Bản Du Ca Cuối Cùng Của Loài Người Không Còn Đất Sống

CHƯƠNG 20



Steiner tớii nơi lúc mười một giờ trưa. Anh gởi vali tại nhà ga và đi thẳng tới bệnh viện. Anh không có thì giờ nhìn thành phố, anh chỉ thấy những đợt sóng người và xe cộ cùng những dãy nhà.
Anh dừng lại trước một tòa nhà đồ sộ trắng, do dự một lúc. Anh nhìn cái cổng rộng lớn và những dãy cửa sổ ở các tầng lầu cao. Một chỗ nào trên đó… nhưng có chắc không? Anh mím môi bước vào.
Hắn hỏi cô thư ký:
– Xin cô vui lòng cho biết giờ thăm bệnh.
– Hạng mấy?
– Không rõ. Tối mới tới đây lần thứ nhứt.
– Ông muốn thăm ai?
– Bà Marie Steiner.
Anh ngạc nhiên khi thấy cô thơ ký vẫn dửng dưng lật sổ. Anh đã tưởng tượng là trần nhà sẽ đổ xuống hoặc nữa người y tá ngồi ở bàn giấy sẽ nhảy dựng lên chạy ra ngoài hô hoán khi nói tới tên Steiner.
Cô y tá vẫn tiếp tục lật sổ vừa dò tìm vừa nói:
– Nếu nằm phòng hạng nhất thì được thăm suốt ngày.
– Chắc không phải hạng nhất. Có thể là hạng ba.
– Giờ thăm ở hạng ba là từ ba giờ đến năm giờ.
Cô y tá tiếp tục tìm:
– Lúc nãy ông nói tên gì?
– Steiner, Marie Steiner.
Steiner cảm thấy cổ họng như khô đắng. Anh nhìn chăm chăm vào khuôn mặt búp bê của người nữ y tá. Anh chờ cô ta nói tiếng “Đã chết”.
– Đây, Marie Steiner, hạng nhì, phòng 505, lầu 5. Giờ thăm là từ ba tới sáu.
Steiner mừng rỡ:
– 505. cám ơn, cám ơn cô nhiều lắm.
Tuy nhiên anh vẫn còn đứng đó. Chuông điện thoại reo, cô y tá vừa nhấc máy vừa hỏi:
– Ông còn cần gì không?
– Bà Steiner còn sống hay đã chết?
Cô y tá đặt máy xuống. Chuông tiếp tục reo. Cô ta trả lời:
– Dĩ nhiên là còn sống. Nếu không thì phải có lời phụ chú bên cạnh tên.
– Cám ơn cô.
Steiner phải cố gắng lắm mới không hỏi là có thể lên thăm được ngay bây giờ không.
Anh đi lang thang qua nhiều con đường vòng khu bệnh viện. Thình lình, anh sợ bị nhận diện. Anh không sợ cho mình mà chỉ sợ bị bắt trước khi nhìn mặt vợ. Anh tìm một quán nhỏ trên con đường vắng nào đó ngồi chờ tới giờ thăm. Anh gọi thức ăn nhưng không nuốt nổi.
Gã hầu bàn ngạc nhiên:
– Ông ăn không vừa miệng?
– Không. Ngon lắm. Cho tôi một ly Kirsh.
Steiner cố nuốt trôi bữa ăn rồi hỏi mua một tờ báo và gói thuốc. Anh cố đọc báo để quên thì giờ nhưng rồi cũng không đọc nổi. Anh tưởng tượng là Marie đang lịm chết ngay trong lúc nầy, thấy mặt vợ ướt đẫm mồ hôi vì đau đớn trước khi chết. Anh phải hết sức tự chủ mới không đứng lên chạy thẳng tới bệnh viện. Kim đồng hồ từ từ xê dịch như cánh tay định mệnh muốn làm hắn nghẹt thở bằng sự chậm chạp, nặng nề.
Anh ném tờ báo qua một bên rồi đứng lên. Gã hầu bàn đang đứng xỉa răng, thấy khách rời bàn gã tới gần hỏi:
– Thưa, tính tiền?
– Không, cho một ly bia nữa.
Gã hầu bàn rót cho hắn một ly bia. Anh mời:
– Bồ cũng uống một ly đi.
