Bản Du Ca Cuối Cùng Của Loài Người Không Còn Đất Sống

CHƯƠNG 5



Kern ngồi trên bờ tường của một nghĩa trang Do Thái, đếm tiền. Suốt buổi sáng anh đã đi bán dạo ở Heiligenkreuzberg. Đây là một khu phố nghèo nàn, nhưng Kern biết rằng sự nghèo khổ dễ đưa tới cảm thông và độ lượng. Anh đã kiếm được ba mươi tám “cuaron”.
Anh cho tiền vào túi và cố đọc thử tên của người chết trên mộ bia tróc lở. Anh nói một mình:
– Rubbi Israel Love, ông là một học giả uyên thâm, ông đã đi vào cõi thời gian vô tận, thân xác của ông chì là một đống xương đang mục rữa trong lòng đất nhưng chắc chắn ông vẫn có một linh hồn. Vậy hãy cho tôi biết tôi cần phải làm gì? Trở về phòng ngay hay tiếp tục đi bán để có được năm chục “cuaron”.
Kern lấy ra một đồng tiền rồi nói tiếp:
– Dầu sao thì người chết cũng linh thiêng. Nếu đồng tiền úp sấp thì tôi đi bán nữa, nếu ngửa thì tôi sẽ về phòng.
Kern ném đồng tiền lên cao, toan bắt lấy nhưng chụp hụt. Đồng tiền rớt trên lưng ngôi mộ. Kern reo lên:
– Sấp! Thế là chính ông khuyên tôi đi bán nữa, ông Rabbi!
Và Kern hăm hở đi về phía một tòa nhà gần đó. Anh dừng lại một lúc ở cầu thang. Chẳng thấy ai, anh lẳng lặng lên tầng trên. Một người đàn bà đi ngang qua, nhìn thấy chiếc cặp da đựng các món bán rong của Kern, vội vàng quay trở lại phòng, khép cửa thật mau.
Kern gõ cửa một căn phòng khác. Một người đàn ông mặc áo không gài nút ngực ló đầu ra. Kern chưa nói hết câu thì ông ta gắt lên:
– Bán dầu thơm? Mỹ phẩm? Cậu có biết đọc không? Biết hả? Vậy mà còn dám rao hàng trước một đại diện thương mãi cho hãng Andrea. Thôi, đi chỗ khác mau.
Cánh cửa đóng sầm lại. Kern đánh diêm quẹt lên và soi vào tấm bảng đồng gắn ở cửa. Vậy là đúng quá rồi. Người chủ căn phòng nầy là Joseph Schimek, chuyên bán sỉ nước hoa và xà bông thơm.
Kern lắc đầu lẩm bẩm:
– Thế này là sao đây, ông Rabbi? Đã có sự hiểu lầm giữa kẻ chết và người sống hay sao?
Kern nhận chuông phòng thứ ba. một người đàn bà to lớn. Có vẻ phúc hậu ra mở cửa. Vừa thấy Kern, bà ta vồn vã ngay.
– Mời cậu vào. Chắc cậu là người Đức? Dân tị nạn hả? Vào đi, mời cậu.
Kern theo bà ta vào trong nhà bếp.
– Ngồi xuống đó đi, chắc cậu mệt lắm?
– Dạ cũng không mệt bao nhiêu.
Kern vừa nói vừa khoan khoái ngồi lên một chiếc ghế. Đây là lần đầu tiên ở Prague, anh được mời ngồi. Anh chợt nhớ tới chết tên Rabbi.
– Xin lỗi ông, tôi hãy còn quá trẻ, ông Rabbi… Xin lỗi…
Kern bày mấy chai nước hoa và mấy bánh xà bông thơm lên mặt bàn. Người đàn bà đứng khoanh tay, lẳng lặng nhìn. Chờ Kern chất hết các món trong cặp ra, bà ta chỉ một cái lọ con:
– Phải dầu thơm không?
– Dạ phải.
Kern trông đợi người đàn bà chú ý tới xà bông thơm hơn là nước hoa. Tuy thế, anh vẫn không mấy ngạc nhiên, lại còn hãnh diện giới thiệu:
– Dạ, đây là hiệu nước hoa danh tiếng hiệu Farr của xưởng chế tạo Kern. Các loại nước hoa khác, chẳng hạn như của xưởng Andrea mà ông Schimek ở đây làm đại diện, không thể so sánh được.
– Ủa, thật vậy sao?
