Chiến Tranh Và Hòa Bình (Quyển 3)

Chương – 20



Piotr xuống xe, đi qua mặt những người dân quân đang làm việc và trèo lên trên ngọn đồi, nơi mà, theo như lời ông bác vĩ nói với chàng, có thể nhìn thấy chiến trường.

Bây giờ là vào khoảng mười một giờ trưa. Mặt trời ở phía sau lưng Piotr hơi chếch về phía trái, chiếu qua lớp không khí trong loãng rọi xuống cái toàn cảnh mênh mông trải rộng ra trước mắt chàng như một diễn trường vòng tròn(1).

(1) Sàn diễn kịch hay đấu võ của người Hy Lạp và La Mã cổ đại xung quanh có khán đài bậc thang hình vòng tròn bao bọc.

Ở trên cao và ở bên trái diễn trường vòng tròn ấy là con đường cái lớn Smolensk chạy ngoằn ngoèo qua một cái làng có ngôi nhà thờ nằm ở phía trước và bên dưới ngọn đồi, cách chừng năm trăm bước, đó là làng Borodino. Con đường đi men theo rìa làng qua một cái cầu rồi cứ lên cao xuống thấp chạy quanh co mãi đến làng Valuyevo cách đấy chừng sáu dặm (bấy giờ Napoléon đóng quân ở đấy) Con đường mất hút sau làng Valuyevo, chạy vào một cánh rừng màu vàng úa ở chân trời. Trong những cánh rừng bạch dương và tùng bách này, ở bên phải đường cái, xa xa thấy cây thập tự giá và cái giá chuông của tu viện Kolotsa lấp lánh dưới ánh mặt trời. Ở khắp cái vùng xa xa biêng biếc kia, bên phải, bên trái cánh rừng và con đường cái, thấp thoáng ở nhiều nơi có ánh lửa các bếp trại đang bốc khói và những đám người, thuộc quân ta cũng có, thuộc quân địch cũng có. Bên phải, dọc theo hai con sông Kolotsa và Moskva, địa hình mấp mô những gò núi và khe lãnh. Ở giữa các hẻm núi, xa xa hiện lên hai làng Bezobovo và Zakharivo. Ở bên trái thì mặt đất bằng phẳng hơn, đó là những cánh đồng lúa mì, và có thể trông thấy một cái làng đã bị đốt cháy còn bốc khói đó là làng Xemenovxkoye.

Tất cả những gì mà Piotr trông thấy ở bên phải và ở bên trái đều mơ hồ đến nỗi chàng không sao có được một hình ảnh hoàn toàn đúng với ý niệm của chàng. Đây không phải là bãi chiến trường như chàng vẫn hình dung, mà toàn là những cánh đồng, những cánh rừng, những đám quân sĩ, những rặng cây, những đống lửa trại, những xóm làng, những quả đồi và những dòng suối. Dù có cố nhìn thật kỹ, chàng cũng không tài nào nhìn ra các cứ điềm trong cái phong cảnh sinh động này, thậm chí cũng không tài nào phân biệt quân ta với quân địch.

“Mình phải hỏi một người nào thông thạo mới được” Piotr nghĩ thầm và quay về phía một viên sĩ quan đang tò mò nhìn dáng vóc to lớn nhưng không có vẻ gì là quân nhân của chàng, Piotr hỏi viên sĩ quan:

– Ông làm ơn cho biết cái làng ở đằng trước là làng gì thế?

– Burdino hay sao ấy nhỉ – Viên sĩ quan quay sang người đồng sự hỏi.

– Borodino, – Người kia chữa lại.

Hẳn là hài lòng vì có dịp nói chuyện, viên sĩ quan lại gần Piotr.

– Quân ta ở đấy phải không? – Piotr hỏi.

– Đúng rồi, và kia, quá chút nữa là quân Pháp. – viên sĩ quan đáp Chúng đấy kìa, ông có thấy không?

– Đâu? Đâu? – Piotr hỏi.

– Nhìn mắt thường cũng thấy kia kìa. – Viên sĩ quan đang giơ tay chỉ những đám khói bốc lên ở phía trái; bên kia sông, và trên gương mặt của ông ta hiện lên cái vẻ nghiêm trang và khắc khổ mà Piotr đã thấy trên nhiều gương mặt chàng đã từng gặp trước đây.

– A quân Pháp đấy à! Còn đằng kia? – Piotr chỉ ngọn đồi ở bên trái, xung quanh thấy những đơn vị quân đội.

– Đó là quân ta.

– A, quân ta đấy à! Còn phía kia? – Piotr chỉ một ngọn đồi khác ở xa, trên đỉnh mọc một cây đại thụ, bên cạnh một cái làng thấp thoáng trong khe núi, cạnh đấy có mấy đám khói lửa trại bốc lên và những vật đen đen.