– Cám ơn.
Gã hầu bàn rót ngay cho mình một ly bia rồi nâng ly lên với hai ngón tay:
– Kính ông.
Uống xong, Steiner hỏi:
– Bồ biết chơi bi da không?
Gã hầu bàn nhìn cái bàn bi da cũ kỹ nằm ở giữa phòng.
– Dạ, chỉ biết sơ sơ.
– Mình làm một bàn chơi.
– Dạ, chắc ông đánh khá lắm.
– Bỏ lâu rồi. Thử dợt lại xem sao.
Bàn đầu, Steiner thắng điểm khá xa. Gã hầu bàn đề nghị:
– Ông chơi cừ lắm. Chấp tôi mười điểm đi.
– Cũng được.
Steiner tự bảo nếu bàn nầy mình thắng thì Marie vẫn còn sống và có thể sẽ lành bịnh…
Anh cố đánh kỹ từng cơ và lại thắng. Bàn thứ ba chấp luôn hai mươi điểm. Anh chăm chú đánh. Còn mấy điểm sau cùng, mắt anh như rách ra, tay run lẩy bẩy, nhưng anh cố gắng và cuối cùng lại thắng với số điểm suýt soát.
Anh nhìn lại đồng hồ, đã ba giờ hơn. Anh vội vàng trả tiền đi thật mau về phía bệnh viện.
Phải mất một lúc khá lâu anh mới tìm được phòng của vợ. Anh hồi hộp gõ cửa. Không có tiếng trả lời. Anh gõ cửa lần thứ hai. Dạ dầy anh dường như bị một bàn tay vô hình siết nghiến. Anh xô cửa vào.
Giữa phòng trong ánh nắng chiều trông như một hòn đảo bình lặng ở một thế giới xa xôi cũng buồn phiền, thống khổ và dấu vết thời gian dường như không có bóng dáng ở đây. Một thân người nằm bất động trên giường đang nhìn anh. Tự nhiên, chân anh như mềm ra, cái nón rơi xuống. Anh khom mình để lượm nhưng rồi không đứng lên nổi, anh quỳ xuống luôn bên cạnh giường.
Đôi mắt người đàn bà dán chặt vào mặt anh – đôi mắt vô hồn – nhưng rồi mô người bệnh từ từ động đậy, ánh sáng trở về với màu mắt nâu bàn tay trên mép giường sờ soạng…
Steiner kề sát mặt vợ:
– Anh đây Marie.
Người đàn bà cố ngoi đầu lên. Steiner cản lại:
– Đừng, cứ nằm yên. Anh đây mà. Anh vừa trở về.
Người đàn bà thều thào:
– Joseft…
Steiner gục đầu xuống, nước mắt buồn bã trào ra. Anh cắn môi để khỏi bật khóc.
– Anh đây, Marie. Anh trở về bên em.
Người đàn bà thì thầm:
– Nếu họ gặp anh…
– Họ không tìm ra anh đâu. Cho dầu họ có tìm thấy anh cũng vẫn ở đây. Anh ở bên em.
– Sờ mặt em đi, Joseft, để em nhận ra sự hiện diện của anh. Em nằm mơ thấy anh luôn…
Steiner sờ lên trán vợ rồi nắm lấy bàn tay mỏng mảnh kề vào môi. Anh khom xuống hôn vào đôi môi lạnh. Lúc anh đứng thẳng lên, mặt anh đầm đìa nước mắt. Nàng lắc đầu, nước mắt rơi xuống như những giọt mưa.
– Em biết là anh không thể trở về. Vậy mà em vẫn mong…
– Anh sẽ ở đây với em.
Marie đẩy nhẹ chồng ra:
– Anh không ở đây được đâu. Anh phải đi. Anh không biết, lúc nầy khó khăn lắm. Đi đi, Josef…
– Không sao đâu.
– Nguy hiểm lắm. Em biết rõ hơn anh. Em đã gặp anh được rồi, thôi đi đi. Em không còn sống bao lâu nữa. Em sẽ tự lo liệu lấy.
– Không. Anh tìm cách để ở lại đây. Thế nào cũng có một ngày đại xá. Trường hợp của anh cũng dễ.