Kern mở nút chai, đưa cho người đàn bà ngửi. Anh phết một chút nước hoa lên lưng bàn tay sần sùi của bà ta.
– Bà cứ thử thì biết.
Người đàn bà đưa lên mũi, cười hềnh hệch:
– Thơm lắm. Nhưng cậu chỉ có chai nhỏ cỡ nầy thôi sao?
– Còn một chai lớn đây. Nhưng phải tới bốn chục cua-ron.
– Không sao. Tôi thích chai lớn. Cho tôi chai đó đi.
Kern không tin ở tai mình. Nếu bà ta chịu mua với giá đó thì anh lời trọn mười tám cua-ron. Anh vui vẻ nói mau:
– Nếu bà lấy chai lớn, tôi sẽ tặng bà một cục xà bông hạnh đào.
– Vậy hả? Tốt lắm, tôi cũng thích xà bông thơm.
Người đàn bà mang chai nước hoa và cục xà bông vào buồng bên cạnh. Kern cho đồ đạc vào cặp. Mùi thịt bầm thơm phứt và béo ngọt từ đâu đó xông ra. Kern quyết định đêm nay sẽ ra quán ăn một bữa thật ngon. Món súp ở trại tạm cư đã làm anh chán ngấy.
Người đàn bà trở lại, nói với Kern:
– Cảm ơn cậu nhiều lắm. Xin biếu cậu một ổ bánh mì thịt nguội để ăn đi đường.
Kern đứng lên:
– Cám ơn bà.
– Có gì đâu. À, cậu còn cần gì nữa?
– Bà quên cho tiền…
Mặt người đàn bà nhăn lại:
– Tiền, tiền gì?
– Dạ, tiền chai dầu thơm.
Mụ to béo vụt quay nhìn sang buồng bên, tru tréo:
– Anton! Ra đây coi nè! Có cậu bé nầy định vòi tiền đây!
Một gã đàn ông mình trần từ buồng bên cạnh bước ra. Hắn đang nhai ngồm ngoàm và dùng lưng bàn tay chùi miệng. Hắn nhìn lườm lườm vào mặt Kern và hỏi giọng khàn khàn:
– Tiền hả? Tiền cái gì?
– Tiền mua chai nước hoa. Nếu cho là đắt thì trả lại. Tôi tặng luôn cục xà bông.
Người đàn ông lừ lừ bước tới:
– Nè, biết tao là ai không? Lại đây coi, bé con – mở toang ra và chỉ vào một bộ đồng phục máng trên lưng ghế:
– Biết cái gì đó không? Hay là đợi tao tiễn chân tới bót.
Kern lùi lại. Anh nghĩ ngay tới mười lăm ngày tù về tội hành nghề thương mãi bất hợp pháp. Tuy nhiên, anh cố trấn tĩnh:
– Tôi có giấy lưu trú đàng hoàng…
Nhưng gã bất lương cũng không vừa:
– Có giấy lưu trú? Mặc! Có giấy hành nghề không? Đưa đây coi.
– Tôi để ở khách sạn.
– Được. Vậy đi với tao về khách sạn… hay là để chai dầu thơm lại đây…
Kern đã bước lui tới cửa:
– Thôi, cứ để đó.
Mụ to béo cười teo toét:
– Cậu lấy khúc bánh mì theo chớ.
Kern mở cửa:
– Cám ơn, bà cứ giữ mà dùng.
Kern xô ập cánh cửa rồi phóng vọt xuống thang lầu. Một tràng cười nhạo báng đuổi theo anh và tiếng nói như bò rống của mụ to béo:
– Nó chạy cũng mau như thằng cha Do Thái hồi chiều.
Kern chạy thẳng ra ngoài trong khi mụ to béo ôm bụng cười:
– Nó tưởng anh là Cảnh sát…
Gã bất lương xỉa răng bằng móng tay:
– Bọn nó hễ thấy đồng phục là chạy trối chết, dầu chỉ là đồng phục của người phát thơ. Có đám tị nạn đó, mình cũng đỡ…
Hắn vừa nói vừa chụp vào bộ ngực đồ sộ của mụ vợ.
Kern đi như người mất hồn về phía nghĩa trang. Anh đứng lại, nhìn ngôi mộ lúc nãy và lẩm bẩm:
– Rabbi ơi, ông hại tôi rồi. Thế là mất toi bốn chục cua-ron với cục xà bông. Chúng nó nuốt sống hai mươi bốn cua-ron vốn rồi, Rabbi ơi.
