CHUYẾN BAY FRANKFURT

Phần thứ nhất : Chương chín – Ngôi nhà gần thị trấn Godalming



Chị hầu phòng dáng nữ chiến binh bước lên bậc thang lớn trung tâm. Hai vị khách theo sau chị ta. Lên đến tầng hai, chị ta dừng lại trước một cánh cửa, mở cửa rồi đứng tránh sang một bên nhường bước cho hai người khách.

Trong phòng đã có bốn người. Ngồi sau bàn giấy đồ sộ chất đầy giấy tờ tài liệu là một người đàn ông to béo, da mặt vàng vọt. Stafford nhớ đã có lần gặp ông này ở đâu, nhưng không sao nhớ ra tên ông ta là gì. Người đàn ông đứng dậy một cách khó nhọc, chìa tay ra với nữ công tước, ông ta nói :

– Tiểu thư đã đến! Rất tốt!

Mary Ann đáp :

– Xin được phép giới thiệu, mặc dù hình như hai ông đã biết nhau. Stafford Nye. Ông Robinson.

Một tia chớp dường như lóe lên trong đầu Stafford. Cái tên “Robinson” làm anh nghĩ đến một cái tên khác “Đại tá Pikeaway”. Thật ra chàng biết rất ít về con người này. Cái tên “Robinson” hẳn là tên thật, mặc dù trông vẻ ngoài ông ta có vẻ không phải người Anh. Tuy nhiên không ai dám hé ra điều đó.

Robinson có vầng trán thấp, cặp mắt màu thẳm và u buồn, miệng rộng với hai hàm răng rất trắng, có lẽ là răng giả. Stafford còn biết Robinson đại diện cho Tư Bản chữ hoa. Vốn liếng khổng lồ của ông nằm dưới nhiều hình thức: tài chính quốc tế, những ngân hàng cỡ lớn và nền đại công nghiệp. Chắc chắn ông ta giàu vô kể, nhưng đó không phải điều chính yếu. Điều quan trọng hơn cả ở chỗ ông ta là một trong những nhân vật điều khiển nền tài chính quốc tế.

Robinson bắt tay Stafford, nói :

– Cách đây một hoặc hai ngày tôi đã nghe thấy ông bạn của tôi, đại tá Pikeaway, kể về ông.

Bây giờ thì Stafford nhớ ra rất rõ cái lần duy nhất chàng đã gặp ông Robinson này, đó là hôm có mặt cả đại tá Pikeaway. Chàng nhớ lại cả lời Horsham nhận xét về ông ta…

Stafford đưa mắt nhìn ba người còn lại. Một người ngồi trong xe đẩy bên cạnh lò sưởi đang cháy là người rất nổi tiếng trên toàn nước Anh, mặc dù ngày nay ít thấy ông xuất hiện hơn trước kia. Ông ta bị tàn tật và phải cố gắng rất lớn mỗi khi xuất hiện trước công chúng. Đó là Huân tước Altamount. Khuôn mặt ông gầy gò, với chiếc mũi to, hai tai vểnh ra, mái tóc hoa râm để lộ ra toàn bộ vầng trán vả chải hất ra sau gáy, trông giống như cái bờm ngựa dầy. Huân tước Altamount nhìn thẳng vào mắt Stafford rồi chìa tay ra với chàng.

Ông nói giọng khẽ và xa vắng của người già.

– Xin lỗi, tôi không đứng lên được vì cái lưng không cho phép. Hình như ông mới đi Malaysia về phải không nhỉ?

– Vâng, đúng thế.

– Chuyến đi có lý thú và đạt kết quả không? Tôi đoán ông không cho là lý thú và đạt kết quả, mà như thế là đúng. Dù sao tôi cũng rất mừng ông đã đến được đây tối nay. Chắc nhờ tiểu thư Mary Ann?

Ông ta gọi nàng cũng bằng cái tên đó, giống như Horsham. Có nghĩa nàng cũng nằm trong tổ chức của họ, điều này Stafford không còn hồ nghi gì nữa. Stafford không phải không biết rằng Huân tước Altamount hết lòng bảo vệ nước Anh, cho đến hơi thở cuối cùng. Ông ta hiểu biết rất cặn kẽ về nước Anh, về tất cả các chính khách, kể cả những người ông ta không trực tiếp gặp gỡ.

Huân tước Altamount nóí :

– Tôi xin giới thiệu đồng sự của chúng ta, ông James Kleek.

