CHUYẾN BAY FRANKFURT

Phần thứ nhất : Chương bốn – Bữa ăn tối với Eric Pugh



Stafford quen Pugh đã nhiều năm nay, nhưng không thân, bởi chàng nhận thấy Pugh là con người nhạt nhẽo. Nhưng ngược lại chàng lại coi Pugh là người bạn thủy chung. Ngoài ra, tuy Pugh nhạt nhẽo nhưng anh ta lại biết rất nhiều chuyện. Anh ta lưu vào bộ nhớ trong óc mọi chuyện anh ta nghe được, và anh ta luôn cung cấp cho Stafford nhiều thông tin bổ ích.

Pugh ngước cặp mắt xanh biếc nhìn Stafford đang ngồi trước mặt, bên kia bàn ăn. Pugh nói :

– Vậy là cậu đã dự Hội nghị ở Malaysia? Có đạt được kết quả nào không?

– Toàn những thứ chung chung, chẳng có gì đặc biệt.

– Mình đang tự hỏi, liệu trong Hội nghị đó có xảy ra chuyện gì không? Có ai vui miệng nói lộ ra điều gì không? Cậu hiểu mình định nói đến chuyện gì rồi chứ?

– Tại Hội nghị ấy ư?… Mình không thấy xảy ra chuyện gì đặc biệt và cũng không thấy ai nói lỡ ra điều gì. Mọi người đều phát biểu đúng đắn nhưng toàn những thứ chung chung. Và ai cũng nói dài đến mức sốt cả ruột. Mình không hiểu tại sao mình vẫn còn nhận đi dự những hội nghị ngu xuẩn kiểu như thế đấy!

Pugh đưa ra mấy nhận xét nhàm chán về thái độ của Trung Quốc.

Stafford nói :

– Mình có cảm giác họ không có mưu đồ nào đặc biệt. Còn bên ngoài hội trường, mình chỉ nghe thấy những tin đồn về bệnh tật của Mao Trạch Đông và một số hành động của phái chống lại ông ta.

– Còn về cuộc xung đột Israel – A Rập thì cậu nghĩ sao?

– Mình chỉ thấy nó diễn ra theo đúng kế hoạch, tất nhiên là kế hoạch của họ. Nhưng chuyện ấy liên quan gì đến Malaysia?

– Thứ mình quan tâm không phải là Malaysia.

– Vậy tại sao trông mặt cậu rầu rĩ thế kia?

– Xin lỗi, nhưng mình đang tự hỏi, có phải cậu vừa gặp một chuyện hơi ảnh hưởng đến uy tín của cậu không đấy?

Stafford sửng sốt hỏi lại :

– Đến uy tín của mình?

– Cậu có tính thỉnh thoảng lại làm một việc cốt để tạo cảm giác ly kỳ cho cậu một chút, thậm chí việc đó làm nhiều người xung quanh khó chịu. Mình nhận xét có đúng không?

– Mình chỉ thấy mình không làm điều gì sai trái cả. Nhưng cậu nghe thấy cái chuyện “mang tiếng” của mình ấy là chuyện gì?

– Gọi là “mang tiếng” thì quá, chỉ là một chuyện lôi thôi nhỏ trong chuyến đi của cậu vừa rồi.

– Ai nói với cậu?

– Lão Cartison.

– Ông ta thuộc loại người chuyên tưởng tượng ra những chuyện hoàn toàn không có.

– Mình biết chứ. Nhưng lão Cartison quả quyết rằng cậu đã vô tình dính vào một vụ gián điệp, do cái tính thích hưởng cảm giác mạo hiểm của cậu.

Stafford cười :

– Quả mình có cái tính ấy thật. Mình thấy tất cả các nhà ngoại giao, các chính khách và bao nhiêu người nữa sống cuộc đời quá nghiêm túc nhưng vô cùng tẻ nhạt, cho nên đôi lúc mình muốn làm một thứ gì đó đánh thức họ khỏi cơn ngái ngủ triền miên ấy.

– Nhưng theo mình biết, chuyện lôi thôi của cậu vừa rồi không đơn giản. Nghe đâu người ta đã hỏi cậu và những câu cậu trả lời chưa làm họ thỏa mãn. Họ cho rằng cậu vẫn giấu một điều nào đó.

– Thật vậy sao?

