Bản Du Ca Cuối Cùng Của Loài Người Không Còn Đất Sống

CHƯƠNG 13



Kern và Ruth tới Berne. Họ nhà ở trọ Immegrun tìm ra nhờ địa chỉ của Binder. Đây là loại nhà trọ có thể ở không cần khai báo trong hai hôm.
Đêm thứ nhì, có tiếng gõ cửa ở phòng Kern. Anh đã thay đồ và sửa soạn lên giường. Kern dừng sững, bất động… đợi chờ. Rồi không một tiếng động, anh nhón gót chạy tới cửa sổ. Không có lối thoát vì lầu quá cao. Anh từ từ quay lại và ra mở cửa.
Một thanh niên khoảng ba mươi tuổi đang đứng đó. Anh ta cao hơn Kern một cái đầu, mặt bầu bĩnh, mắt xanh ướt, tóc quăn màu vàng hoe ngã trắng. Anh ta xoay xoay cái nón cũ trên tay:
– Xin lỗi, tôi cũng là dân tị nạn…
Kern nhẹ người tưởng chừng như vừa mọc cánh. Thế là thoát nạn!
– Tên tôi là Binding. Richard Binding. Tôi định đi Zurich nhưng không còn một xu để ngủ trọ. Tôi không xin tiền mà chỉ xin ông cho tôi được ngủ nhờ một đêm trên sàn ván.
– Trên sàn ván nầy?
– Vâng. Tôi quen ngủ vậy rồi. Tôi không quấy rầy ông đâu. Luôn ba đêm, tôi chưa được ngủ. Ông cũng biết, ngủ trên ghế đá thì không tài nào mà nhắm mắt… Cảnh sát…
– Tôi hiểu, nhưng anh nhìn xem, phòng hẹp thế nầy làm gì có chỗ…
– Dạ, không sao. Tôi ngủ ngồi cũng khá lắm. Chỉ cần yên tĩnh, không lo sợ là ngủ được ngay. Trong góc kia là đủ rồi.
Kern suy nghĩ rồi bảo:
– Mỗi phòng mướn hai quan, tôi có thể giúp cho anh tiền.
Binding đưa tay ngăn lại:
– Không dám. Tôi không dám nhận tiền đâu. Những người ở trọ tại đây, ai cũng cần từng đồng xu. Vả lại, tôi có hỏi dưới kia, họ bảo không còn phòng trống.
– Biết đâu sẽ có phòng trống nếu anh có hai quan.
– Dạ không phải vậy. Người chủ bảo là ông ta chẳng tiếc gì với một kẻ đã từng bị nhốt trong trại tập trung đến hai năm, nhưng chính thật là không còn phòng trống.
– Sao? Anh ở trại tập trung hai năm?
– Vâng.
Binding kẹp nón giữa hai đầu gối rồi móc túi lấy một mảnh giấy nhầu nát trao cho Kern. Anh chưa hề thấy giấy phóng thích tù trại tập trung. Anh đọc tiêu đề, bản văn, tên Richard Binding đánh máy, rồi nhìn con dấu chữ Vạn.
Kern trả giấy lại cho Binding:
– Thôi, được. Anh cứ ngủ ở đây. Tôi sẽ sang ngủ nhờ phòng của một người bạn rộng hơn.
Binding nhìn sững Kern:
– Dạ như vậy không tiện đâu.
– Anh đừng lo. Cách giải quyết của tôi là ổn thỏa nhứt.
Kern với lấy áo choàng và đôi giày:
– Tôi mang mấy thứ nầy theo để sáng khỏi phải đánh thức anh quá sớm.
Binding ôm lấy hai bàn tay Kern lắp bắp:
– Trời ơi, ông là một thiên thần. Một cứu tinh.
Kern cười:
– Không phải vậy đâu. Giữa những kẻ khốn cùng phải biết giúp đỡ lẫn nhau. Chúc anh ngủ ngon.
Kern đứng lại một chút. Anh muốn xách vali theo vì trong túi ngang còn bốn chục quan. Nhưng vali đã được khóa và mấy tờ giấy bạc giấu quá kỹ, không đáng ngại. Kern hơi xấu hổ vì đã nghi ngờ một kẻ vừa thoát khỏi cảnh ngục tù tàn khốc.
Ruth cùng ở trên một lầu với Kern. Anh gõ cửa hai tiếng nhẹ, mật hiệu giữa hai người. Ruth mở cửa ngay. Nàng cuống quýt hỏi:
– Có chuyện gì, hả? Phải trốn ngay sao?
– Không. Anh cho một gã vừa ở trại tập trung ra mượn phòng để ngủ vì luôn mấy đêm rồi, anh ta không chợp mắt. Anh có thể ngủ trên ghế dài ở đây chớ?
Ruth mỉm cười:
– Chiếc ghế dài quá cũ và lung lay, bộ cái giường không đủ rộng cho hai đứa sao?
Kern ôm hôn Ruth:
– Lắm lúc anh hay hỏi những câu quái dị. Tất cả hãy còn quá mới đối với anh.
