Bản Du Ca Cuối Cùng Của Loài Người Không Còn Đất Sống

CHƯƠNG 15



Đúng mười lăm hôm, Kern lại được dẫn ra Tòa án địa phương. Con người to béo với khuôn mặt phúc hậu nói với anh:
– Rất tiếc là tôi phải báo cho anh một tin buồn.
Kern giựt mình. Có lẽ họ kêu án bốn tuần. Cũng không sao nếu trong thời gian đó bác sĩ Beer còn giữ được Ruth ở bệnh viện.
– Bản thỉnh cầu gửi đến cấp trên đã bị bác bỏ. Anh đã ở quá lâu tại Thụy Sĩ. Ngoài ra còn vụ tháo chạy hôm bị bắt lần đầu tiên. Anh bị kêu án mười lăm ngày tù.
– Dạ, thêm mười lăm ngày nữa?
– Tất cả mười lăm ngày kể cả thời gian tạm giam.
Kern thở phào nhẹ người:
– Như vậy là tôi được thả hôm nay?
– Phải. Nhưng có điều đáng buồn là anh bị kết án tù.
– Không sao. Tôi sẽ quen đi.
– Tôi chỉ mong lý lịch tư pháp của anh được trắng nhưng không có thẩm quyền.
– Chừng nào thì bị trục xuất?
– Hôm nay, qua Bâle.
– Qua Bâle? Ở Đức?
Kern nhìn vội chung quanh. Anh muốn phóng mình qua cửa sổ và chạy trốn. Cửa sổ đang mở rộng và căn phòng ông Chánh án nằm ngay tầng dưới. Bên ngoài, nắng chói chang. Bên ngoài, những cành táo đang lay động, phía sau đó là một bờ rào thấp có thể dễ dàng nhảy qua…
Ông Chánh án lắc đầu:
– Anh sẽ bị đưa qua Pháp chớ không phải Đức. Bâle vừa là biên giới Đức vừa là biên giới Pháp của chúng tôi.
– Tôi có thể xin được giải trả về Genève phải không?
– Phải. Bâle là nơi gần nhứt. Đó là chỉ thị của cấp trên.
Kern lo ngại:
– Có chắc là người ta sẽ đưa tới biên giới Pháp không?
– Không thể sai chạy.
– Có khi nào những người bị bắt không giấy tờ bị gởi trả về Đức?
– Theo tôi biết thì không. Thỉnh thoảng có một vài vụ nhưng chỉ xảy ra ở các thị trấn biên giới.
– Như vậy, nếu một phụ nữ bị bắt chắc không bao giờ bị giải trả về Đức?
– Không bao giờ. Anh muốn biết để làm gì?
– Thưa, cũng chẳng có gì đặc biệt. Thỉnh thoảng tôi có gặp một vài phụ nữ trên đường, chẳng có giấy tờ gì cả. Chẳng biết họ sẽ ra sao.
Ông Chánh án đưa cho Kern xem một mảnh giấy:
– Đây, lịnh trục xuất. Anh đã tin là sẽ được giải qua đất Pháp rồi chớ?
Kern liếc mắt qua:
– Vâng.
– Hai giờ nữa sẽ có chuyến xe.
– Nhứt định là tôi sẽ không có quyền đi Genève.
– Nhứt định. Giá vé đã đắt mà những người tị nạn lại tới dồn dập nên ngân quỹ thiệt hại không phải ít.
– Đặt trường hợp là tôi chịu bỏ tiền vé xe?
– Có thể. Anh muốn thế à?
– Thưa không. Tôi chỉ hỏi thế thôi chứ không đủ tiền.
– Nói cho anh biết, đáng lý ra anh phải trả tiền xe đi tới Bâle nhưng tôi đã gạt vấn đề đó ra – ông ta đứng lên – rán giữ sức khỏe. Chúc anh được an toàn ở Pháp. Và cầu mong tình thế sẽ thay đổi.
– Cám ơn ông Chánh án. Chúng tôi chỉ còn hy vọng duy nhứt đó thôi, nếu không chắc là đã tự vận từ lâu.