Marie nhìn chồng, không tin tưởng. Steiner nói mau:
– Thật mà. Vả lại cũng không ai biết anh về đây. À, em đã xin ly dị chưa?
– Không. Em không làm được. Đừng giận em.
– Anh chỉ lo cho em thôi, để em dễ sống hơn.
– Em cũng chẳng gặp khó khăn gì. Những người chung quanh đều lo cho em. Nhờ họ mà em nằm được phòng này.
Cửa bật mở, một y tá bước vào. Steiner đứng lên. Cô y tá đặt một ly nước đầy chất lỏng như màu sữa lên bàn. Vừa liếc nhìn Steiner cô vừa hỏi Marie:
– Bà có người thăm hả?
Marie cố lay động đầu:
– Từ Breslau tới.
– Xa dữ vậy sao?
Cặp mắt xanh biếc của cô ta lại liếc sang Steiner. Cô ta rút nhiệt kế ra. Steiner hỏi:
– Còn sốt phải không cô?
– Không đâu. Đã hạ sốt nhiều rồi.
Cô ta để nhiệt kế xuống và đi ra. Steiner tới ngồi ở một cái ghế sát giường. Anh cầm lấy hai bàn tay của vợ.
– Anh trở về, em có vui không?
Marie cười:
– Sao anh hỏi lạ vậy?
Hai người nhìn nhau trong im lặng. Họ gần như chẳng còn gì phải nói bởi vì họ đã được ở bên nhau và chỉ một việc đó cũng quá đủ rồi. Cuộc sống đã không có dĩ vãng cũng không có tương lai. Tất cả đều là hiện tại.
Cô y tá quay lại, vẽ một đường cong lên bảng ghi nhiệt độ. Steiner và vợ gần như không chú ý. Họ đang mải mê nhìn nhau.
Aùnh nắng chẳng chịu bỏ đi. Một mảnh sáng rơi trên tóc và đọng trên gối nằm của Marie như một con mèo óng ánh nép mình trên gối người bệnh.
Cửa lại mở ra, một bác sĩ cùng người nữ y tá bước vào. Cô y tá nói với Steiner:
– Hết giờ thăm bệnh rồi.
Steiner đứng lên:
– Mai anh trở lại, Marie.
Nàng nằm đó như một đứa bé mệt mỏi sau một cuộc đùa vui, nửa lả người, nửa mơ màng.
– Dạ, mai anh lại.
Steiner đứng bên ngoài đợi bác sĩ ra. Anh hỏi xem vợ còn có thể sống được mấy hôm. Ông ta nhìn anh như dò xét:
– Còn ba hay bốn hôm nữa. Không hiểu tại sao bà ấy lại còn có thể chịu đựng lâu đến thế.
Steiner cám ơn và bước xuống lầu. Tới cổng, dừng lại, như một bất ngờ, thành phố hiện ra trước mắt anh, rõ ràng và gọn ghẽ. Anh nhìn thấy những con đường, nhìn thấy sự đe dọa câm lặng đang rình rập ở mỗi góc đường, sau mỗi cánh cửa, dưới mỗi bộ mặt. Nơi mà anh có thể bị bắt trói như con dã thú là tòa nhà đá trắng sau lưng. Ba hay bốn đêm là cả một thời gian vô tận. Anh nghĩ tới việc đến nhà một người bạn nhưng rồi lại đi tìm một khách sạn bình dân.
Kern dừng sững ngay cửa nhà giam. Anh nói qua hơi thở đứt đoạn:
– Ruth, sao em ở đây? Em cũng bị bắt sao?
– Không phải, Ludwig.
Kern nhìn mau sang viên Giám thị đang ngồi dựa trong góc, không chú ý gì tới họ. Anh tới gần Ruth, nói nhỏ bằng tiếng Đức:
– Ruth, về đi! Em không biết gì cả. Bị bắt lần nầy là bốn tuần, tù giam, lần sau là sáu tháng. Về ngay đi!
Ruth hốt hoảng:
– Bốn tuần? Vậy anh ở đây tới bốn tuần lễ sao?
– Đối với anh chẳng có gì đáng kể. Với em thì khác. Về đi, họ hỏi giấy bây giờ.
– Em có giấy mà.
– Sao? Em nói gì?
– Em xin được giấy lưu trú.