Stafford không quen Kleek, thậm chí chưa nghe nói đến anh chàng này bao giờ. Kleek có dáng của một con người hiếu động, nóng nảy, cặp mắt sắc và đa nghi, trông giống như một con chó săn, lúc nào cũng sẵn sàng chờ lệnh chủ là lao vào con mồi xâu xé. Nhưng chủ anh ta là ai? Huân tước Altamount hay Robinson?

Người thứ hai ngồi gần cửa lúc này đứng lên. Stafford ngạc nhiên reo lên :

– Ông đấy à, ông Horsham? Xin chào ông!

– Rất vui được gặp ông ở đây, ông Stafford!

Người ta đã kéo một chiếc ghế nệm ra gần lò sưởi để dành cho Mary Ann. Stafford nhận xét thấy nàng chìa bàn tay trái ra và Huân tước Altamount dùng cả hai tay nắm lấy bàn tay nàng, ông ta nói :

– Cháu liều lĩnh quá đấy, Mary. Liều lĩnh quá đấy!

Mary Ann ngước cặp mắt xanh biếc lên cười với ông ta, đáp :

– Chính bác đã dạy cho cháu cái tính ấy và bây giờ cháu không thể sống cách khác được nữa.

Huân tước Altamount quay sang nhìn Stafford :

– Nhưng bác không dạy cháu cách chọn người cộng tác này. Việc này hoàn toàn do tài năng của cháu đấy chứ.

Rồi Huân tước nói với Stafford :

– Tôi có quen bà của ông.

– Phu nhân Matilde ạ?

– Đúng thế. Ngày nay tôi ít được gặp bà cụ, mỗi năm chỉ một hai lần. Nhưng tôi rất phục tác phong năng nổ của bà cụ, bất chấp tuổi đã rất cao.

Kleek nói :

– Các vị dùng gì chứ ạ? Ông dùng gì, thưa ông Stafford?

– Nếu có thể, một ly gin.

Khi Kleek hỏi đến nữ công tước Zerkowski, cô ta lắc đầu. Kleek bèn mang đến cho Stafford một ly rượu, đặt nó lên bàn. Ông Robinson ngước mắt nhìn Stafford vẻ chờ đợi nhưng chàng không muốn phát biểu đầu tiên.

Cuối cùng ông Robinson đành đưa cặp mắt u buồn nhìn chàng, lên tiếng :

– Ông muốn hỏi gì không, ông Stafford?

Chàng đáp :

– Tôi muốn hỏi rất nhiều điều, nhưng trước hết có nên thống nhất tin tức chăng? Còn các câu hỏi xin gác lại sau một chút? Tôi nghĩ rằng làm cách đó đơn giản hơn.

– Đúng thế. Vậy ta bắt đầu bằng mục phổ biến các tin tức sự kiện. Việc ông đến tận đây, ông có được hỏi ý kiến trước hay không? Nếu không, rất có thể ông không dược hài lòng.

Nữ công tước Zerkowski đỡ lời :

– Ông Stafford thích được người ta hỏi ý kiến ông ấy trước, điều này ông ấy đã cho tôi biết một cách rõ ràng.

Ông Robinson nói :

– Đồng ý.

Stafford nói tiếp, giọng thoải mái :

– Tôi đã bị bắt cóc. Tôi cũng biết bắt cóc đang là biện pháp rất phổ biến và cũng rất hiện đại.

– Vì vậy chúng tôi có bổn phận phải trả lời ông một câu hỏi.

– Tôi chỉ muốn hỏi: các vị cần tôi để làm gì?

– Chúng tôi là một Ủy ban Phi Chính phủ, kiểu như một ủy ban điều tra, và phạm vi điều tra mang tính toàn cầu.

– Rất cần thiết đấy.

Huân tước Altamount nói :

– Cần thiết hơn là ông tưởng. Vì đây là một vấn đề rất đáng lo ngại và mang tính thời sự. Mặc dù hiện nay tôi không còn tham gia nhiều vào công việc của đất nước chúng nhưng người ta vẫn đến tham vấn tôi. Và người ta đề nghị tôi làm chủ tịch Ủy ban điều tra này, nhằm mục đích khám phá những chuyện đang diễn ra trên thế giới vào cái năm khủng hoảng 1970 này. Bởi rõ ràng hiện đang diễn ra một xu hướng! Chức trách của Kleek, có mặt tại đây, là trợ lý chính đồng thời là người phát ngôn của tôi. Kleek, anh hãy trình bày tóm tắt cho ông Stafford biết những nét lớn trong hoạt động của chúng ta.

