Chiến Tranh Và Hòa Bình (Quyển 3)

Chương – 23



Cũng trong buổi chiều ngày hai mươi lăm tháng tám quang đãng ấy, công tước Andrey, đầu tựa bên khuỷu tay, đang nằm trong một trong cái kho lúa đã bị phá huỷ của làng Knyazovo, về phía ngoài cùng của vị trí đã được chỉ định cho trung đoàn chàng. Nhìn qua lỗ thủng ở trên bức tường bị phá, chàng ngắm dãy bạch dương ba mươi tuổi đã đẵn hết những cành thấp, chạy dọc theo hàng rào, ngắm cánh đồng với những bó lúa yến mạch rải rác đây đó và những bụi rậm mà từ phía sau thấy bốc lên những làn khói bếp của binh sĩ.

Tuy chàng vẫn cho rằng cuộc sống của mình chật chội, ngột ngạt và chẳng ích gì cho ai, nhưng hôm nay chàng cũng thấy mình xúc động và bị kích thích mạnh như bảy năm về trước trong cái đêm rạng ngày diễn ra trận Austerlix.

Chàng đã nhận được những mệnh lệnh về trận chiến đấu ngày mai và đã truyền đạt những mệnh lệnh ấy cho đơn vị. Bây giờ chàng chẳng có việc gì phải làm. Nhưng những ý nghĩ đơn giản nhất, rõ ràng nhất, cho nên cũng là những ý nghĩ khủng khiếp nhất, vẫn không cho chàng ngồi yên. Chàng biết rằng trận đánh ngày mai nhất định sẽ là trận khốc liệt nhất trong tất cả những trận mà chàng đã tham dự, và lần đầu tiên ý nghĩ là mình có thể chết hiện ra trong trí chàng, sắc nhọn, giản đơn khủng khiếp gần như chắc chắn mười phần; nó không liên quan đến đời sống hàng ngày và ở ngoài tất cả những điều suy tính về ảnh hưởng của nó đối với người khác, nó chỉ có quan hệ đối với chàng, với linh hồn của chàng mà thôi. Và từ cao điểm của ý nghĩ này tất cả những cái gì trước đây đã bắt chàng phải bận tâm, đau khổ bỗng nhiên được rọi một thứ ánh sáng trắng bạch, lạnh lùng, không có bóng, không phân biệt gần xa, không có đường nét rõ rệt. Chàng thấy cả cuộc đời chỉ là những hình ảnh chiếu từ một ngọn ảo đăng mà trong một thời gian dài chàng đã phí công ngắm nghiá qua một tấm kính và dưới một thứ ánh sáng giả tạo Bây giờ chàng chợt thấy những cái hình tô màu một cách vụng về kia hiện ra, không qua một lớp kính nào cả, và dưới ánh sáng rực rỡ của ban ngày. “Phải, phải, đây chính là những hình ảnh giả dối đã làm ta xúc động, hân hoan và đau khổ” – Chàng tự nhủ thầm trong khi hồi tưởng lại những hình ảnh chính trong chiếc ảo đăng của đời mình mà nay chàng đang nhìn lại dưới cái ánh sáng trắng bạch lạnh lùng như ánh sáng ban ngày, do ý nghĩ sáng suốt về cái chết toả ra. “Đây rồi, đây là những hình ảnh tô màu vụng về mà trước kia ta tưởng là đẹp đẽ và huyền bí vô cùng. Vinh quang, lợi ích chung, tình yêu đối với một người đàn bà, ngay cả tổ quốc nữa, những hình ảnh đó đối với ta trước đây sao mà vĩ đại, chứa đựng một ý nghĩ sâu xa đến thế! Thế mà bây giờ tất cả những thứ đó lại hoá ra quá tầm thường, nhợt nhạt và thô lỗ dưới cái ánh sáng trắng bạch và lạnh lùng của buổi ban mai mà ta cảm thấy đang bắt đầu hửng lên. Ba nỗi buồn khổ chính của đời chàng đặc biệt khiến chàng quan tâm: tình yêu của chàng đối với một người đàn bà, cái chết của cha chàng và cuộc xâm lăng của quân Pháp đã chiếm mất một nửa nước Nga. “Tình yêu!… người thiếu nữ kia đối với ta hình như tràn đầy những sức mạnh huyền bí. Ta đã yêu nàng biết bao! Ta đã ôm ấp những mộng tưởng thi vị về tình yêu và hạnh phúc với nàng. Ô! Tội nghiệp thằng bé!” – Chàng nói to lên một cách hằn học. – “Ô! Làm sao ta lại tin được rằng trong nàng có một thứ tình yêu lý tưởng khiến nàng trung thành với ta suốt một năm xa cách! Ta tưởng đâu trong cảnh phân ly nàng sẽ khô héo như con bồ câu chung tình trong câu truyện ngụ ngôn. Nhưng tất cả đều đơn giản hơn nhiều. Tất cả đều đơn giản, xấu xa một cách khủng khiếp”.