Nàng lấy giấy đưa cho Kern xem. Kern trố mắt:
– Jésus! Thật vậy sao? Hoàn toàn bất ngờ, không thể tưởng tượng! Ai lo cho em?
– Nhờ ủy ban cứu trợ và Klassmann.
Kern hỏi lớn:
– Thưa ông Giám thị, tù nhân có được phép hôn vợ không?
Người Giám thị uể oải đáp:
– Muốn hôn bao nhiêu cũng được… miễn là vợ anh không chuyền dao, hay giũa qua thôi.
– Có mấy tuần, không ai làm vậy đâu, ông Giám thị.
Anh quay sang Ruth:
– Có được tin gì của Steiner không?
– Không. Marill bảo là anh ấy sẽ trở lại chớ không viết thơ.
– Marill có tin chắc như vậy không?
– Tất cả bọn mình đều tin như vậy, Ludwig.
Kern gật đầu:
– Phải. Mình không thể nghĩ khác hơn. Anh ấy mới đi có tám ngày…
Viên Giám thị bảo:
– Hết giờ rồi.
Kern ôm chầm Ruth. Nàng thì thầm:
– Trở về với em. Tìm mọi cách trở lại. Em có đem tiền theo đây, để dưới cầu vai. Làm bộ hôn em rồi lấy ra.
– Không. Anh còn đủ. Marill sẽ lo cho em. Không chừng nay mai, Steiner trở lại.
Viên Giám thị giục:
– Tới giờ rồi. Không ai đem máy ra chém đâu…
Ruth hôn Kern:
– Ráng giữ sức khỏe. Nhớ trở lại sớm với em.
– Mai anh trở lại, Marie.
Steiner cúi xuống hôn vợ và đứng thẳng lên.
Cô y tá đang đứng ở cửa. Mắt cô ta lấm lét nhưng không nhìn Steiner. Cái ly trong tay cô ta lay động.
Steiner bước ra hành lang.
– Đứng yên!
Một giọng nói lạnh lùng ra lịnh. Hai bên cửa đã có hai nhân viên mặc sắc phục, súng lục cầm tay. Steiner đứng lại. Anh không có vẻ gì sợ hãi.
– Tên gì?
– Johann Huber.
– Lại chỗ cửa sổ.
Người thứ ba tới nhìn mặt. Hắn nói gọn:
– Đúng Steiner.
Và nhìn vào mắt Steiner, hắn hỏi giọng khiêu khích:
– Còn nhớ tao không, Steiner?
Steiner thản nhiên:
– Không quên được, Steinbrenner.
– Tốt lắm. Mầy trở về là tao nồng nhiệt tiếp đón ngay. Bọn tao mới xây một cái trại hoàn toàn mới, đầy đủ tiện nghi cho mầy ở.
– Tao cũng muốn tin như vậy.
Steinbrenner ra lịnh:
– Còng nó lại – và hắn làm ra vẻ đau khổ – đừng buồn nghe cưng, thấy mầy bị bắt tao đứt ruột.
Có tiếng cửa khép mạnh. Steiner nhìn nghiêng qua vai. Đó là cánh cửa phòng vợ hắn. Steinbrenner cười khoái chí:
– Tình yêu. Nó kêu gọi chim ác là về tổ để giúp ích quốc gia và bạn bè.
Steiner nhìn sững Steinbrenner một lúc lâu rồi hỏi:
– Mầy vẫn vô lương tâm như vậy hoài sao?
Steinbrenner cười hô hố:
– Có lương tâm lắm chớ, cưng. Lương tâm của tao cùng cải tiến hơn khi bắt được càng nhiều những thằng như mầy. Tao ngủ ngon lắm. Nhưng có mầy chắc đêm nào tao cũng phải hầu chuyện một chút… Thôi, đi ngay.
Steiner bị đưa ngay tới phòng thẩm vấn. Một viên chức trọng tuổi phụ trách công việc này.
– Tại sao anh trở về Đức?
– Tôi muốn gặp lại vợ trước khi nàng chết.
– Anh đã gặp những người bạn chánh trị nào ở đây?
– Tôi không gặp ai cả.
– Nên nói thật nhẹ tội hơn.
– Tôi đã nói thật là không gặp ai cả.
– Ai ủy nhiệm anh về?