Kleek nói :

– Hiện tượng đáng lo ngại đang diễn ra trên khắp thế giới, chúng ta cần tìm cho ra nguyên nhân. Các biểu hiện bề ngoài thì dễ dàng nhận ra, nhưng chúng không có ý nghĩa quan trọng và nếu chỉ căn cứ vào đấy, chúng ta dễ bị lầm. Đó là quy luật xưa nay. Lấy vài thí dụ. Thác nước cung cấp năng lượng cần thiết để quay tuốc bin phát điện. Người ta tách uranium từ pechurane ra, đồng thời chế thành năng lượng nguyên tử mà trước đó chưa được ai biết đến. Khi loài người tìm ra than đá và các khoáng sản, chúng ta có được giao thông vận tải, năng lượng. Bao giờ cũng có những sức mạnh cung cấp cho chúng ta thứ gì đó, nhưng đứng đằng sau tất cả các sức mạnh đó vẫn có một người nào đó điều khiển toàn bộ. Chúng ta cần khám phá cho ra ai kiểm soát, mọi sức mạnh hiện đang phát triển ngày càng lớn trong hầu như tất cả các quốc gia châu Âu, và cả một số quốc gia châu Á. Sức mạnh này chỉ có ít ở châu Phi nhưng vô cùng to lớn tại hai châu Bắc và Nam Mỹ. Chúng ta cần ngó vào phía sau tất cả các hiện tượng đó, tìm ra động lực nào kích động chúng. Một trong những động lực đó là tiền.

Anh ta quay sang ông Robinson, nói :

– Tôi nghĩ rằng về điểm này ông hiểu rõ hơn bất cứ ai khác.

– Chắc chắn là đồng tiền đứng đằng sau tất cả các sức mạnh hiện đang hoành hành và lan rộng trên khắp thế giới. Chúng ta cần tìm cho ra đồng tiền đó từ đâu đến, của ai, rót cho ai, và nhằm mục đích gì. Đúng như ông Kleek vừa trình bày, tôi khá am hiểu các vấn đề tài chính. Nhưng còn có vấn đề khác, đó là định hướng. Thuật ngữ này hiện đang được sử dụng rộng rãi trong ngôn ngữ hiện đại. Báo chí luôn nói đến định hướng, xu hướng. Còn có những danh từ khác nữa, tuy không hoàn toàn đồng nghĩa nhưng là những từ ngữ họ hàng.

Kleek nói tiếp :

– Hiện nay chúng ta thấy đã bộc lộ rõ xu hướng nổi loạn, phản kháng. Tuy nhiên nếu nhìn lại lịch sử, chúng ta sẽ thấy phong trào nổi loạn, phản kháng cứ sau một thời gian lại xuất hiện. Tình trạng đó kéo dài trong suốt lịch sử và đều tuân theo một quy trình: xuất phát điểm là ý tưởng nổi loạn, tiếp đến việc huy động các phương tiện nổi loạn và cuối cùng là các hình thái của hoạt động nổi loạn. Quy trình đó không riêng của một quốc gia nào. Nếu cuộc nổi loạn bùng lên tại một quốc gia nhất định, nó sẽ lan sang các quốc gia khác ở mức độ mạnh hoặc yếu hơn. Có đúng như vậy không ạ?

Câu cuối cùng vừa rồi Kleek hướng về phía Huân tước Altamount.

– Anh trình bày như thế là rất rõ ràng, Kleek!

