CHUYẾN BAY FRANKFURT

Phần thứ ba : Chương mười bảy – Thủ tướng Đức Spiess



Vẻ mặt vị Thủ tướng Đức đầy âu lo và ông không tìm cách giấu nó. Ông thừa nhận tình hình hiện nay hết sức gay go. Nhưng ông vẫn giữ được thái độ bình tĩnh và tác phong chính xác giờ giấc, là những ưu điểm phổ biến của các quan chức Đức.

Thủ tướng Spiess là con người chín chắn và có cách suy nghĩ công bằng, ông điềm đạm, không bao giờ quan tâm đến “chọc” ai mà luôn tỏ ra tự tin. Bởi những quan chức thích làm ra vẻ thế này thế nọ để “chọc” người khác mới chính là những thủ phạm tạo nên không khí căng thẳng hiện giờ, và cả những thất bại của chính quyền nữa.

Thủ tướng Đức Spiess nói :

– Đây không phải là một cuộc gặp gỡ chính thức. Tuy nhiên tôi nhận được một số thông tin mà tôi thấy cần chia sẻ với các vị, bởi chúng rọi một luồng ánh sáng vào những sự kiện đang khiến chúng ta lo ngại. Trước hết xin cho tôi được giới thiệu bác sĩ Reichardt. Bác sĩ là Giám đốc một bệnh viện tâm thần có uy tín lớn ở gần thành phố Karlsruhe. Bệnh viện này có không dưới sáu trăm bệnh nhân, có phải không, thưa bác sĩ?

– Vâng, đúng thế.

– Và theo tôi biết, bác sĩ chữa nhiều loại bệnh tâm thần?

– Vâng, đúng thế, nhưng tôi quan tâm đặc biệt đến một loại bệnh tâm thần…

Sau đó bác sĩ Reichardt chuyển sang nói tiếng Đức và thủ tướng Đức Spiess phải làm công việc dịch lại. Ông nói :

– Bác sĩ Reichardt nói ông đã đạt được những kết quả to lớn trong phương pháp điều trị bệnh megalomania, còn gọi là bệnh vĩ cuồng, bệnh nhân khao khát là người vĩ đại, tưởng họ là nhân vật quan trọng lớn lao. Và nếu bệnh nhân lại mắc thêm chứng thích bị hành hạ…

Bác sĩ Reichardt chữa lại :

– Không đâu, trong số căn bệnh tôi quan tâm nghiên cứu không có bệnh thích được hành hạ. Trái lại, có loại bệnh, bệnh nhân thèm khát hưởng lạc và tôi tìm ra được cách làm cho họ có ảo giác như họ đang rất sung sướng. Và khi khỏi bệnh, họ mất đi nỗi thèm khát ấy. Vì vậy tôi cần tìm ra một phương thuốc khôi phục cho họ lý trí để họ không cần đến cái ảo giác ấy nữa. Chúng tôi gọi trạng thái tâm thần đó là một trạng thái đặc biệt…

Rồi người bác sĩ Đức nói một từ tiếng Đức dài khoảng sáu âm.

Bác sĩ Reichardt nói tiếp :

– Để thuận tiện cho các vị, tôi xin tạm dùng từ megalomania mặc dù từ ấy ngày nay người ta không dùng nữa.

Đại tá Pikeaway hỏi :

– Và đúng là bệnh viện của bác sĩ có sáu trăm bệnh nhân tâm thần?

– Vào thời gian tôi nghiên cứu căn bệnh kia, bệnh viện chúng tôi có tới tám trăm. Trong số tám trăm ấy có một người tưởng họ là Đứa Chúa Cha.

Thủ tướng Anh Lazenby lộ vẻ ngạc nhiên :

– Vậy à? Chà, lạ đấy nhỉ!

Bác sĩ Reichardt nói tiếp :

– Hai bệnh nhân tưởng y là Jesus Christ. Rồi còn những bệnh nhân tưởng họ là hầu như tất cả các thánh thần, các nhân vật lừng danh, số bệnh nhân có ảo tưởng là Hitler chiếm tới hai mươi tư. Tất nhiên đấy là vào thời điểm Hitler còn sống.