Kern trở về lữ quán. Anh hỏi gã gác cửa:
– Có ai hỏi tôi không?
– Chẳng có ma nào cả.
– Chắc không?
– Cả ông Tổng thống cũng không tới.
Kern không trả lời. Anh đi thẳng lên lầu hơi lấy làm lạ là chẳng được một tin tức nào của cha mình. Có thể ông không còn ở căn nhà đó mà cũng có thể là ông đã bị bắt rồi.
Kern quyết định chờ thêm vài ngày nữa rồi tới bà Ekowski.
Vừa bước vào phòng anh gặp ngay người đàn ông đã mớ to đêm qua. Ông ta tên Rabe, đang sửa soạn thay đồ ngủ. Kern hỏi:
– Chưa chín giờ mà ông định ngủ à?
Rabbe gật đầu:
– Ngủ sớm để tới khuya thức dậy luôn. Đó là giờ mà tôi thường gặp ác mộng. Ở tù cứ nửa đêm là thức rồi ngồi luôn hai ba tiếng đồng hồ. Bây giờ phải tập dậy nửa đêm, ngồi một lúc rồi uống thuốc an thần. Có vậy mới không nằm mơ.
Ông ta để ly nước bên cạnh giường rồi nói tiếp:
– Cậu có biết lúc thức dậy, tôi tự trấn an bằng cách gì không? Tôi đọc nhẩm lại những bài học thuộc lòng lúc nhỏ.
Kern ngạc nhiên:
– Bài học thuộc lòng?
– Đúng vậy. Chẳng hạn như bài hát ru nầy:
Đêm đêm lên giường ngủ,
Thấy Cha tôi trên trời,
Aùnh mắt ngời thánh thiện,
Soi sáng tâm linh tôi.
Lạy Cha con đắc tội,
Phước Cha tựa biển trời,
Máu Jesus Christ đổ,
Tin lành đến muôn nơi…
Như một bóng ma hiền dịu, ông ta đứng bất động giữa phòng khẽ ngâm lại những câu thơ tiểu học. Bên ngoài là bóng đêm thầm lặng đóng khung trong vuông cửa sổ. Ông ta cười thiểu não:
– Những bài hát ru loại đó làm tôi thấy yên tâm. Chẳng biết tại sao…
Kern nheo mắt lại, giọng anh cũng trở nên ảm đạm:
– Có những điều mình không bao giờ biết.
– Kể ra cũng lạ. Cứ mỗi lần ngâm nga như thế là tôi thấy như đã tìm được một nơi trú ẩn an toàn.
Kern bắt đầu cảm thấy khó chịu. Anh có cảm giác đang sởn da gà:
– Tôi thì quên mất cả. Tôi có cảm tưởng như đã bỏ trường cả thế kỷ.
– Tôi cũng có nhớ gì đâu. Nhưng rồi thình lình những bài học thuộc lòng kiểu đó hiện tới, không mất một câu, một chữ.
Kern gật đầu và đứng lên. Anh muốn ra ngoài để Rabe ngủ và để khỏi bận tâm về ông ta.
– Bây giờ, lúc rảnh rỗi tôi cũng chẳng biết phải làm gì. Đó là thời gian nặng nề nhứt trong ngày. Lâu lắm, tôi chẳng hề đọc sách. Còn ngồi lại để nhắc nhớ những ngày vui sống ở quê nhà thà chết còn hơn.
Rabe ngồi xuống giường:
– Hay là cậu đi xi-nê. Xem xong rồi là chẳng còn nhớ gì nữa cả nhưng dầu sao vẫn còn hơn để đầu óc trống rỗng.
– Xem xi-nê?
Kern vừa hỏi vừa nghĩ tới chuyện mời thiếu nữ phòng bên cạnh cùng đi.
– Ông biết hết những người trong lữ quán nầy chớ?
Rube tháo vớ ra và cử động mấy ngón chân:
– Biết một vài người. Chi vậy?
Ông ta nhìn những ngón chân như chưa bao giờ thấy chúng. Kern trả lời bằng một câu hỏi:
– Ông có biết mấy người ở phòng bên không?
Rabe nhíu mày suy nghĩ:
– Có biết bà Schimanowska. Một nữ tài tử tiền chiến.
– Tôi muốn hỏi người kia…
Người mang kính từ nãy giờ vẫn im lậng bỗng lên tiếng:
– Cậu muốn nói cô Ruth Holland chớ gì. Có đúng thế không, Don Fuan?
