Chiến Tranh Và Hòa Bình (Quyển 3)
Chương – 26
Suốt ngày mồng hai tháng chín, quân Pháp ngấm dần vào Moskva, tỏa rộng ra bốn phía như những cánh sao. Đến tối ngày hôm ấy nó mới ngấm đến tận khu vực mà Piotr hiện trú ngụ.
Sau hai ngày vừa qua sống cô độc trong một trạng thái gần như bệnh điên, một ý nghĩa độc nhất đang ám ảnh chàng. Chàng cũng không biết ý nghĩ này đến với chàng như thế nào và từ bao giờ, nhưng bây giờ nó khống chế chàng dến nỗi chàng không còn nhớ gì những việc xảy ra trong quá khứ, mà cũng chẳng hiểu tí gì về những việc đang diễn ra hiện nay; và tất cả những điều mà chàng thấy trước mắt và nghe bên tai đều mờ ảo như trong giấc mộng.
Piotr bỏ nhà ra đi chỉ vì muốn thoát khỏi những yêu cầu rối ren hỗn tạp của cuộc sống đang vấy bọc lấy chàng như một màng lưới mà trong tình trạng hiện nay chàng không sao đủ sức gỡ ra được…
Chàng đến nhà Ioxif Alekxeyevich lấy cớ là để chọn sách vở giấy tờ của người quá cố, nhưng thực ra chỉ là để tìm cách khuây khỏa những mối lo âu bứt rứt của cuộc sống. Và trong tâm trí chàng, những kỷ niệm về Ioxif Alekxeyevich gắn liền với cái thế giới của những tư tưởng vĩnh hằng yên tĩnh và trang nghiêm, hoàn toàn trái ngược với những nỗi lo lắng rối ren mà chàng đang cảm thấy mình bị lôi cuốn vào. Chàng tìm ra một nơi trú ẩn tĩnh mịch, và quả nhiên đã tìm thấy chỗ ẩn náu đó trong gian phòng làm việc của Ioxif Alekxeyevich. Trong căn phòng im phăng phắc, khi chàng ngồi xuống, chống hai khuỷu tay lên cái bàn giấy phủ bụi của người quá cố trong tưởng tượng của chàng lần lượt hiện ra, thanh thản và đầy ý nghĩa, những kỷ niệm của những ngày vừa qua, đặc biệt là của trận Borodino và cái cảm giác mà chàng không sao cưỡng nổi. – rằng mình vô nghĩa và dối trá quá chừng so với sự chân thật, giản dị và mạnh mẽ của lớp người đã in sâu vào lòng chàng thành một chữ giản đơn: họ. Khi Geraxim vào phòng đột ngột làm cho chàng sực tỉnh, chàng bỗng nảy ra ý nghĩ mình sẽ cùng nhân dân tham dự vào công cuộc phòng thủ Moskva sắp tới mà chàng biết là đã được dự định. Và để thực hiện ý định ấy chàng lập tức bảo Geraxim kiếm cho chàng một chiếc áo kaftan và một khẩu súng ngắn, và cho người lão bộc biết rõ là chàng sẽ giấu kín tên tuổi và ở nhà Ioxif Alekxeyevich. Rồi, trong cái ngày đầu sống cô độc và nhàn rỗi (Piotr dã mấy lần cố gắng lưu ý đến cái bản thảo viết tay của hội Tam điểm, nhưng không được), chàng nhiều lần nhớ đến ý nghĩa thần bí của cái quan hệ giữa tên chàng với bên Bonaparte. Russie Besuhof(1), là người có sứ mệnh chấm dứt sự hoành hành của con ác thú ấy. Trước đây chàng cũng đã nhiều lần nghĩ đến điều này, nhưng đó chỉ là một ước mơ vụt thoáng qua trong tưởng tượng một cách vô cớ và không để lại dấu vết gì.
(1) Người Nga Beduhop
Sau khi mua được chiếc áo kaftan (chỉ nhằm mục đích tham dự vào việc bảo vệ Moskva và nhân dân), Piotr đã gặp gia đình Roxtov, và khi Natasa đã nói với chàng: “Anh ở lại à? Chà, hay quá!” thì chàng bỗng có ý nghĩ rằng quả cũng hay thật, dù Moskva có thất thủ thì chàng cũng nên ở lại để hoàn thành cái nhiệm vụ tiền định cho chàng.
Ngày hôm sau, với một ý nghĩ duy nhất là quyết không tiếc thân cho mình và không thua kém họ chút nào, Piotr đã ra cửa ô Trigorư. Nhưng khi chàng quay về nhà vì đã biết rõ người ta không bảo vệ thì điều mà trước kia chàng xem như một khả năng thôi nay đã trở thành một việc tất nhiên phải làm và không sao tránh khỏi.