– Nó đấy. – viên sĩ quan đáp (đó là cứ điểm Sevardino). Hôm qua thì cứ điểm này là của ta nhưng hôm nay là của nó.

– Thế thì trận địa của ta ở đâu?

-Trận địa ấy à? – Viên sĩ quan nói, miệng mở một nụ cười thích chí – Cái đó thì tôi có thể cho ông biết tường tận bởi vì chính tôi chỉ huy việc xây đào hầu hết các công sự của ta. Đây, ông xem, trung tâm của quân ta là Borodino, kia kìa. – Ông ta chỉ cái làng có ngôi nhà thờ trắng ở trước mặt. – Đấy, cái nơi có con đường cái vắt qua sông Kolotsa ấy. Ông có trông thấy không, đấy, nơi có những dãy rạ bị cắt ấy lại có cái cầu nữa. Đó là trung tâm của ta. Cánh phải của quân ta ở kia kìa. – (ông ta chỉ về phía phải, tít trong một khe núi) đó là nơi con sông Moskva chảy qua, ở đấy ta đã xây ba hào điểm rất mạnh. Còn cánh phải của ta… Ông ta nói đến đấy rồi dừng lại. – Ông ạ, cái này thì khó mà giái thích cho ông được… hôm nay cánh trái của ta ở đấy, ở Sevardino, kìa ông thấy không, ở chỗ có cây sồi ấy mà; nhưng bây giờ thì đã rút cánh trái về phía sau? Bây giờ thì, kìa, ông có thấy cái làng và ở đây này. – Ông ta chỉ ngọn đồi Raievxki. – Nhưng trận chiến đấu chắc sẽ không diễn ra ở đấy. Nó đã đưa quân đến đây nhưng chắc là để đánh lừa ta đấy thôi. Thế nào nó cũng đánh vòng sang phía bên phải sông Moskva. Thế đấy, nhưng dù ở đâu cũng sẽ có khối anh mất số lính.

Một hạ sĩ quan già đến gần viên sĩ quan trong khi ông ta kể chuyện và im lặng chờ đợi thủ trưởng nói xong, nhưng nghe đến chỗ này thì hẳn là ông ta không bằng lòng, liền ngắt lời viên sĩ quan.

– Cần cho người đi lấy sọt đựng đất. – viên hạ sĩ quan nói, giọng nghiêm nghị. Viên sĩ quan có vẻ lúng túng, ý chừng ông ta hiểu rằng nếu có nghĩ trong bụng là ngày mai sẽ có nhiều người tử trận thì cũng được, nhưng nói ra thì không nên.

– Được lại cho đại đội ba đi lấy. – viên sĩ quan hấp tấp nói.

– Thế còn ông là ai, chắc là một bác sĩ?

– Không, tôi đến đây thế thôi. – Piotr đáp. Và chàng lại xuống dốc, đi qua trước mặt đám dân quân.

– Ô cái quân chết tiệt. – Một viên sĩ quan đi sau chàng vừa nói vừa bịt mũi bước nhanh qua đám dân quân đang làm việc.

– Họ đến đây rồi!… Họ rước đến đây rồi, họ đang đến… đây rồi… – Có nhiều tiếng nói xôn xao, rồi sĩ quan, binh lính và dân quân đổ xô ra đường cái.

Một đám rước xuất phát từ Borodino đang đi lên dốc. Đi đầu trên con đường bụi bặm, là một tiểu đoàn bộ binh súng cầm chúc xuống và đầu để trần. Phía sau đoàn bộ binh nghe có tiếng hát hành lễ.

Binh sĩ và dân quân cất mũ chạy vượt qua Piotr đến đón rước.

– Họ rước Đức mẹ của chúng ta! Người phù hộ chúng ta!… Đức mẹ Iverya.

– Đức mẹ Smolensk chứ! – Một người khác chữa lại.

Dân quân đang ở trong làng hoặc đứng làm việc trên trận địa pháo đều vứt bỏ thuổng chạy đến đón đám rước. Đi sau tiểu đoàn trên con đường bụi bặm là những tu sĩ mặc áo lễ, một ông già người nhỏ nhắn đội mũ tròn, có những người giúp lễ và một tốp đồng ca đi theo. Sau lưng họ, lính và sĩ quan khiêng một bức tượng thánh lớn mặt đã đen xạm trong cái khung bằng kim khí. Bức tượng ấy người ta mang từ Smolensk đi và cho đến nay nó vẫn đi theo quân đội. Đằng sau bức tượng, ở xung quanh ở phía trước và ở khắp nơi là những tốp binh sĩ để đầu trần, người đi, người chạy: người quỳ uống đất.