Kern đỏ mặt. Người mang kính tên Marill, một cựu dân biểu ở Reistag, tiếp tục chọc phá:
– Kể cũng lạ, người đời thường hay đỏ mặt khi đề cập tới những chuyện rất tự nhiên. Trái lại, rất ít người chịu nhíu mày lúc tưởng tượng tới những điều bỉ ổi. Sao, hôm nay làm ăn thế nào?
– Đại họa. Mất luôn cả vốn.
– Đã lỡ mất thì cho mất luôn một ít nữa cũng chẳng sao. Đó là phương cách tốt nhất để khỏi bị mặc cảm.
Kern nói mau:
– Tôi cũng đang tính như thế. Định đi xi nê.
– Hoan hô. Chắc với cô Ruth Holland?
Kern ngập ngừng:
– Chắc là … mà không biết… tôi chưa quen…
– Làm thế nào quen nhau được khi vẫn chưa chịu làm quen? Mạnh dạn lên! Sự can đảm là viên ngọc quí nhứt của tuổi trẻ.
– Theo ông, thì cô ấy có bằng lòng không?
– Phải bằng lòng chớ. Sống dai dẳng trong sợ sệt và lo âu, người nào mà không thèm đôi phút giải trí. Tiến tới đi.
Rabe nói chen vào:
– Nên xem ở rạp Rialto. Phim Maroc. Cảnh nước ngoài càng thơ mộng, mình càng dễ quên lãng.
Marill tán đồng:
– Xứ Maroc. Nên lắm, nhứt là với các thiếu nữ.
Rabe cuộn tròn vào chăn:
– Lắm lúc, tôi ước mong được ngủ luôn một giấc mười năm.
Marill hỏi:
– Người bạn có ước ao gia thêm mười tuổi nữa không?
Rabe nhìn ông ta:
– Không. Nếu vậy thì con cái tôi đã lớn cả rồi.
Kern gõ cửa phòng người bên cạnh. Có tiếng người bên trong trả lời. Kern xô cửa và dừng sững lại ngay. Đối diện Kern là nữ tài tử lão thành Schimanowska, mặt như chim cú. Những nếp nhăn được trát phấn quá dầy trông như một vùng núi non lởm chởm đang bị tuyết phủ. Hai mắt đen, sâu hoắm chiếu thẳng vào mặt Kern như sắp vồ mồi, Kern có cảm tưởng bà ta sắp nhảy bổ tới. Nhưng cô đào già bỗng nhăn cười và gượng hỏi với giọng đặc sệt sân khấu:
– Người bạn trẻ muốn tìm ai?
– Tôi muốn nói chuyện với cô Ruth Holland.
Nụ cười biến mất, tiếp theo là giọng hầm hừ:
– À… à
Kern không buồn để ý. Anh nhìn vào trong. Ruth Holland đang ngồi đọc sách trên giường. Kern nhận ra đó là chiếc giường mà đêm qua anh đã tới lầm. Máu như dồn cả lên mặt anh.
– Tôi xin phép được nói chuyện với cô.
Ruth đứng lên, theo Kern ra hành lang. Phía sau họ là hơi thở ồ ồ của bà Schimanowska.
Kern bỗng thấy mình nói dối gọn lỏn:
– Tôi có hai vé hát, định mời cô…
Nhưng thấy Ruth nhìn sừng sững mình, Kern hơi hoảng:
– Hay là cô đã có thú tiêu khiển khác?
Ruth lắc đầu:
– Không, tôi chẳng có dự định nào cả.
Kern hớn hở:
– Vậy thì xin mời cô cùng đi với tôi. Chẳng lẽ cô cứ ở mãi trong phòng…
– Tôi đã quen như vậy rồi.
– Tôi thì không thể nào chịu được. Cứ ngồi như thế chừng hai mươi phút là tôi muốn điên lên, nhứt là cùng ở chung với bà ấy.
Cô gái cười:
– Coi vậy mà bà ta cũng tốt bụng.
Kern cũng cười:
– Có thể. Nhưng mặt bà ta khó đăm đăm, cứ thấy là ớn lạnh. Phim sẽ chiếu trong mười lăm phút nữa, cô đi chớ?
Ruth nhìn xa:
– Vâng nếu anh có sẵn vé.
Tới rạp Kern hối hả mua hai vé. Lúc nãy anh sợ Ruth nói dối nhưng bây giờ sự lo nghĩ đó không còn làm anh bận tâm. Chỉ cần có người đẹp bên mình là đủ.
