Chuyện tình New York

6.



Và tiệm nail của ngày mai, đã đưa vào cuộc đời tôi một người đàn ông thứ hai, một nhân vật đáng kể cho câu chuyện tình mới đang ở hồi bắt đầu này của tôi.

Tôi mở thư, đếm thật nhanh sơ qua là mấy chú địa chỉ bị gửi trả. Hix, và chỉ có… ba thôi. Một địa chỉ email đã đi. Đó là địa chỉ Ryanx. Thật vui sướng. Tôi thở phào nhẹ nhõm một cái. May quá, thế là tôi đã có hy vọng. Tự nghĩ mình cũng lanh lẹn thông minh tháo vát ra phết đấy chứ. Và 15 phút dành cho mơ màng.
    Ngồi ngắm tuyết rơi dày đặc, cả bên ngoài đều được phủ một màu trắng tinh khiết. Lúc này đang là cuối tháng Một, cơ quan của mẹ cũng đang chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. Tự nhiên thấy cảnh vật đẹp và trong sáng tới kỳ lạ. Thèm được nhảy tưng tưng ra cái sân trụi cỏ ngay trước cửa sổ, có mấy cái ghế đá và mấy chiếc đèn cổ được phủ trắng tuyết trông như trong tranh vẽ minh họa của mấy truyện cổ tích. Có vẻ như đã khỏe hẳn, “người buồn thì cảnh có vui bao giờ” thế nên người vui thì cảnh có là bóng đêm mịt mùng vẫn thấy… vui. Thấy mẹ gõ cửa, ca cẩm:
    “Khỏe chưa? Hôm qua đi đâu, làm gì mà ăn mặc thế nào để về đến nhà ra nông nỗi thế. Phải bảo vệ cái sức khỏe của mình chứ. Ốm đau có phải khổ thân mình đâu, khổ cả bố cả mẹ ra nữa chứ!”
Lần nào mà tôi ốm do phong phanh hay do bất cẩn đều bị bố mẹ than vãn, quả thực thì cũng chẳng oan uổng gì (nhưng mà giả sử mẹ mà biết lý do thì mẹ có thông cảm cho không nhỉ?). Mọi ngày thì cãi lại nhâu nhâu đấy, nhưng hôm nay hả, thấy mẹ mắng mà đáng yêu hơn bình thường, tôi cứ ngồi cười khúc khích làm mẹ tôi nói mãi cũng… chán! (Cứ cãi lại thì mắng nó mới thích, thường là vậy?)
“Thèm ăn gì không? Mẹ hâm lại cái bánh pizza trong tủ lạnh cho ăn nhé?”
Ối giời ơi, lại nhắc cái pizza mà đau lòng. Nhưng kể thì cũng thèm ăn thật, cho dù pizza này là pizza đông lạnh. Gật đầu cái rụp, ngồi hát vẩn vơ.
Nhà có tiếng gõ cửa, một cô hàng xóm cũng là người Việt, đang đi làm nail (là làm móng chân móng tay, nghề này là nghề độc chiếm của người Việt bên đó, kiếm rất khá mà trốn được thuế) ngó qua chơi trước khi đi làm. Hôm nay thấy mình dậy sớm, bèn hỏi han một chút. Rồi bất ngờ, cô ta bảo:
“Cháu thích đi học trang điểm và đánh móng chân móng tay không?”
Nghe móng chân móng tay thì tôi không thích. Nhưng nghe thấy trang điểm thì thích mê lên. Tôi đồng ý ngay tắp lự.
“Ê đi luôn không?”.
“Ối không cô ạ, cháu đang bị cảm”.
“Thế khỏe đi nhé, rồi đi, có khi kiếm được tiền đấy! Mai nhé, họ cũng cần người”.
“À dạ vâng, hi hi”. Tôi cười hơi bị nhiều!”.
No say, tôi lại lăn ra ngủ tiếp, có lẽ do uống thuốc vẫn còn mệt. 10 giờ sáng, bất ngờ chuông điện thoại réo ầm ầm. Thằng em tôi uể oải chạy ra bên ngoài nghe máy, tôi nghe loáng thoáng: “Anh muốn gặp Hà Kin hả? Vâng, chị ấy ở nhà, chờ một chút nhé”.
