CHUYẾN BAY FRANKFURT

Lời tựa



Vào đề

Tác giả nói:

Câu hỏi đầu tiên người ta đặt ra với một tác giả thường là :

– Ông (hay bà) lấy tứ truyện ở đâu?

Tiện nhất là tác giả trả lời: “Tại Trung tâm Thương mại Harrods hoặc Liên hợp thương mại của Quân đội”.

Khi nghe trả lời như thế, người ta dễ nghĩ rằng có một nơi kỳ diệu, đến đấy tác giả tha hồ kiếm tứ truyện. Tuy nhiên câu trả lời đó không làm thỏa mãn những độc giả nào nhớ đến mấy câu thơ của Shakespeare:

Hãy nói tôi nghe, óc tưởng tượng nằm trong đầu hay trong tim?

Nó sinh ra và lớn lên thế nào?

Khi đó tác giả trả lời: “Trong đầu tôi”.

Tất nhiên nghe trả lời như thế, người đọc vẫn chưa thỏa mãn trí tò mò. Nhưng nếu người đọc là người dễ tính thì ông ta chỉ im lặng suy nghĩ và tác giả sẽ giải thích thêm đôi chút:

“Nếu tứ truyện có vẻ lý thú và tác giả thấy có thể sử dụng, anh ta xoay chuyển nó theo đủ các cách, đào sâu và nhào nặn dần. Sau đấy tất nhiên phải viết nó ra giấy, và đây không phải công việc dễ dàng. Thật ra, đó mới là bước khởi đầu cho một quá trình lao động thật sự. Nhưng đôi khi, tác giả giữ nó lại trong trí nhớ, để dành và sau đó một hoặc hai năm mới lấy ra sử dụng”.

Câu hỏi thứ hai thường như sau :

– Còn các nhân vật thì chắc hẳn ông rút ra trong cuộc sống thực tế?

Nghe hỏi thế, tác giả thường tức giận chối phăng :

– Hoàn toàn không phải! Các nhân vật đều do tôi bịa ra. Chúng hoàn toàn của tôi và tôi có thể bắt chúng hoạt động theo ý tôi. Chúng biến dần thành những con người thật, có tư tưởng tình cảm riêng, nhưng các tình cảm và tư tưởng ấy do tôi tạo ra cho chúng.

Có nghĩa tác giả tạo nên các ý nghĩ và đẻ ra nhân vật.

Bây giờ đến yếu tố thứ ba: khung cảnh. Hai yếu tố đầu – cốt truyện (hoặc tứ truyện), nhân vật – bắt nguồn từ óc tưởng tượng của bản thân tác giả, nhưng yếu tố thứ ba – khung cảnh – lại do từ bên ngoài. Người ta không bịa ra cái đó mà nó phải tồn tại từ trước.

Thí dụ tác giả có thể tạo nên một tuần dương hạm chạy trên sông Nil 1 và tìm ra một khung cảnh thích hợp cho cốt truyện của ông ta. Tác giả có thể đến ăn tại một nhà hàng ở khu Chelsea 2 và chứng kiến một cuộc cãi lộn, thứ cung cấp cho ông ta chất liệu dùng làm sự kiện khởi đầu cho cuốn truyện tương lai. Thậm chí tác giả có thể ngồi trên đoàn tàu nhanh chạy sang phía Đông và nghĩ bụng đây sẽ là khung cảnh tuyệt vời cho kết cấu của cuốn truyện ông đang thai nghén. Tác giả còn có thể đến uống trà ở nhà một bạn gái, bà này thấy ông ta đến, bèn gấp cuốn sách đang đọc, reo lên: “Hay lắm! Nhưng tại sao lại hỏi đến Evans?” Thế là tác giả quyết định đặt tến cuốn sách sắp viết của ông ta là “Tại sao không phải Evans?”. Ông ta chưa biết Evans là ai, nhưng điều đó có gì quan trọng? Bây giờ ông đã có nhan đề cuốn sách, còn Evans thì nhân vật này sẽ xuất hiện lúc nào cần thiết.