– Không ai ủy nhiệm.
– Ở nước ngoài anh, gia nhập tổ chức chánh trị nào?
– Tôi không làm chánh trị.
– Anh sống bằng cách gì?
– Bằng sức lao động của tôi. Tôi có giấy thông hành Aùo như ông thấy.
– Anh có bổn phận tiếp xúc với tổ chức nào ở đây?
– Nếu có ý định đó, tôi đã trốn tránh. Trở về thăm vợ, tôi đã đoán được số phận ra sao.
Thẩm vấn viên tiếp tục hỏi khá lâu. Ông ta xem kỹ vé thông hành của Steiner và bức thơ của vợ anh. Ngước nhìn Steiner, người công chức lại cúi xuống đọc bức thơ lần nữa.
– Chiều nay, anh sẽ bị giải tới trại giam.
– Thưa ông, tôi có thỉnh nguyện xin được trình bày: Chuyện chẳng có gì xảy ra nhưng đối với tôi là tất cả. Vợ tôi hãy còn sống. Theo lời bác sĩ, vợ tôi sẽ còn sống một hoặc hai hôm nữa. Nếu chiều mai không thấy tôi, vợ tôi biết ngay là tôi đã bị bắt. Tôi không dám xin một ân huệ nào cho riêng tôi nhưng tôi muốn nàng chết trong bình yên. Do đó, tôi xin ông cho tôi được ở lại đây một hay hai ngày nữa để được giải tới bịnh viện vào giờ thăm.
– Không được. Rồi anh trốn thì sao?
– Tôi nhất định không chạy trốn. Phòng bịnh ở tận lầu năm lại không có lối thoát nào. Chỉ cần có người gác ngoài cửa là đủ. Tôi không xin cho tôi mà cho người đàn bà sắp chết.
– Anh biết, tôi không có thẩm quyền.
– Nếu ông muốn, ông cứ bảo là cần phải thẩm vấn thêm lần nữa. Ông có thể bảo là sự gặp gỡ giữa chúng tôi có thể giúp thêm những tài liệu quan trọng. Ngoài người gác cửa, ông sẽ cho một người y tá đáng tin cậy ở luôn trong phòng để nghe chúng tôi nói chuyện.
Người công chức suy nghĩ. Ông ta lại giở hồ sơ ra.
– Theo báo cáo thì anh thuộc nhóm số bảy. Anh không khai tên ai cả. Chúng tôi đã có ở đây các tên Muller, Bose và Welldorf.
Steiner không trả lời.
– Anh có đồng ý khai cho chúng tôi hai tên vào chiều mai và chiều mốt không?
– Tôi sẽ khai vào chiều mốt.
– Chắc không?
– Chắc.
Người công chức nhìn Steiner thật lâu:
– Để xem tôi có thể giúp anh được gì. Bây giờ anh trở lại phòng tối.
– Ông có thể cho tôi xin lại lá thơ?
– Lá thơ phải giữ lại trong hồ sơ chớ.
Ông ta cầm lá thơ lên, ngập ngừng một lúc rồi nhún vai:
– Cũng không sao. Trong thơ chẳng có gì đáng chú ý. Anh cầm lấy.
– Cám ơn ông.
Ông công chức nhận chuông gọi người vào dẫn Steiner ra.
– Rất tiếc, nhưng biết làm sao? Tỏ ra nhân đạo là tự chọn con đường xuống địa ngục.
Nắm tay ông ta nện mạnh lên bàn.
Marie tỉnh dậy một lần nữa. Suốt buổi trưa, nàng ở trong trạng thái nửa mê nửa tỉnh. Bây giờ đã nhận rõ ra khuôn mặt chồng. Nàng run giọng vì sợ hãi:
– Anh vẫn còn ở đây sao?
– Anh có thể tới chừng nào cũng được, Marie.
– Sao? Anh nói gì?
– Luật đại xá đã được ban hành. Em không phải lo sợ nữa. Anh ở mãi đây với em.
Marie nhìn Steiner với vẻ nghĩ ngợi:
– Anh nói thế để làm em yên lòng, Joseft…
– Không, Marie, lịnh đại xá đã ban hành hôm qua…
Anh quay sang cô y tá đang sắp soạn những dụng cụ trên bàn:
– Có phải đúng vậy không, cô?