– Tôi xin nhắc lại. Đó là một quy trình bất biến và tôi nghĩ các vị sẽ nhận ra ngay. Vào một thời đại trong lịch sử, chúng ta biết là đã diễn ra một phong trào say mê tổ chức các cuộc Thập Tự Chinh 1 . Dường như toàn thế giới ao ước được lên đường, đi chiếm lại Đất Thánh. Niềm khao khát này rất cụ thể và là một thí dụ tuyệt vời về một phong trào được kích động có chủ định. Nhưng trên thực tế, tại sao những con người đó lên đường? Tôi cho rằng đó là lịch sử cần như vậy. Bao nhiêu thứ cùng hiệp lực để tạo nên cái phong trào đó: lòng khao khát tự do, tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, và cả một loạt các thứ kèm theo. Điều đó đã kích thích các dân tộc tiến hành những cuộc di dân sang các miền đất mới, lập ra các tôn giáo mới, thường cũng tàn bạo không kém các tôn giáo cũ mà người ta bỏ đi. Nhưng nếu các vị quan sát kỹ toàn bộ những thứ đó, các vị sẽ hiểu được cái gì sinh ra chúng. Phần nào giống như các bệnh do siêu vi khuẩn. Siêu vi khuẩn có thể lan truyền qua núi non, sông biển, đến mọi nơi hẻo lánh nhất, không cần có ai phải vận động. Tuy nhiên không phải bao giờ tình trạng cũng giống hệt như thế. Bởi vẫn có thể có những hoạt động kích động. Một người, hai người, một nhóm người có thể khơi lên một phong trào. Cho nên chúng ta không cần quan tâm đến kết quả cuối cùng của phong trào nổi loạn kia, mà cần khám phá cho ra nhân vật đầu tiên khởi xướng ra toàn bộ phong trào. Ngoài tính cuồng tín tôn giáo và lòng khao khát tự do, còn cả nỗi bất bình về nhiều mặt. Đằng sau các biểu hiện vật chất là những ý tưởng. Những ảo ảnh, những mơ ước. Nhà Tiên tri Joel đã hiểu rõ điều này khi ông viết: “Người già vẽ ra các giấc mơ, người trẻ nhìn thấy những ảo ảnh”. Trong hai yếu tố đó, thứ nào mạnh hơn và nguy hiểm hơn? Giấc mơ không mang tính phá phách, nhưng những ảo ảnh có tác dụng kích động con người khao khát những thế giới mới và vì chúng, họ phá phách những thế giới đang tồn tại.

Kleek lại quay sang Huân tước Altamount, nói :

– Tôi đang nghĩ có cần nêu ra sự kiện không. Nhưng Huân tước đã có lần kể tôi nghe về câu chuyện một cô gái trong Đại sứ quán ta ở Berlin.

– Có đấy! Hồi đó câu chuyện làm tôi thấy rất đáng suy nghĩ. Và nó có thể thích hợp với vấn đề chúng ta đang bàn ở đây.

Huân tước Altamount quay sang Stafford nói tiếp :

– Câu chuyện là thế này. Tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Berlin, có một nữ nhân viên trẻ, thông minh và rất có giáo dục, cô ta ôm mơ ước được trực tiếp nghe Hitler diễn thuyết. Chuyện này xảy ra ngay trước khi nổ ra đại chiến thế giới lần thứ hai năm 1939. Cô nhân viên kia rất muốn biết tại sao mọi người nghe Hitler nói lại bị mê hoặc đến thế. Hồi một hôm, cô ta thử đi nghe Hitler diễn thuyết. Sau đó cô ta về nói với tôi: “Thật kỳ lạ! Tôi đã chứng kiến một hiện tượng mà chưa bao giờ tôi lại tin là có thể có. Tôi không thạo tiếng Đức, vậy mà tôi cũng vẫn bị kích động khủng khiếp. Thế là tôi hiểu được tại sao mọi người mù quáng răm rắp đi theo lãnh tụ của họ. Ông ta đưa ra những ý tưởng kỳ diệu làm đầu óc tôi bốc lửa. Và trong khi nghe Hitler nói, tôi cảm thấy không có cách suy nghĩ nào khác ngoài cách suy nghĩ mà ông ta đưa ra và tôi cũng tin rằng nếu đi theo ông ta, một thế giới mới sẽ hình thành. Tôi không biết cách miêu tả, nhưng tôi sẽ viết ra giấy tất cả những ấn tượng và suy nghĩ của tôi lúc nghe Hitler diễn thuyết. Rồi tôi sẽ dưa Huân tước đọc và Huân tước sẽ thấy sức thuyết phục toát ra trong lời diễn thuyết của Hitler”.

Huân tước Altarnount ngừng lại một chút rồi kể tiếp :

– Thế rồi hôm sau cô ta lại đến gặp tôi và các vị có đoán dược cô ta nói với tôi thế nào không? Cô nữ nhân viên ấy bảo tôi: “Tôi nói thế này e Huân tước không tin. Nhưng quả là đêm qua tôi đã ngồi, cố viết ra giấy những lời tôi nghe thấy ở miệng Hitler. Nhưng khủng khiếp biết bao: tôi không viết ra được một chữ nào. Tôi thử nhớ lại thì không nhớ một câu nào có giá trị kích động hết. Trong đầu tôi có những từ những chữ, nhưng khi tôi viết chúng ra giấy, tôi thấy chúng hoàn toàn chung chung, thậm chí vô nghĩa. Tại sao lại như vậy, thưa Huân tước?”