Họ vào rạp lúc phim đang chiếu cảnh Marra-rakech. Một vùng đất huy hoàng, hùng vĩ hiện trên màn bạc. Mặt trời chói sáng, một khoảng sa mạc rạng ngời, và tiếng sáo kỳ diệu, tiếng trống rập rình của đêm huyền ảo Phi châu.
Ruth thu gọn người trong lòng ghế. Chuỗi âm thanh huyền hoặc, ấm áp như một cơn mưa rào mùa Xuân… từ đó kỷ niệm hiện ra…
Ruth đang đứng trước một cái hố của lâu đài Nurembourg. Trời tháng tư. Trước mặt nàng, trong bóng tối, là sinh viên Herbert Billing.
– Ruth có hiểu tôi muốn nói gì không?
– Hiểu lắm, Herbert. Chẳng có gì khó hiểu.
Billing vò vò báo trong tay:
– HoÏ đăng báo bảo tôi là đồ Do Thái. Thế là hết.
– Vâng.
– Tôi đang tìm cách thoát. Nhưng ác hại là đã có tên trên báo, mọi người đều biết, Ruth hiểu không?
– Hiểu lắm. Nhưng tên tôi cũng có tên trên báo.
– Nhưng với Ruth thì khác hơn. Ruth vẫn có thể trở lại Đại học.
– Vâng.
– Như thế là hết rồi phải không? Chúng mình mỗi đứa đi một ngả.
– Vĩnh biệt, Herbert.
Ruth quay đi ngay, Hebert nói mau:
– Khoan Ruth, đợi một chút.
Ruth dừng lại. Hebert bước tới, dứng sát bên đến nỗi Ruth nghe rõ cả hơi thở của anh ta
– Bây giờ Ruth định đi đâu?
– Về nhà.
Hơi thở của Herbert dồn dập hơn:
– Chúng mình đã đồng ý xa nhau, phải không? Nhưng mình… vẫn có thể… đêm nay tôi ở nhà một mình, Ruth hiểu chớ, không ai thấy mình- Herbert nắm tay Ruth – Mình không thể chia tay suông thế này…
– Thôi, anh đi đi!
Herbert ôm lấy vai cô gái:
– Ruth, nghe anh.
Khuân mặt mà Ruth hằng yêu mến chợt trở nên quái dị, Ruth tát mạnh vào sự quái dị đó. Nàng vừa khóc vừa hét:
– Đi đi! Đi ngay đi!
Billing sửng sốt:
– Sao? Ruth đánh tôi? Lạ thật.
Billing muốn nhảy xổ tới. Ruth lại hét to:
– Đi ngay đi!
Billing hoảng sợ nhìn quanh:
– Câm miệng! Cô định làm cho cả khu phố nầy đổ ra chống lại tôi, hả? Đồ khốn! Được rồi, tôi đi đây. Tôi sẽ xa cô, xa rời cô vĩnh viễn…
Khi tình đã chết, tiếng hát của người thiếu phụ trên màn ảnh trầm ấm quyện trong khói thuốc của một quán rượi Maroc. Ruth Holland đưa tay sờ trán…
Tiếp sau là cuộc tình đổ vỡ đó, Ruth chẳng thấy có gì quan trọng cả. Sự sợ hãi của thân quyến nàng, những lơi nhắc đi nhắc lại của ông chú thúc hối nàng ra đi vì sợ liên luỵ, một bức thư nặc danh hăm doạ, nếu nàng không đi trong vòng ba hôm thì sẽ bị cạo trọc đầu, bị đem ra giữa phố với hai tấm biểu ngữ đeo ở ngực và lưng tố cáo là người của chủng tộc thối nát. Rồi chuyến viếng thăm ngôi mộ mẹ, đứng cầu nguyện trong nghĩa trang quân đội trước danh tánh của người cha, đã hy sinh vì đất nước. Bị bôi xoá chỉ vì cái tội đã là dân Do Thái. Và cuối cùng là cuộc ra đi hối hả và đơn độc với một ít nữ trang còn sót lại, vượt biên giới sang Prague…
Tiếng sáo và tiếng trống Phi Châu lại nổi lên, bị lấn át bởi một khúc quân hành của quân Lê Dương, Những tiếng kèn đồng vang rền sa mạc của những kẻ chiến đấu không nhà, không tổ quốc.