Phòng của Ruth rộng hơn phòng Kern. Ngoài chiếc ghế dài, đồ đạc trong phòng cũng như nhau nhưng Kern nhìn thấy nó có vẻ khác lạ hoàn toàn. Kern nghĩ “Phải chăng vì ở đây có sự hiện diện của những đôi giày nho nhỏ, chiếc áo blouse và cái váy nâu… Có một cái gì ấm cúng trong phòng, cái gì đó có lẽ là sự ngăn nắp… cái bóng của những người nội trợ”.
– Ruth, em có nghĩ nếu mình có muốn thành hôn với nhau cũng chẳng làm sao được không? Vấn đề giấy tờ… phiền phức thật!
– Em biết nhưng đối với em đó là vấn đề phụ. Em tự hỏi tại sao chúng mình phải cần tới hai phòng?
Kern cười:
– Có lẽ là tại tinh thần đạo đức của người Thụy Sĩ. Không khai báo thì được nhưng chưa là vợ chồng thì không.
Sáng hôm sau, Kern đợi đến mười giờ mới trở về phòng mình với hảo ý để cho Binding ngủ ngon.
Nhưng căn phòng hoàn toàn trống. Có lẽ Binding đã đi sớm. Kern mở vali ra. Anh ngạc nhiên vì vali không khóa. Anh nhớ rõ là đã khóa cẩn thận ngay từ chiều. Dường như các chai dầu thơm cũng không nằm theo thứ lớp. Anh lục trong túi ngang. Tất cả tiền Thụy Sĩ đều bay biến chỉ còn lại mười đồng tiền Aùo.
Kern vội vã lục lại tất cả đồ đạc, các túi quần áo. Bốn chục đồng quan thế là đã đi theo gã lưu manh. “Có thể như thế được sao”. Anh ngồi thừ người tự hỏi như thế mãi. Cuối cùng anh quyết định không nói để cho Ruth khỏi thêm buồn.
Soát lại danh sách của Binder cho, Kern ghi một số địa chỉ tại Berne. Xong xuôi, Kern thồn xà bông, dây giày, kẹp tóc và vài dầu thơm vào túi rồi xuống lầu.
Tới tầng dưới anh hỏi người chủ nhà trọ:
– Ông có biết người nào tên Richard Binding không?
Người chủ lắc đầu:
– Tôi muốn nói đến anh chàng mới tới đêm qua xin cho ngủ trọ một phòng trống.
– Đêm qua có ai hỏi gì đâu. Vả lại tôi đi tới nửa đêm mới về.
– Vậy à? Ở đây còn phòng nào trống không?
– Còn ba phòng. Cậu đợi người nào tới hả? Cậu có thể lấy phòng số bảy cùng một tầng.
– Cám ơn, có lẽ người tôi đợi sẽ không trở lại.
Buổi trưa, Kern đã kiếm được ba quan. Anh vào một quán ăn bình dân ăn một khúc bánh mì thịt nguội để rồi sẽ tiếp tục đi bán dạo buổi chiều.
Kern đứng ăn ngon lành ở quầy. Thình lình khúc bánh mì chừng như suýt vuột khỏi tay. Anh vừa thoáng thấy tên bất lương Binding ở một bàn trong góc.
Anh nuốt mau đoạn bánh mì còn lại rồi từ từ tới bàn hắn. Binding ngồi một mình, chống hai khuỷ tay lên mặt bàn, trước mặt là một dĩa sườn non có su đỏ và khoai tây. Hắn ăn hùng hục, bất cả mọi người chung quanh.
Lúc Kern đứng sát bên, hắn ngước mắt lên, và toét miệng cười:
– A, ông bạn, mạnh khoẻ không?
Kern nói rít qua kẽ rằng:
– Bốn chục quan của tôi đâu?
Bining cố nuốt trôi một miếng thịt quá lớn:
– Đáng tiếc, thật đáng tiếc.
– Trả số tiền còn lại cho tôi, thế là kể như xong.
Tên bất lương uống một ngụm bia và chùi miệng:
– Dầu sao thì cũng kể như xong rồi. Nếu không thì bạn định làm gì?
Kern sững sờ nhìn hắn. Trong cơn giận, anh đã không nghĩ tới chuyện chẳng làm gì được gã. Nếu anh tới Cảnh sát, người ta sẽ hỏi giấy tờ và chính anh sẽ bị bắt trước tiên rồi bị trục xuất.
Mắt Kern chiếu tia căm giận. Binding trề môi:
– Không nổi đâu. Tôi là một võ sĩ có hạng lại nặng hơn bạn tới hai mươi ký. Vả lại, nếu bạn làm rùm, Cảnh sát sẽ chiếu cố bạn ngay.
Giận quá, Kern toan làm liều nhưng anh nghĩ tới Ruth:
– Ít ra anh cũng phải trả lại hai chục quan. Tôi đang cần. Không phải cho tôi mà là cho một người khác vì tiền đó là của người ta.
Tên bất lương lắc đầu:
– Tôi cũng cần. Vả lại, bạn mua bài học cũng không mấy đắt: đừng nên tin cậy ai bao giờ.