Tự nhiên tôi thót cả tim. Làm gì có ai gọi điện cho tôi bao giờ nhỉ. Tôi hầu như không bao giờ cho số điện thoại lung tung ở ngoài đường, vì đặc thù nghề nghiệp của mẹ, chỉ cho những ai tôi cho là “đáng tin tưởng” mà thôi. Thế thì, biết đâu… anh đã check mai và gọi ngay cho tôi thì sao. Ôi thế thì anh ta còn máu hơn cả mình ấy chứ, vì đã gọi ngay cho mình còn gì. Thế là chả đợi bé em gào lên, tôi hấp tấp ra bắt máy ngay.
“Ối giời, nhanh thế, đang định gọi”.
“Ai đấy?”
“Không biết, nghe đi thì biết”.
“Đàn ông à?”.
“Thì nghe đi này”.
Vừa chạy ra vừa hỏi han đầy tò mò. Chộp lấy cái máy:
“Xin chào Hà Kin, hôm nay cô bé OK chưa?”
Hix, ối giời, đấy là… ông luật sư. Tôi và ông ta có số điện thoại nhưng toàn liên lạc qua email là chính, tự nhiên hôm nay gọi điện. Làm tôi như ngã từ trên giường xuống đất.
“À cháu đang khỏe ra rồi, chỉ là bị cảm nhẹ thôi”.
“Cháu biết thời tiết New York thế nào rồi đấy, chắc là cháu chưa quen với thời tiết ở đây, cô bé, cẩn thận nhé!”
“Cảm ơn chú, nhưng cháu bây giờ ổn rồi?”.
“Chắc chắn chứ? Tôi đã chuẩn bị xong buổi hẹn hò của chúng ta vào buổỉ trưa nay rồi. Hay là đến nhà tôi nhé? Tôi sẽ về nhà hôm nay, tôi sẽ cho cháu xem cái này!”
Nhà ông ta ngay ở building bên cạnh. Tôi hơi chột dạ, cũng biết là ông ta già rồi, nhưng ở Mỹ hay ở đâu thì việc tới nhà người lạ mặt như thế này là tối kỵ, mà chả biết thế nào. Tôi tìm cớ thoái thác:
“Cháu không thể ra ngoài được, ngoài kia thời tiết đáng sợ lắm, ha ha”.
“Ôi chán quá! Tôi định đánh đàn piano cho cháu nghe, và tôi có rất nhiều sách cho cháu làm luận văn”.
Ồ, tự nhiên mắt tôi sáng rực lên, còn gì bằng, vừa được tới nghe piano, vừa có bao nhiêu là tài liệu tôi cần để về nhà dự định làm luận văn. Thế là chặc lưỡi, vẫn quyết định đi.
“OK, thế cháu đến”.
“Được rồi, gặp cháu vào 12 giờ ở căn hộ của tôi nhé. Đừng quên mặc ấm và đem ảnh đi cho tôi xem đấy, cẩn thận nhé?” (tôi khoe có nhiều ảnh đẹp chụp ở Việt Nam, ông ta muốn xem).
Vươn vai, dậy đi ra ngay cái máy tính. Em trai đã ngồi chiếm mất cái máy, nịnh nọt cỡ nào nó cũng không cho mượn máy (nó mà đã ngồi thì dứt ra khó vô cùng, đến bây giờ tuy hai chị em có máy riêng nhưng mà một máy mà hỏng thì vật nhau với nó giành máy cũng là cả một vấn đề “nhức nhối”.
“Cho chị check mail thôi mà!”.
“Check gì, sáng sớm đã dậy rồi không check à, check gì bây giờ”.
“Check thôi, rồi muốn làm gì thì làm, chị đi bây giờ đây”.
“Đi đâu? Máu ra ngoài đường thế? Bị hâm rồi, he he”.