Bác sĩ Reichardt lấy trong túi ra cuốn sổ nhỏ, lật trang xem rồi nói :

– Mười lăm bệnh nhân tưởng họ là Napoleon 1 , mười Mussolini 2 , năm Jules Cesar 3 , và nhiều nhân vật lịch sử khác nữa. Nhưng tôi không muốn làm các vị mất thời giờ nghe tôi kể lần lượt từng ca. Xin đi ngay vào vấn đề chúng ta bàn hôm nay.

Bác sĩ lại chuyển sang nói tiếng Đức và Thủ tướng Spiess dịch :

– Một hôm, bấy giờ là vào thời điểm gần cuối Đại chiến II, một quan chức cao cấp của chính phủ lúc đó Martin Bormann 4 đến gặp tôi. Ông ta đưa cấp trên của ông ta cùng đến, chính là đích thân Hitler!

Bác sĩ ngừng lại một chút rồi nói tiếp :

– Vâng, đúng thế, đích thân Ngài Quốc trưởng Hitler! Và chắc các vị thừa hiểu đó là một vinh dự lớn cho bệnh viện chúng tôi. Quốc trưởng tỏ thái độ ân cần, nói rằng Ngài đã nghe báo cáo về những thành tựu to lớn trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học của tôi. Quốc trưởng tâm sự rằng trong thời gian gần đây Ngài gặp một số khó khăn trong nội bộ quân đội. Một số sĩ quan và binh lính bị ảo tưởng họ là Hoàng đế Napoleon hoặc những thống chế và tướng lĩnh của Napoleon, rồi họ đưa ra những mệnh lệnh quái đản dần đến những thiệt hại nặng nề về quân sự. Tôi đã định trình bày với Quốc trưởng Hitler những suy nghĩ của tôi xung quanh căn bệnh “vĩ cuồng” này, nhưng ông Bormann ngăn lại, bảo không cần thiết. Quốc trưởng của chúng ta…

Nói đến đây, bảo sĩ Reichardt ngừng lại một chút để ngượng nghịu nhìn Thủ tướng Spiess rồi mới nói tiếp :

– Quốc trưởng của chúng ta không muốn mất thời gian nghe chi tiết. Hôm nay Ngài chỉ muốn đến thăm bệnh viện của tôi. Nhưng tôi hiểu ngay được Ngài muốn gì, quả thật tôi không lấy gì làm ngạc nhiên cho lắm vì tôi thấy trên nét mặt Quốc trưởng hiện lên rõ vẻ mỏi mệt…

Đại tá Pikeaway cười, ngắt lời :

– Tôi đoán Hitler lúc đó bắt đầu có ảo tưởng y là Đức Chúa Cha?

Câu nói hình như làm bác sĩ Reichardt không hài lòng. Ông nói :

– Ông Bormann đã kể với Quốc trưởng rằng trong bệnh viện của tôi có nhiều bệnh nhân mắc chứng ảo tưởng, tin rằng họ là Hitler. Những bệnh nhân này hết sức cảm phục Ngài, muốn được giống như Ngài, rồi nhiễm ảo tưởng họ chính là Hitler, cách ứng xử hệt như họ chính là Hitler. Khi tôi kể chuyện đó ra, ông Bormann rất lo sẽ làm Quốc trưởng khó chịu, ai ngờ lại thấy Ngài dường như hài lòng. Quốc trưởng không coi chuyện đó là “phạm thượng” mà ngược lại, còn chứng tỏ lòng sùng bái Ngài.

Bác sĩ Reichardt ngừng lại một chút rồi kể tiếp :

– Sau đó Hitler đề nghị tôi cho gặp vài người trong số bệnh nhân nói trên. Thấy tôi có vẻ ngại ngùng, Bormann bèn bảo rằng, hãy làm theo lệnh của Quốc trưởng, chỉ có điều cần tiến hành những biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn cho Quốc trưởng, vì những người muốn giống như Quốc trưởng rất có thể hung hãn và tấn công Quốc trưởng. Tôi bảo ông Bormann rằng tôi sẽ chọn những bệnh nhân nhẹ nhất và ít hung hãn nhất cho nên không đáng ngại.

Đại tá Pikeaway hỏi :

– Và bác sĩ đã thực hiện mệnh lệnh ấy?

