Chuyến Xe Năng Lượng

1. BÁNH XE XẸP



George chưa bao giờ thích những ngày thứ hai vì với anh, nó chẳng bao giờ tốt lành cả. Và hôm nay cũng là một ngày thứ hai như vậy. Anh đứng ngay trên lối ra vào, lắc đầu nhìn chiếc xe xẹp lốp của mình. Nhưng thật sự thì George không lấy làm ngạc nhiên bởi suốt nhiều năm qua, xui xẻo đã đeo đuổi đời anh như một đám mây đen. Trong khi lốp xe xẹp lép thì đầu George chỉ muốn nổ tung ra.



– Không phải hôm nay chứ! – George hét to khi mở cốp sau xe tìm bánh xe dự phòng. Nhìn chiếc lốp xe dự phòng cũng xẹp lép của mình, George nhớ đến câu nói của vợ hôm trước: “George, anh nên mang nó đi sửa đi. Lỡ xe bị xẹp bánh thì ít ra mình vẫn còn cái để thay”.



“Sao lúc nào cô ấy cũng nói đúng thế nhỉ?”, George tự hỏi.



George nhíu mày suy nghĩ xem lúc này có thể quá giang ai đến công ty. Hôm nay anh có một buổi họp quan trọng với nhóm của mình nên không muốn đến trễ chút nào.



George nghĩ đến Dave, người hàng xóm của mình, nên vội chạy ngay xuống cuối phố. Nhưng anh thất vọng ra mặt, đấm tay vào không khí khi thấy xe của Dave không còn trong bãi xe. “Tất nhiên rồi, làm sao Dave vẫn còn ở nhà giờ này được? Há chẳng phải quá dễ dàng cho mình sao?”, anh nghĩ.



Mồ hôi của George bắt đầu chảy xuống chân mày. Anh chạy vội về nhà, đứng dưới sân, nhìn vào điện thoại và cố nghĩ xem nên gọi cho người đồng nghiệp nào.



Nhưng niềm hy vọng trong anh tắt ngấm vì anh không tài nào nghĩ ra được người nào có thể đến đón mình lúc này. Lựa chọn cuối cùng và duy nhất của George bây giờ chính là vợ anh.



George bước vào nhà. Hàng loạt âm thanh phát ra từ nhà bếp ập vào tai anh. Ti chó sủa ầm ĩ, tiếng vợ anh liên tục yêu cầu lũ trẻ ngồi yên ăn sáng trước khi đến trường. George bước xuống nhà bếp. Ngay khi nhìn thấy anh, bọn trẻ reo lên:



– Con chào bố!



Trong khi đứa con gái chạy đến ôm chân anh nũng nịu “Bố ơi, con yêu bố lắm!” thì anh con trai hét lên:



– Bố chơi bóng rổ với con bây giờ được không?



George cảm thấy mình bỗng trở thành “ngôi sao bất đắc dĩ ” ngay trong nhà mình. Nhưng tất cả những gì anh muốn lúc này là được yên tĩnh.



– Không! Hôm nay không phải cuối tuần. Bố còn phải đi làm. Bây giờ hai đứa yên lặng để bố nói chuyện với mẹ một tí nào. – George trả lời các con rồi quay sang vợ, giọng chán nản.



– Em à, xe của anh đã bị xẹp lốp trong khi sáng nay, anh lại có cuộc họp rất quan trọng, không thể đến trễ được. Anh đi xe của em được chứ?



– Thế bánh xe dự phòng của anh đâu? – Vợ anh hỏi lại.



– Tất nhiên là có nhưng lúc này anh không còn thời gian để thay nữa. – George nói dối.



– Nhưng em không thể giúp anh được, George ạ. Hôm nay em phải đưa lũ trẻ đến trường, rồi ghé qua nha sĩ, sau đó phải đem con chó đến bác sĩ thú y và tham gia buổi họp phụ huynh nữa. Không phải chỉ mỗi mình anh mới có việc để làm đâu. Em cũng có rất nhiều việc phải làm mà nếu không có xe, em không thể làm việc của em được. – Cô nói, cố ý nhấn mạnh những từ cuối.