Cho nên, nói đúng ra, tác giả không bịa địa điểm diễn ra hành động của cuốn sách, mà ông ta tìm thấy địa điểm đó ở xung quanh. Tác giả chỉ cần đưa mắt là dễ dàng nhìn thấy nó rồi tùy ý lựa chọn. Trên một chuyến tàu hỏa, trong một bệnh viện, một khách sạn ở London, trên một bãi tắm ở bờ biển quần đảo Antilles 3 , trong một xóm nhỏ nông thôn, một buổi chiêu đãi, một trường nữ học…

Nhưng còn một câu hỏi nữa được đặt ra: tác giả tìm đâu ra những thông tin ngoài cách phỏng đoán qua những hình ảnh nhìn thấy và những lời nói nghe thấy? Câu trả lời cực kỳ đơn giản. Chính là báo chí mỗi sáng đem đến những thông tin mới. Trên thế giới ngày nay đang diễn ra những chuyện gì? Người ta suy nghĩ ra sao? Người ta nói thế nào? Người ta làm những gì? Muốn biết, chúng ta chỉ cần đặt một tấm gương trước nước Anh răm 1970, nghĩa là mỗi sáng đọc trang đầu của tờ nhật báo của chúng ta trong một tháng, ghi chép, rồi xem xét và phân loại.

Ngày nào cũng có một vụ án mạng, một cô gái bị bóp cổ, một bà già bị tấn công và cướp mất số tiền ít ỏi bà ta đã dành dụm được, những ngôi nhà bị chất nổ thiêu trụi hoặc phá hủy, ngày nào cùng có chuyện buôn lậu ma tuý, những đứa trẻ bị lạc được tìm thấy, những người bị giết chỉ cách nhà họ vài bước chân, những vụ trộm cắp và trấn lột.

Phải chăng tất cả những chuyện đó là nước Anh? Phải chăng nước Anh của chúng ta lại đúng là như thế? Chúng ta biết rằng không phải, ít ra thì cũng chưa phải. Nhưng nước Anh có thể như thế.

Thế là nỗi sợ xuất hiện – nỗi sợ những gì có thể xảy ra. Không phải vì những sự việc xảy ra, mà vì những nguyên nhân nằm đằng sau chúng, một số chúng ta biết, một số khác chúng ta chưa biết nhưng chúng ta cảm thấy khá rõ.

Tình trạng đó không chỉ riêng ở nước ta. Trong tờ nhật báo, chúng ta thấy cả những tin tức ở châu Âu, châu Á, hay châu Mỹ. Chúng ta thấy những chuyện máy bay rơi, cướp máy bay, chuyện bạo lực, nổi loạn, hằn thù, chuyện lộn xộn vô chính phủ.

Tất cả những chuyện đó dẫn đến sự sùng bái phá phách, nỗi thích thú bạo lực. Nhưng ý nghĩa sâu xa của chúng là gì?

Những lời thơ ra đời từ thời Nữ hoàng Elizabeth 4 lại văng vẳng bên tai chúng ta.

Đó chỉ là câu chuyện

Do một anh hề kể ra

Đầy âm thanh và bạo lực

Không có ý nghĩa gì hết.

Tuy nhiên chúng ta biết trên thế giới có bao nhiêu điều tốt lành, bao nhiêu việc làm cao thượng, nhân ái, từ thiện, vị tha. Trong khi đó, tại sao vẫn có cái không khí đáng lo ngại hàm chứa trong các tin tức hàng ngày, những thứ đó vẫn xảy ra và là những chuyện có thật?

Vào cái năm 1970 ân huệ đó, muốn viết một câu chuyện, tôi thấy cần tự đặt mình vào trong một tình huống có thật. Nếu cái tình huống đó khác thường, cuốn truyện phải thích ứng với nó và sẽ thành một truyện mang tính bịa đặt, phóng đại.

Nhưng liệu ta có thể hình dung rằng những sự kiện diễn ra trên thế giới có một nguyên nhân đặc biệt nào đó không? Thí dụ một chiến dịch bí mật nhằm nắm quyền bá chủ thế giới, một ý đồ điên rồ nhằm phá tan tành mọi thứ để lập ra một thế giới hoàn toàn mới? Người ta còn có thể đi xa hơn, tính đến khả năng giải phóng thế giới này bằng những phương pháp hoang đường, thoạt nhìn có vẻ không thể thực hiện được? Nhưng khoa học chẳng đã chứng minh cho chúng ta thấy đó sao: không có thứ gì là thực sự không thể được!

Câu chuyện tôi sắp kể, về bản chất, là một câu chuyện bịa đặt và nó không dám đòi hỏi độc giả phải nghĩ nó là chuyện thật. Tuy nhiên phần lớn những sự kiện diễn ra trong đó đôi khi đã từng xảy ra trên thế giới thời nay, hoặc có thể xảy ra. Cho nên đây không phải câu chuyện không thể có, mà chỉ là câu chuyện khác thường. 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.