– Giấy tờ của anh là giả phải không?
– Không đâu. Tôi có ở trại tập trung thật – hắn cười – bị kết tội trộm của một ông Quận trưởng.
Hắn thò tay toan lấy miếng sườn còn lại nhưng Kern nhanh hơn, sớt mất:
– Muốn làm gì cứ làm đi.
Tên bất lương cười:
– Tôi không được lẹ tay. Cũng không sao. Vừa đủ no. Nếu bạn cần cứ gọi thêm một dĩa su. Và nếu muốn uống bia, tôi bao cho.
Kern không đáp. Anh muốn đập vào đầu vào mặt hắn với bất cứ vật gì vớ được. Anh quay người lại, mang miếng sườn theo ra quầy xin giấy gói. Cô gái hầu bàn tò mò nhìn Kern. Không biết nghĩ sao, cô ta lấy hai trái dưa chuột ngâm chua đưa cho anh. Kern cám ơn. Anh vừa đi vừa nghĩ “đây là phần ăn của Ruth, mẹ kiếp, tới bốn chục quan”.
Tới cửa, anh quay đầu nhìn lại. Binding đang ngó theo. Kern nhổ xuống đất. Tên bất lương cười, đưa hai ngón tay lên.
Rời khỏi Berne, họ gặp mưa. Ruth và Kern không còn đủ tiền để đi xe lửa tới chặng kế tiếp. Kể ra thì họ cũng còn chút ít tiền tiết kiệm nhưng không muốn động tới trước khi vào đất Pháp. Một chiếc xe cho họ đi nhờ được năm mươi cây số. Họ lại tiếp tục đi bộ. Kern chỉ dám bán các món lặt vặt ở các làng hẻo lánh. Họ không thể ngủ đêm một nơi đến hai lần. Sáng sớm, họ lên đường và phải đợi tới tối, lúc các trụ sở Cảnh sát đóng cửa mới vào thị trấn. Danh sách các nhà từ tâm của Binding cho không đá động gì tới vùng nầy. Nơi đây toàn là thị trấn nhỏ. Tới gần Morat, cả hai ngủ trong một vựa lúa trống. Đêm đó, mưa như thác đổ. Mái vựa quá cũ nên khi giựt mình thức giấc, Kern và Ruth đã ướt ngoi. Họ cố làm cho đồ đạc khô lại nhưng không dám nhóm lửa. Cả hai phải mất một lúc lâu mới tìm ra được một chỗ trong góc không bị dột. Họ ngủ ôm chầm lấy nhau để khỏi bị cóng. Nhưng rồi họ lại thức giấc vì lạnh. Gần sáng, cả hai lại phải lên đường.
Kern vừa đi vừa khích lệ:
– Đi một chút là ấm người ngay. Khoảng một giờ nữa thế nào cũng gặp một quán cà phê.
Ruth nhìn trời:
– Phải chi có mặt trời sớm hơn, đồ đạc mình sẽ mau khô.
Nhưng trời vẫn lạnh dài, thỉnh thoảng chen vài cơn gió lốc. Mưa giăng mờ trên đồng lúa. Đây là ngày lập đông đầu tiên, mây xuống thấp. Buổi chiều lại mưa to. Ruth và Kern vào trú trong một giáo đường nho nhỏ. Từng đợt chớp lóe sáng qua các khung cửa kính màu làm hiện rõ những pho tượng Thánh cầm trong tay những châm ngôn hòa bình trên trời cao và trong lòng người.
Kern thấy Ruth rùng mình.
– Có lạnh lắm không?
– Không, thường thôi.
– Đứng lên. Mình đi qua đi lại dễ chịu hơn. Anh sợ em bị cảm lạnh.
– Không phải bị cảm đâu. Em mệt nên muốn ngồi.
– Quần áo ướt mà ngồi một chỗ thì nguy lắm. Nên nhớ là mình đang ngồi trên đá, còn lạnh hơn.
Ruth đứng lên. Kern dìu nàng đi tới đi lui giữa lòng giáo đường hoang vắng. Kern bảo:
– Còn chín cây số nữa là tới Morat. Chẳng biết có chỗ ở hay không.
– Em còn dư sức đi chín cây số.
Kern làu bàu một mình.
– Anh nói gì?
– Anh nguyền rủa một gã tên Binding.
Ruth nắm tay Kern:
– Đừng nghĩ tới nhiều. Có lẽ trời đã hết mưa.
Họ ra ngoài. Mưa vẫn chưa tạnh hẳn. Nhưng phía trên dãy núi đang có một cầu vồng lộng lẫy. Phía sau khu rừng, xuyên qua kẽ hở thấy được mặt trời. Ruth làm ra vẻ hăng hái:
– Đi anh. Trời tốt lắm rồi.
Tối đến, họ tới một trại chăn cừu. Người chăn, một nông dân thầm lặng, tuổi cao, đang ngồi trước cửa. Hai con chó nằm bên chân ông ta chạy ùa ra, sủa lớn. Ông ta lấy ống điếu ra khỏi miệng, huýt sáo gọi chúng nằm im. Kern nghiêng đầu chào:
– Chúng tôi đi lỡ đường gặp mưa nên ướt hết cả, xin ông vui lòng cho tạm trú lại đây một đêm.