– Anh biết. Nhưng nếu anh đến trễ buổi họp sáng nay thì có thể anh sẽ bị đuổi việc đấy. – George nhăn nhó.



Trong khi vợ chồng George đang lời qua tiếng lại thì chú chó con năm tháng tuổi của họ quyết định chào anh bằng cách nhảy cẫng lên liếm khắp người anh. George nổi cáu thật sự.



Anh túm lấy cổ nó và cho vào cái cũi gần đó.



– Tại sao chúng ta lại giải quyết chuyện con chó vào lúc này? – Anh gầm gừ. – Em không thấy là chúng ta đã có quá nhiều rắc rối à?



– Ngoan nào Sammy, đừng khóc! – Vợ anh dỗ dành cô con gái đang mếu máo khi thấy George nổi cáu



– Anh không muốn bàn về chuyện con chó vào lúc này đâu! – George nói.



– Chẳng có lúc nào bàn được với anh về bât cứ vấn đề gì cả. – Vợ anh bắt đầu khó chịu.



– Em có thể cho anh xuống sau khi đã đưa lũ trẻ đến trường cũng được! – George xuống giọng nài nỉ. – Có lẽ anh vẫn còn kịp giờ cho cuộc họp.



– Không được, George. Nhỡ em bị kẹt xe trên đường ghé công ty anh thì công việc cả ngày hôm nay của em sẽ bị dồn lại mất. Sao anh không thử đi xe buýt? – Cô gợi ý. – Từ đây đến trạm chỉ khoảng một cây số thôi mà.



– Xe buýt hả? Em đùa sao? Rất lâu rồi anh không đi xe buýt. Thời buổi này ai lại đi xe buýt chứ? – George tỏ vẻ chán nản.



– Thì hôm nay anh đi.



– Được rồi. – George nói rồi nắm lấy chiếc cặp và bước vội ra khỏi nhà. Anh đi bộ đến trạm xe buýt.



Chiếc xe số 11 đỗ ngay trước mặt George khi anh vẫn đang trong cơn bực tức. Vừa thở hổn hển, anh vừa lầm bầm: “Vậy là mình cũng bắt kịp xe cơ đấy. Cứ ngỡ nhỡ luôn chuyến xe buýt sáng nay chứ”.



Vừa bước lên xe, George đã bắt gặp ngay cái nhìn của người tài xế. Cô có đôi mắt sáng và nụ cười rạng rỡ.



– Chào! Chúc một ngày tốt lành! – Cô chào anh bằng giọng hoan hỉ.



George nhăn mặt lại không đáp. Anh đưa mắt nhìn quanh xe và bước xuống hàng ghế trống. “Tốt gì mà tốt?”, anh nghĩ.



Nhưng người tài xế vẫn tiếp tục dõi theo anh qua kính chiếu hậu. George khó chịu nghĩ: “Sao cô ta lại cứ nhìn mình vậy nhỉ? Mình đã trả tiền vé rồi mà?”.



George cũng quan sát lại người tài xế thông qua chiếc kính đó. Anh thấy nụ cười rạng rỡ luôn nở trên môi cô. Anh tự hỏi có bao giờ người phụ nữ này ngưng cười không. “Cô ta không biết hôm nay là thứ hai sao nhỉ? Ai lại cười nổi vào ngày thứ hai cơ chứ?”.



– Anh đến đâu vậy? – Người tài xế hỏi.



George chỉ vào mình



– Tôi hả?



– Ừ, anh đó. Tôi biết tất cả mọi người đi trên tuyến này nhưng hình như tôi chưa từng gặp anh thì phải.



– Tôi làm ở Công ty NRG. – George trả lời.



– Có phải tòa nhà ở khu trung tâm có cái bóng đèn to tướng bên trên không? – Cô hỏi.



– Đúng vậy. Chúng tôi sản xuất bóng đèn. – George trả lời, ước chi có một tờ báo thật to để che mặt mình lại.