Kern chẳng còn cách nào để liên lạc với Ruth. Đêm qua, Beer có tới thăm và cho biết Ruth còn phải nằm bệnh viện tám ngày nữa. Anh quyết định sẽ viết cho Ruth ngay khi tới biên giới Pháp. Anh đã biết điều cần yếu: Ruth sẽ không bị đuổi trở lại Đức nếu có đủ tiền trả chuyến đi tới Genève.
Đúng hai giờ sau, một nhân viên an ninh mặc thường phục tới và dẫn anh ra nhà ga. Đêm qua, Beer có mang tới cho anh chiếc vali còn để lại ở vựa chứa rơm của ông lão chăn cừu.
Hai người đi qua một quán nhỏ. Có hai người gần cửa sổ vừa hát vừa khiêu vũ, tay người nầy đặt lên vai người kia.
Viên chức Cảnh sát dừng lại. một trong hai người đang hát nhìn ra, hỏi:
– Đi đâu mất vậy Max? anh em chờ quá.
Người áp giải Kern đáp:
– Đang làm phận sự.
Anh chàng có giọng kim nhìn Kern:
– Xui quá vậy! Vậy là ban hòa ca bốn giọng của mình đêm nay kể như hỏng.
– Không sao, tôi sẽ quay lại trong hai mươi phút.
Kern và viên chức Cảnh sát mặc thường phục tiếp tục đi. Kern hỏi:
– Ông không cùng đi với tôi đến biên giới?
– Không. Chúng tôi áp dụng một phương sách mới.
Tới nhà ga, viên Cảnh sát trao Kern cho người trưởng ga kèm theo lịnh trục xuất:
– Đây, tôi hết phận sự rồi – ông ta bỗng trở nên lịch sự khi nói với Kern – chúc cậu thượng lộ bình an.
Người trưởng xa dẫn Kern tới một toa nhỏ ngay trước buồng thắng máy và bảo:
– Lên đây đi.
Toa xe nhỏ hẹp chỉ có một cái ghế gỗ. Kern đẩy vali vào gầm ghế. Người trưởng xa khóa cửa bên ngoài.
– Tới Bâle, sẽ có người mở cửa.
Vài phút sau, đoàn tàu chuyển bánh.
Kern nhìn ra bên ngoài. Trời tối với từng cơn gió mạnh tạo thành một không khí âm u, xa lạ. Tự nhiên, Kern nghe chán nản tận cùng.
Tại Bâle, một Cảnh sát viên dẫn Kern ra trạm quan thuế. Kern được cho ăn uống vừa đủ no. Một nhân viên quan thuế theo Kern trên chuyến xe điện tới Burgfelden. Họ đi trong bóng tối, vượt qua một nghĩa trang Do Thái. Họ tới một lò gạch rồi từ đó tiến ra đường cái. Được một quãng, nhân viên áp giải dừng lại:
– Từ chỗ nầy, cứ đi thẳng tới là qua bên kia.
Kern tiếp tục đi. Anh biết lờ mờ rằng mình đang đi về hướng Saint-Louis. Anh không lẩn tránh vì biết rằng có bị bắt cũng vậy thôi.
Kern đi lộn đường nên mãi tới sáng, anh mới đến được Saint-Louis. Anh tới trình ngay tại một trạm Cảnh sát Pháp và khai là vừa từ Bâle qua. Làm như vậy anh chỉ bị đuổi trở lại thôi chớ không thể bị tù.
Cảnh sát giữ anh lại suốt ngày. Tới tối họ giải anh ra đồn quan thuế để đi ngược trở lại Bâle.
Sáng sớm hôm sau, Kern đã có mặt tại Bâle. Anh thay đổi chiến thuật, không tới sở Cảnh sát ngay buổi sáng. Anh biết là có thể lẩn tránh dễ dàng vào ban ngày ở đây nếu có ý định chỉ đi khai báo vào buổi tối. Anh còn giữ danh sách các địa chỉ của Binder cho, trong đó có một vài nơi được ghi chú thuộc về thị trấn nầy.