– Mình thấy cậu không nên để cái tính thích mạo hiểm của cậu ảnh hưởng đến sự nghiệp đang rất tốt đẹp của cậu.

– Sự nghiệp ư? Mình thấy không có gì đáng ngán hơn là chỉ chăm chăm lo đến cái gọi là “sự nghiệp”.

– Mình tán thành. Nhưng theo mình biết, cậu đang được Bộ xét, phong một chức vụ nào đó ở Viennecl. Nếu chỉ vì cái tính thích “đùa dai” mà lỡ mất dịp may hiếm có ấy thì thật phí.

– Cậu hãy tin rằng mọi xử sự của mình hoàn toàn lương thiện, hợp đạo lý nữa.

Nói xong, Stafford nâng ly rượu, nói :

– Chúc sức khỏe cậu, Pugh!

° ° °

Thời tiết buổi tối rất đẹp, Stafford quyết định đi bộ về nhà theo lối qua Công viên Green Park. Đúng lúc chàng sang đường ở đầu phố Birdcage Walk, một chiếc ô-tô lao sát cạnh, khiến chàng vội nhảy sang một bên để tránh. Chiếc xe biến mất.

Stafford khẽ rủa một tiếng, thầm nghĩ đúng là nó cố tình chẹt chết mình. Hiện tượng này khiến chàng suy nghĩ. Sáng nay có kẻ đã lọt vào nhà chàng lục soát, bây giờ lại có kẻ lao xe định giết chàng. Rõ ràng hai sự kiện không tách rời nhau. Vậy có thể kết luận là chàng đang bị săn đuổi.

Về đến nhà, Stafford lập tức mở các thư từ vừa tới. Chỉ có hai tấm hóa đơn và một tờ tuần báo Lileboat. Chàng ném hai tấm hóa đơn lên bàn rồi bóc băng giấy bọc tờ tuần báo. Đang hờ hững lật các trang, bỗng nhiên chàng giật mình: tấm hộ chiếu của chàng nằm giữa hai trang báo, được dính vào bằng một mẩu băng dính.

Stafford gỡ hộ chiếu, mở ra xem. Con dấu gần đây nhất của cơ quan xuất nhập cảnh là ở sân bay Heathrow ngày hôm qua. Vậy là cô gái chàng gặp ở Frankfurt đã đến London trót lọt, yên ổn, và hôm nay cô ta gửi trả lại chàng tấm hộ chiếu.

Lúc này cô ta đang ở đâu? Stafford rất muốn biết và muốn biết thêm cả cô ta là ai.

Stafford tự hỏi, không biết có còn được gặp lại cô ta không? Chắc là không. Điều này làm chàng thoáng buồn. Nhưng xét cho cùng thì chàng muốn gặp lại cô ta để làm gì? Cô ta không đẹp đến mức mê hồn, nhưng rõ ràng cô ta thuộc loại con gái có bản lĩnh, nếu không hôm qua cô ta đã chẳng thuyết phục được chàng lúc ở sân bay Frankfurt. Ngoài ra cô ta còn tỏ ra là người từng trải, hiểu đời, vì mặc dù chưa biết chàng là ai, nhưng cô ta đã đoán được chỗ yếu của chàng và đánh trúng cái chỗ yếu ấy, khiến chàng dám mạo hiểm chấp nhận một trò chơi khá nguy hiểm. Cô ta còn có vẻ nhân hậu, vì chỉ bỏ một lượng thuốc ngủ vừa đủ, chứ nếu cô ta bỏ vào cốc bia một liều thuốc độc thì Stafford đã hết đời rồi.

Nhưng nghĩ đến tất cả những chuyện đó để làm gì kia chứ, vì xem chừng Stafford sẽ không bao giờ gặp lại cô ta. Tuy nhiên phải công nhận rằng sự việc hôm qua đã gây cho chàng một số phiền toái.

Sau vài phút suy nghĩ, Stafford thảo một lời “Nhắn tin” để yêu cầu tờ báo hàng ngày chàng vẫn mua đều đặn đăng vào mục “Rao vặt”:

“Nhắn cô hành khách ở sân bay Frankfurt hôm 5-11 bắt liên lạc với người khách bay đi London”.

