ngồi dựa vào vách của toa tàu. Người Đức hay Phần Lan – Poirot đoán thế – Có lẽ là một bà quản gia… 

Ở bàn bên, một cặp trai gái đang chụm đầu vào nhau nói chuyện một cách hào hứng. Người đàn ông mặc vét may vừa vặn – Chắc chắn phải may ở Luân Đôn. Nhưng anh ta không có vẻ người Anh – Cái đầu và đôi vai của anh đủ để chứng minh điều đó. Bỗng nhiên người đàn ông quay lại và Poirot có thể quan sát mặt anh ta kỹ hơn. Trạc độ 30, bộ ria vàng làm cho khuôn mặt đẹp trai của anh có vẻ đàn ông hơn. 

Người đàn bà ngồi trước mặt anh ta khoảng chừng 20 tuổi. Bộ quần áo sang trọng màu đen để lòi cái cổ áo sơ mi bằng satanh trắng. Đầu cô đội cái mũ đen, nghiêng một bên theo đúng mốt. Nước da cô gái rất trắng làm nổi bật cặp mắt nâu và mái tóc xám. Cô ta đang hút một điếu thuốc cắm vào một cái bót xì gà; Poirot nhận ra trên bàn tay với những ngón tay sơn đỏ một cái nhẫn ngọc lớn. Giọng nói cũng như cái nhìn của cô rất đài các. 

– Cô ta đẹp mà lại sang trọng nữa! – Poirot nói, – chắc họ là vợ chồng. 

– Phải, anh ta làm ở Bộ ngoại giao Hung; Họ thật đẹp đôi. 

Hai người còn lại là anh bạn đồng toa Mac Queen, và chủ anh là ông Ratchett. Một lần nữa, Poirot lại nhìn ông Ratchett chăm chú, sự tương phản giữa gương mặt đôn hậu và vẻ xảo quyệt, hung ác của cặp mắt lộ ra rất rõ. 

Chắc hẳn ông Bouc cũng nhận thấy sự thay đổi từ Poirot. Ông ta hỏi: 

– Ông đang nhìn con thú dữ của chúng ta đấy hẳn? 

– Vâng – Poirot đáp. 

Khi người bồi mang cà phê đến cho Poirot, ông Bouc đứng dậy và đến trước Poirot nói ông đã ăn trưa xong. 

– Tôi về phòng đây, – ông Bouc nói – Khi ăn xong mời ông đến, chúng ta sẽ cùng nói chuyện! 

– Rất vui lòng. 

Poirot nhâm nhi tách cà phê và gọi thêm một ly rượu. 

Người hầu phòng cầm cái bút nhỏ đi từng bàn đế tính tiền. Giọng nói của bà người Mỹ vang lên: 

– Con gái tôi nói với tôi: “Mẹ hãy mua trước những phiếu ăn, như thế tiện hơn”. Nhưng thật ra nó chẳng hiểu gì cả, còn phải cho 10% tiền phục vụ và nước suối của họ có mùi kỳ lạ. Thật khó chịu. 

Mary Debenham kéo ghế, cúi đầu dứng dậy. Ở bàn bên, đại tá Arbuthnot đứng lên và theo cô. Hai người đàn bà ngồi cùng bàu với Mary cũng đứng dậy. Cặp vợ chồng người Hung cũng đã rời bàn. Trong toa ăn chỉ còn lại Poirot, Ratchett và Mac Queen. 

Ratchett nói nhỏ với Mac Queen. Anh ta rời bàn. 

Ratchett cũng đứng lên. Nhưng thay vì theo Mac Queen ra khỏi toa ăn, ông ta đến ngồi vào bàn Poirot. 

– Ông vui lòng cho tôi xin chút lửa? – Ratchett nói bằng một giọng nhò nhẹ – Tôi là Ratchett. 

Poirot cúi đầu chào, lôi hộp quẹt trong túi đưa cho Ratchett. 

– Có phải tôi đang được vinh hạnh nói chuyện với ông Hercule Poirot không ạ? 

– Thưa ông vâng, Chính tôi là Hercule Poirot đây. Trước khi nói tiếp, Ratchett đưa mắt dò xét Poirot. 

– Ở nước tôi, – Ratchett nói – người ta đi thẳng vào đề, thưa ông, tôi nhờ ông làm việc cho tôi. 

Poirot khẽ nhíu mày. 

– Thưa ông, hiện thời thì thân chủ của tôi rất giới hạn. Tôi chỉ giải quyết một số rất ít những vụ ấy thôi. 

– Tôi hiểu, thưa ông Poirot. Nhưng ông sẽ không mất, mà trái lại – Ratchett cố thuyết phục. 

Sau một lúc say nghĩ, Poirot hỏi: 

– Vậy thì, thưa ông Ratchett, ông cần gì ở tôi? 

– Ông Poirot ạ, tôi giàu, rất giàu, và như mọi người ở hoàn cảnh, tôi cũng có kẻ thù. Tôi có một… 

– Một thôi à? 

– Sao ông lại hỏi thế? 

– Thưa ông, theo như ông nói, thì trong trường hợp ông không phải chỉ có một kẻ thù. 

Câu hỏi của Poirot có vẻ làm cho Ratchett an tâm, ông vội vã nói tiếp. 

– Lẽ dĩ nhiên, tôi hiểu ý ông. Nhưng một kẻ thù hay nhiều kẻ thù, thì cũng thế thôi. Điều quan trọng là sự an toàn của tôi. 

– Sự an toàn của ông à? 

– Thưa ông, vâng! Cuộc sống của tôi đang bị đe dọa ông Poirot ạ! Tôi có thể tự chống chọi được. 

Nói rồi, Ratchett rút từ trong túi ra một khẩu súng lục. 

– Họ sẽ không làm gì tôi được. Tuy nhiên, không gì bằng đề phòng. Ông là người mà tôi cần. Như tôi đã nói, tôi sẽ trả công cho ông hậu hĩnh. 

Trong vài giây, Poirot hoàn toàn căm lặng. Ratchett không thể náo đoán được Poirot đang nghĩ gì… 

– Tôi rất tiếc thưa ông Ratchett, tôi không thể giúp ông được. 

Ngạc nhiên, Ratchett nhìn Poirot một lúc. 

– Ông hãy nói giá của ông đi! 

Poirot lắc đầu. 

– Hình như ông không hiểu. Tôi đã thành công trong nghề của tôi và tôi cũng dư giả để sống. Tôi chỉ nhúng tay vào những vụ mà tôi thấy… thích thú. 

– Tôi thật khỉ đấy, 20 ngàn dollars được không nào? 

– Tôi đã từ chối rồi thưa ông. 

– Nếu ông nghĩ rằng tôi sẽ nâng số tiền lên, thì ông nhầm đấy. Tôi biết giá trị của sự việc lắm. 

– Tôi cũng thế, thưa ông Ratchett. 

– Vậy thì, điều gì trong lời đề nghị của tôi đã làm ông phật ý. 

Poirot đứng lên. 

– Nếu thật tình ông muốn biết, thỉ tôi cũng xin cho ông biết là bộ mặt ông không làm tôi ưa thích, thưa ông Ratchett. 

Nói rồi Poirot bỏ đi.

——————————–

1De Balzac: Nhà văn nổi tiếng của Pháp về lối văn mô tả mọi tầng lớp xã hội Pháp.
27 mối tội của người Thiên chúa giáo.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.