Huân tước Altamount nỏi tiếp :

– Câu chuyện chứng minh cho các vị thấy một trong những nỗi nguy hiểm mà không phải bao giờ chúng ta cũng ý thức được rõ ràng. Nhưng nó lại là một nỗi nguy hiểm có thật. Có những người có khả năng truyền cho người khác một niềm hăng say cuồng nhiệt, một thứ hình ảnh khác thường về cuộc sống, về những biến cố trong tương lai. Hiệu quả đó không phải do nội dung những câu những chữ họ nói ra miệng, thậm chí cũng không phải do những ý tưởng họ trình bầy. Mà do một thứ khác, đó là sức mạnh truyền cảm đặc tiệt. Chỉ một số ít người có khả năng này. Họ “nhìn thấy” những hình ảnh và truyền các hành ảnh đó sang những người nghe. Đó là do giọng nói của họ, nhưng có thể là do một dòng chảy vô hình toát ra từ con người họ, ngấm vào cơ thể, trí óc những người nghe. Tôi không biết gọi nó là thứ gì, nhưng rõ ràng là có cái thứ đó, chắc chắn là như vậy. Những người có khả năng này rất có khả năng lôi cuốn công chúng. Họ có thể tạo ra một thứ tín ngưỡng mới, có thể dắt dẫn mọi người theo họ để được hưởng một thế giới mới tràn đầy ánh sáng. Công chúng nghe họ nói, tin theo họ, cuồng nhiệt đấu tranh, thậm chí sẵn sàng hy sinh tính mệnh khi cần thiết.

Huân tước Altamount hạ thấp giọng, nói thêm :

– Jan Smuts 2 đã nói: “Sức mạnh có thể xây nhưng cũng có thể phá”.

Stafford nói chen vào :

– Tôi hiểu ý của Huân tước và tôi thấy trong đó quả có một phần sự thật.

– Nghĩa là ông cho rằng tôi đã phóng đại?

– Tôi chưa dám đánh giá. Bởi có những ý kiến tưởng như phóng đại, nhưng lại đúng với sự thật. Thường đó là những nhận định mà người nghe chưa nghe thấy ai nói đến bao giờ, thậm chí chưa hề nghĩ đến. Nhưng tôi xin phép được đưa ra một câu hỏi nhỏ. Muốn chống lại hiện tượng đó cần phải làm thế nào?

Huân tước Altamount đáp :

– Khi thấy hiện tượng đó xuất hiện, cần phải vạch ra sự thật cho mọi người thấy, cần phải tìm xem nguồn cung cấp tài chính là từ đâu, những ý tưởng đó từ đâu mà ra, và ai điều khiển toàn thể bộ máy đó. Tôi cho rằng tất phải có một tổng chỉ huy và một người chịu trách nhiệm về nhân sự. Chúng tôi hiện đang làm cái công việc đó. Vậy ông có chấp nhận giúp chúng tôi không, ông Stafford?

Đây là một trong số những trường hợp hiếm hoi, khi Stafford bị rơi vào thế bất ngờ, chưa kịp chuẩn bị gì hết. Những lần khác, rơi vào hoàn cảnh này, chàng đều kiên quyết từ chối. Nhưng lần này khác. Chàng liếc nhanh mắt quan sát những người xung quanh, ông Robinson vẫn thản nhiên, miệng hơi hé mở để lộ ra những chiếc răng rất trắng. James Kleek vốn thích nói, nhưng chỉ giữ im lặng. Huân tước Altamount ngồi bất động trong chiếc ghế bành rộng, dưới làn ánh sáng mờ mờ của gian phòng, trông giống như pho tượng một vị thánh trong nhà thờ. Trông dáng vẻ ông khắc khổ như một tu sĩ thế kỷ mười bốn. Đúng là ngày xưa Huân tước có uy tín rất lớn, nhưng nay ông đã già quá rồi. Chính vì thế ông phải dùng Kleek làm trợ lý và phải cậy đến sự giúp đỡ của chàng.

Cuối cùng Stafford đưa mắt nhìn cô gái đã đưa chàng đến tận đây: nữ công tước Renata Zerkowski, tức Daphné Theodophanous, tức Mary Ann. Nàng vẫn lạnh lùng, bí hiểm. Khuôn mặt nàng bất động, không để lộ ra một ý nghĩ hoặc cảm xúc nào hết. Thậm chí cặp mắt nàng lạnh tanh, như thể không nhìn vào đâu hết.

Rút cuộc chỉ còn lại Horsham, quan chức Cục an ninh quốc nội. Stafford ngạc nhiên thấy khi chàng nhìn anh ta, anh ta khẽ nở một nụ cười.

