Bản Du Ca Cuối Cùng Của Loài Người Không Còn Đất Sống

CHƯƠNG 16



Kern và Ruth vượt biên giới không gặp một trở ngại nào, họ đi xe lửa tới Bellegarde. Ngay đêm đó họ tới Ba Lê và cứ lẩn quẩn mãi trước nhà ga, chẳng biết phải đi đâu.
Kern nhìn người yêu:
– Can đảm lên, Ruth! Mình sẽ tìm tới một khách sạn nhỏ nào đó gần đây. Giờ nầy thì chẳng còn cách nào hơn.
Tới một con đường ngang, họ bắt gặp một bảng hiệu dạ quang màu đỏ “Khách sạn Habana”. Kern vào hỏi giá phòng.
Người gác cửa hỏi lại:
– Ngủ đêm thôi phải không?
Kern hơi ngạc nhiên:
– Phải.
– Hai mươi lăm quan.
– Phòng hai người?
Tới phiên người gác cửa ngạc nhiên:
– Chớ còn gì nữa.
Kern ra gọi Ruth vào. Người gác cửa liếc nhìn họ thật nhanh rồi trao một tấm phiếu khai lý lịch. Kern trầm ngâm, do dự. Người gác cửa cười:
– Chẳng có gì đâu. Hình thức thôi.
Nhẹ nhõm, Kern ghi vào phiếu tên Ludwig Oppenheim.
Một gã bồi phòng đưa họ lên chỗ trọ. Phòng không mấy rộng nhưng sạch sẽ với chiếc giường khá to và êm ái, hai cái bàn, một ghế dựa nhưng không có tủ.
Kern đặt va-li xuống rồi tới cửa sổ nhìn ra:
– Thế là chúng mình đang ở Ba Lê.
Ruth cười thật tươi:
– Như chiêm bao.
– Em có nghe anh nói tiếng Pháp không? Anh hiểu tất cả những gì người gác cửa nói.
Ruth khen:
– Anh giỏi quá. Còn em không thể mở miệng được.
– Vậy mà em giỏi tiếng Pháp hơn anh. Chẳng qua là nhờ anh dạn miệng. Thôi, mình kiếm gì lót dạ cái đã. Tới một thành phố nào mà không đi ăn uống thì vẫn còn bị mặc cảm là thành phố ấy thù nghịch với mình.
Hai người đi qua một quán ăn nho nhỏ gần bên khách sạn.
Với sáu quan, họ được trọn một phần ăn kể cả một ly rượu chát loại rẻ tiền nhưng khá ngon. Suốt ngày chẳng ăn uống gì đáng kể nên bây giờ rượu ngấm rất mau khiến cả hai trở về ngay khách sạn.
Tại phòng khách, một thiếu nữ đang đứng bên một thanh niên có vẻ đã say. Cô gái khá đẹp nhưng trang điểm hơi thái quá. Cô ta ném một cái nhìn khinh khỉnh về phía Kern. Người đàn ông đang hút xì-gà không buồn tránh chỗ Kern tới lấy chìa khoá phòng.
Kern mở đèn lên. Ruth buông xách tay và áo choàng xuống đất ôm chầm lấy Kern:
– Em đang mệt, mệt và phiền não, nhứt là đang phiền não. Bồng em lên giường đi.
– Xin tuân lệnh.
Ruth ngả đầu lên vai Kern, thở dài rồi ngủ vùi như một đứa trẻ. Kern nằm nghe hơi thở của mình và của Ruth rồi cũng ngủ say.
Kern từ trong trụ sở uỷ ban cứu trợ bước ra. Trước khi tới đây anh đã đoán là người ta sẽ nói những gì. Không nên nghĩ là sẽ có được một giấy phép lưu trú. Về phần cứu trợ thì chỉ những trường hợp tối cần thiết mà thôi. Dầu có được cho lưu trú cũng không được phép hành nghề.
Kern không thấy gì đáng kể thất vọng, nước nào cũng vậy thôi. Tuy nhiên, hàng vạn dân tỵ nạn vẫn sống nhăn trong khi nếu áp dụng đúng theo luật lệ, họ đã chết đói từ lâu.
Tới phòng đợi, anh dừng lại. Trong phòng lúc bấy giờ đã đầy kín những người. Anh quan sát từng người một và sau cùng đi tới chỗ một người đàn ông đang đứng riêng một mình có vẻ trầm lặng, suy tư. Anh lễ phép hỏi:
– Xin lỗi, chẳng biết ông có vui lòng chỉ giúp cho tôi một chỗ trọ mà chẳng cần khai báo hay không? Tôi vừa tới Ba Lê hôm qua.