– Vâng, đúng thế. Tôi lập tức cho người đi triệu tập bốn bệnh nhân mắc chứng hoang tưởng họ là Hitler, đưa họ vào một căn phòng rồi bảo họ rằng có một quan chức cao cấp muốn đến thăm họ. Sau đó tôi ra ngoài hành lang ngồi chuyện gẫu với hai sĩ quan tùy tùng, trong khi Bormann và Quốc trưởng vào căn phòng, đóng chặt cửa lại để tiếp xúc riêng với bốn bệnh nhân kia. Lát sau, Quốc trưởng cùng Bormann đi ra, tôi thấy mặt Quốc trưởng có dáng lo lắng đặc biệt.

Đại tá Pikeaway hỏi :

– Tại sao?

Bác sĩ Reichardt đáp :

– Thời điểm đó là vào lúc chiến tranh sắp kết thúc. Trên các chiến trường, quân Đức đang liên tiếp chịu nhiều thất bại thảm hại. Tuy vậy, Hitler vẫn tin rằng các mệnh lệnh của Ngài là chính xác, và nếu bộ Tổng tư lệnh cũng như toàn thể quân đội tuyệt đối tuân theo thì vẫn gỡ lại được, vẫn có thể chuyển bại thành thắng.

Bộ trưởng An ninh Packliam nói thêm :

– Theo tôi, vào thời điểm đó, Hitler đang trong tâm trạng…

Thủ tướng Đức Spiess ngắt lời, nói :

– Đó không phải vấn đề chúng ta đề cập đến hôm nay. Sự thật là Hitler lúc đó không còn đầy đủ niềm tự tin như trước nữa, và lẽ ra người ta nên thu hẹp quyền của ông ta. Nhưng tôi cho rằng những nghiên cứu của các ông trên đất Đức thời gian sau chiến tranh đã cho các ông thấy những chi tiết đó.

– Nhớ lại phiên tòa Nuremberg… 5

Thủ tướng Anh Lazenby ngắt lời :

– Nhắc lại phiên tòa Nuremberg làm gì nữa? Tất cả những chuyện đó đã lùi về dĩ vãng. Lúc này vấn đề chúng ta cần quan tâm là vận mệnh của cộng đồng châu Âu, với sự cộng tác của hai quốc gia Đức và Pháp, cũng như của các quốc gia khác.

Vị Thủ tướng Đức tán thành :

– Rất đúng. Vì vậy, xin trở lại vấn đề chúng ta đang bàn. Hitler cùng Bormann chỉ ở lại căn phòng đó bảy phút. Sau đó, Bormann nói với bác sĩ Reichardt rằng Quốc trưởng và gã rất hài lòng, và họ phải đi vì còn có một cuộc gặp quan trọng nữa. Hai thầy trò hắn ra xe rồi vội và phóng đi.

Thủ tướng Đức Spiess dừng lại. Không khí trong phòng lắng hẳn xuống. Không ai nói gì. Đại tá già Pikeaway sốt ruột hỏi :

– Sau đấy thì sao? Có xảy ra chuyện gì đặc biệt không?

Lần này bác sĩ Reichardt tự trả lời lấy :

– Từ hôm đó, một trong bốn bệnh nhân của chúng tôi bắt đầu có thái độ rất lạ. Anh ta giống hệt như Hitler, chi tiết này tạo cho anh ta một thái độ hết sức tự tin. Anh ta tuyên bố thẳng thừng, với vẻ quả quyết hơn cả trước kia, rằng anh ta chính là Quốc trưởng, và anh ta cần đi ngay Berlin để dự cuộc họp của Bộ chỉ huy tối cao. Mọi kết quả điều trị trước đây đều biến mất đến nỗi chính tôi cũng phải ngạc nhiên về sự thay đổi kỳ lạ ấy. Chính vì vậy, tôi thở phào nhẹ nhõm khi hai ngày qua, gia đình anh ta đến bệnh viện, xin cho anh ta ra viện để về điều trị tại nhà.

– Và bác sĩ đã cho anh ta về?

– Tất nhiên. Vì gia đình anh ta đến bệnh viện chúng tôi cùng với một bác sĩ. Hơn nữa, anh ta không phải bệnh nhân bắt buộc mà chỉ là bệnh nhân do gia đình tự nguyện gửi tới bệnh viện nhờ điều trị.

