Bí Quyết Vượt Qua Kỳ Thi Một Cách Hoàn Hảo

19. ĐỪNG QUÁ CHÚ TÂM VÀO NHỮNG KIẾN THỨC NGOÀI LỀ



Cần phải lựa chọn một cách nghiêm ngặt xem nên học gì và không nên học gì.

– Lev. Tolstoy

Tâm lý thi cử của đa số học sinh, sinh viên chúng ta là cố gắng nhồi nhét thật nhiều kiến thức vào bộ nhớ của mình. Không chỉ bài tập trong giáo trình, thậm chí nhiều bạn còn chăm chỉ tới mức ngấu nghiến hết cả những mục đọc thêm, những phần đã được giảm tải, hay đôi khi lăn xả vào những bài tập khó dành riêng cho đối tượng khá giỏi. Hiệu quả ư? Chắc chắn là nó có ích cho bạn, dù ít hay nhiều. Nhưng tôi không chắc bạn sẽ giành điểm cao trong kỳ thi hết môn thông thường đâu.

Phần kiến thức ngoài lề bao gồm các bài đọc thêm, những bài tập quá khó, hay những mục đọc để biết. Bạn có thể bắt gặp chúng xen giữa các bài học chính khóa, hay ở phía cuối giáo trình,… Những bài đọc thêm này góp phần mở rộng hiểu biết của chúng ta về chủ đề đang học, cung cấp thêm thông tin hữu ích. Và thường thì giáo viên không bắt buộc chúng ta phải ghi nhớ hết những phần kiến thức phụ này, có chăng chỉ là khuyến khích đọc thêm ngoài giờ học mà thôi.

Thế nhưng tâm lý “thà học nhầm còn hơn bỏ sót” lại khiến đa số chúng ta trở nên quá lo lắng tới mức ôm đồm cả phần kiến thức phụ này vào phạm vi ôn tập. Bao quát kiến thức căn bản đã là cả một vấn đề không nhỏ, chúng ta còn muốn nhét hết những bài tham khảo bên ngoài vào cái đầu vốn đã quá tải vì học thi. Những đêm dài thức trắng chỉ để nạp thêm chút công thức cao siêu trong cuốn sách tham khảo dày cộp không khiến bạn thông thái hơn. Bạn chỉ khiến mọi chuyện thêm rối tung lên mà thôi.

Một sinh viên thông minh sẽ không bao giờ ghi nhớ hết tất cả mọi thứ, và cũng không cần thiết phải làm như vậy. Giả sử nếu bạn chỉ có hai tuần ôn tập cho 5 môn chẳng hạn. Riêng phần giới hạn ôn tập đã quá nnhiều rồi. Hãy làm một phép tính đơn giản nhé:

5 môn x trung bình 5-6 cuốn sách tham khảo/môn = 25 cuốn sách.

25 cuốn sách trong vòng 2 tuần. Bạn có chắc mình nhớ được hết từng ấy nội dung hay không?

Bạn thấy đó, đặt áp lực cho não bộ không phải là cách giải quyết khôn ngoan. Với 25 cuốn sách, chắc chắn bạn sẽ bị phân tán đầu óc. Bạn không thể vừa tập trung vào mảng kiến thức căn bản, vừa lấn sang sách đọc thêm được. Một lần nữa phải nhắc lại rằng: chương trình học đại học là rất nặng và khó, nếu bạn không biết cách phân bố thời gian hợp lý cho việc học ôn, bạn không thể vượt qua kỳ thi một cách suôn sẻ. Nếu như bạn có thể “ngốn” hết từng ấy trang sách trong vòng 2 tuần, thì tôi không chắc liệu bạn có thể trụ vững sau 1-2 môn thi đầu không nữa.

Thay vì theo đuổi những kế hoạch mù quáng và ngu ngốc, hãy tập trung ghi điểm một cách khôn ngoan và có hệ thống. Công thức của đa số các sinh viên giỏi thực ra rất đơn giản: 90% nắm chắc cơ bản – 10% còn lại củng cố và nâng cao kiến thức. Những mảng kiến thức căn bản bắt buộc luôn là đích đến đầu tiên của các tay sinh viên khôn ngoan. Hãy đầu tư phần lớn thời gian và công sức của mình vào việc củng cố mảng kiến thức trọng yếu này. Một khi bạn đã nắm thật chắc phần kiến thức bắt buộc, tức là đã nắm trong tay 70% chiến thắng. Nhưng đừng dừng lại ở đó, hãy dành thêm chút thời gian cho những cuốn sách tham khảo, bài đọc thêm. Cho đến lúc này, những kiến thức bên ngoài sẽ là đòn bẩy giúp bạn giành được 30% thành công còn lại.

Nếu bạn đang theo đuổi cách học ôm đồm, hãy dừng lại ngay. Ôn tập một cách có chiến lược sẽ mang lại kết quả như ý cho cả việc học tập và sức khỏe của bạn nữa.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.