Người đàn ông không kiểu cách:
– Có tiền không?
– Dạ chỉ có ít thôi.
– Cậu có thể trả sáu quan một phòng không?
– Tạm thời thì được.
– Vậy thì tới lữ quán Verdun, đường Turenne. Nói với người chủ là do tôi giới thiệu. Tên tôi là Klassmann – ông ta nói thêm với giọng mỉa mai – Bác sĩ Klassmann.
– Thưa, ở Verdun có an toàn không?
– Chẳng có đâu là an toàn cả. Nhưng ở đó người ta không ghi ngày tháng vào phiếu và cũng không nộp phiếu cho Cảnh sát. Khi có kiểm soát họ bảo là mình chỉ mới tới ban đêm và sẽ gởi phiếu đi vào sáng hôm sau, cậu hiểu chưa? Điều cốt yếu là đừng để bị bắt tại chỗ. Ở đó còn có một đường hầm. Verdun không hẳn là một lữ quán mà là một kiến trúc theo ý muốn của thượng đế, được xây lên cách đây năm mươi năm, để đón chờ những người tỵ nạn. Cậu đã đọc xong tờ báo chưa?
– Dạ, xong rồi.
– Vậy cho tôi và chúng mình kể như không nợ nần nhau.
– Dạ đây. Cám ơn ông nhiều.
Kern vội vàng tới gặp Ruth đang đợi ở một quán nhỏ góc đường. Nàng đã mua được một bản đồ thành phố Ba Lê và một quyển văn phạm Pháp. Nàng chỉ vào hai món đồ đó:
– Em mới mua rẻ trong một tiệm bán sách cũ. Đây là hai vũ khí hữu hiệu để mình chinh phục Ba Lê.
– Tốt lắm. Mình có dịp dùng tới ngay. Em dò xem đường Turenne ở đâu.
Lữ quán Vedun là một toà nhà cổ, loang lổ nhiều nơi. Qua khỏi một cái cửa hẹp là tới một cái quầy gần như suốt ngày lúc nào cũng có bà chủ, một thiếu phụ gầy nhom, mặc toàn đen, ngồi trên đó.
Kern nói với bà ta bằng tiếng Pháp không trôi chảy. Bà ta nhìn Ruth và Kern từ đầu đến chân với đôi mắt nhỏ đen láy:
– Ở không hay tính luôn tiền ăn?
– Nếu ăn luôn thì bao nhiêu?
– Hai chục quan mỗi người. Ba bữa ăn. Điểm tâm trong phòng. Các bữa kia dọn trong phòng ăn.
Kern nói với Ruth bằng tiếng Đức:
– Mình ăn ở đây ngày đầu rồi sẽ tính. Vấn đề chính là chỗ ở trước đã.
Ruth gật đầu. Kern nói với bà chủ quán:
– Nếu ở chung một phòng thì giá tiền có bớt không?
Bà chủ trọ lắc đầu:
– Chưa có phòng trống cho hai người. Nếu ở thì lấy phòng một trăm bốn mươi một và một trăm bốn mươi hai – bà ta ném chìa khoá lên bàn – trả tiền trước mỗi ngày.
Kern ghi tên vào phiếu nhưng không đề ngày tháng. Anh trả tiền và lấy chìa khoá.
Cả hai phòng đều chật hẹp như nhau. Kern chép miệng:
– Đúng là ổ chuột dành cho dân tỵ nạn. Dầu sao cũng có đôi chút không khí gia đình. Em nghĩ sao?
– Em thì cho là sang trọng lắm. Mỗi phòng có một giường. Anh còn nhớ ở Prague không? Ba bốn người ở chung nhau.
– Phải, anh quên mất. Anh cứ nghĩ tới căn nhà của Neumann ở Zurich.
Ruth cười lớn:
– Còn em thì lại nhớ tới vựa cỏ mà chúng mình bị mưa dột làm ướt ngoi.
– Em suy luận đúng hơn anh. Nhưng em biết tại sao những ý nghĩ ấy đến với anh không?