“Cha ta xây dựng nhà ở Lưxye Gorư và tưởng đó là chỗ của mình, đất đai của mình, không khí của mình, nông dân của mình. Thế rồi Napoléon ở đâu dẫn xác tới và, không hề biết đến sự tồn tại của cha ta, hắn đã quét cha ta đi như quét một cọng rơm ở trên đường và làm đổ sụp tất cả khu Lưxye Gorư, tất cả cuộc sống của cha ta. Thế mà công tước tiểu thư Maria lại nói rằng đó là một sự thử thách do trời đưa xuống. Thử thách để làm gì kia chứ, khi cha ta không còn nữa và sẽ không còn nữa? Không bao giờ cha ta sẽ trở lại nữa. Cha ta đã chết rồi! Và như thế thì thử thách này dành cho ai mới được chứ? Tổ quốc, Moskva thất thủ! Ngày mai ta sẽ bị giết và người giết ta không phải là người Pháp mà lại là người mình: như anh lính hôm qua đã để đạn nổ ở bên tai ta… rồi quân Pháp sẽ đến, chúng sẽ túm lấy chân ta, túm lấy đầu ta rồi vứt ta xuống hố để cho mũi chúng khỏi ngửi thấy mùi hôi thối, và sẽ hình thành những hoàn cảnh sinh hoạt mới, và đối với những người khác những hoàn cảnh này cũng sẽ trở nên quen thuộc nhưng ta thì sẽ không hay biết gì vì ta sẽ không còn nữa”.

Chàng đưa mắt nhìn rặng cây bạch dương với những cành lá im lìm, những khóm lá chỗ vàng, chỗ xanh và lớp vỏ cây trắng lấp lánh dưới ánh mặt trời. “Chết, có thể ngày mai ta sẽ bị giết, ta sẽ không tồn tại nữa… tất cả những cảnh vật kia vẫn tồn tại nhưng sẽ không tồn tại nữa”. Chàng hình dung rõ rệt sự vắng mặt của mình trong cuộc sống này. Và những cây bạch dương với những chỗ sáng và chỗ tối, những đám mây xôm xốp, và những làn khói lửa trại kia, chàng thấy mọi vật bỗng biến dạng đi, dâm ra dễ sợ và đầy vẻ doạ nạt. Chàng thấy lạnh cá xương sống. Chàng vụt đứng dậy, bước ra khỏi kho lúa và bắt đầu đi đi lại lại.

Đằng sau kho lúa có tiếng người nói lao xao.

– Ai đấy? – Công tước Andrey hỏi Timokhin viên đại uý mũi đỏ nguyên chỉ huy đại đội của Dolokhov, bây giờ được đề bạt làm tiểu đoàn trưởng vì thiếu sĩ quan, rón rén bước vào kho lúa. Một sĩ quan phụ tá. Và viên thủ quỹ của trung đoàn theo sau:

Andrey vội vàng đứng dậy nghe các sĩ quan này báo cáo, đoạn truyền đạt cho họ một vài mệnh lệnh và đang định cho họ lui ra thì bỗng sau kho lúa có tiếng ai nói nghe quen quen.

– Quỷ thật! – Một người nào đó càu nhàu vì vấp phải một vật gì không rõ.

Công tước Andrey đưa mắt nhìn ra ngoài kho và nhận ra Piotr đang đi về phía chàng. Anh ta vừa mới vấp phải một cái sào nằm dưới đất suýt ngã. Nói chung công tước Andrey không muốn gặp mặt người cùng giới của mình nhất là anh chàng Piotr này, vì anh ta khiến chàng nhớ đến những giây phút nặng nề mà chàng đã sống trong thời gian gần đây ở Moskva:

– Cậu đấy à! Ngọn gió nào đưa cậu đến đây? Tôi không ngờ đây…

Trong khi nói câu này, trong đôi mắt và trên khắp gương mặt của chàng có một vẻ lạnh lùng rõ rệt, thậm chí gần giống như một ác cảm, và Piotr cũng thấy ngay điều đó. Piotr đã đến gần kho lúa, lòng hết sức phấn khởi, nhưng khi nhìn vẻ mặt công tước Andrey, chàng cảm thấy mình lúng túng và ngượng nghịu:

– Tôi đến đây… anh ạ… tôi đến đây, tôi rất thích. – Piotr nói, ngày hôm nay chàng đã lặp đi lặp lại cái chữ “rất thích” này một cách vô nghĩa. – Tôi muốn xem trận đánh.

– Phải, phải, thế các bạn Tam điểm nói về chiến tranh như thế nào nhỉ. Làm thế nào để ngăn chặn chiến tranh? – Công tước Adrey nói, giọng chế giễu. – Còn Moskva nay ra sao rồi? Gia đình tôi đã đến Moskva chưa? – Chàng nghiêm giọng hỏi.

– Đến rồi, Juyly Drubeskaya đã cho tôi biết. Tôi có đến thăm nhưng không gặp. Gia đình anh đã đến điền trang ngoại thành Moskva.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.