Nó cứ ngồi trêu ngươi tôi thế có tức không. Cuối cùng cũng cho tôi check mail. Có hai thư mới, toàn của bạn ở Việt Nam gửi sang. Tôi tự nhủ: Thôi không sốt ruột nữa? Mới có từ sáng đến giờ, có khi anh đang tất bật trong phòng răng rồi, làm gì mà đi check mail giờ này?
Tôi ra ngoài xem mấy chương trình TV chán òm buổi sáng. 12 giờ kém 15, tôi ra khỏi nhà, sang nhà ông luật sư. Tôi muốn mình thật đúng giờ, đỡ “mang tiếng”.
Building ngay bên cạnh, đi khoảng 5 phút là tới, chờ thang máy nữa là 10 phút. Tôi trùm kín người bằng cái áo lông của mẹ, chạy thật nhanh từ nhà này sang nhà bên kia.
Và luật sư đúng là luật sư. Đúng 12 giờ, ông ta bước ra từ thang máy và nhìn thấy tôi, nở một nụ cười đầy thân thiện.
“Cô bé ngoan, đúng giờ quá, đã khỏe hơn chưa?”
“Rồi ạ, hơn rất nhiều, chú có đàn piano sao?”.
“Tất nhiên, khà khà!”
Tôi hỏi ngay cái piano (nguyên nhân chính tôi chịu ra khỏi nhà hôm nay mà). Căn phòng của ông luật sư trang trí rất lịch sự và ấm cúng, khác hẳn với cái phòng nhếch nhác của mấy chị em ở nhà. Ông ta ở một mình, tôi thấy bắt đầu lo lo. Cái piano màu đen nhỏ được đặt ở một góc phòng, có che rèm cửa. Lúc đó tôi chưa biết đánh piano nhưng tôi rất thích, tôi mở đàn và ngồi nghịch tưng tưng. Ông luật sư mỉm cười:
“Cháu thích đúng không? Muốn học không?”
“Có, thích mà, nhưng cháu chưa có cơ hội để học”.
“Để tôi chơi gì đó cho cháu nghe”.
Phòng khách ông rất tối vì che rèm cửa, ông bật hai cái đèn có ánh vàng trông rất sang trọng và ngồi vào tặng tôi một bản nhạc. Ông ta hỏi tôi thích nhạc gì, tôi bảo: “Spanish music?”. Và ông đã tặng tôi một bản nhạc Tây Ban Nha thật tuyệt vời (tôi không nhớ tên nó là gì, nó bằng tiếng Tây Ban Nha mà, lúc này cái gì tôi cũng…Tây Ban Nha, hix hix). Cái cảm giác lo lắng tan biến mà thấy thật bình yên.
“Thỏa mãn chưa cô bé?”
“Muốn ăn spaghetti cho bữa trưa không để tôi nấu?”
“Vâng, tất nhiên rồi”.
Hix, tôi vẫn còn no và hơi ngấy ngấy vì cái vị pizza ban sáng vẫn còn, nhưng mà nhoẻn cười tươi, chả mấy khi.
“Này, tôi rất yêu nụ cười của cháu, nó đẹp lắm”.
“Thật không? Chú cũng có thích mắt cháu không?”.
“À chúng cũng đẹp lắm”.
“Điều gì khiến chú ấn tượng về cháu nhất khi lần đầu tiên chú nhìn thấy cháu? Nụ cười hay đôi mắt?”.
“Ôi, cả hai”.
“Nhưng mắt cháu đẹp hơn đúng không?”.
“Không, nụ cười của cháu đẹp hon”.
Hi hi, tôi cố muốn biết rằng khi ông ta gặp tôi, thực sự là ông ta ấn tượng ở tôi điều gì? Tôi muốn biết đôi mắt tôi có thực sự tạo hiệu ứng với những người khác hay không? Hay chỉ khi tôi “si tình” tôi mới thế? Với ông già này, ông ta thích cái miệng rộng ngoác của tôi hơn, và thường mấy người đứng tuổi bên đó đều vậy!.
Hai chúng tôi ngồi ăn món mỳ Ý nhạt thếch của ông luật sư. Tôi cho cả ketchup vào làm ông ta vô cùng ngạc nhiên. Chả ai ăn mỳ Ý với ketchup như tôi cả.