– Em biết, nhưng đó chỉ là ý nghĩ sai. Mình sẽ mua ít giấy bóng để làm chụp đèn. Mình học tiếng Pháp ở bàn nầy và nhìn ra khoảnh trời nho nhỏ trên mái ngói. Mình sẽ ngủ và thức trên những chiếc giường nầy, có lẽ là những chiếc giường êm ả nhứt thế giới, và khi ra đứng bên cửa sổ, cái sân bẩn thỉu dưới kia sẽ có vẻ nên thơ vì nó là một cái sân của thành phố Ba Lê.
– Hay lắm! Và bây giờ mình tới phòng ăn. Mình sẽ ăn những món ăn của Pháp, và có thể đó là những món ngon nhứt thế giới.
Phòng ăn của lữ quán Verdun là một gian hầm. Những người ở đây gọi đó là “mộ địa”. Muốn tới đó phải đi qua một đoạn đường dài khúc khuỷu với những thang lầu, những hành lang và những căn phòng bỏ trống hàng chục năm sực nức mùi băng phiến, không khí đọng lại như nước ao hồ. Phòng ăn khá rộng vì một phần thuộc về khách sạn Quốc Tế ở sát bên mà người khai thác không ai khác hơn là em gái của bà chủ bên nầy.
Đối với hai nhà ngủ tồi tàn nầy, phòng ăn được coi là một nơi giải trí của khách trọ. Những người tị nạn nhìn thấy ở đó như những hầm mộ của La Mã thời xưa. Khi có một cuộc bố ráp bên Quốc Tế, khách trọ ùa vào phòng ăn để qua bên Verdun và ngược lại. Có thể bảo đó là nhà mồ cộng đồng có mục đích cứu rỗi những kẻ chưa muốn chết.
Kern và Ruth đứng ở cửa, chưa biết phải làm gì. Mặc dầu đã giữa trưa nhưng vì gian phòng không có cửa sổ nên phải để đèn. Aùnh điện vào giờ đó khiến cho không khí có vẻ âm u, buồn thảm và bệnh hoạn.
Kern bỗng nắm tay Ruth:
– Uûa! Marill kìa!
– Đâu?
– Đàng kia, gần ngọn đèn. Hay quá! Mới chân ướt chân ráo đã gặp ngay người quen.
Ngay lúc đó Marill cũng vừa nhận ra Kern và Ruth. Ông ta sững sờ mất mấy giây rồi vội vã đi tới chỗ họ.
– Mấy đứa bé tới Ba Lê! Ồ thật là khó tin. Làm sao tìm ra được cái ký túc xá cổ lỗ này.
– Bác sĩ Klassmann chỉ.
– Klassmann? Vậy à? Được lắm. Verdun kể như toàn hảo. Có trả luôn tiền ăn chớ?
– Dạ, chỉ một ngày thôi.
– Tốt. Vậy thì ngày mai chỉ trả tiền phòng không thôi và mua lấy thức ăn. Như thế ít tốn kém hơn. Thỉnh thoảng cũng nên ăn ở đây một hôm để bà chủ vui lòng. Rời Vienne là phải, tình hình ở đó bắt đầu rối rắm.
– Còn ở đây?
– Ở đây? Aùo, Tiệp, Thụy Sĩ, đó là trận chiến chuyển động của phong trào di dân, nhưng Ba Lê lại là chiến trận vị thế. Hầu hết những đợt sóng di dân đều đổ tới đây. Cậu có thấy người mặc áo lông cừu đen đằng kia không? Ông ta là người Ý. Người có râu bên cạnh? Dân Nga. Và cách đó hai ghế? Một người Tây Ban Nha. Rồi kia nữa là một người Ba Lan và hai người Mỹ. Sau hết là bốn người Đức. Ba Lê là hy vọng cuối cùng và cũng là vận hội sau chót của thế giới – ông ta nhìn đồng hồ – lại đây, cô cậu. Gần hai giờ rồi. Nếu cần ăn thì ăn ngay. Người Pháp luôn luôn đúng giờ đối với các bữa ăn. Quá hai giờ là chẳng còn gì cả.
Kern và Ruth ngồi cùng bàn với Marill.
– Aên ở đây, nên nhớ tới cô hầu bàn mập mạp kia. Tên cô ta là Yvonne, dân Alsace. Tôi không hiểu cô ta làm thế nào mà các dĩa ăn do cô tới đều đầy hơn các dĩa khác.
Yvonne mang súp tới với một nụ cười tươi.
Marill hỏi Kern:
– Còn được bao nhiêu tiền?
– Đủ còn khoảng mười lăm hôm.
– Tốt lắm. Nhưng có định làm gì chưa?
– Dạ chưa. Chúng tôi mới tới đêm qua. Những người ở đây sống bằng cách gì?
