Bí Quyết Vượt Qua Kỳ Thi Một Cách Hoàn Hảo

17. LẬP KẾ HOẠCH



Chỉ đặt một mục tiêu duy nhất cho cả một quãng đường dài là chưa đủ. Với mỗi chặng đường, bạn phải có mục tiêu riêng cần đạt được.

– Johann Wolfgang von Goethe

Trong giai đoạn nước rút này, tâm trạng yếm thế cũng nguy hiểm chẳng kém gì sự chủ quan. Ngay cả khi học hành không có gì nổi bật, thậm chí “hụt hơi” so với bạn bè trên lớp, thì cũng không có nghĩa bạn không thể có một kỳ thi tốt, bởi thành công vẫn đến với những người chăm chỉ, lạc quan nếu họ có chiến lược ôn tập phù hợp.

Hãy hít thật sâu, thở ra nhẹ nhàng và tự tìm cho mình những dấu hiệu khả quan, như lần bạn hoàn thành bài luận trước hạn nộp hay giành điểm cao trong bài tập nhóm, bạn sẽ tìm thấy sự tự tin và động lực cho mục tiêu giành kết quả cao.

Một bản kế hoạch ôn thi chính là lựa chọn tốt nhất cho kỳ thi. Mỗi môn học lại có đặc trưng riêng: các môn tính toán chú trọng nhiều đến phần bài tập ứng dụng, trong khi những môn như Triết học lại đề cao phần lý thuyết. Bạn cần lưu ý tới giới hạn kiến thức, quãng thời gian ôn thi, độ khó của môn học, các phương pháp ôn thi, thời gian nghỉ ngơi… Có thể viết thời gian biểu hay kế hoạch học tập lên tấm bảng nhỏ trong góc học tập, sổ tay, hay những tờ giấy nhắn màu mè đính ở những nơi dễ nhìn nhất.

Đầu tiên, hãy phác sơ đồ nội dung cần ôn tập và phân bổ cho chúng thời lượng cần thiết. Mỗi phần giải quyết xong, hãy gạch chéo – điều này không chỉ giúp bạn theo dõi việc học ôn của mình, mà còn giống như những dấu mốc thắng lợi khiến bạn cảm thấy hào hứng hơn.

Nếu các môn thi diễn ra gần sát nhau, hãy đan xen lịch ôn tập. Sẽ là sai lầm nếu dành cả ngày cho một môn học khó, bởi nó sẽ chỉ khiến bạn mệt mỏi và mụ mị mà thôi. Trái lại, việc đan xen một môn học có tính chất hoàn toàn khác sẽ khiến trí não của bạn được “tập thể dục” và trở nên minh mẫn hơn. Đặc biệt, những môn học mà bạn yêu thích sẽ kích thích sự hưng phấn trong não, giúp bạn ở trạng thái sẵn sàng hơn để tiếp thu những kiến thức khó nhằn khác.

Một gợi ý khác cho quá trình ôn tập của bạn là áp dụng “nguyên tắc ba chặng”: kiến thức cơ bản, bài tập áp dụng, mở rộng – nâng cao. Với các môn cần phải học nhiều lý thuyết, hãy kéo dài thời gian cho chặng 1, còn với các môn yêu cầu tính ứng dụng cao như toán, hãy giãn chặng 2 ra một chút để có thêm thời gian luyện tập. Với mỗi chặng sẽ có chi tiết các công việc cần làm cụ thể, kiến thức cần nhớ, ghi chú thêm (nếu có), mục tiêu cần đạt.

Sau khi kết thúc một chặng, đừng vội chuyển sang chặng tiếp theo, mà hãy dành thời gian tổng kết lại những gì thu được. Hãy bình tĩnh, gạch ra thật trung thực những điểm đạt và những gì còn chưa tốt, và tất nhiên cả biện pháp khắc phục những điểm trừ đó nữa.

Mỗi môn học có thể là những chuỗi ba chặng nối tiếp nhau, và quy trình này càng được chia nhỏ càng tốt. Đừng học toàn bộ lý thuyết môn toán rồi mới thực hành, ôn lý thuyết đến đâu, hãy luyện tập cho nhuần nhuyễn ngay đến đó.

Sau khi đã nắm chắc kiến thức căn bản ở chặng 1 và luyện tập đến nhuần nhuyễn các bài tập ở chặng 2, lúc đó bạn mới có thể tập trung vào chặng 3. Đây không phải là phần bắt buộc, bạn có thể bỏ qua, hay tiếp tục nếu còn thời gian. Nếu bạn có học lực trung bình – khá, hãy dành sức tập trung vào hai chặng đầu tiên, được coi là quyết định trong kỳ thi tới. Những câu hỏi hay phần kiến thức trong chặng cuối này thường chỉ chiếm một hoặc hai câu nhỏ trong đề thi với số điểm không nhiều. Hãy chỉ tiếp tục đi nốt chặng cuối này nếu còn đủ thời gian và còn hứng thú với môn học.

Đừng học toàn bộ lý thuyết rồi mới thực hành, ôn lý thuyết đến đâu, hãy luyện tập cho nhuần nhuyễn ngay đến đó.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.