Stafford bèn nói :

– Tôi không biết liệu có làm được gì trong công cuộc này. Bởi tôi vẫn chưa biết gì cụ thể. Ngay trong lĩnh vực công vụ của tôi, tôi cũng không giỏi giang gì. Lãnh đạo Bộ ngoại giao coi tôi chỉ là một nhân viên loại trung bình.

Huân tước Altamount nói :

– Điều đó chúng tôi có biết.

Kleek lúc này mới cười, nói :

– Chính như thế lại tốt.

Rồi khi thấy Huân tước Altamount cau mày nhìn mình, Kleek vội nói thêm :

– Tôi xin lỗi.

– Vấn đề không phải ở chỗ ông đã làm gì trước đây và cũng không cần quan tâm đến dư luận nghĩ thế nào về ông. Hiện nay ủy ban của chúng tôi mới chỉ có ít người và chúng tôi mời ông tham gia chỉ vì chúng tôi nghĩ ông có những phẩm chất sẽ bổ ích cho chúng tôi.

Stafford quay sang Horsham hỏi :

– Ông nghĩ thế nào về lời đề nghị này? Tôi đoán rằng ông không tán thành cho tôi tham gia với các vị này?

– Tại sao tôi không tán thành?

– Tôi chưa biết các “phẩm chất” của tôi cụ thể là những phẩm chất nào? Thú thật, tôi thấy tôi không có một phẩm chất nào hết.

– Ông không hề có kiểu sùng bái ai. Ông có cách suy nghĩ và đánh giá độc lập, không theo đuổi và không bị ai mê hoặc, ông biết cách đánh giá người khác một cách khách quan và biết vạch trần những trò mê hoặc bịp bợm. Đó là những phẩm chất khiến chúng tôi mời ông tham gia cùng với chúng tôi.

Trong óc Stafford đột nhiên văng vẳng câu nhiều người nhận định về chàng “ce n’est pas un garcon seriemé” 3 , và chàng thầm nghĩ việc người ta mời chàng tham gia vào loại hoạt động tế nhị này quả là lạ.

Stafford nói :

– Tôi thấy cần nói trước với các vị rằng tôi có một nhược điểm quan trọng, chính cái nhược điểm đó nhiều lần bị cấp trên và đồng sự phê phán, và khiến tôi đã bị gạt ra khỏi nhiều công vụ quan trọng. Tôi không có đủ sự nghiêm túc để làm những công việc quan trọng như thế này.

Horsham nói tiếp :

– Cái mà ông gọi là nhược điểm ấy chính lại là thứ chúng tôi đang cần. Có phải đúng như vậy không, thưa Huân tước?

Huân tước Altamount gật đầu, ông nói :

– Tôi xin nói rằng, trong hoạt động xã hội, rất nhiều khi một trong những khuyết điểm đáng tiếc nhất chính lại do những người thi hành đã quá nghiêm túc. Chúng tôi cho rằng ông sẽ không phạm phải kiểu khuyết điểm ấy. Cô Mary Ann cũng tán thành nhận định của tôi.

Stafford quay sang nhìn “cô gái ở sân bay Frankfurt”. Nàng đã không còn là “nữ công tước Renata Zerkowski” mà trở lại là “Maiy Ann” bình thường. Chàng nói :

– Xin phép được hỏi một câu hơi thiếu lễ độ: thật ra cô là ai? Cô có phải một nữ công tước thật không?

– Hoàn toàn thật. Cha tôi là đại công tước, cưỡi ngựa và bắn súng cực giỏi, ông nội tôi tôi là chủ một lâu đài vô cùng thơ mộng tại xứ Bavière 4 , nay vẫn còn nhưng rất tiếc là đã có phần hoang phế. Cho nên về mặt dòng dõi, tôi thuộc tầng lớp đại quý tộc của châu Âu.

– Còn cái tên Daphné Theodophanous? Đó phải chăng là tên giả?

– Cái tên đó rất thuận tiện để xin cấp hộ chiếu. Và cái tên đó cũng có phần đúng vì mẹ tôi là người Hy Lạp và đó là một cái tên Hy Lạp.

– Còn Mary Ann?

Một nụ cười nở trên môi cô gái. Nàng đưa mắt nhìn Huân tước Altamount rồi nhìn Robinson. Nàng đáp :

– Có lẽ tôi được gọi bằng cái tên đó vì tôi giống như một đứa đầy tớ gái chăm chỉ, tháo vát, được giao việc gì cũng vui vẻ làm, không hề suy tính, từ việc giao thông liên lạc, vận chuyển thứ này thứ khác, đến việc điều tra nghiên cứu, kể cả việc quét dọn nhà cửa… Tóm lại bất cứ công việc gì.