– Hỏi rất chí lý, Kern. Bắt đầu bằng tôi trước đã. Tôi sống nhờ vào một số bài viết cho các tờ báo chuyên lo về dân tỵ nạn. Người ta chịu mua bài vì biết tôi trước kia là dân biểu ở Reichtag. Người Nga thì tất cả đều có thông hành Nansen và giấy phép hành nghề. Họ là những người lưu vong trước chúng ta hai chục năm. Họ làm bồi bàn, nấu bếp, đấm bóp, gác cửa, đánh giày, lái xe… Kế đó là người Ý, di dân đợt hai. Phần người Đức bọn mình, phần lớn vẫn có giấy thông hành còn lực, một số họ tiện ít được cấp giấy hành nghề. Còn chút ít tiền bạc, tặn sống qua ngày. Nhưng rất nhiều người chẳng còn đồng nào cả. Họ phải làm việc lậu để kiếm một vài quan. Ông luật sư ngồi kia phải thông dịch mướn và đánh máy để kiếm một vài quan. Anh chàng ngồi bên ông ta chuyên hướng dẫn người Đức có của tới những hộp đêm. Cô đào hoạn nạn ngồi trong góc đi coi chỉ tay. Một số đi dạy sinh ngữ. Có người chỉ sống nhờ vào quỹ cứu trợ. Tóm lại, một số người đi làm và một số ăn xin. À, cậu đã đi vào văn phòng cứu trợ chưa?
– Mới hồi sáng nầy.
– Họ không giúp gì cả?
– Dạ, không.
– Chẳng sao, cứ trở lại đó. Ruth nên tới cơ quan tương trợ Do Thái còn cậu thì gõ cửa các văn phòng hỗn hợp – ông ta cười – sự nghèo đói cũng có chế độ riêng của nó. Cậu đã ghi tên chưa? Mai tới đó đi. Klassmann có thể giúp được. Có thể ông ta sẽ giúp Ruth lấy được thẻ lưu trú vì Ruth có giấy thông hành.
Kern lắc đầu:
– Đã hết hiệu lực rồi, lại còn vượt biên giới bất hợp pháp.
– Không sao đâu. Miễn có giấy thông hành là được. Klassmann sẽ nói rõ cho cậu biết.
Yvonne mang khoai tây tới với một dĩa đựng ba miếng thịt trừu. Kern cười với cô ta. Yvonne dịu dàng cười theo. Marill bảo:
– Thấy rõ chưa? Phần ăn của mỗi người là một miếng, vậy mà Yvonne vẫn có cách tặng thêm miếng nữa.
Ruth nhìn cô hầu bàn:
– Cám ơn Yvonne.
Mặt Yvonne sáng hẳn ra. Cô ta vừa đi vừa nhún nhẩy.
Marill hỏi Ruth:
– Còn theo dõi hoá học không?
– Tạm thời thì đang bỏ.
– Vậy là khôn. Có thấy người ngồi đằng kia với cuốn sách đó không? Luôn hai năm, cậu ta giúp việc trong hộp đêm, vừa làm vừa học. Mới đậu Tiến sĩ cách đây mười lăm hôm. Bây giờ cậu ta lại di học Anh ngữ cố lấy được bằng sinh ngữ nay mai để đi Nam Phi vì ở đây không còn chỗ làm. Đó có phải là một niềm an ủi đối với cô bé không?
– Dạ, đúng vậy.
– Còn Kern?
– Với tôi, tất cả đều có thể là niềm an ủi. Cảnh sát ở đây thế nào?
– Không gắt lắm.
– Lại thêm một niềm an ủi.
Sau khi đưa Kern vào văn phòng cứu trợ để ghi tên và tạt vào sở Di Trú để chứng kiến cảnh xin giấy tờ khó khăn của dân tị nạn. Bác sĩ Klassmann bảo Kern:
– Mình ghé quán kiếm gì giải khát.
Họ ngồi vào một cái bàn xoay. Kern thấy tỉnh người đôi chút sau khi uống xong ly rượu chát. Anh hỏi Klassmann:
– Chặng nào là chặng cuối?
– Chặng cuối là nơi những người như chúng mình ngã chết vì đói lạnh. Trong nhà tù, trong đường xe điện hầm ban đêm, trong những ngôi nhà xây cất dở dang. Hoặc là dưới dạ cầu sông Seine.
Kern nhìn dòng người xuôi ngược không ngừng qua trước quán, Klassmann chợt hỏi:
– Cậu bao nhiêu tuổi?