Nhưng mà không thì nhạt lắm. Ông luật sư rất nhã nhặn và vui tính, hỏi về gia đình, về bạn trai của tôi. Tôi nói rằng chưa bao giờ tôi có bạn trai cả. Ông ta không tin, nói rằng một “cô gái đẹp” (xin lỗi, người Tây hay gọi tôi như vậy) như tôi mà không có thì thật là kỳ lạ. Tôi nói rằng ở Việt Nam, mọi người không hợp với cái ngoại hình của tôi cho lắm, nên rằng tôi rất khó có bạn trai.
“Không thể tin được, làm thế nào mà họ lại bỏ qua một người phụ nữ đẹp và thông minh như cháu nhỉ?”
Và tôi để ý ông ta đã đùng tới từ “woman” “người phụ nữ”, chứ không còn là “girl” “cô bé” nữa.
“Thế thì kiếm bạn trai ở đây đi, đó có lẽ là một điều dễ dàng nhất cháu có thể làm được ở cái đất nước này”. Tôi cười ha hả, “Vẫn đang đi tìm anh ta”.
Thế rồi, bất ngờ giọng ông ta trầm xuống:
“Tôi vừa mới thất tình xong, bạn gái tôi đã bỏ tôi đi”.
Tôi trợn ngược mắt. Hix, già rồi mà còn tâm sự với tôi thế đấy.
“Ôi cháu lấy làm tiếc!”.
“Cô ấy dân Mỹ La Tinh đấy, trông hao hao giống cháu”. (lại Mỹ La Tinh)”
“Thế ạ? Cô ấy bao nhiêu tuổi?”.
“Bằng tuổi của cháu (em)”.
Lúc này thì tôi thề ăn không ngon nữa, chỉ thiếu nước sặc một phát ra đám mì loằng ngoằng trong miệng.
Trời, “ông già” này có bạn gái bằng tuổi tôi, thế thì ông ta cũng đang tiếp tôi không phải tư cách là “hai chú cháu” nữa, mà là một người bạn gái mời về nhà rồi. Tôi cố tỏ ra bình tĩnh an ủi và tìm cách lảng câu chuyện sang đống sách ông ta hứa cho mượn để mà còn tìm cách chuồn về nhà mau chóng. Tôi thấy không thoải mái.
“Em có nghĩ tới việc cưới một anh chàng Mỹ làm chồng không?”
“À, bây giờ thì cháu chưa nghĩ tới cưới xin gì cả!”.
Ông ta vẫn tiếp tục đề tài. Cuối cùng, ông ta cũng chịu nói về mấy cuốn sách, mắt không ngừng nhìn tôi đầy (chắc lúc đó tôi thấy thế, he he) ông ta nói ráng sẽ mời tôi đến văn phòng và cô thư ký sẽ đưa cho tôi những tài liệu tôi cần, hiện giờ ông ta chỉ có một cuốn sách về luật quốc tế mà thôi! Tôi cảm ơn, tỏ vẻ bắt đầu thấy mệt mỏi và xin phép về ngay. Ông ta ngồi… suy nghĩ một lúc rồi bảo:
“OK, chào em, bảo trọng!”
Dường như ông luật sư đã nhận thấy tôi “sợ hãi” nên thôi không dám cưa cẩm tiếp nữa, giọng bắt đầu nhuốm mùi hờn dỗi.
Tôi ra khỏi cửa mà thở phào một cái. Đúng là nước Mỹ, chả biết thế nào, thật là “nguy hiểm”, hừm. Tôi cũng thấy hơi mệt thật nên muốn trở về nhà để nghỉ ngơi. Sáng mai tôi sẽ theo cô hàng xóm kia đến chỗ tiệm nail học nail và trang điểm, biết đâu lại có việc ra tiền còn đi chơi.
Và tiệm nail của ngày mai, đã đưa vào cuộc đời tôi một người đàn ông thứ hai, một nhân vật đáng kể cho câu chuyện tình mới đang ở hồi bắt đầu này của tôi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.