Kern nghiên người sang Ruth:
– Phim khá chớ?
– Không tệ lắm.
Kern cho tay vào túi lấy ra một lọ nước hoa nho nhỏ đưa cho Ruth:
– Ở đây nóng bức, xức một ít nước hoa cho dễ chịu.
– Cám ơn anh.
Nàng nhỏ vài giọt nước hoa vào trong lòng bàn tay. Kern không nhìn thấy nước mắt người con gái ngồi bên cạnh. Lại có lời”cám ơn” như một tiếng thở dài.
Stainer tới quán Hallebarde lần thứ hai. Anh ta nhét vào tay gã hầu bàn một tờ giấy bạc Đức kim và gọi một tách cà phê. Gã hầu bàn hỏi:
– Ông cần điện thoại?
Steiner gật đầu. Mấy lúc sau nầy, anh ta đã dở hết nghề đánh bạc lận tại nhiều quán khác nhau và đã kiếm được tất cả khoảng năm trăm si linh.
Gã hầu bàn mang tới một chồng báo. Steiner chọn một tờ nhưng rồi lại bỏ xuống ngay. Những gì xẩy ra trên thế giới không còn làm anh bận tâm. Mối bận tâm và vấn đề duy nhứt của một kẻ đang lặn sâu dưới nước là làm thế nào để ngoi đầu lên. Màu sắc và hình thù của loài thuỷ tộc chung quanh chẳng có gì đáng nhìn ngắm cả.
Gã hầu bàn mang cà phê và một ly nước tới:
– Mấy ông đó sẽ có mặt trong vòng một tiếng đồng hồ.
Gã vẫn còn đứng đó một lúc gạ chuyện:
– Trời hôm nay đẹp.
Steiner gật đầu. Mắt anh chạm vào một mẫu quảng cáo dán ở tường khuyên nên uống bia để sống lâu.
– Cho tôi một ly Kirsh.
– Có ngay.
– Thêm một ly cho người anh em luôn.
Gã hầu bàn nghiên mình tỏ dấu hiệu cám ơn:
– Ông điệu quá. Ít người được như ông.
Steiner hững hờ:
– Tôi đang buồn. Chỉ có vậy thôi.
– Nhưng có những người cũng buồn mà không điệu. Mang bia tới, gã hầu bàn cùng uống bia với Steiner.
Gã gãi trái cổ như muốn làm thông giọng:
– Tôi biết ông tới đây để làm gì. Nếu ông cho phép, tôi xin có lời khuyên là nên chọn một người Aùo đã chết. Cũng có những người Rumani chết, rẻ tiền hơn, nhưng ít ai nói tới chuyện đó.
Steiner nhìn thẳng vào mắt gã hầu bàn. Gã rời tay khỏi trái cổ và bắt tay gãi gáy:
– Tốt hơn hết là một người Anh hay người Mỹ. Nhưng có người Mỹ nào chịu chết ở đất Aùo đâu màcó giấy thông hành?
Steiner suy nghĩ:
– Giấy thông hành của một người Đức tốt hơn người Aùo khó kiểm soát hơn.
– Có thể. Nhưng nhưng ông lại không được cấp giấy phép hành nghề. Chỉ được lưu trú thôi. Với một người Aùo chết, ông có thể làm việc bất cứ nơi nào trên đất Aùo.
– Cho tới khi bại lộ và bị bắt?
– Dĩ nhiên. Nhưng dễ gì…
Gã hầu bàn mân mê chót mũi:
– Tôi chỉ nói để giúp ý kiến thôi. Một người Aùo bao giờ cũng tiện lợi hơn.
Khoảng mười giờ, hai tay buôn giấy thông hành tới quán. Người nho nhỏ, mắt sáng quắc, chuyên về phần thương lượng trong khi người to lớn chỉ ngồi lặng yên theo dõi.
Người nhỏ thó rút một tờ thông hành Đức ra:
– Tôi đã hỏi kỹ mấy người bạn có thẩm quyền của chúng tôi. Ông có thể lấy giấy nầy với tên họ của ông. Sẽ có người phụ trách tẩy xoá dấu hiệu riêng rồi điền vào các dấu hiệu riêng của ông. Dĩ nhiên là sinh quán vẫn để nguyên, vẫn phải là Ausbourg vì con dấu ở đó. Trong trường hợp nầy phải trả thêm hai trăm Đức kim. Công việc hoàn toàn chíng xác, ông hiểu chớ?