– Hai mươi mốt, gần hai mươi hai.
– Tôi đoán không sai. Con trai tôi cũng bằng tuổi cậu.
– Anh ấy cũng ở đây?
– Không. Vẫn ở Đức.
– Tội nghiệp…
Klassmann cắt ngang:
– Không phải cho nó. Nếu có ở đây còn tồi tệ hơn.
Keern ngạc nhiên:
– Vậy à?
– Chớ sao. Nếu có nó ở đây tôi sẽ chặt nó ra từng mảnh.
– Sao vậy?
– Nó tố cáo tôi. Tại nó mà tôi phải bỏ xứ.
Kern buột miệng:
– Khốn kiếp!
– Tôi là người thiên chúa giáo. Còn nó thì gia nhập tổ chức Thanh Niên Quốc Xã. Cậu có thể đoán là giữa tôi và nó đã có hơn một lần to tiếng. Càng ngày nó càng cứng đầu hơn. Một hôm nó nó với tôi, bằng giọng điệu của nột thượng sĩ nói với tân binh, là tôi phải im miệng, nếu không sẽ có chuyện sảy ra. Tôi tát nó.Nó bỏ đi tố cáo với Cảnh sát. Nó thuật y những gì tôi đã nói về đảng. Rất may là có người thông báo gấp cho tôi. Lúc toán biệt kích tới thì tôi đã đi rồi.
Kern chép miệng:
– Kể cũng ly kỳ.
– Và chuyện ly kỳ lại có thể xảy ra khi tôi trở về.
Steiner gắn huy hiệu Quốc Xã vào ve áo:
– Tuyệt diệu, Beer. Bạn tìm cái nầy ở đâu ra?
Bác sĩ Beer cười:
– Của một bịnh nhân tặng. Hắn bị đụng xe gần Morat. Chính tôi săn sóc hắn. Ban đầu hắn còn dè dặt nhưng sau đó thì nói toạc cả ra. Chúng tôi uống với nhau mấy ly cognac rồi hắn tặng tôi huy hiệu làm kỷ niệm. Rất tiếc là hắn bị gọi về Đức.
– Xin thượng đế ban phước lành cho hắn!
Steiner vừa nói vừa lật tập hồ sơ xanh trên bàn, trong đó có một danh sách đóng dấu chữ vạn và một số truyền đơn chánh trị. Anh gật gù:
– Thế nầy là đủ rồi, lão ta không nghi ngờ gì được.
Truyền đơn và danh sách là của Beer do một tổ chúc Quốc Xã ở Stuttgart gởi tới vì những lý do không được sẵn sàng chiến đấu với lão Ammers. Beer đã kể cho anh nghe chuyện Ammers hại Kern.
– Chừng nào bạn đi?
– Mười một giờ. Nhưng trước khi đi tôi còn trở lại để trả huy hiệu.
– Tốt. Tôi sẽ đợi với một chai rượu.
Steiner rời nhà Beer. Một lúc sau anh nhận chuông nhà Ammers. Người đàn bà giúp việc ra mở cửa. Steiner lấy giọng kẻ cả:
– Tôi cần gặp ông Ammers. Bảo là có ông Huber.
Người giúp việc quay vào rồi trở ra hỏi:
– Thưa, về chuyện gì?
Steiner trừng mắt:
– Chuyện của đảng.
Không đầy một phút, Ammers ra tới. Lão ta nhìn Steiner với chút ít nghi ngại. Steiner nghiêm mặt:
– Đồng chí Ammers, hả?
– Vâng.
Steiner bật ve áo ra cho thấy huy hiệu và tự giới thiệu:
– Huber. Tôi thay mặt cho tổ chức đảng ở hải ngoại cần hỏi đồng chí vài câu.
Ammers vội vàng đứng nghiêm:
– Xin mời, xin mời vào, thưa…
– Tên tôi là Huber. Schlichtweg Huber. Đồng chí nên biết… kẻ thù có thể nghe lén mình.
– Thưa, tôi biết. Đó là huy hiệu danh dự, thưa ông Huber.
Những suy đoán của Steiner không sai. Ammers không hề nghi ngờ gì cả. Sự thần phục và sợ hãi Getapo khiến lão ta không dám nghĩ khác. Và cho dầu có nghi ngờ, lão ta cũng không hại được Steiner trên đất Thuỵ Sĩ, nhứt là Steiner có giấy thông hành Aùo với tên Huber. Không một ai biết nổi hắn đã dính líu với Quốc xã Đức tới mức độ nào. Ngay như tòa Đại sứ lúc sau nầy cũng không biết rõ các hoạt động mật của đảng.
