CHUYẾN BAY FRANKFURT
Phần thứ ba : Chương hai mươi hai – Juanita
Huân tước Altamount ngồi sau bàn làm việc đang đọc cho thư ký viết ra giấy. Giọng nói của ông xưa kia vang như chuông và đầy quyền uy nhưng ngày nay thều thào yếu đuối. Tuy nhiên giọng nói ấy vẫn còn giữ được chất mềm mại và làm người nghe thấy mến.
Người thư ký trẻ James Kleek ghi, thỉnh thoảng dừng lại, ngẩng đầu lên nhìn cấp trên, mỗi khi ông này ngập ngừng, cân nhắc.
Huân tước Altamount nói :
– Kiểu suy nghĩ duy lý tưởng thường xuất hiện khi cần chống lại tình trạng bất công. Đó là thứ trái ngược với thứ duy vật chủ nghĩa dung tục. Bọn trẻ đi theo một lý tưởng viển vông nào đó thường xuất phát từ lòng mong muốn phá hủy hai thành trì của xã hội hiện đại: sự bất công và lối chạy theo vật chất tầm thường. Nhưng than ôi, lòng mong muốn chính đáng ấy, muốn phá hủy mọi thứ gì xấu xa, đôi khi lại dẫn đến lòng mong muốn phá hủy đơn thuần, phá tất, không phân biệt gì hết. Nó có khả năng dẫn con người đến một cảm giác thích thú mỗi khi hủy diệt, phá phách, đến một căn bệnh nguy hiểm là say mê dùng bạo lực và gây đau đớn, khổ ải cho những người khác. Rồi niềm thích thú ấy được những kẻ đang khao khát quyền lực khai thác, kích thích thêm lên mãi.
Huân tước ngừng lại một chút, suy nghĩ rồi nói tiếp :
– Kiểu suy nghĩ duy lý tưởng ấy thường xuất hiện vào tuổi thiếu niên, cái tuổi con người ta mong muốn xây dựng một thế giới mới, trong đó mọi người đều tốt và vị tha. Nhưng một khi lòng mong muốn đó biến thành niềm thích thú phá phách một cách bệnh hoạn, phá phách để mà phá phách, thì…
Máy truyền âm kêu lạo xạo. Huân tước Altamount ra hiệu, James Kleek bèn ấn vào nút. Tiếng trong máy vang lên :
– Ông Robinson đã tới…
– Tốt lắm! Mời ông ấy vào.
James Kleek gấp sổ, đặt bút xuống, đứng dậy ra mở cửa. Ông Robinson bước vào, ngồi xuống chiếc ghế bành lớn đối diện với Huân tước Altamount.
Huân tước Altamount vui vẻ hỏi :
– Ông có thêm thứ gì mới cho chúng tôi không? Một sơ đồ, một vòng tròn nào đấy?
Ông Robinson lạnh lùng đáp :
– Có, nhưng không phải những thứ Huân tước vừa nói. Lần này lại là một dòng sông.
– Dòng sông? Nghĩa là sao?
– Một dòng sông tiền bạc. Tiền cũng phần nào giống như dòng sông. Nó khởi đầu từ một nơi này rồi chảy đến một nơi khác.
– Tôi hiểu. Vậy ông kể đi.
– Tiền từ Bắc Âu, từ Bavière, từ Hoa Kỳ, từ Đông Nam Á, như những dòng suối, hợp lại thành con sông, để chảy đến…
– Đến đâu?
– Chủ yếu đến Nam Mỹ, để cung cấp cho nhu cầu của các đội Thanh Niên Xung Kích.
– Cái dòng chảy đó là một trong năm vòng tròn quấn vào nhau chúng ta vừa nhìn thấy trong sơ đồ chứ gì: Vũ khí, Ma túy, Khoa học, Tài chính…
– Vâng, đúng thế. Bây giờ chúng ta đã biết những ai kiểm soát tất cả các nhóm trẻ kia.
James Kleek nói chen vào :
– Còn vòng tròn J – Juanita?
– Vòng tròn đó thì chúng tôi chưa biết tí gì.
Huân tước Altamount nói :
– Anh Kleek đã có nhận xét về vòng tròn có tên là J- Juanita ấy đấy. Tôi hy vọng anh ấy lầm… Tôi rất hy vọng là như thế.