Chàng nhất định phải dấu kín tên họ ở lại Moskva tìm cách gặp Napoléon và giết hắn đi: một là chết, hai là chấm dứt cơn hoạn nạn của toàn thể châu Âu, cơn hoạn nạn mà Piotr cho là chỉ do một mình Napoléon gây ra. Piotr biết rất rõ vụ mưu sát Napoléon do người sinh viên Đức(2) tiến hành ở Viên năm 1809, và cũng biết người sinh viên đó đã bị xử bắn. Và điều nguy hiểm có thể hy sinh cả tính mạng, trong khi thực hiện ý định lại càng cổ vũ Piotr thêm.
Hai tình cảm có sức mạnh ngang nhau không sao cưỡng nổi đang lôi cuốn Piotr tới chỗ thực hiện ý định đó. Trước hết, Piotr thấy mình nhất thiết phải hy sinh và đau khổ khi đã nhận thức được tai hoạ chung: Đó chính là cái tình cảm đã khiến chàng đến Mozaisk vào ngày hai mươi nhăm tháng trước và dấn thân vào nơi lửa đạn, rồi đến nay bỏ nhà ra đi, từ giã cảnh sinh hoạt sang trọng và xa xỉ đến ngủ trên một chiếc đi-văng cứng không cởi áo ngoài, và cũng chia sẻ bữa ăn với Geraxim; tình cảm thứ hai là lòng khinh miệt mơ hồ mà chỉ riêng người Nga mới có đối với tất cả những cái gì ước lệ giả dối, nhân tạo, đối với tất cả những cái gì mà người đời thường xem là hạnh phúc tuyệt dỉnh của nhân loại. Lần đầu tiên, Piotr có cái tình cảm kỳ lạ và đầy sức quyến rũ ở cung Xlobodxki, khi mà chàng chợt hiểu rằng của cải, quyền binh, tính mệnh, tất cả những điều mà con người ta ra sức xếp đặt và giữ gìn. – Tất cả những thứ đó nếu có chút giá trị gì thì chẳng qua cũng là ở cái khoái cảm mà người ta có được khi vứt bỏ nó đi. Đó chính là cái tình cảm khiến người lính chí nguyện đem nướng đồng kô-pếch cuối cùng của mình trong quán rượu, khiến người quá chén vô cớ đập vỡ gương và kính, tuy cũng biết rằng sẽ phải đem những đồng tiều cuối cùng trong túi ra đền. Đó là cái tình cảm khiến người ta làm những việc điên rồ (theo con mắt người tục) như để thử thách sức mạnh và quyền lực của mình, cái tình cảm chứng tỏ rằng có một toà án cao cả đứng ở bên trên những quy ước của nhân loại và xét xử cuộc sống.
(2) Tên là Phridrich Sttap (1792 – 1809)
Từ ngày Piotr thử nghiệm lần đầu tiên cái tình cảm này ở cung Xlobodxki, chàng đã luôn luôn chịu ảnh hưởng của nó, nhưng mãi đến bây giờ chàng mới có khả năng thoả mãn tình cảm đó một cách trọn vẹn. Hơn nữa, trong giây phút này việc mà Piotr đã làm theo hướng ấy khiến chàng giữ vững ý định và không cho phép chàng từ bỏ nó nữa. Việc chàng bỏ nhà ra đi, chiếc áo kaftan, khẩu súng ngắn, những lời chàng nói với gia đình Roxtov rằng chàng sẽ ở lại Moskva, tất cả những điều đó không những sẽ mất hết ý nghĩa, mà còn lại đâm ra đáng khinh và lố bịch nữa (Piotr rất sợ điều này), nếu như sau đó chàng lại rời Moskva ra đi như những người khác.
Cơ thể của Piotr lúc bấy giờ – Đó là lệ thường đối với bất kỳ ai. – Cũng phù hợp với tâm trạng của chàng. Những thức ăn thô tạp mà chàng vốn không quen ăn, những cốc rượn vodka mà chàng uống mấy hôm nay, tình trạng thiếu rượu nho và xì-gà, bộ đồ lót bẩn lâu ngày không thay, hai đêm gần như mất ngủ trên chiếc đi-văng ngắn thay giường, tất cả những cái đó khiến cho Piotr luôn luôn ở trong tình trạng thần kinh khích động gần như điên.