Tới phòng khách, Steiner không đợi mời đã ngồi vào chiếc ghế dựa dành cho chủ nhân, nói như ra lệnh:
– Đồng chí ngồi xuống đó.
Rồi vừa lật hồ sơ, hắn vừa tiếp:
– Chắc đồng chí đã biết nguyên tắc chính yếu của chúng ta khi hoạt động ở nước ngoài là phải kín đáo chớ?
Ammers gật đầu.
– Chúng tôi cũng tin tưởng đồng chí về điểm đó. Thế nhưng mới đây, chúng tôi lại có tin là đồng chí đã làm ồn ào vì một tên di dân vô danh nào đó. Có đúng thế không?
Ammers gần như nhẩy nhổm:
– Tên lưu manh đó. Nó đã làm cho tôi mang bịnh và trở thành lố bịch…
Steiner vẫn sẵn giọng:
– Lố bịch? Có phải lố bịch trước công chúng không, đồng chí Ammers?
Ammers sợ sệt:
– Thưa, không trước công chúng. Tôi muốn nói là chính mình cảm thấy lố bịch.
Steiner nhìn lão ta đăm đăm:
– Đồng chí Ammers, một người của đảng không được lố bịch dầu chỉ là lố bịch trước mắt mình! Lố bịch… đó là từ ngữ không thể có trong đảng. Chỉ có những kẻ khác mới là lố bịch, đồng chí hiểu chưa?
– Thưa hiểu.
Ammers lau mồ hôi trên trán. Trong đầu lão đã hiện ra cảnh tội tù. Lão ấp úng:
– Thưa, đó chỉ là trường hợp duy nhứt… Tinh thần tôi vẫn không thay đổi… Tôi vẫn trung thành…
Steiner cắt ngang:
– Tôi cũng mong đó là trường hợp duy nhứt không bao giờ tái diễn. Kể từ nay trở đi, đồng chí không cần lo cho bọn di dân, hiểu chưa?
Ammers gật đầu hăng hái. Lão lại tủ rượu lấy ra hai cái ly nạm bạc, bên trong có mạ vàng và một chai rượu.
Steiner hỏi giọng bất cần:
– Cái gì vậy?
– Thưa, cognac.
Steiner dịu giọng hơn nhưng vẫn làm ra vẻ kẻ cả:
– Người ta đãi rượu bằng loại ly nầy khi nào rượu không được ngon mấy. Mang cho tôi một ly thường thôi, đừng quá nhỏ.
Ammers mừng ra mặt:
– Vâng. Có sẵn cả.
Uống xong, Steiner lật hồ sơ:
– Còn một việc nầy nhờ đồng chí. Nhưng phải tuyệt đối giữ bí mật. Đồng chí biết là chúng ta chưahoạt động đáng kể lắm ở đây về mặt tuyên truyền.
– Vâng, tôi cũng nghĩ vậy.
– Tốt. Nhưng đảng không thể trì trệ như thế này mãi. Mình phải có một ngân quỹ bí mật – Anh ta liếc nhìn danh sách – đảng đã có một số nhà hảo tâm giúp rồi. Nhà nầy là của đồng chí, phải không?
Giọng Ammaers nghe yếu đi:
– Vâng.
– Đồng chí định giúp bao nhiêu. Danh sách nầy cần phải gởi gấp về Bá Linh. Tôi ghi năm chục quan, được không?
Ammaers nhẹ người. Lão ta tưởng ít nhất cũng phải một trăm quan. Lão trả lời rất mau:
– Dạ được. Ghi sáu chục cũng được.
– Tốt. Vậy thì ghi sáu chục.
Ammers lấy một tờ giấy bạc năm chục quan và một giấy bạc mười quan đặt trên bàn. Steiner cho tiền vào cặp:
– Đồng chí có biết tại sao chẳng có biên lai không?
– Thưa biết. Tuyệt đối bí mật. Chúng ta đang ở Thụy Sĩ.
Steineer gật đầu:
– Hay lắm. Nhớ tránh những vụ rắc rối không đáng kể. Giữ được bí mật là kể như đã thành công một nửa.
– Vâng. Tôi sẽ cố tránh.
Steiner ra về, đi quanh co một lúc khá lâu mới trở lại nhà Bác sĩ Beer.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.