Người chăn cừu nhìn Kern một lúc rồi bảo:
– Trên gác chỉ còn có chỗ chứa cỏ khô thôi.
– Dạ, được như vậy là tốt lắm rồi.
Ông lão nhìn Kern như dò xét:
– Cậu đưa hộp thuốc và hộp quẹt cho tôi, trên đó còn nhiều rơm lắm.
Ken trao cả cho ông ta.
– Ở trong có cái thang đi lên. Tôi sẽ khóa bên ngoài khi mấy người lên xong. Tôi phải trở về làng, sáng mai tới mở ra.
– Dạ, cám ơn.
Trên gác cỏ hãy còn có đôi chút ánh sáng và có vẻ ấm cúng. Một lát sau, người dân quê trở lại mang cho Ruth và Kern một ít nho, phô mai cừu và bánh mì đen.
– Tôi khóa cửa đây. Chúc ngủ ngon.
– Dạ, cám ơn nhiều.
Họ thay đồ ướt, đặt trên rơm, mặc quần áo khác vào và bắt đầu ăn. Cả hai đều đói.
– Hay quá, phải không em?
– Tuyệt trần.
Ruth vừa đáp vừa nép mình vào Kern.
Phía dưới, người chăn cừa đã khóa cửa. Vựa cỏ có một cửa sổ tròn. Trời bắt đầu trong ra, phản chiếu ánh sáng ở mặt hồ. Người dân quê chậm chạp băng qua các đồng cỏ với bước chân đều đặn của kẻ sống sát với thiên nhiên. Ngoài ông ta ra chẳng còn một ai.
Ông lão đi một mình qua những cánh đồng dường như gánh trọn cả bầu trời trên đôi vai tối ám.
Sáng hôm sau, ông lão chăn cừu tới mở cửa.
Kern đi xuống. Ruth vẫn còn ngủ. Mặt nàng đỏ ửng và hơi thở dồn dập. Kern giúp ông lão đem đàn cừu ra. Anh hỏi:
– Thưa, chúng tôi xin ở lại một ngày nữa. Tôi sẽ giúp tất cả những gì ông cần.
– Tôi không cần người làm phụ nhưng các người cứ ở.
– Dạ, cám ơn.
Kern hỏi xem có người Đức nào ở vùng nầy không. Ông lão cho biết có một vài người và chỉ chỗ của họ.
Buổi chiều Kern ra đi. Anh tìm gặp ngôi nhà đầu tiên không mấy không mấy khó. Đó là một biệt thự trắng toát nằm giữa một khu vườn nhỏ. Một thiếu phụ xinh đẹp ra mở cửa. Bà ta đưa Kern vào thay vì bắt đợi, Kern tự bảo “Một điềm lành”. Anh lễ phép:
– Tôi xin gặp ông hoặc bà Ammers.
– Cậu đợi một chút.
Một lúc sau, thiếu phụ trở ra, đưa Kern vào phòng khách toàn những bàn ghế bằng gỗ đào hoa tâm mới. Ken suýt trợt chân vì sàn gỗ bóng như gương.
Ông Ammers bước ra, người nhỏ thó, râu tỉa nhọn dưới càm. Ông ta lộ vẻ quan tâm tới Kern. Trong khi đó, Kern đã chuẩn bị sẵn hai mẩu chuyện có thể kể ra như có thật.
Ammers dịu dàng lắng nghe cho tới hết.
– Thế là cậu đi tịn nạn mà không có giấy thông hành và giấy cư trú? Cậu có xà bông và nước hoa để bán kiếm lời?
– Dạ.
– Được. Vợ tôi sẽ ra mua giúp cậu một ít.
Ammers đi ra. Vài phút sau bà Ammers vào. Bà ta không có nét gì đặc biệt và hơi buồn cười với da mặt sậm như nấu nhừ và cặp mắt lợt lạt vô hồn. Bằng một giọng óng chuốt, bà ta hỏi:
– Cậu bán gì đâu?
Kern bày mấy món hàng ra. Bà Ammers cầm từng món lên ngắm nghía như chưa bao giờ từng thấy. Bà ngửi xà bông, sờ vào lông bàn chải đánh răng và bắt đầu hỏi giá. Bà đi ra gọi người em gái vào.
Cả hai chị em giống nhau như khuôn. Chẳng biết Ammers đã áp dụng loại kỷ luật nào trong gia đình mà cô em cũng héo úa như bà chị. Thỉnh thoảng hai người lại liếc nhìn ra cửa. Kern nhận thấy dường như họ không đi tới được một quyết định nào nên sốt ruột gom đồ lại.
– Nếu quý bà còn cần suy nghĩ, sáng mai tôi sẽ trở lại.
Bà Ammers đột nhiên lộ vẻ sợ sệt:
– Mời cậu ở lại dùng một tách cà phê.
Lâu lắm rồi, Kern chưa uống cà phê. Anh dè dặt đáp:
– Thưa, nếu có sẵn…
– Mau lắm, chỉ một phút là có ngay.