Cô y tá đáp nhỏ:
– Đúng!
– Cô vui lòng lại gần đây để vợ tôi có thể nghe rõ hơn.
Người nữ y tá nặng nề bước tới.
– Tôi mới vừa nói xong.
Marie thều thào:
– Cô vui lòng lặp lại.
Không có tiếng trả lời, Marie lại giục:
– Xin cô vui lòng nói rõ hơn.
Người nữ y tá bước tới sát giường, Steiner hỏi:
– Có phải là kể từ hôm qua tôi được ở đây luôn không?
Cô y tá lí nhí:
– Đúng vậy.
– Và tôi sẽ không bao giờ bị bắt nữa?
– Đúng.
– Cám ơn cô.
Steiner nhìn thấy mắt vợ như mờ mịt nhưng Marie không còn đủ sức để khóc nữa.
– Lạy Chúa! Thế là toàn vẹn. Và bây giờ, giữa lúc anh cần đến em thì em lại ra đi…
– Em không ra đi đâu, Marie…
– Em muốn ngồi dậy để cùng đi với anh.
– Chúng mình sẽ cùng đi.
Marie cứ nhìn chằm chặp vào mặt chồng trong khi mặt nàng tái xám như màu đất. Mái tóc còn sáng chói dưới ánh nắng chiều giờ đã xám xịt màu đêm như một nguồn sống nào đó vừa tắt đi. Steiner nhận thấy tất cả những báo hiệu đó mà như chẳng thấy. Anh chỉ biết vợ mình còn thở tức là nàng còn sống, mà nàng còn sống thì nàng vẫn là Marie của anh.
Bóng tối đã tràn ngập căn phòng và bên ngoài cửa thỉnh thoảng có tiếng ho khan khiêu khích của Steinbrenner.
Hơi thở của Marie ngắn lại, hổn hển từng chập. Chợt một lúc hơi thở như ngừng lại, chỉ còn nhẹ như gió thoảng rồi tắt ngấm. Steiner vội vàng nắm lấy hai bàn tay vợ – hai bàn tay lạnh ngắt – anh cũng chết theo nàng. Lúc đứng lên để đi ra, anh đã hoàn toàn trở thành một người khác lạ, không cảm giác, một cái vẻ không hồn. Tia nhìn của anh thật dửng dưng. Ra tới ngoài anh được Steinbrenner đón bằng một câu hăm dọa:
– Mầy đã bắt tụi tao đợi luôn ba tiếng đồng hồ. Chuyện này mình sẽ có dịp nói lại với nhau.
Steiner lạnh lùng:
– Tao không ngạc nhiên đâu, Steinbrenner.
Steinbrenner liếm môi:
– Chắc mầy biết mỗi lần nói chuyện với tao người ta phải gọi là “ông Thanh tra”. Nhưng mầy có thể tiếp tục mầy tao với tao… Có điều là mầy sẽ phải trả giá rất đắt bằng máu và nước mắt luôn nhiều tuần.
Họ đi xuống thang lầu. Đêm dịu dàng, tất cả cửa sổ đều mở rộng. Steiner ngẩng mặt lên, nghĩ ngợi. Thình lình, anh đẩy mạnh Steinbrenner tới sát một cánh cửa sổ gần đó, nhảy sổ tới và kéo luôn tên bạn bất lương nầy rơi vào khoảng trống từ lầu cao…
Marill buồn thảm bảo:
– Cậu có quyền nhận món tiền nầy. Steiner đã gởi lại tôi, dặn trao cho cậu và Ruth trong trường hợp anh ta không trở lại.
Kern lắc đầu. Bẩn thỉu, hôi hám và buồn thảm, Kern ngồi với Marill trong phòng dưới hầm. Anh vừa từ biên giới tới. Kern đã đi từ Dijon tới theo một đoàn xe vận tải. Anh không thể nào tin được là Steiner đã chết. Kern nói như với chính mình:
– Anh ấy sẽ trở lại. Steiner sẽ trở lại.
Marill sẵng giọng:
– Anh ta không bao giờ trở lại. Bộ cậu không biết là tình hình đã đen tối lắm rồi sao mà cứ ngồi đó nhắc mãi “sẽ trở lại”. Anh ta không còn trở lại. Đây, đọc đi.