Kern bắt đầu đến các mục sư. Những người tu hành nầy ít khi tố giác ai. Người đầu tiên từ chối, người thứ nhì cho anh một khúc bánh mì thịt nguội và người thứ ba năm quan. Đi một vòng tới trưa, Kern đã kiếm được tất cả mười bảy quan.
Tới chiều, nhờ bán thêm một ít món lặt vặt mang theo Kern đã có tất cả hai mươi tám quan. Anh ghé qua một giáo đường mở cửa. Đây là nơi an toàn nhứt để nghỉ ngơi. Luôn hai đêm rồi Kern không hề chợp mắt.
Giáo đường âm u và trống vắng, còn phảng phất mùi nế, mùi trầm, Kern ngồi ở một ghế dài, viết về cho bác sĩ Beer. Anh cho thơ và tiền vào bao, dán lại, bỏ vào túi. Tới lúc đó, Kern mới nghe mệt lả. Chậm chạp, anh quỳ xuống, gục đầu vào nơi khấn nguyện. Anh chỉ muốn dưỡng thần đôi ba phút nhưng lại ngủ thiếp đi.
Lúc thức dậy, Kern hoàn toàn không biết mình ở đâu. Anh nheo mắt lại khi nhìn vào ánh lửa đỏ hồng trong lư hương và từ từ nhớ ra. Cho tới khi nghe tiếng bước chân, Kern mới hoàn toàn tỉnh trí.
Một linh mục mặc áo dòng đen từ từ bước tới. Ông dừng lại và nhìn Kern. Dè dặt, Kern chấp tay lại. Vị linh mục từ tốn nói:
– Tôi không có ý định quấy rầy cậu.
– Thưa, tôi cũng đang định đi ra.
– Tôi đã chứng kiến cậu quỳ cầu nguyện suốt hai tiếng đồng hồ chẳng biết có chuyện gì hệ trọng không?
Kern đâm ra bối rối:
– Dạ, dạ…
Vị linh mục nhìn chiếc vali của Kern:
– Cậu không phải là người ở đây.
– Thưa không. Tôi là di dân. Đêm nay, tôi lại phải đi qua biên giới lần nữa. Trong vali tôi chỉ có vài món đồ để bán.
Không hiểu sao, Kern tự nhiên nghĩ tới chuyện bán cho nhà tu nầy, chai dầu thơm cuối cùng còn lại ngay trong nhà thờ. Thật là khó hiểu, nhưng anh đã quá quen với nhiều chuyện còn khó hiểu hơn. Anh nói tiếp:
– Tôi còn một chai nước hoa rất tốt nhưng rất rẻ. Tôi đang định bán đi.
Anh cúi xuống toan mở vali ra.
Vị linh mục ngăn lại:
– Tôi tin lời cậu. Mình đừng bắt chước những nhân viên thuế vụ thời cổ La Mã. Tôi rất sung sướng thấy cậu đã cầu nguyện hàng giờ. Vào kho đồ thánh với tôi. Giáo hội đang có sẵn một quỹ cứu trợ cho những tín đồ cần tới.
Kern vừa nhận được mười quan. Anh hơi xấu hổ nhưng chưa đầy mấy phút lại quên ngay. Khoản tiền nầy tượng trưng một đoạn đường xe lửa trên đất Pháp, cho anh và Ruth.
Kern quay vào giáo đường và lần nầy cầu nguyện chí tình. Anh không biết phải gởi lời cầu nguyện của mình tới tận đâu vì chính anh là người của đạo Tin lành và cha anh là Do Thái trong khi anh đang quỳ trong lòng một giáo đường Thiên Chúa. Dầu vậy, Kern vẫn tin rằng lời khấn cầu của anh tự nó sẽ tìm ra một con đường để đi tới.
Đến tối, Kern đi chuyến xe Genève. Bỗng nhiên, anh nghĩ tới việc Ruth có thể ra khỏi nhà thương sớm hơn dự liệu. Kern tới Genève buổi sáng gởi vali tại nhà ga rồi đến Cảnh sát khai là vừa bị đuổi từ nước Pháp qua. Nhờ có giấy trục xuất khỏi Thụy Sĩ qua ngã Bâle, Kern không bị nghi ngờ gì cả. Tối đến, anh bị giải tới Cologny để ra biên giới.