Lên đến hết dốc, tượng thánh dừng lại, những người nâng khăn đỡ thánh được thay phiên, những người giữ đồ thờ lại đốt bình trầm và buổi lễ cầu nguyện bắt đầu. ánh nắng oi bức chiếu thẳng xuống; một cơn gió nhẹ thổi vào những mái đầu trần, và những dải lụa buộc xung quanh bức tượng, tiếng hát đưa nhẹ lên không trung.

Cả một đám đông, nào sĩ quan, nào binh lính, nào dân quân, đầu để trần, chen chúc nhau xung quanh tượng thánh. Đằng sau vị giáo sĩ và người giúp lễ có một chỗ để trống giành cho các sĩ quan cao cấp đứng. Một viên tướng đầu hói cổ đeo huân chương George đứng ngay sau lưng vị giáo sĩ, tay không làm dấu chữ thập (hẳn ông là một người Đức) sốt ruột chờ cho xong buổi lễ cầu nguyện mà ông ta thấy mình cần phải làm danh dự, có lẽ để cổ vũ lòng ái quốc của nhân dân Nga. Một viên tướng khác cũng đứng đấy với một tư thế hùng dũng luôn tay làm dấu chữ thập ở trước ngực, mắt liếc nhìn quanh. Đứng giữa đám đông nông dân, Piotr nhận ra trong nhóm sĩ quan cao cấp này có nhiều người quen biết, nhưng chàng không nhìn họ, bao nhiêu sức chú ý của chàng đều tập trung vào gương mặt nghiêm trang của binh sĩ và dân quân ở trong đám đông đang nhìn bức tượng thánh một cách háo hức như nhau.

Khi những người ca sĩ đã mệt mỏi (họ đang hát bài kinh cầu nguyện thứ hai mươi) cất cái giọng uể oải và đều đều hát bài: “Đức mẹ hãy cứu với bầy tôi của Đức mẹ khỏi cảnh tai ương” và khi vị giáo sĩ và người giúp lễ hát “Chúng con đều đến nhờ Đức mẹ che chở chúng con như một thành trì vững chắc” thì trên khắp các gương mặt. Piotr đều thấy họ nhận thức được tính chất trang nghiêm của giây phút này như chàng đã từng thấy khi đi xuống quãng đường dốc ở Mozaisk và thỉnh thoảng lại thấy hiện lên trên nhiều gương mặt mà chàng đã gặp sáng hôm ấy. Mọi người đều cúi rạp xuống, làm tóc bay tung lên, và có thể nghe thấy những tiếng thở dài và tiếng ngón tay đánh vào ngực khi làm dấu thánh.

Đột nhiên đám người đang bao vây quanh tượng thánh rẽ ra, xô vào cả Piotr. Việc mọi người rẽ ra một cách vội vã như vậy chứng tỏ có một nhân vật rất quan trọng đang lại gần tượng thánh.

Đó là Kutuzov vừa đi quan sát vị trí về. Sau khi trở lại Tatarinovo ông đến đây dự lễ cầu nguyện. Piotr nhận ra ngay Kutuzov vì dáng dấp của ông khác hẳn mọi người.

Với cái thân hình to béo núc ních trong chiếc áo đuôi én dài vạt với mái đầu bạc phơ để trần, với con mắt bị chột trên khuôn mặt béo phị, Kutuzov bước tới, dáng đi lắc lư, mình chúi về phía trước, và dừng lại ở ngay sau lưng vị giáo sĩ. Ông làm dấu thánh giá với một cử chỉ quen thuộc, đưa tay chạm xuống tận mặt đất, rồi thở dài một tiếng nặng nề, cúi mái đầu bạc xuống. Sau lưng Kutuzov là đoàn tuỳ tùng. Mặc dầu sự có mặt của vị tổng tư lệnh thu hút hết sự chú ý của tất cả các nhân vật cao cấp, dân quân và binh sĩ vẫn không nhìn ông ta và cứ tiếp tục cầu nguyện.

Khi lễ cầu nguyện đã kết thúc, Kutuzov đến bên tượng thánh, quỳ gối một cách nặng nề, phục xuống mặt đất và một hồi lâu không sao đứng dậy được.

Vì người ông nặng nề, yếu ớt quá. Mái đầu, bạc của ông run run vì cố lấy sức Cuối cùng ông đứng lên, và đôi môi nhú ra một cái nhìn ngây thơ như trẻ con, ông hôn lên tượng thánh rồi lại cúi mình, tay chạm xuống tận mặt đất. Tất cả các vị tướng đều bắt chước ông ta, rồi đến lượt các sĩ quan, và sau lưng họ là binh sĩ và dân quân vừa thở vừa chen chúc và xô đẩy nhau, vẻ mặt xúc động.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.