Bà ta đi ra khá mau. Cô em còn ở lại. Kern nói cho có nói:
– Một tách cà phê lúc này là quý lắm.
Cô em vợ của Ammers phát ra một tiếng cười gần giống như tiếng gà cục tác và bỗng nhiên tiếng cục tác đó như nghẹn lại. Kern ngạc nhiên nhìn cô ta.
Bà Ammers quay vào với tách cà phê bốc khói:
– Cậu cứ tự nhiên, cà phê còn nóng lắm.
Nhưng Kern không kịp còn uống cà phê. Cửa mở ra và Ammers gọn gàng đi vào, theo sau là một Cảnh binh.
Ammers chỉ Kern:
– Thưa ông, xin ông làm phận sự. Đây là một gã không Tổ quốc, không giấy thông hành bị đuổi ra khỏi Đức quốc.
Kern như chết cứng.
Người Cảnh binh ngắm Kern từ đầu xuống chân:
– Thôi, đi chớ!
Kern có cảm tưởng tim ngừng đập, đầu óc trống không. Anh đã tiên liệu tất cả ngoại trừ trường hợp nầy. Chầm chậm và máy móc, anh thu gọn các món hàng cho vào túi. Anh đứng lên uể oải và cay đắng:
– Cà phê và lòng tốt hiếm có của các người… chỉ là để lưu giữ tôi lại…
Anh siết chặt hai nắm tay bước tới phía Ammers khiến lão ta lùi lại. Kern lắc đầu:
– Đừng sợ. Tôi không đụng tới người ông đâu. Tôi chỉ muốn nguyền rủa thôi. Tôi nguyền rủa ông, vợ và con ông. Rằng tất cả tai họa trên đời nầy sẽ giáng xuống đầu gia đình ông! Con cái ông sẽ chống lại và bỏ ông trong nghèo đói, khổ ải!
Ammers mặt tái xanh. Chòm râu dê rung động:
– Xin ông Cảnh binh bảo vệ tôi.
Người Cảnh binh lạnh như đồng:
– Y không chửi mắng mà. Y chỉ nguyền rủa thôi. Nếu y mắng ông là “quân điểm chỉ đê tiện” thì đó mới là mạ lỵ do tiếng đê tiện mà ra.
Ammers rên rỉ:
– Xin ông làm phận sự.
Người Cảnh binh vẫn lạnh lùng:
– Ông Ammers, ông đừng ra lệnh cho tôi. Xin để thượng cấp tôi làm việc đó. Ông tố cáo một người, tôi tới ngay, và cứ để mặc tôi làm việc – người Cảnh binh quay sang Kern – theo tôi.
Cửa biệt thự đóng sầm lại sau lưng người Cảnh binh và Kern. Có một cái gì khiến đầu óc anh không dám làm việc. Ruth… anh chỉ vừa nghĩ tới đó rồi thôi. Người Cảnh binh phá tan sự im lặng với giọng nói thật tự nhiên:
– Đôi khi những con cừu non tự dấn thân vào mồm chó sói. Ông bạn nhỏ không biết lão là ai sao? Mật viên Đức quốc xã đó! Lão đã tố cáo đủ mọi hạng người.
– Ghê vậy sao!
– Chớ sao! Người ta bảo đó là chuyện xui xẻo.
Kern lặng thinh một lúc. Lúc nói anh nghe giọng mình điếc câm:
– Tôi còn một người bệnh đang đợi mua thuốc về…
Người Cảnh binh nhìn trước ngó sau rồi nhún vai:
– Biết làm sao hơn. Vả lại chuyện đó không liện hệ gì tới tôi. Bổn phận của tôi là đưa ông bạn về bót – ông ta lại nhìn quanh. Con đường không một bóng người – tôi không bao giờ khuyên ông bạn nhỏ bỏ chạy. Tôi cho biết trước là chân tôi bị phong thấp, nếu ông bạn chạy tôi sẽ bắn chớ không đủ sức đuổi theo.
Người Cảnh binh ngưng nói, nhìn Kern và nói tiếp:
– Có thể là cậu sẽ chạy thoát khi tới một đoạn đường nào đó có nhiều ngõ ngách. Tới đó thì tôi không thể bắn được. Muốn chắc ăn, tôi phải còng cậu trước đã.
Linh tính báo cho Kern sắp có dịp may. Anh nhìn như dán mắt vào người Cảnh binh. Ông ta vẫn đi như chẳng có gì xảy ra.
– Ông bạn biết không, có những việc mà khi làm người ta không hài lòng một chút nào.
Kern cảm thấy tay mình toát mồ hôi:
– Thưa ông, người bạn tôi sẽ chết nếu tôi không về kịp. Xin ông tha tôi một lần. Chúng tôi định sang Pháp chớ có muốn ở lại Thụy Sĩ đâu.
Người Cảnh binh vẫn lạnh:
– Tôi không có thẩm quyền. Ông bạn chỉ có một cách là bỏ chạy đúng lúc – ông ta dừng bước – chẳng hạn như chạy vọt tới trước rồi quẹo trái. Vậy là tôi không thể bắn kịp. Hay là để tôi còng trước cho chắc.