Kern tới trình diện tại đồn quan thuế Pháp. Một nhân viên quan thuế vừa ngáp vừa bảo Kern:
– Vào đi. Trong đó đang có một người. Khoảng bốn giờ sáng lên đường.
Kern vừa vào tới bên trong đã sửng sốt kêu lên:
– Vogt! Sao lại có mặt ở đây?
Vogt nhún vai:
– Tôi lại phạm biên giới Thụy Sĩ một lần nữa.
– Có phải từ ngày ông bị bắt đưa ra nhà ga Lucerne không?
– Đúng. Kể từ ngày đó.
Vogt trông gấy ốm hơn nhiều. Da xám sậm. Ông ta buồn thảm tâm sự.
– Toàn là chuyện xui. Tới việc muốn được ở tù mà cũng không ai cho. Mùa nầy, đêm bắt đầu quá lạnh… hết chịu nổi.
Kern ngồi xuống:
– Còn tôi thì bị ở tù. Tôi sung sướng khi được trả tự do. Đời toàn là những chuyện trái ngược.
Một Cảnh binh mang tới cho họ một ít bánh mì và rượu chát. Aên xong, cả hai lăn ra ngủ. Bốn giờ sáng họ bị đánh thức và được dẫn trở lại biên giới Thụy Sĩ.
Vogt rùng mình. Kern cởi áo ấm ra:
– Mặc vào đi. Tôi không lạnh.
– Không lạnh thật hả?
– Không.
– Có lẽ vì cậu còn trẻ. Ông ta trồng áo ấm của Kern vào – xin mượn tạm vài giờ… tới lúc mặt trời lên.
Trước khi tới Genève, họ chia tay. Kern nói với Vogt:
– Ông cứ giữ cái áo ấm để mặc.
– Đâu được. Aùo đáng giá lắm mà.
– Tôi còn một cái nữa. Của một giáo sĩ cho khi tôi bị tù ở Vienne.
– Thật thế à?
– Thật chớ. Aùo xanh cóviền đỏ. Ông tin rồi chớ?
Vogt cười, lấy trong túi ra một quyển sách đưa cho Kern:
– Tập thơ của thi sĩ Holderlin.
Kern tiến vào Genève. Anh ngủ hai tiếng đồng hồ trong một nhà thờ. Tới trưa, anh ra sở Bưu điện Trung ương. Kern biết rõ là Ruth là chưa tới được nhưng anh vẫn chờ tới hai giờ chiều. Kế đó anh duyệt lại danh sách các địa chỉ của Binder cho. Kern lại gặp vận hên. Tới tối anh kiếm được mười bảy quan. Chẳng còn gì để làm, anh tới Cảnh sát trình diện.
Đêm thứ bảy, sinh hoạt náo nhiệt hơn kể cả cuộc sống của những người tị nạn. Mười một giờ đêm, người ta đưa vào hai người say khướt. Họ mửa đầy cả phòng quan thuế, rồi cùng lè nhè hát. Một giờ khuya đã có tất cả năm người. Đúng hai giờ, người ta đưa Vogt vào. Ông ta thiểu não lắc đầu:
– Quỉ quái thật! Chúng mình lại gặp nhau.
Khoảng một tiếng đồng hồ sau họ bị áp giải đi. Đêm lạnh buốt. Sao lấp lánh từ trên nền trời thật cao. Trăng sáng như kim khí bị nung chảy trong lò.
Người Cảnh binh dừng lại:
– Các người rẽ sang phải rồi tiếp tục…
Kern ngắt lời:
– Tôi biết rồi.
Họ lại tiếp tục đi và vượt qua vùng không người chia cắt giữa hai biên giới.
Trái ngược điều dự đoán, người ta không gởi trả họ lại ngay đêm đó mà đưa họ tới cục Cảnh sát để lấy lời khai. Họ được cho ăn uống, và đêm sau lại trở ra biên giới.