Nếu đọc được lời nhắn này, cô ta sẽ hiểu. Do giữ hộ chiếu của Stafford, cô ta đã biết họ tên và địa chỉ của chàng, và nếu muốn, cô ta có thể bắt liên lạc dễ dàng. Nhưng Stafford ít tin vào khả năng đó, bởi rất có thể cô ta đã hoàn thành công việc ở London và quay về… Trung Đông, Nga, Trung Quốc, Hoa Kỳ hoặc Nam Mỹ rồi.

° ° °

Sáng hôm sau, sau khi đưa tòa báo lời nhắn tin, Stafford thong thả quay về nhà.

Lúc đi ngang qua công viên St. Jawes Park, nhìn thấy những bông hoa cúc mùa thu và ngửi mùi hương của chúng, chàng nhớ đến không khí vùng đồi núi ở Hy Lạp.

Trước lúc sang đường, Stafford đứng lại chờ. Đường phố ít xe qua lại. Lúc này chàng chỉ thấy một chiếc ô-tô nhãn Daimler chạy chầm chậm và lắc lư trịnh trọng như một bà góa giầu có. Chàng gật gù, vừa đi ngang qua đường thì chiếc ô-tô kia đột nhiên chồm lên, lao thẳng về phía chàng, khiến chàng thoát được chỉ do nhảy vội lên vỉa hè bên kia. Chàng nhìn theo hút chiếc xe thì thấy nó đã biến mất tăm sau khi quặt ở một ngã tư.

° ° °

Đại tá Pikeaway đang ngồi ngả người trong ghế bành hút xì gà. Khói tỏa mờ mịt xung quanh ông. Tiếng lạo xạo trong máy truyền âm làm ông vùng dậy, ông lầu bầu khó chịu: Tôi nghe đây.

– Ông Bộ trưởng đến đây muốn gặp Đại tá. Tôi có cho vào được không ạ?

– Được! Mời ông Bộ trưởng vào.

Liền sau đó, Bộ trưởng George Packham hiện ra giữa khung cửa, vừa ho sặc sụa vì khói xì gà vừa bước vào căn phòng nhỏ và đầy mùi khét lẹt. Ông vui vẻ reo lên, thái độ này trái ngược với bộ mặt cau có của ông.

– Chào ông bạn thân mến! Phải đến một thế kỷ nay tôi không được gặp Đại tá.

Đại tá Pikeaway đáp :

– Mời ông ngồi. Hút xì gà nhé?

Bộ trưởng Packham khẽ nhăn mặt :

– Không, cảm ơn!

Ông ta nhìn chằm chằm vào cánh cửa sổ đóng kín, nhưng vị Đại tá không hiểu ý khách.

Vị Bộ trưởng lại ho sặc sụa một tràng nữa rồi nói tiếp :

– Hình như cậu Horsham đã đến đây gặp ông phải không?

Đại tá Pikeaway từ từ nhắm mắt lại, nói:

– Có. Cậu ta đến đây để kể tôi nghe một câu chuyện nhỏ.

– Tôi quyết định đến đây gặp riêng ông, vì câu chuyện không nên để lộ ra cho nhiều người biết.

– Chao ôi, nhưng đến lúc này thì mọi người đều biết hết cả rồi.

– Tôi muốn biết ông đã nghe được những gì xung quanh chuyện đó…

– Chúng tôi biết tất. Chúng tôi đã chi tiền để điều tra mà lại.

– Chuyện về anh chàng đó?

– Đúng thế! “Người hành khách trên chuyến bay Frankfurt”.

– Quả là một câu chuyện lạ lùng. Hết sức lạ lùng. Khó có thể nghĩ là lại xảy ra…

Đại tá Pikeaway kiên nhẫn lắng nghe. Bộ trưởng Packham nói tiếp :

– Ông có quen anh ta không?

– Tôi chỉ mới gặp anh ta một hoặc hai lần.

– Quả là không thể không nghĩ rằng…

Viên đại tá mở mắt, cố nén một cái ngáp. Ông bắt đầu thấy mệt phải nghe những lời nói lằng nhằng của ông Bộ trưởng. Ông đại tá không ưa gì ông Bộ trưởng này, một con người quá thận trọng, chỉ đạo về hành chính thì tốt nhưng không hề có một chút sáng tạo nào. Kể ra có lẽ như thế cũng tốt, ông đại tá thầm nghĩ. Bộ trưởng An ninh Packham vẫn tiếp tục nói :

– Khó có thể quên được những thất bại cay đắng chúng ta đã phải chịu đựng trước đây, cho nên đôi khi tôi tự hỏi không biết tìm đâu cho ra một con người chúng ta có thể tuyệt đối tin cậy?