Ông ta mò mẫm ở túi quần và thắt lưng:
– Uûa! Mình để cái còng đâu kìa?
Ông ta quay lưng về phía Kern, lục lại các túi.
Kern nói lớn:
– Cám ơn.
Và anh phóng chạy. Anh chạy như điên. Tới góc đường, anh vừa ngoảnh nhìn lại vừa tiếp tục chạy. Người Cảnh binh vẫn đứng chỗ cũ, tay chống nạnh, mắt nhìn theo Kern với cái cười mở rộng.
Một trong những đêm sau, Kern thức giấc giữa khuya. Anh nghe Ruth thở dồn và ngắn. Trán nàng nóng ướt mồ hôi. Kern lo quá. Giọng ngái ngủ và trẻ con, Ruth đòi uống nước. Kern đưa một ca nước, Ruth uống hết một hơi.
– Em nóng lắm hả?
– Nóng khủng khiếp. Cổ khô đắng. Chắc tại rơm.
– Hy vọng không phải bị cảm.
– Chắc không phải. Đau lúc nầy là hỏng cả. Chắc không phải cảm đâu.
Nàng dựa đầu vào vai Kern và ngủ thiếp lại.
Kern ngồi yên. Anh muốn có ánh sáng để xem Ruth ra sao. Anh nghĩ rằng nàng sốt nặng, nhưng không có đèn bấm. Anh nhìn đồng hồ. Vòng tròn với hai cây kim dạ quang đối với anh là một bộ máy địa ngục đang chậm chạp bò lên dốc thời gian. Đàn cừu bên dưới chen lấn nhau và thỉnh thoảng lại kêu lên buồn thảm.
Đêm đi lần về sáng. Ruth lại tỉnh giấc:
– Đưa nước cho em, Ludwig.
Kern đưa ca nước:
– Em bị sốt nặng lắm. Cứ nằm đây đợi anh trong vòng một tiếng đồng hồ. Anh ra phố mua một ít thuốc chống sốt…
Người chăn cừu tới trại. Kern thuật lại vụ Ruth sốt nặng. Người chăn cừu đăm chiêu:
– Nên đưa vào nhà thương. Đừng để nằm đây.
– Để chờ tới trưa xem sao.
Mặc dầu vẫn sợ gặp lại viên Cảnh binh hay một người nào đó trong nhà Ammers nhưng Kern cứ phải ra thị trấn, vào một hiệu thuốc mượn một ống nhiệt kế với tiền thế chân. Ngoài ra, anh còn mua một ống astospirine và gấp rút đi như bay trở về.
Ruth sốt tới 38 độ 5. Nàng uống hai viên thuốc. Kern trùm kín người yêu lại trong hai lớp áo. Tới trưa 39 độ.
Người chăn cừu gãi đầu:
– Phải đưa vào nhà thương mới được.
Giọng Ruth yếu ớt và khàn đặc:
– Tôi không đi nhà thương đâu. Tới mai là khoẻ lại.
– Khó lắm. Cô cần phải nằm trên giường chớ không phải nằm trên rơm.
– Được mà, rơm ấm lắm. Xin ông cứ cho tôi ở đây.
Người chăn cừu xuống gác. Kern đi theo. Ông ta hỏi:
– Tại sao cô ta không chịu đi nhà thương?
– Bởi vì vậy là chúng tôi sẽ xa nhau.
– Có gì đâu. Cậu cứ chờ ở đây.
– Dạ không phải vậy. Vào nhà thương là lòi ra ngay vụ không có giấy tờ. Sau đó, người ta sẽ áp giải ra biên giới, làm sao tôi biết được chỗ nào?
– Cậu có làm gì sai quấy không?
– Dạ không. Chúng tôi không có giấy thông hành vì xin chẳng ai cho, thế thôi.
– Tôi muốn hỏi là cậu có mắc một tội gì như trộm cướp, lường gạt hay một tội gì giống như vậy không?
– Hoàn toàn không.
– Vậy mà vẫn bị truy nã như một tội nhân?
– Dạ.
Người chăn cừu nhổ xuống đất:
– Hiểu hết nổi. Bọn ngu dốt như tôi không làm sao hiểu nổi.
– Nhưng tôi thì hiểu lắm.
– Cô bạn của cậu có thể bị sưng phổi, cậu có định gì chưa?
Kern hốt hoảng:
– Sưng phổi sao? Như vậy thì nguy quá.
– Tôi nói với cậu mà.
– Biết đâu không phải là cúm.
– Nóng nhiều như vậy phải là bác sĩ mới biết.
– Vậy tôi phải gọi bác sĩ tới.
– Tới đây?
– Hy vọng sẽ có người vui lòng. Tôi có địa chỉ người Do Thái.
Kern trở ra thị trấn. Anh tới quán mua hai điếu thuốc lá để coi nhờ quyển niên giám.