Qua khỏi biên giới, Vogt và Kern nằm nghỉ trên một đống rơm. Họ thức dậy lúc mặt trời vừa lên. Nơi họ ngủ đêm là một triền đồi, nhìn xuống là một cái hồ. Mặt hồ lung linh nắng sớm. Vogt im lặng nhìn làn sương mỏng tan dần, ông ta ngắm nghía ngọn Bạch sơn nhô ra khỏi các tảng mây rách nát và bắt đầu chiếu sáng trông như thành quách kiên cố của nước Trời.
Chín giờ Vogt và Kern bắt đầu đi.
Tới Genève họ đi dọc theo bờ hồ. Bỗng nhiên Vogt dừng lại:
– Coi kìa!
– Cái gì đâu?
Vogt chỉ tay về phía một dinh thự nằm giữa một khu vườn mênh mông. Tòa nhà nguy nga đồ sộ đó đang tắm dưới ánh nắng. Khu vườn hùng vĩ đó không ngớt rì rào tiếng lá khua và lá rụng. Trước sân, những dãy xe bóng loáng đậu bên nhau. Từng toán người ra vào, mắt sáng rỡ với hân hoan.
– Cậu có biết cái gì đó không?
Kern lắc đầu.
– Đó là trụ sở Hội Quốc Liên.
Giọng ông ta vừa ngẹn ngào vừa khinh mạn khiến Kern hơi ngạc nhiên. Ông ra tiếp tục nói với giọng đều đều:
– Chính ở đó, người ta đã thảo luận hàng mấy năm dài về số phận của bọn mình và để quyết định có nên cấp hay không thẻ căn cước cho dân tị nạn hầu họ có thể trở lại vai trò của một con người.
Một chiếc Cadillac mui trần êm ả chạy ra cổng. Trên xe toàn là những thanh niên thiếu nữ sang trọng vừa cười nói vừa vẫy tay ra hiệu cho chiếc xe thứ hai ra bờ hồ dùng điểm tâm.
– Cậu có biết tại sao lại lâu đến thế không?
– Biết.
– Vậy là tuyệt vọng rồi, phải không?
Kern nhún vai:
– Họ thấy không có gì là khẩn cấp, mình chịu vậy.
Người gác cổng quan sát Kern và Vogt với vẻ nghi ngờ:
– Mấy người kiếm ai?
Kern lắc đầu.
– Vậy đứng đây làm gì?
Vogt nhìn Kern. Một chút kiêu ngạo thoáng hiện trong ánh mắt ông ta:
– Có làm gì đâu. Chúng tôi là những nhà du lịch, muốn đi dạo khắp cả trái đất này.
Gã gác cửa làm nghiêm:
– Vậy xin mời các ông đi chỗ khác.
Vogt suýt phì cười:
– Cũng được.
Trên đường Bạch sơn, họ dán mắt vào các cửa kính bày hàng. Vogt bỗng dừng lại trước một tiệm vàng:
– Mình chia tay là vừa.
– Lần nầy ông định đi đâu?
– Không xa lắm. Ngay tại tiệm nầy thôi.
Kern hơi lấy làm lạ. Anh nhìn lại những viên bích ngọc, hồng thạch, kim cương đang nằm chói lọi trên tấm thảm nhung màu xám bên trong cửa kính.
– Chắc chẳng ăn nhằm gì đâu. Mấy ông chủ tiệm loại nầy đã quen sống với loài đá cứng nên họ không dễ gì cảm động đâu.
– Tôi không xin họ. Tôi sẽ đánh cắp một món nào đó.
Kern đâm hoảng:
– Sao? Ông nói đùa hả? Không thoát được đâu.
– Tôi có muốn thoát đâu. Chính vì vậy mà tôi có ý định đó.
– Tôi không hiểu gì cả.
– Cậu sẽ hiểu. Tôi đã nghĩ kỹ rồi. Đó là con đường duy nhứt để tôi có thể sống qua mùa đông. Ít lắm cũng hưởng được mấy tháng tù. Sức khỏe tôi kém lắm rồi. Thêm vài tuần đi qua đi lại biên giới nữa là tôi sẽ ngã gục.
– Nhưng…
Vogt cắt ngang:
– Tôi biết cậu muốn nói gì rồi… Không chịu nổi nữa đâu… Vĩnh biệt.