Ông ta lấy một bức điện tín nhàu nát đưa cho Kern xem. Bức điện gởi cho chủ quán Verdun, với con dấu từ Bá Linh chỉ mang một dòng chữ ngắn “chúc mừng sinh nhật Otto” Kern ngơ ngác nhìn Marill.
– Vậy nghĩa là sao?
– Như vậy có nghĩa là anh ta đã bị bắt. Chúng tôi đã giao ước là trong trường hợp nầy một người bạn của anh ta sẽ thông báo cho tôi bằng điện tín với lời lẽ như trên. Thôi, cất mấy tờ giấy bạc bẩn thỉu nầy vào đi.
Ông ta đẩy tiền về phía Kern:
– Đó là hai trăm bốn mươi quan và còn đây nữa.
Marill vừa nói vừa lấy ra hai quyển sổ con ném tới chỗ Kern:
– Đây là hai vé tàu đi từ Bordeaux tới Tây Ban Nha. Chiếc Tacoma. Tàu khởi hành ngày 18. Ngoài ra cả hai người cũng đã có chiếu khán nhờ sự can thiệp của Uûy ban cứu trợ dân tị nạn.
Kern sững sờ:
– Nhưng…
Marill lại phát cáu:
– Không nhưng gì cả. Đừng gây khó khăn nữa Kern. Chúng tôi đã khổ sở lắm rồi. Đây là chuyện ngàn năm một thuở. Mới cánh nay ba hôm, Uûy ban cứu trợ đã được chính phủ Tây Ban Nha cho biết rằng sẵn sàng đón nhận 150 vạn dân với điều kiện có đủ tiền di chuyển. Chính Klassmannm, phụ trách vấn đề nầy. Ngay khi được tin chúng tôi đã dành chỗ ngay cho cô cậu…
Ông ta ngừng lại, quay ra bảo cô hầu bàn Alsace:
– Yvonne, cho một ly Kirsh.
Yvonne toan đi thì Marill gọi giật lại:
– Cho hai ly.
Yvonne quay lại mìm cười:
– Ông không nói tôi cũng mang tới hai ly.
– Tốt lắm. Thêm một tâm hồn cao thượng.
Marill nói với Kern:
– Lại thêm một ngạc nhiên nữa cho cậu. Đem vé tàu và giấy chiếu khán tới trình sở Cảnh sát, người ta sẽ cấp cho cậu giấy phép lưu trú cho tới ngày xuống tàu. Ngay cả trường hợp nhập cảnh lậu cũng không. Uûy ban cứu trợ đã nêu vấn đề đó ra và đã được chấp thuận. Mai cậu có thể tới đó.
Yvonne mang tới hai ly, một ly cỡ bình thường và một ly dùng để uống nước đã rót đầy bia. Cô ta chỉ vào ly lớn nói với Marill:
– Ly này của ông. Cũng tính một giá thôi.
– Cám ơn lắm. Cô bé điệu này!
Ông ta uống cạn một hơi nửa ly:
– Uûa! Sao không uống đi, Kern?
Và lần đầu tiên, Marill nhìn thẳng vào mặt Kern:
– Sao chưa khóc?
– Không khóc được nhưng dầu có khóc cũng chẳng làm gì được. Khốn nạn! Vậy mà tôi cứ nghĩ là Steiner phải trở lại để rồi bây giờ với hai vé tàu và số tiền nầy trong tay… tôi bỏ đi, bỏ đi để sống an toàn nhờ vào việc anh ấy không trở lại. Ông có nhận thấy sự bỉ ổi đó không?
– Không. Tôi chẳng nhận thấy gì cả. Hay đó chỉ là những tình cảm nhảm nhí thôi. Không có gì cần phải hiểu. Vẫn là chuyện muôn đời. Thôi, uống đi. Hãy uống như chính Steiner đã uống. Mẹ kiếp, bộ cậu tưởng tôi không có trái tim sao?
Kern uống cạn ly:
– Đã thấy đỡ đôi chút. Cho tôi điếu thuốc, Marill.
Kern hút một hơi dài. Khói thuốc quyện dưới mắt hiện thành khuôn mặt Steiner. Một khuôn mặt khinh đời, hơi nghiêng về phía trước chập chờn qua ánh nến trong nah2 giam thành Vienne. Anh còn nghe câu nói của Steiner đêm ấy”Sao? Cậu bé?”.