Bấy giờ đã hơn một giờ trưa. Quân Pháp đã tiến vào Moskva. Piotr biết thế, nhưng chàng vẫn chưa hành động, mà chỉ ngồi nghĩ đến ý định của mình, suy đi tính lại thật tỉ mỉ những việc sẽ làm.
Trong khi mơ tưởng như vậy, chàng không hình dung được rõ rệt khi chàng hoạt động, khi Napoléon chết sẽ ra sao, nhưng lại hình dung được cảnh mình bị sát hại và thái độ dũng cảm của mình một cách rõ rệt lạ thường, và thấy khoái trá nhưng cũng buồn buồn khi nghĩ đến cảnh ấy.
“Phải, vì mọi người, một mình ta phải làm tròn việc đó, hay là chết! – Pier thầm nghĩ. – Phải, ta sẽ đi… rồi đột nhiên… Dùng súng hay dùng hay dao găm?… thì cũng thế thôi. Đây không phải là cá nhân ta, đây là bàn tay của Thượng đế trừng phạt ngươi… ta sẽ nói thế (Piotr sắp sẵn những lời sẽ đem ra nói khi giết Napoléon) – “Thôi được các ngươi bắt ta đi, hay hành hình ta đi” – Piotr nhẩm nói một mình vẻ mặt buồn rầu nhưng rắn rỏi, đầu cúi gằm.
Trong khi Piotr đứng ở giữa phòng suy nghĩ mình như vậy thì cửa phòng bỗng mở toang ra và Makar Alekxeyevich xuất hiện trên ngưỡng cửa. Cái dáng dấp xưa nay vẫn rụt rè của hắn ta bây giờ đã thay đổi hẳn. Chiếc áo dài của hắn phanh rộng ra; mặt hắn đỏ gay và trông rất dễ sợ. Rõ ràng là hắn đang say rượu. Thoạt mới trông thấy Piotr, hắn luống cuống một lúc, nhưng khi nhận thấy vẻ mặt chàng cũng có vẻ luống cuống, hắn dạn dĩ lên ngay và bước loạng choạng trên đôi chân khẳng kheo tiến vào giữa phòng.
– Chúng nó sợ rồi. – Makar Alekxeyevich nói, giọng khàn khàn, có vẻ tin cậy. – Tôi đã bảo là tôi không hàng, tôi đã bảo mà… có phải không thưa ngài?- Hắn ngẫm nghĩ một lát rồi chợt trông thấy khẩu súng ngắn để trên bàn, hắn chộp lấy một cách nhanh nhẹn không ngờ và chạy ra hành lang.
Geraxim và người gác cổng chạy theo Makar Alekxeyevich và cố giật khẩu súng ra. Piotr ra hành lang, nhìn theo lão dở điên dở dại, vừa thấy thương vừa ghê tởm. Makar Alekxeyevich nhăn nhó vì đang cố lấy gân giữ khẩu súng lại, cất tiếng khàn khàn quát tháo huyên thuyên, chắc là đang tưởng tượng ra một việc gì long trọng lắm.
– Báo động! Xung phong! Chỉ láo, không tước được súng của tao đâu! – Hắn quát.
– Thôi xin ông thôi cho, ông làm ơn bỏ súng ra cho. Kìa, ông!…- Geraxim tìm cách đẩy hắn vào trong nhà.
– Mi là ai? Bonapate? – Makar Alekxeyevich quát lên.
– Như thế không tốt đâu; ông ạ. Xin mời ông về phòng nghỉ một chút. Xin ông thả khẩu súng ra cho.
– Xéo ngay, hỡi tên nô lệ đáng khinh kia! Chớ có chạm vào người ta! Người thấy chưa?- Makar Alekxeyevich quát, tay hoa khẩu ngắn. – Xung phong!
Geraxim nói thầm với người gác cổng:
– Nắm lấy!
Họ chộp lấy hai cánh tay Makar Alekxeyevich và kéo vào phía cửa.
Trong phòng ngoài vang lên những tiếng rú khàn khàn của người say rượu đang kêu thất thanh và tiếng người lôi kéo nhau huỳnh huỵch.
Bỗng một tiếng rú khác, một tiếng rú the thé của một người đàn bà từ ngoài thềm đưa vào, rồi bà nấu bếp chạy vào phòng ngoài.
– Chúng nó đấy! Cha mẹ ơi! Đúng là chúng nó rồi… Bốn đứa cưỡi ngựa! – Bà ta thét.
Geraxim và người gác cổng thả Makar Alekxeyevich ra và trong dãy hành lang bây giờ im phăng phắc nghe rõ mồn một tiếng mấy bàn tay gõ lên cánh cửa ra vào.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.