Kern tự biết không thể ngăn cản được. Anh siết chặt bàn tay mỏng mảnh của Vogt:
– Chúc ông sớm có đầy đủ sức khỏe.
– Hy vọng như thế. Nhà tù ở đây khá lắm.
Vogt đợi Kern đi khá xa mới bước vào trong tiệm. Kern dừng lại ở góc đường, liếc mắt về phía tiệm vàng với dáng vẻ của người chờ xe điện. Vài phút sau, anh thấy từ trong tiệm một thanh niên chạy vụt ra rồi trở lại với một Cảnh sát viên. Kern tiếp tục đi… “Cầu mong ông ta tìm ra nơi yên nghỉ”.
Kern đi chậm chạp về phía Sở Bưu điện Trung ương. Anh cảm thấy mệt mỏi lạ lùng vì những đêm sau nầy chẳng ngủ được bao nhiêu. Đáng lý Ruth phải có mặt ở đây từ ba ngày qua. Anh không hề được một tin tức gì cả nên tưởng tượng hàng ngàn lý do về sự im lặng đó. Bây giờ, tự nhiên anh cảm thấy là Ruth không bao giờ tới nữa…
Tiếng động trên đường thấm nhập vào Kern mang theo cả sự chán chường. Anh bước đi, tưởng chừng như chân chỉ là cái máy, cứ nhấc lên đặt xuống đều đều, ngoài ý thức.
Một cái gì như màu xanh… màu xanh của một chiếc áo choàng hiện ra. Kern dừng sững lại. Biết đâu đó chỉ là một cái áo choàng màu xanh nào đó, một trong hàng trăm cái áo màu xanh đã khiến anh gần phát điên từ một tuần qua.
Kern nhìn ra chỗ khác nhưng rồi vẫn quay mặt lại chỗ có màu xanh. Một người đàn bà to béo đi qua che khuất tầm mắt khiến Kern sốt ruột. Cái áo choàng màu xanh nhảy múa trước mặt, Kern dè dặt tiến tới như một người đu dây. Thình lình, anh thấy có một cái gì quen thuộc, quen thuộc lắm trước khi nhìn ra sắc diện. Anh chạy ào tới:
– Ruth! Em đã tới! Vậy mà anh…
Kern ôm chầm người yêu và nghe thấy nàng đang siết chặt mình. Họ ôm cứng lấy nhau như hai người đang đứng trên đỉnh núi đang gặp một trận cuồng phong, phải bấu víu vào nhau để khỏi bị cuốn lôi vào vực thẳm. Họ ôm nhau ngay trước cổng sở Bưu điện Genève giữa giờ tấp nập nhứt trong ngày. Nhiều người đi qua, chen lấn họ, có kẻ nhìn ngoái lại mỉm cười với đôi chút ngạc nhiên. Họ không thấy ai cả, tưởng chỉ có mình thôi. Mãi tới khi một nhân viên mặc sắc phục hiện ra. Kern mới bừng tỉnh. Anh buông Ruth ra, bảo nhỏ:
– Vào ngay trong sở kẻo rắc rối.
Họ đi lẫn vào đám đông và tới đứng xếp hàng đợi ở chỗ bán tem.
– Người ta đưa em tới thẳng đây hay giải ra Bâle?
– Không. Ở Morat, họ cho em giấy lưu trú ở Thụy Sĩ ba ngày. Em mua vé xe tới đây ngay.
– Hay quá! Vậy là không đáng sợ. Em gầy và hơi xanh.
– Nhưng em sẽ bình phục mau. Em có xấu đi không?
– Xấu thế nào được. Em đẹp thêm ra. Cứ mỗi lần gặp lại là mỗi lần em đẹp hơn. Em đói chưa?
Ruth cười:
– Đói chớ. Đói tất cả, đói được gặp anh, đói được đi dạo trên đường phố, đói không khí và chuyện trò.
– Mình nên đi điểm tâm ngay. Anh vừa tìm ra một quán ăn có cá tươi bắt từ dưới hồ lên. Cũng như ở Lucerne – Kern cười thật tươi – Thụy Sĩ có nhiều hồ quá. Hành lý em để đâu?