– Ruth đã biết chưa?
– Rồi.
– Ruth đi đâu?
– Không biết. Có lẽ ra văn phòng cứu trợ. Cô ấy không biết cậu về.
– Chính tôi cũng không biết lúc nào mới tới. Ở Tây Ban Nha có làm việc được không?
– Phải có chớ. Nhưng hiện giờ mình không biết việc gì. Người ta bảo đảm là sẽ cấp thẻ cư trú và giấy phép hành nghề.
– Tôi không biết một tiếng Tây Ban Nha nào cả.
– Cứ học là phải biết.
Kern gật đầu. Marill nghiêng mình tới, giọng ông ta nghe khác hẳn:
– Kern, tôi biết là không phải dễ đâu. Nhưng tôi khuyên cậu nên đi. Đừng suy nghĩ thêm nữa, cứ đi. Hãy rời xa Aâu châu. Thế nào rồi cũng có chuyện xảy ra ở đây… Một dịp may như thế nầy không bao giờ có được lần thứ hai. Cậu và Ruth hãy đi đi. Ở đây…
Ông ta uống cạn phần bia còn lại. Kern hỏi:
– Ông sẽ đi với chúng tôi?
– Không.
– Bộ tiền không đủ cho ba người sao. Tôi và Ruth vẫn còn một ít.
– Đó không phải là vấn đề. Tôi phải ở lại đây. Chuyện gì xảy ra cũng được. Đây là những chuyện không bao giờ giải thích được.
– Tôi hiểu.
Marill bỗng đứng lên:
– Ruth tới rồi đấy. Dầu tôi phải ở lại và các người ra đi, các người có hiểu thế nào không?
– Hiểu, Marill.
– Cám ơn Thượng đế!
Ruth đứng bất động trên ngưỡng cửa, rồi nàng chạy nhào tới:
– Kern, anh về tới hồi nào?
– Cách đây nửa giờ.
– Anh đã biết…?
– Biết rồi. Marill vừa mới nói.
Kern nhìn quanh, Marill đã biến mất. Ruth ngập ngừng:
– Anh cũng biết…!
– Biết cả. Thôi đừng nói chuyện đó nữa. Chúng mình ra phố một chút. Anh muốn rời khỏi căn phòng tối ám nầy.
– Phải, mình nên đi ra ngoài.
Ruth và Kern đi về phía Champs-Eùlysees. Trăng lưỡi liềm treo lơ lửng trên nền trời xanh lục. Không khí như bạc trắng ra, trong suốt và hiền dịu.
Họ im lặng đi bên nhau. Mãi một lúc lâu sau, Kern chợt hỏi:
– Em có biết Tây Ban Nha ở đâu không?
Ruth lắc đầu:
– Chỉ biết trên bản đồ. Ngay bây giờ em cũng không biết nước Đức ở đâu.
Kern nhìn người yêu và nắm lấy tay nàng:
– Mình phải đi mua một quyển văn phạm để học tiếng Tây Ban Nha.
– Em mới mua hôm qua.
Kern cười:
– Tốt quá. Đây là cơ hội để mình nhìn thấy chân trời, có phải thế không?
Ruth nhè nhẹ gật đầu.
Họ tiếp tục đi, băng ngang qua một công viên. Những mầm non đã bắt đầu nhô lên trên các cành cây. Aùnh đèn mờ ảo chập chờn như từ dưới đất phụt lên, leo dài trên các thân cây dẻ như những ngọn ma trơi. Đất trong các khu vườn đã được xới lên. Mùi đất mới xông pha trộn lẫn mùi với mùi xăng, dầu bềnh bồng trên đại lộ.
Các luống hoa xuân trong một vài khoảnh vườn quanh quất đó đây đã khoe màu. Trong cảnh sắc hoàng hôn, hoa tươi vẫn chưa chịu khuất mình. Đó là giờ công tư sở đều đóng cửa và lưu thông nghẽn chẹt.
Kern dừng lại nhìn Ruth:
– Người đâu mà đông quá!
Ruth nhỏ nhẹ nói theo:
– Vâng, người đâu mà đông quá!

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.