Bộ trưởng An ninh Packham lên tiếng :

– Tôi vẫn chưa hiểu…

– Ngài Thủ tướng Spiess đã có một giả thuyết…

Vị Thủ tướng Đức nói ngay :

– Không phải giả thuyết mà là sự thật. Phía Liên Xô cũng giấu, mà phía chúng ta cũng giấu, nhưng hiện đã có những bằng chứng rõ ràng cho thấy hôm đó Hitler đã ở lại bệnh viện, dưới lốt người bệnh nhân kia, còn người bệnh nhân thì lên xe đi cùng với Bormann. Cái xác chết gần thành tro chúng ta tìm thấy dưới hầm chỉ huy của Bộ Chỉ huy phát xít tại Berlin năm 1945 chính là thi hài của người bệnh nhân kia chứ không phải của Hitler. Nhưng thôi, chúng ta không nên bị cuốn vào những chi tiết xung quanh chuyện này.

Thủ tướng Anh Lazenby phản đối :

– Nhưng chúng tôi cần biết sự thật.

– Hitler thật do đấy đã trốn thoát và chạy sang Arhentina theo một kế hoạch đã được hắn vạch ra đến tận từng chi tiết nhỏ nhất. Sau đó hắn sống thêm nhiều năm nữa tại quốc gia Nam Mỹ này. Và tại đây hắn đã có một đứa con trai với con gái một gia đình khá giả mang dòng máu Aryen thuần chủng, thậm chí một số người còn quả quyết gia đình này gốc Anh. Sau đấy sức khỏe Hitler suy sụp, hắn gần như phát điên rồi chết trong một cơn điên loạn trong ảo ảnh đang chỉ huy quân đội ngoài bãi chiến trường.

– Và ông cho rằng trong suốt ngần ấy năm, câu chuyện kia không hề lộ ra?

– Có những lời đồn đại này nọ, nhưng trên đời thiếu gì chuyện đồn đại, cho nên mọi người chỉ coi đó là những phỏng đoán không có căn cứ. Thí dụ lời đồn đại về một trong số công chúa, con của Sa hoàng Nikolai II 6 nước Nga đã thoát chết chẳng hạn. Những lời “đồn đại” đó có vô số và chẳng được mấy ai tin.

Bộ trưởng An ninh Paekham kêu lên :

– Không đúng! Chuyện ấy là không có!

– Tất nhiên nhiều người cho rằng câu chuyện vừa rồi là không có thật. Nhưng một số người bảo họ biết rõ nàng công chúa Nga kia, lại cam đoan rằng cô gái Nga Anastassia đó chính là công chúa con Sa hoàng Nikolai II thật và đúng ra phải được gọi là Quận chúa của nước Nga! Sự thật là thế nào? Cô ta chỉ là một cô gái nông dân bình thường hay là Quận chúa? Trong hai giả thuyết đó, cái nào là thật cái nào là đồn đại? Không thể có câu trả lời dứt khoát được. Nhưng ta hãy quay lại chuyện về Hitler. Có nhiều dư luận cho rằng Hitler chưa chết vào cái năm 1945 ấy, dựa trên việc thi hài được tìm thấy trong hầm ngầm bộ chỉ huy tối cao Quốc Xã đã không được người ta nghiên cứu đầy đủ và không ai dám cam đoan một trăm phần trăm đó là thi hài Hitler. Phía Liên Xô tuyên bố đã xem xét kỹ, nhưng lại không đưa ra được những bằng chứng nào.

– Thưa bác sĩ Reichardt, bác sĩ có tin vào cái giả thuyết kỳ quái ấy không?