– Gửi ở nhà ga. Bây giờ em có nhiều kinh nghiệm lắm.
– Giỏi lắm. Aø này, anh đã mua vé xe lửa đi Pháp hôm kia. Anh biết rõ cả đường đi nước bước trước giờ ra ga, mình sẽ ở trong một quán cóc hoàn toàn an ninh.
– Anh mua vé rồi hả? Tiền đâu? Anh gởi cho em quá nhiều mà.
– Trong cơn tuyệt vọng, anh làm tiền gần hết các nhà tu sĩ Thụy Sĩ. Anh quậy nát Bâle và Genève như một kẻ cướp. Bây giờ, ít lắm cũng phải sáu tháng nữa mới dám chường mặt những nơi đó.
Ruth cười:
– Em cũng có một ít tiền. Bác sĩ Beer trao cho em. Đó là tiền của một ủy ban cứu trợ dân tị nạn.
Kern nắm chặt bàn tay của Ruth:
– Em đã mướn phòng chưa?
– Em vừa xuống xe là đi thẳng tới đây.
Kern ngập ngừng giây lát:
– Em biết không, mấy lúc sau nầy anh trở thành một loại sống đêm. Anh không muốn mạo hiểm. Vì vậy anh thích chọn các cơ sở của Nhà nước. Không, không phải nhà tù đâu. Anh muốn nói mấy đồn quan thuế biên giới. Ở đó, ngủ ngon lắm, lại ấm cúng. Tất cả các trạm quan thuế đều được sưởi ấm rtong mùa lạnh. Nhưng còn em thì khác. Phải sống thật sang như bà hoàng. Anh sẽ lấy một phòng ở khách sạn Bellevue. Các đại biểu của Hội Quốc Liên, các bộ trưởng và những nhân vật cùng loại vô dụng đều ở đó.
– Không được. Em nhứt định ở bên anh. Nếu anh ngại có gì nguy hiểm thì mình đi ngay đêm nay.
– Cái gì vậy?
Người bán tem làm Kern và Ruth giựt mình. Họ đã tới sát quầy mà không hay. Kern trả lời thật mau:
– Cho con tem mười xu.
Kern trả tiền. Hai người đi trở ra. Ruth hỏi:
– Anh định làm gì với con tem đó?
– Biết đâu, anh chỉ phản ứng tự nhiên khi thấy một bộ sắc phục.
Kern nhìn con tem có in hình quỉ dữ bị rơi xuống chân núi Saint-Gothard, chợt có ý:
– Hay là sẽ viết thơ nặc danh lăng mạ lão Ammers.
Ruth chợt nhớ ra:
– Ammers… Anh biết ông ta đang điều trị tại bác sĩ Beer không?
– Sao? Thật không? Bị đau gan phải không? Nếu phải thì kỳ lạ quá.
Ruth cười vặn người, mềm mại như dây bìm:
– Đúng vậy. Ông ta đau gan. Do đó phải tới Beer vì Beer là bác sĩ chuyên trị gan duy nhứt ở Morat.
– Chúa ơi! Quả là một ngày trọng đại của con. Có lần Steiner bảo, tình yêu và sự phục hận cùng đến một lúc là một trong những biến cố kỳ lạ nhứt có thể xảy ra. Cũng có thể là tên lưu manh sẽ chết rục trong tù giờ nầy hoặc là đã bị gãy chân rồi.
– Hoặc là hắn bị lấy hết tiền bạc.
– Hay lắm. Em có nhiều ý kiến rất hay.
Hai người ra tới đường. Ruth hỏi:
– Mình đi ngay đêm nay hả anh?
– Em cần phải ngủ để lấy sức. Đường còn xa…
– Vậy thì mình tìm một nhà trọ nào đó trong các địa chỉ của Binder. Có gì đáng ngại lắm không?
– Chắc chẳng có gì đâu. Càng gần biên giới anh càng không đáng ngại. Được rồi, đã có em ở đây, anh không thể đành lòng đi một mình, dù chỉ là một đêm rồi trở lại.
Ruth quả quyết:
– Em không cần biết gì hết, anh ở đâu em ở đó.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.