Steiner dựa vào lưng ghế:
– Tôi không có nhiều tiền. Vả lại, tôi không có vấn đề giữ được tên họ của mình là quan trọng.
– Vậy thì cứ để nguyên. Chỉ cần đổi tấm hình thôi. Chúng tôi sẽ phụ trách đóng dáu lên ảnh, không đòi thêm gì cả.
– Nhưng vô ích. Tôi cần phải làm việc vơi thẻ thông hành Đức, người ta không cho giấy phép hành nghề.
Người to lớn nhún vai. Anh chàng nhỏ thó thở ra:
– Vậy chỉ còn giấy thông hành người Aùo.
– Nhưng nếu người ta điều tra ra?
– Làm gì có chuyện đó trừ khi chính ông không kín miệng.
Steiner nói giá:
– Ba trăm si linh.
Giựt nhổm người, anh chàng nhỏ thó ra chiều khó chịu:
– Chúng tôi không hề nói thách. Nghề nghiệp mà. Năm trăm Đức kim, không bớt một đồng xu.
Steiner không đáp. Anh chàng nhỏ thó nói một hơi:
– Với thẻ thông hành Đức thì còn kỳ kèo được vì thỉnh thoảng chúng tôi cũng có mối. Nhưng thông hành Aùo là vật hiếm có. Ít khi có người Áo nào cần giấy thông hành. Năm trăm si linh, chắc một lời.
– Ba trăm năm chục.
– Ba trăm năm chục vừa đủ khoản tiền mà chúng tôi đã trả cho gia đình người chết. Và đó không phải là chuyện dễ làm và ít tốn kém đâu! Còn tiền sở phí… Đối với người quá cố, mình cũng phải trọng nể, phải không ông? Muốn có được giấy tờ của một người nằm yên trong mồ mả, chúng tôi phải trả ngay tiền mặt cho gia đình ông ta. Chỉ có tiền mặt mới là lý do chính đáng để an ủi sự đau buồn. Tuy nhiên, trông ông là người người đàng hoàng, dễ mến, chúng tôi có thẻ bằng lòng với giá bốn trăm năm chục. Nhưng làm như thế tức là đi ngược lại quyền lợi của chúng tôi.
Hai bên còn mặc cả một lúc lâu trước khi cũng bằng lòng giá bốn trăm Đức kim. Steiner lấy một tấm ảnh vừa mới chụp ra trao cho họ.
Cả hai tay buôn mang tấm ảnh đi. Một giờ sau, họ trở lại với tấm thẻ thông hành có dán ảnh của Steiner và đã được đóng dấu lên trên. Steiner trao đủ tiền cho anh chàng phát ngôn. Anh ta ra điều thân tín:
– Chúc ông bạn may mắn. À, tôi cần dặn thêm. Khi nào hết hạn, ông bạn cứ đến để chúng tôi sửa lại. Dễ lắm. Chuyện khó là xin chiếu khán.
– Hay là mình làm ngay lúc nầy đi.
Anh chàng phát ngôn lắc đầu:
– Cứ để nguyên như thế tốt hơn. Ông bạn hiện đang có một thẻ thông hành đích thực. Đổi ảnh không bị tội nặng bằng giả mạo văn tự. Vả lại, hiệu lực còn tới cả hơn một năm nữa. Trong thời gian đó, biết bao nhiêu chuyện sẽ xẩy ra. Biết đâu…
– Hy cọng như thế.
– Ông bạn nhớ giữ kín cho. Chúng tôi chỉ dặn hờ thế thôi. Vì quyền lợi của đôi bên. Chào ông bạn.
– Chào các bạn.
Gã to lớn mở miệng lần đầu tiên:
– Streecz miecze.
Anh chàng nhỏ thó cười giải thích:
– Anh ta không biết tiếng Đức, nhưng rất phù thuỷ về những con dấu. Nghề nghiệp mà.
Steiner ra nhà ga. Anh ta đã gởi chiếc túi đeo ở đó. Hôm qua, anh dã rời nhà trọ và ngủ đêm trêm một cái ghế đá ở công viên. Buổi sáng, anh cạo râu trong phòng vệ sinh tại nhà ga rồi mới chụp hình lấy liền.
Bây giờ, với tấm thông hành mới mua anh trở thành một công nhân tên Fohann Gruber.