Mary Ann quay sang Huân tước Altamount, hỏi :

– Cháu nói thế có đúng không, thưa bác Altamount?

– Hoàn toàn đúng. Cháu là Mary Ann và đối với những người có mặt ở đây tối nay, cháu mãi mãi mang cái tên ấy.

Stafford hỏi :

– Vậy hôm ở sân bay Frankfurt, phải chăng cô đang trên đường chuyển một thứ gì đó?

– Chuyển rất nhiều thứ, toàn những thứ ông không có quyền hỏi cụ thể là những thứ gì. Tuy nhiên nếu được phép, tôi xin trả lời ông đầy đủ.

Nói xong, Mary Ann lại đưa mắt nhìn Huân tước Altamount vẻ dò hỏi.

Vị Huân tước già đáp :

– Bác để cháu tự xét lấy. Bác tin hoàn toàn vào sự đúng đắn trong cách cháu xét đoán.

Mary Ann bèn nói :

– Tôi mang theo một tờ giấy khai sinh. Tôi chỉ có thể nói được như thế, ông hỏi thêm chi tiết chỉ vô ích. Tôi sẽ không nói thêm gì nữa đâu.

Stafford đưa mắt nhìn khắp mọi người. Chàng nói :

– Rất tốt. Vậy tôi xin nhận tham gia hoạt động của các vị. Tôi cảm thấy rất vinh dự được các vị vời đến. Bây giờ chúng ta phải làm gì tiếp?

Mary Ann đáp :

– Mai hai chúng ta sẽ sang châu Âu lục địa. Chắc ông đã biết sắp có một Liên hoan âm nhạc tổ chức tại xứ Bavière? Đây là một hiện tượng mới vì đã hai năm nay người ta không tổ chức kiểu Liên hoan này. Liên hoan kỳ này được đặt một cái tên rất dài bằng tiếng Đức, có nghĩa Liên hoan của Hiệp Hội Các Ca Sĩ Trẻ. Hiệp hội này được khá nhiều quốc gia tài trợ. Liên hoan của họ đối lập với các liên hoan âm nhạc và các nhạc phẩm của Beyreuth 5 ở chỗ các nhạc phẩm trình diễn tại Liên hoan này toàn là nhạc phẩm “hiện đại”. Mục đích của Liên hoan này là tạo điều kiện cho các nhạc sĩ trẻ giới thiệu sáng tác của họ. Tất nhiên, một số ca ngợi Hiệp hội, nhưng rất nhiều người khác chê và tỏ ý khinh bỉ nó.

– Tôi có đọc một số bài trên báo chí nói về Hiệp hội này. Chúng ta sẽ tham dự một trong những buổi trình diễn của Liên hoan chứ?

– Chúng tôi đã đặt trước hai vé vào xem một trong các buổi trình diễn tại đó.

– Cuộc Liên hoan đó có ý nghĩa gì đặc biệt đối với mục tiêu hoạt động của chúng ta?

– Không có. Nhưng việc đến dự Liên hoan sẽ tạo điều kiện cho hai chúng ta đến khu vực đó tiến hành một số công việc.

Stafford đưa mắt nhìn các cộng sự, nói :

– Tôi có cần nhận một nhiệm vụ cụ thể và những chỉ thị về chuyến đi này không?

Huân tước Altamount đảp :

– Có, nhưng không theo nghĩa ông hiểu. Chuyến đi này ông chỉ có nhiệm vụ tìm hiểu vấn đề và mọi thứ tùy thuộc vào nhận định của ông. Nói như thế để ông được chủ động hơn.

– Phải chăng Đức và Áo là trung tâm điểm của những hoạt động chúng ta quan tâm?

– Nói đúng ra, đó chỉ là một trong những điểm chúng ta cần tìm hiểu.

– Có nghĩa không phải điểm duy nhất?

– Thậm chí cũng không phải điểm chính yếu. Trên thế giới hiện nay còn có nhiều “điểm nóng” khác. Hoạt động của chúng ta là nhằm khám phá tầm quan trọng của mỗi điểm đó.

– Và tôi không cần phải biết về những điểm nóng khác?