Anh tìm thấy địa chỉ của bác sĩ Rudolf Beer và vội vã tới nơi. Kern phải đợi mất một giờ. Trong khi chờ anh lật qua mấy tạp chí để đỡ sốt ruột. Anh hết sức ngạc nhiên khi biết có những trận đấu quần vợt, những buổi tiếp tân và những phụ nữ gần như khoả thân trên các bãi biển Florida trong khi anh ngồi đây bất lực trước cơn sốt nguy cập của người yêu.
Cuối cùng, bác sĩ ra. Ông ta còn trẻ. Chăm chú nghe Kern nói xong bác sĩ Beer cho một ít y cụ vào cặp rồi lấy nón:
– Tôi có xe ngoài kia. Mình đi như thế cho mau.
Kern nuốt nước miệng:
– Không thể đi bộ được sao, bác sĩ? Đi xe sẽ tốn kém thêm mà chúng tôi còn chẳng bao nhiêu tiền.
– Đừng ngại. Mình tính sau.
Tới nơi, Beer xem mạch cho Ruth ngay. Nàng lấm lét nhìn Kern, lo sợ bị đưa vào bịnh viện.
Bác sĩ Beer đứng lên:
– Cô nên vào bịnh viện. Phổi bên phải yếu. Bị cúm có thể đi tới sưng phổi. Tôi sẽ đưa đi.
– Không, tôi không vào bịnh viện đâu. Chúng tôi không có phương tiện.
– Khoan nói chuyện tiền bạc. Phải đi ngay mới kịp.
Ruth nhìn Kern cầu cứu. Kern bảo:
– Chờ anh một chút. Anh nói chuyện với bác sĩ.
Bác sĩ Beer sửa soạn đi:
– Nửa giờ tôi nữa tôi trở lại. có đồ gì đắp ấm không?
– Chúng tôi chỉ có bao nhiêu đây thôi.
– Được, để tôi mang tới.
Kern xuống gác với Beer. Anh hỏi:
– Có cần thiết không, bác sĩ?
– Cần lắm. Không thể nằm trên rơm. Tôi sẽ đưa cô ấy vào bịnh viện càng sớm càng tốt.
Kern buồn rầu:
– Trong trường hợp nầy tôi phải nói rõ hơn để bác sĩ thông cảm.
Beer chú ý nghe rồi nói:
– Nghĩa là anh sợ không thể tới thăm cô ấy?
– Nếu chỉ trong vài ngày thì không có gì đáng nói. Nhưng nếu bác sĩ cho phép, tôi sẽ hỏi thăm tin tức qua bác sĩ.
– Tôi hiểu rồi. Anh có thể tới tôi bất cứ lúc nào.
– Cám ơn bác sĩ. Tình trạng của bạn gái tôi có gì đáng ngại không?
– Rất đáng ngại nếu không vào bịnh viện.
Kern trở lên gác cỏ. Anh lo sợ quá. Khuôn mặt trắng dã với hai hố mắt đen ngòm nhìn anh:
– Ludwig, em biết anh sẽ nói gì.
Kern lờ đờ:
– Không còn cách gì hơn. Nhưng mình vẫn may mắn gặp được một bác sĩ quá tốt. Anh tin là em sẽ được chữa trị miễn phí.
Ruth nhìn thẳng phía trước mắt:
– Chắc sẽ được. Nhưng trong thời gian đó anh sẽ ở đâu? Làm sao mình gặp nhau? Anh tới bịnh viện, họ sẽ bắt anh…
Kern ngồi xuống, cầm lấy hai bàn tay nóng hổi của Ruth:
– Mình phải bình tĩnh. Anh đã nghĩ kỹ rồi. Anh sẽ ở lại đây. Ông lão chủ trại đã cho phép. Anh sẽ không tới bịnh viện ban ngày. Nhưng tới mỗi đêm, anh sẽ tới đó nhìn lên cửa sổ. Bác sĩ Beer sẽ cho anh biết em nằm phòng nào.
– Khoảng mấy giờ?
– Chín giờ.
– Tối quá, làm sao anh thấy được em?
– Nhưng ban ngày nguy hiểm lắm.
– Vậy anh đừng tới tốt hơn.
– Không, anh phải tới. Em chuẩn bị đi ngay.
Kern lau mặt cho Ruth với chiếc khăn tay thắm nước. Môi nàng khô cháy. Nàng áp mặt vào hai bàn tay Kern. Tự nhiên, anh thấy cần phải lo xa:
– Ruth, mình nên nghĩ tới trường hợp bất trắc. Nếu anh không còn ở đây lúc em đã lành bịnh hoặc nếu em bị trục xuất thì hãy khai thế nào để họ giải trở về biên giới Genève. Bưu điện trung ương. Nếu anh bị bắt, mình sẽ gởi địa chỉ cho bác sĩ Beer. Ông ấy sẽ giúp mình liên lạc với nhau. Ông ấy đã hứa rồi. Phải làm mọi cách đừng để thất lạc nhau.
– Dạ, em biết.
– Đừng lo sợ, Ruth. Anh chỉ hỏi dặn chừng thế thôi. Anh tin chắc em sẽ ra khỏi nhà thương không bị làm khó dễ. Chừng đó mình lại sẽ đi chung…
– Nhưng nếu cảnh sát biết?