James Kleek nói :
– Tôi cho rằng chữ “J” ấy thể hiện một phụ nữ hết sức lợi hại, tuyệt đối tận tụy vì lý tưởng. Các ông thừa biết rằng trong bất cứ loài nào cũng vậy, giống cái bao giờ cũng nguy hiểm hơn giống đực.
Huân tước Altamount thừa nhận :
– Đúng là trong lịch sử đã có những phụ nữ cực kỳ ác độc, thí dụ Jael, chị ta đưa sữa cho Sisara uống trước khi đâm một chiếc đanh nhọn vào thái dương Sisara, rồi Judith, chị ta chặt đầu Holopherne… 1
Ông Robinson hỏi :
– Vậy anh đã biết ai là Juniata? Lý thú đấy!
– Thú thật là tôi không dám chắc, nhưng một số tình tiết khiến ta có thể đoán…
– Thì chúng ta cũng đều chỉ phỏng đoán cả thôi. Vậy anh hãy nói ngay đi, anh đoán Juniata là ai?
– Nữ Công tước Renata Zerkowski.
– Căn cứ vào đâu mà anh đoán cô ta là Juniata?
– Vào những nơi cô ta đã đến và những người cô ta đã gặp trong thời gian vừa qua. Có rất nhiều sự trùng hợp đáng ngờ. Cô ta đã đến Bavière, rồi gặp bà cụ Charlotte. Thêm nữa, cùng đi với cô ta là Stafford. Tôi thấy những chi tiết trên rất đáng ngờ.
Huân tước Altamount hỏi :
– Anh cho rằng cả Mary Ann và Stafford đều dính vào vụ này?
– Tôi không dám quả quyết, vì tôi không rõ Stafford là người thế nào. Nhưng…
Kleek dừng lại giữa chừng câu nói.
Huân tước Altamount gật đầu công nhận :
– Quả là Stafford có hành tung đáng nghi ngại. Ngay từ đầu đã có người nghi anh ta.
– Ai? Horsham chăng?
– Người đầu tiên là Horsham, sau đó, ngay đại tá Pikeaway cũng không tin Stafford lắm. Tôi cho rằng anh ta đã biết điều đó, vì ta không ngu đần gì.
Kleek kêu lên giận dữ :
– Thì ra thế! Vậy mà chúng ta đã tin anh ta, lộ ra cho anh ta biết bao nhiều chuyện bí mật… Thì ra tay trong của bọn chúng lại chính là Stafford!
Ông Robinson nói :
– Chắc do tác động của cô Renata, tức Juanita.
Kleek nói tiếp :
– Câu chuyện ly kỳ ở sân bay Frankfurt, rồi việc anh ta đến gặp mụ Charlotte. Sau đó anh ta đi Nam Mỹ, vẫn cùng với cô kia. Mà các ông biết hiện giờ cô ta ở đâu không, cô Renata lợi hại ấy?
Huân tước Altaraount nói :
– Chắc ông Robinson biết.
– Cô ta còn sang Hoa Kỳ. Sau khi nghỉ lại ở nhà bạn gần thủ đô Washington, cô ta đến Chicago, rồi đến hai bang California và Texas. Tại đó, cô ta đến gặp một nhà bác học nổi tiếng.
– Để làm gì?
Ông Robinson nói :
– Chúng ta chưa biết. Tôi e cô ta hành động nhân danh chúng ta. Nhưng chưa biết có phải như thế không… Vậy là rất có thể cô ta làm việc cho bọn chúng.
Rồi ông quay sang nói với Huân tước Altamount :
– Hình như Huân tước định đi Scotland ngay tối nay?
– Đúng thế.
Kleek nhìn cấp trên, lo lắng nói :
– Tôi e chưa nên. Huân tước chưa được khỏe mà chuyến đi sẽ vất vả lắm đấy. Theo tôi, Huân tước nên để đại tá Munro và ông Horsham lo việc ấy là đủ.
– Vào tuổi tôi, thận trọng là một sự lãng phí. Tôi muốn được góp phần vào sự nghiệp chung. Tôi muốn được chết, tạm gọi là “trên bãi chiến trường”.
Rồi ông quay sang nói với ông Robinson :
– Ông cũng nên đi cùng với chúng tôi.
——————————–
1 | Hai nhân vật trong thần thoại Hy Lạp. (N.D). |
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.