– Ông biết nhiều quá chỉ thêm rối óc. Chúng tôi nắm trong tay những chứng cứ chứng tỏ trung tâm chính yếu của các hoạt động kia nằm ở Nam Mỹ. Hai trung tâm khác nằm ở Hoa Kỳ, một tại California, một tại Baltimore. Còn có hai trung tâm khác nữa, nhỏ hơn, tại Thụy Điển và Italia. Trong mười tháng qua, phong trào đã lan rất nhanh, bởi Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha cũng đã có các trung tâm, nhưng chưa quan trọng mấy. Tất nhiên chúng ta không được bỏ qua Paris. Ngoài các trung tâm đó, còn rất nhiều trung tâm đang hình thành và chưa có hoạt động quan trọng.

– Huân tước muốn nói đến Malaysia và Việt Nam?

– Không. Các điểm nóng ở hai nơi đó đã lui vào dĩ vãng, vả lại hai nơi đó trước kia cũng chỉ là cái cớ đám sinh viên viện ra để tiến hành các cuộc biểu tình chống đối. Tôi xin nhắc lại để các vị nhớ, thứ hiện nay chúng ta cần điều tra, khám phá và nghĩ cách đối phó là phong trào nổi loạn của lớp trẻ chống lại chính quyền, chống lại uy thế của các bậc cha mẹ, chống lại tôn giáo, tín ngưỡng của ông cha chúng. Phong trào của lớp trẻ này ngày càng đề cao các biện pháp bạo lực. Bạo lực ở đây được sử dụng không phải để kiếm tiền mà chỉ đơn giản là mục đích, theo kiểu “bạo lực vì bạo lực”. Mục đích duy nhất của các hoạt động bạo lực của chúng là phá phách, phá tất cả mọi thứ. Chúng coi ý nghĩa cao quý nhất là phá hủy toàn thế giới.

– Còn ma túy?

– Tôn sùng ma túy là thứ được một số kẻ cố tình tạo ra và thúc đẩy lên. Bọn này thu được hàng núi tiền nhờ buôn bán ma túy, nhưng chúng tôi không cho rằng ma túy là vấn đề chính yếu chúng ta cần quan tâm.

Robinson nói thêm :

– Đúng thế. Đã có những kẻ buôn bán ma túy bị bắt và xét xử, và những kẻ khác đang bị truy nã. Nhưng đằng sau ma túy còn có thứ khác, không chỉ đơn thuần là vấn đề ma túy. Buôn bán ma túy chỉ là cách kiếm tiền để chúng sử dụng vào những mục đích khác.

– Nhưng ai…

Stafford vội ngưng lại không nói tiếp. Thấy vậy, Huân tước Altamount đỡ lời chàng :

– AI, CÁI GÌ, TẠI SAO, Ở ĐÂU? Đó là bốn mặt của các hoạt động tôi đã nói đến và cũng là bốn câu hỏi chúng ta cần đi tìm câu trả lời. Đó chính là nhiệm vụ của ông cùng với Mary Ann. Và nhiệm vụ đó hoàn toàn không dễ dàng. Chỉ nhắc ông một điều là thứ khó nhất trên đời chính là giữ kín một điều bí mật.

Stafford tò mò quan sát khuôn mặt béo xệ và vàng vọt của ông Robinson. Phải chăng sức mạnh của con người này chính ở chỗ ông ta biết giữ kín những điều bí mật ông ta có được trong tay?

Ông Robinson nói tiếp với nụ cười nhe hàm răng to và trắng muốt :

– Con người ta khi biết được điều gì đó rất hay muốn kể ra cho người khác, không phải vì muốn cung cấp thông tin, cũng không phải vì được trả tiền để làm việc đó, mà chỉ đơn giản là thích kể cho người khác. Điều này rất dễ hiểu nhưng nhiều người lại không hiểu.

Nữ công tước Zerkowski đứng lên. Stafford cũng đứng lên theo.

Ông Robinson nói :

– Tôi hy vọng ông sẽ ngủ ngon.

Stafford đáp :

– Tôi tin là như thế.

Nói xong chàng theo chân Renata ra cửa.

——————————–

1 Phong trào do Giáo hoàng phát động, lan khắp Tay Âu vào những thế kỷ XI XII, để giải phóng Jerusalem khỏi sự chiếm đóng của người Hồi giáo (N.D).
2 Chính khách kiêm tướng lĩnh Nam Phi (1870-1950). (N.D).
3 Anh ta là con người thiếu nghiêm túc (Tiếng Pháp). (N.D).
4 Tên một bang thuộc CHLB Đức, thủ phủ là Munich, cái nôi của chủ nghĩa phát xít Hitler. (N.D).
5 Hoặc “Beirut”, thủ đô của Li-băng. (N.D).

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.