– Họ sẽ đưa em ra biên giới. Anh sẽ đợi em. Sở Bưu Điện Trung Ương Genève.
Kern lấy một ít tiền còn lại trao cho Ruth:
– Em giữ tiền để đi đường. Đừng cho bịnh viện biết.
Bác sĩ Beer đã quay trở lại. kern đỡ Ruth đứng lên:
– Ruth! Can đảm lên! Sở Bưu Điện Trung Ương Genève trong trường hợp bất trắc. Mỗi đêm, khoảng chín giờ, anh tới phía dưới cửa sổ phòng em.
– Em sẽ ra bên cửa sổ.
– Không, em cứ nằm nghỉ. Không nghe lời, anh không tới đâu. Cười cho anh coi nào!
Bác sĩ Beer gọi vọng lên:
– Xong chưa?
Ruth với hai hàng nước mắt:
– Đừng quên em! Đừng bỏ em…
– Quên? Làm sao quên được? Em là tất cả của anh.
Kern hôn vào đôi môi khô cháy. Bác sĩ Beer thò đầu vào:
– Thôi, đi cho kịp.
Hai người khiêng Ruth ra xe. Kern hỏi Beer:
– Tối nay tôi có thể đến bác sĩ để hỏi thăm tin tức không?
– Được chớ. Muốn đến lúc nào cũng được.
Kern nhìn theo cho đến khi xe chạy khuất. Thân anh như bị chôn cứng một chỗ nhưng hồn anh như đang bị cuốn hút trong đám bụi mù sau xe.
Tám giờ, anh tới bác sĩ Beer, được biết là Ruth bị sốt nhiều hơn đôi chút nhưng chẳng có gì đáng ngại. Dường như chỉ là chứng sưng phổi nhẹ.
– Thưa, chừng bao lâu thì khỏi?
– Mười lăm hôm, cộng thêm một tuần tĩnh dưỡng.
– Dạ, còn tiền bạc? Chúng tôi chẳng có gì.
Beer cười:
– Tiền bịnh viện sẽ có một tổ chức từ thiện nào đó đóng góp.
Kern ngập ngừng:
– Nhưng… còn công của bác sĩ?
Beer lại cười:
– Hãy giữ mấy đồng quan của anh trong túi. Tôi chưa cần tiền. Mai trở lại để biết thêm.
Ông ta đứng lên. Kern hỏi mau:
– Thưa, nàng nằm phòng nào? Lầu mấy?
Beer đặt một ngón tay lên sóng mũi:
– Để coi… phòng 35, lầu hai.
– Dạ, cửa sổ thứ mấy?
Beer nheo mắt:
– Dường như cửa sổ thứ hai bắt đầu từ bên phải. Nhưng bây giờ có tới cũng vô ích. Cô ấy ngủ rồi.
– Dạ, tôi không nghĩ là sẽ tới.
Beer cười:
– Biết đâu…
Kern hỏi đường tới bịnh viện. Anh tới nơi lúc chín giờ kém mười lăm. Cửa sổ thứ nhì bên phải qua không có ánh đèn. Anh đứng đợi. Mười lăm phút kéo dài… Thình lình ánh đèn từ đó hắt ra. Kern bồn chồn nhìn dán mắt vào khung ánh sáng. Anh đã từng nghe nói tới thần giao cách cảm, bây giờ anh cố tập trung tinh thần để chuyển tới Ruth những ý nghĩ cầu chúc nàng mau lành bịnh. Anh nắm tay, gồng cứng các bắp thịt, nhón chân lên như sắp nhảy, đồng thời nói thì thầm về phía khung cửa sổ thứ hai: “Hãy bình phục, Ruth! Bình phục ngay! Anh yêu em!
Vuông cửa bỗng hơi tối lại. Kern nhìn thấy xuất hiện một bóng người. Ruth đưa tay ra hiệu. Kern vẫy tay trả lời nhưng cũng ngay lúc đó anh nhận ra là Ruth không thể thấy mình. Cuống quít, anh nhìn quanh tìm một nơi nào đó có khe ánh sáng hoặc một ngọn đèn đường để tới đứng. Chẳng có gì cả. Đột nhiên, anh sực nhớ mình còn một bao diêm cùng hai điếu thuốc mới mua buổi sáng. Anh đánh cháy một que diêm và đưa lên cao.
Cái bóng trên lầu nhà thương lại đưa tay ra hiệu. Kern quẹt tiếp nhiều diêm nữa để soi mặt mình cho rõ. Ruth vẫy tay cuồng nhiệt. Kern ra dấu bảo nàng đi nghỉ. Ruth lắc đầu. Kern lại soi mặt mình để tỏ ý cương quyết nhưng Ruth vẫn không nghe. Anh nghĩ là chỉ khi nào mình đi khỏi thì Ruth mới chịu quay về giường. Đi được vài bước, Kern quẹt tất cả những diêm còn lại, tung cả lên không. Các que diêm rơi xuống, lửa cháy chập chờn rồi tắt lịm.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.