– Câu trả lời hết sức đơn giản: không có ai như thế cả. Chúng ta không thể tin vào bất cứ ai.

– Lấy trường hợp Stafford. Anh ta xuất thân trong một gia đình danh giá. Cụ thân sinh nổi tiếng là người lương thiện và trung thực. Ông nội anh ta cũng vậy…

Đại tá Pikeaway nói :

– Nhưng con một người lương thiện rất có thể là một kẻ lừa đảo. Đó là chuyện thường thấy trên đời.

– Đôi khi tôi thấy Stafford có vẻ là con người không nghiêm túc.

Viên đại tá nói :

– Hồi còn trẻ, một lần tôi dẫn hai đứa cháu gái tham quan các lâu đài vùng sông Loire. Tôi gặp một người đang ngồi trên bờ sông câu cá. Bản thân tôi cũng mang theo cần câu. Người câu cá bảo tôi: “Ông không phải người đi câu nghiêm túc! Ông đem theo đàn bà con gái!”

– Ông định nói rằng Stafford…

– Không. Stafford không bao giờ dính chuyện lằng nhằng với phụ nữ. Tật xấu của cậu ta chỉ là thói hoài nghi, chuyên nói giọng châm biếm cay độc. Stafford thích chọc tức người khác. Nhưng nếu ở địa vị ông, tôi không băn khoăn nhiều về Stafford.

° ° °

Stafford đẩy tách cà phê ra để lấy báo đọc. Chàng đưa mắt lướt qua các tít lớn, rồi lật trang, đến mục rao vặt. Đã bảy ngày nay, hôm nào Stafford cũng lật xem mục này nhưng lần nào cũng thất vọng và cả ngạc nhiên nữa. Chàng thầm nghĩ, tại sao mình lại mong hồi âm đến thế? Chàng đưa mắt lướt nhanh các cột báo. Quá nửa số rao vặt là những lời quảng cáo trá hình.

Đột nhiên Stafford dừng lại. Hai dòng chữ làm chàng chú ý:

Nhắn ông khách Frankfurt. Thứ năm 11-11, bảy giờ ba mươi tại cầu Hungerford Bridge.

Thứ năm 11 tháng 11! Nhưng chính là hôm nay. Stafford ngả người ra lưng ghế bành, uống thêm một ngụm cà phê. Cầu Hungerford Bridge là cây cầu ngay gần ga xe lửa Charing-Cross.

° ° °

Trên cầu gió thổi lạnh, buốt và mưa phùn lất phất. Stafford dựng cổ áo mưa lên, đi tiếp. Nhìn xuống dưới, chàng thấy nước sông màu xám xịt còn trên cầu người qua lại đều mặc áo mưa kín mít và đi rảo bước. Stafford thầm nghĩ, như thế này sẽ rất khó nhận ra người đã hẹn gặp chàng.

Đột nhiên một phụ nữ choàng áo măng-tô kín mít đâm sầm vào Stafford, ngã khuỵu xuống. Chàng đưa tay để bà ta nắm, rồi kéo bà ta đứng lên. Chàng hỏi :

– Bà có đau lắm không?

– Không sao, cảm ơn ông.

Vừa nói, người phụ nữ vừa dúi vào tay Stafford một thứ gì đó rồi quay ra, đi nhanh lẫn vào đám đông người qua lại trên cầu. Stafford đi tiếp. Chàng không thể đuổi theo người phụ nữ kia vì thấy rõ cô ta không muốn thế. Chàng rảo bước, tay thọc sâu vào túi áo.

Vài phút sau, đến đầu kia cây cầu, Stafford ghé vào một quán giải khát nhỏ, gọi một tách cà phê. Sau đó chàng mở ra xem thứ chàng vẫn nắm chặt trong bàn tay phải. Một chiếc phong bì bằng chất dẻo. Chàng hồi hộp mở ra.

Bên trong là một tấm vé xem hòa nhạc tối hôm sau ở Cung Festival Hall, một trong những rạp biểu diễn lớn nhất và sang trọng nhất thành phố London.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.