– Tôi đã trình bày với các vị các hiện tượng. Chính Bormann đích thân đưa Quốc trưởng Hitler đến gặp tôi. Riêng về phía tôi thì tôi đã chung sống với hàng trăm Hitler, Napoleon hoặc Jules Cesar, và tôi xin nói với các vị rằng tôi nhận thấy tất cả các “lãnh tụ” kể trên đều có ngoại hình rất giống Hitler. Cho nên rất có thể một người trong số đó chính là Hitler, biết đâu đấy? Cũng phải nói thêm rằng cho đến ngày hôm ấy, tôi chưa được nhìn thấy mặt Hitler lần nào. Hôm đó là lần đầu tiên. Trước đó tôi chỉ được nhìn thấy ảnh Ngài và chỉ có thể có một khái niệm tương đối về hình dạng Ngài. Đã thế, chính Bormann khẳng định với tôi rằng người đi với ông ta chính là Quốc trưởng, và tôi không thể không tin Bormann. Hơn nữa tôi chỉ có thể làm theo lệnh của Quốc trưởng: để Ngài ở lại trong căn phòng cùng với bốn bệnh nhân. Tôi đâu dám cưỡng lệnh Quốc trưởng Hitler. Ngài vào đó chỉ vài phút rồi ra, và trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó làm sao kịp thay đổi áo quần? Do đó tôi không thể khẳng định người ra xe cùng với Bormann hôm đó có phải Hitler thật hay Hitler giả! Tuy nhiên người đó rất có thể chỉ là một bệnh nhân của tôi. Vả lại, nếu như Hitler ở lại, hẳn Ngài phải đóng vai bệnh nhân một cách hết sức tốt, vì đó là cơ hội duy nhất để thoát chết, để Ngài chạy trốn ra khỏi một đất nước sắp phải hạ súng đầu hàng Đồng Minh.

Bác sĩ Reichardt dừng lại, nhưng thấy mọi người vẫn còn im lặng suy nghĩ, ông ta nói thêm :

– Sau đó Hitler đành chịu chấp hành kỷ luật của bệnh viện, chỉ thỉnh thoảng trong những lúc lên cơn, Ngài mới hung hãn và quát tháo đúng như Quốc trưởng thật khi còn đứng đầu bộ máy phát xít. Tuy nhiên Ngài có cả một đám bộ hạ thân tín, trung thành, thi hành các mệnh lệnh của Ngài, đưa Ngài ra khỏi nước Đức, rồi ra khỏi châu Âu, đến nơi trú ẩn. Tại đây, Ngài có điều kiện tập hợp những thanh niên mang tư tưởng Quốc Xã và sùng bái Ngài. Cây thập ngoặc, biểu trưng cho chủ nghía phát xít Đức, lại được dựng lên tại một quốc gia khác, trong một châu lục khác. Riêng tôi rất tin vào giả thuyết đó vì nó hợp lô gíc, nhất là đối với một người khi lý trí của anh ta bắt đầu chao đảo.

Bộ trưởng Nội Vụ Packham kêu lên :

– Quả là ly kỳ, và hoang đường nữa!

Thủ tướng Đức Spiess đáp :

– Đúng thế. Nhưng trên đời thiếu gì những chuyện thoạt nghe có vẻ vô lý, nhưng lại là sự thật. Những chuyện như thế đầy rẫy trong lịch sử và cả hiện tại.

– Nhưng vào thời đó sao không thấy một ai tỏ ra đoán thấy sự đánh tráo kia?

– Toàn bộ kế hoạch được chuẩn bị hết sức chi tiết và thực hiện hết sức chu đáo, trong bí mật tuyệt đối. Một số nhân vật quốc xã đã được bố trí ngụy trang xung quanh Hitler thật và chạy sang nhiều quốc gia Nam Mỹ. Do đó chúng ta thấy cứ lâu lâu lại phát hiện ra một tên “Quốc Xã nằm vùng” dưới lốt chủ nông trại, nhân viên cảnh sát, bác sĩ hoặc công nhân…

Mọi người gật gù suy nghĩ. Bác sĩ Reichardt nói thêm :

– Cứ lâu lâu người ta lại phát hiện ra một tư liệu chứng tỏ Hitler không chết năm 1945 và rất có thể Ngài đã thay đổi tên họ, ẩn náu tại một quốc gia Nam Mỹ. Rất có thể Ngài đã lấy một người vợ tại địa phương, sinh được một đứa con trai. Thậm chí người ta còn nói đứa con trai đó khi lọt lòng mẹ có mang một chữ thập ngoặc nhỏ xíu dưới gan bàn chân. Thằng bé được nuôi nấng ở Nam Mỹ, được chăm sóc và bảo vệ hết sức chu đáo để sau này tiếp tục sự nghiệp của cha nó. Lớn lên, nó không chỉ xây dựng một chủ nghĩa Quốc xã mới, một chủng tộc Đức siêu đẳng, mà còn xây dựng một chủng tộc siêu đẳng cho toàn bộ lớp thanh niên trên toàn châu Âu. Đứa con trai của Hitler này có nhiệm vụ tập hợp đám thanh niên ưu đẳng đó nhằm chống lại tình trạng vô chính phủ, tiêu diệt thế giới cũ và lập ra một thế giới mới mà hắn nắm quyền lãnh đạo. Hiện nay giới thanh niên đã có một lãnh tụ. Một lãnh tụ mang dòng máu Aryen cao quý, có sứ mạng lãnh đạo họ lập nên một thế giới mới, ưu việt.