Được một quãng đường, Steiner bỗng dừng lại. Còn một việc phải thanh toán trong khi anh ta muốn còn tự gọi với tên Steiner. Anh ta vào một buồng điện thoại bấm “Leopold Schafer, 27, Truteraugasse.” Anh không bao giờ quên tên kẻ đã đánh mình hôm Kern cùng bị bắt. Anh ta quay số vừa tìm thấy. Có tiếng đàn bà trả lời. Steiner hỏi:
– Schafer có nhà không?
– Dạ có, để tôi gọi.
Steiner nói mau:
– Thôi khỏi. Đây là trụ sở Cảnh sát Elisabeth Promenade. Đêm nay có hành quân. Bảo Schafer trình diện 15 phút trước nửa đêm. Hiểu chưa?
– Dạ hiểu, mười hai giờ thiếu mười lăm.
– Tốt.
Steiner móc máy vào.
Trautegunasse là một con đường nhỏ hẹp và thưa vắng, chỉ lèo tèo một ít ngôi nhà cũ kỹ, đa số là dân trung lưu. Steiner quan sát cẩn thận căn nhà mang số 27. Căn nhà cũng chẳng khác gì bao nhiêu nhà khác cùng một con đường nhưng Steiner lại thấy thù ghét nó lạ lùng. Anh ta ngược lại một quãng đường và đứng đợi.
Một lúc sau, Schafer ra khỏi nhà với điệu bộ của một nhân vật quan trọng. Steiner đi ngược chiều vừa đúng lúc gặp nhau ở một khoảng tối và đụng mạnh vào vai Schafer.
Schefer lảo đảo gượng đứng lại:
– Bộ say rượu hả? Anh không thấy một chức việc đang mặc sắc phục đây sao?
– Xin lỗi, tôi chỉ thấy có thằng chó má. Một thằng chó má, nghe rõ chưa?
Schafer chưng hửng một lúc mới bình tĩnh lại:
– Mầy có điên không? Được, mầy sẽ biết tay tao.
Hắn vừa nói vừa rút súng ra. Nhanh như chớp, Steiner đá mạnh vào cườm tay, đồng thời xông tới, tát vào mặt Schafer luôn hai cái như trời giáng.
Schafer gầm lên, xóc tới. Steiner tránh gọn sang một bên, tung một cú đấm thẳng đánh trúng vào mũi Schafer làm đổ máu. Vừa đánh, Steiner vừa nghiến răng:
– Thằng chó má, quân đê tiện, dồ khiếp nhược!
Một quả đấm kế tiếp trúng vào miệng Schafer. Schafer kêu to:
– Cứu tôi, cứu tôi!
Steiner bước tới:
– Cho mầy kêu.
Vừa nói, anh ta bổ tiếp một quả đấm vào cằm bằng tay mặt và dùng ức bàn tay trái chấn thẳng vào chấn thuỷ khiến Schafer ngã khuỵu.
Vài cánh cửa bên đường vụt mở ra. Có người hỏi:
– Chuyện gì vậy?
Steiner từ trong bóng tối đáp:
– Một gã say rượu.
Người vừa hỏi bực tức:
– Lại say sưa làm náo loạn cả phố. Đem nó tới bót đi.
– Đúng vậy. Để tôi dìu hắn đi.
Các cửa sổ lần lượt khép lại. Steiner vọt chạy cề phía góc đường. Anh ta tin chắc rằng với khuôn mặt sạch sẽ và cạo nhẵn râu của mình, chắc chắn Schafer chẳng nhận ra, nhứt là trong bóng đêm.
Tới một con đường có nhiều xe cộ, anh đi chậm lại.
Trả thù cũng là một khoái trá nhưng cũng là chuyện buồn nôn, nhứt là trả thù hắc ám. Tuy nhiên, anh nghĩ tiếp, dầu sao nó cũng đền bù được phần nào những năm dài chạy trốn. Anh đứng dưới ánh sáng một ngọn đèn đường, rút giấy thông hành vừa mua được lúc tối ra. Tấm ảnh là của anh nhưng tên họ lại là Johann Hubert. Steiner nói thầm “ông bạn đã chết và sẽ rã rục trong lòng đất Gratz. Còn tôi, Johaph Steiner, tôi vẫn sống nhưng chẳng có giấy thông hành nên kể như đã chết. Chúng mình trao đổi với nhau. Ông bạn cho tôi cuộc sống bằng giấy tờ, tôi hiến ông bạn cái chết của một kẻ không căn cước. Khi mà những người sống không còn muốn giúp đỡ nhau thì người chết đành phải làm công việc đó”.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.