Thủ tướng Anh Lazenby kêu lên :

– Toàn chuyện vớ vẩn, không thể tin được! Vậy đám thanh niên trẻ kia muốn cái gì?

Thủ tướng Đức Spiess lắc đầu :

– Ông đã hỏi như thế, tôi xin đáp: Chính bản thân chúng cũng không biết! Chúng không biết “người ta” đang dắt chúng đi đâu và sử dụng chúng làm gì. Chúng là những đứa trẻ khao khát vinh quang, nhưng thật ra chúng bị hằn thù và bạo lực thúc đẩy. Chúng tự nguyện và hãnh diện đứng chiến đấu dưới lá cờ “chàng Ziegfried”. Chúng được người ta dạy cách chém giết, thích đau đớn, chịu kỷ luật sắt theo những nguyên tắc do Himmler 7 đề ra. Chúng đi theo nhưng không biết mục tiêu của những kẻ dẫn chúng đi là đâu.

Đại tá già Pikeaway nói ngay :

– Theo tôi, tại nước Anh này cũng chỉ có bốn hoặc năm người biết cái mục tiêu ấy.

– Tại Nga người ta đã biết, tại Hoa Kỳ người ta cũng bắt đầu hiểu ra là đang xuất hiện ngày càng nhiều các nhóm trẻ bất mãn, đi theo “chàng Ziegfried”. Nhưng tất nhiên đằng sau cái phong trào đó phải có những nhân vật rất có thế lực: một nhà tài phiệt cỡ rất lớn, một nhà doanh nghiệp cỡ cũng rất lớn, đó hẳn phải là những người sở hữu những mỏ dầu, những mỏ khoáng sản, những kho uranium 8 và nắm trong tay cả một số bác học xuất chúng. Chính những nhà bác học này tạo ra những tên giết người và những kẻ bị ma túy cầm tù. Trong mỗi quốc gia đều có những đứa con trai con gái đi dần từ những loại ma túy nhẹ đến những loại ma túy mạnh, khiến chúng rơi vào thế hoàn toàn phụ thuộc cả thân thể lẫn trí óc vào những kẻ mà chúng không biết là ai.

– Thưa Thủ tướng thân mến, tôi không nghĩ có thể tin được ông. Tôi cho rằng tình trạng đó không thể xảy ra, và nếu có xảy ra thì tất sẽ bị tiêu diệt khi chúng ta áp dụng những biện pháp nghiêm khắc nhất. Vì chúng ta không thể chấp nhận tình trạng đó.

Thủ tướng Anh Lazenby nêu ý kiến vẫn ám ảnh ông ta :

– Tôi cho rằng tôi nên… bàn với họ. Tôi tin rằng họ đã nắm vững tình hình.

Và ông đã mường tượng mình bước xuống sân bay Moskva.

Thủ tưởng Đức Spiess nói :

– Tất nhiên người Nga đã biết nhưng họ kín lắm, không lộ ra điều gì với chúng ta đâu. Vả lại họ cũng đang gặp một số khó khăn, chưa thể tập trung vào giải quyết cái tai họa này được.

– Nhưng nếu tôi có giấy ủy nhiệm chính thức…

Huân tước Altamount lúc này mới lên tiếng :

– Ông Thủ tướng Lazenby, ông cần phải ở đây. Chúng tôi rất cần ông vì ông đứng đầu chính phủ và phải quyết định rất nhiều việc trọng đại. Còn nếu phải cử người ra nước ngoài thì chúng ta thiếu gì điệp viên có đủ khôn ngoan và trách nhiệm để làm!

Bộ trưởng An ninh Packham hỏi lại :

– Điệp viên ư? Nhưng vào thời điểm hiện nay, điệp viên thì làm được gì? Chúng ta cần một bản báo cáo về…

Ông ta quay sang Horsham :

– Anh cho biết hiện chúng ta có những điệp viên nào giỏi và họ có thể làm được gì?

– Chúng ta có những điệp viên tuyệt vời. Ông Thủ tướng Đức Spiess vừa cung cấp cho chúng ta những tin tức mà ông nhận được từ các điệp viên Đức. Nhưng rắc rối ở chỗ chúng ta không thể tin họ hoàn toàn! Chúng ta đã có kinh nghiệm đau xót trong thời gian Đại chiến đấy thôi. Không ai có thể đoan chắc rằng điệp viên của mình là tuyệt đối trung thành và chân thật. Chín phần mười tin tức của họ là chính xác, nhưng các quan chức cao cấp vẫn chưa tin họ.

– Ông Horsham nói đúng. Tôi không thể…

Horsham quay sang nói với Thủ tướng Đức Spiess :

– Bên Đức của ông cũng như vậy chứ gì? Không phải tin tức nào cũng được tin cậy. Người ta thường không thích tin vào những tin thất thiệt, những tin xấu, ngược lại người ta muốn không biết đến những tin tức ấy.

– Tôi công nhận tình trạng đó có, thậm chí khá thường xuyên, nhưng không phải bao giờ cũng như vậy.

Thủ tướng Anh Lazenby nói tiếp :

– Chúng ta đang đứng trước một cuộc khủng hoảng không phải chỉ mang tính quốc gia mà mang tính quốc tế. Cho nên để ngăn chặn nó, cần phải có sự phối hợp của nhiều quốc gia. Thưa Thủ tướng Spiess, Đức là quốc gia có sức mạnh quân sự lớn, ông có cho rằng để ngăn chặn cuộc khủng hoảng này cần phải sử dụng lực lượng quân đội không, trước khi nó vượt ra ngoài tầm kiểm soát của chúng ta?

– Hiện nay nó đã lọt ra ngoài tầm kiểm soát của chúng ta rồi. Bọn nổi loạn đã có các loại vũ khí, từ súng ống, lựu đạn, chất nổ, hơi ngạt, đến vũ khá hóa học nữa…

– Nhưng chúng ta có vũ khí hạt nhân, và chỉ cần đem nó ra đe…

– Những kẻ nổi loạn không phải trẻ con và chúng không ngây thơ gì. Trong đám trẻ bất mãn và nổi loạn đó có cả nhiều bác học đủ các môn: vật lý, hóa học, sinh học. Tại thành phố Cologne 9 , người ta đã phát hiện một âm mưu bỏ chất độc xuống các nguồn nước và reo rắc vi khuẩn thương hàn.

Thủ tướng Anh Lazeriby than thở :

– Đúng là không thể tưỏng tượng nổi!

Ông đưa mắt nhìn khắp mọi người, hỏi :

– Các vị nghĩ sao?

Và ông ngạc nhiên thấy mọi người im lặng, chỉ mỗi Đô đốc Blunt lên tiếng :

– Tôi chưa thấy vấn đề này liên quan đến Hải quân. Còn nếu như ông Thủ tướng định tiến hành cuộc chiến hạt nhân thì tôi khuyên ông hãy chuẩn bị một chiếc tẩu, một bao tải thuốc lá vụn rồi chạy lên trú trên Bắc Cực hoặc một nơi nào đó phóng xạ không lan tới. Giáo sư Eckstein đã cảnh báo chúng ta về nguy cơ ấy rồi!

——————————–

1Hoàng đế nước Pháp từ 1804 đến 1814. (N.D).
2Thủ lĩnh phát xít Italia, 1883-1945 (N.D).
3Hoàng đế La Mã, 100-44 trước Công Nguyên (N.D).
4Bormann (s. 1900) – Quan chức cao cấp của Đảng Quốc Xã Đức, phụ trách tổ chức. Mất tích năm 1945 (N.D).
5Phiên tòa quốc tế xử tội phạm chiến tranh tổ chức tại thành phố Nuremberg năm 1945-1946 (N.D).
6Sa hoàng Nga, bị cách mạng xử tử sau Cách mạng tháng 10. (N.D).
7Phụ tá thân cận của Hitler. (N.D).
8Để sản xuất năng lượng hạt nhân. (N.D).
9CHLB Đức (N.D).

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.