– Tại sao hôm nay anh lại đi xe buýt thế? – Cô ta hỏi.



– Xe của tôi bị xẹp lốp. – George trả lời. – Tôi rất ghét đi xe buýt, nhưng vì sáng nay có cuộc họp quan trọng trong khi tôi lại không còn sự lựa chọn nào khác.



– À, ra thế. Anh cứ ngồi dựa ra sau đi, hãy thư thả và đừng lo lắng về vấn đề gì cả. Có thể anh không thích đi xe buýt nhưng đây không phải là chiếc xe buýt bình thường đâu. Đây là xe buýt của tôi và chắc chắn anh sẽ thích nó. Tôi tên Joy. Còn anh?



George trả lời bằng giọng cộc lốc và hy vọng cô tài xế sẽ để yên cho mình. George không phải tuýp người thích tán gẫu, dù trong những ngày tươi đẹp nhất chăng nữa. Anh nghĩ đến Joy và cái tên của cô. “Vui sướng” (Chú thích: Trong tiếng Anh, “joy” có nghĩa là “vui sướng”) là một khái niệm hoàn toàn xa lạ trongcuộc sống của anh. Thậm chí George còn không thể nhớ lần cuối cùng anh cảm thấy vui vẻ là khi nào.



“Có lẽ cô ta chẳng có gì để lo lắng cả”, George nghĩ bụng, “Tất cả những gì cô ta phải làm là lái một chiếc xe buýt và tươi cười với những người khách lạ mỗi ngày. Vì thế, việc cô ta tỏ ra vui vẻ với mình là chuyện đương nhiên. Cô ta không biết áp lực và những trách nhiệm mà mình đang phải gánh, cả ở gia đình lẫn công ty, từ vợ con đến sếp và những nhân viên cấp dưới,rồi thời hạn chót phải trả khoản vay, tiền thanh toán hóa đơn trả góp hằng tháng, lệ phí xe cộ, và một người mẹ đang mắc bệnh ung thư. Cô ta chẳng thể biết đến cảm giác khổ sở mà mình đang phải chịu đựng là như thế nào”.



Nhưng Joy biết tất cả. Mỗi ngày, cô tiếp xúc với rất nhiều người. Họ lên xuống xe buýt của cô với nhiều hình dáng, tuổi tác, màu da, giới tính khác nhau. Nhưng đa số họ đều có một điểm chung rất dễ nhận thấy: tẻ nhạt và không có sức sống. Họ sống như những chiếc bóng, không m không niềm tin. Dường như nguồn năng lượng sống trong con người họ đã bị những lo toan làm cho lụi tàn. Cô gọi họ là những kẻ sống lập lờ. Cô có thể biết người nào đã từ bỏ những ước mơ, người nào luôn căng thẳng vì làm việc quá sức hay người phụ nữ nào phải làm việc vào ban ngày và chăm sóc gia đình vào ban đêm. Dường như lúc nào, cô cũng phải nghe rất nhiều lời phàn nàn từ hành khách của mình. Và đó là lý do tại sao cô muốn biến mình thành Đại sứ Năng lượng và truyền nguồn năng lượng tích cực này đến tất cả những ai đi trên chiếc xe buýt của mình. Cô gọi chiếc xe của mình là Chiếc xe Năng lượng. Cô biết nếu lúc này, có ai đó cần được tiếp thêm năng lượng thì người đó chính là George.



– George, anh phải biết việc anh bước lên xe của tôi có nguyên nhân đặc biệt của nó. – Joy khẳng định. – Tất cả mọi người ở đây đều như vậy.



George phản đối bằng giọng gắt gỏng:



– Không, tôi lên xe buýt của cô chỉ vì xe tôi bị xẹp lốp, vậy thôi.



– Anh có thể suy nghĩ theo cách đó. Nhưng George ạ, mọi việc xảy ra trong cuộc sống đều có nguyên nhân của nó, những người ta gặp, những sự kiện… Ngay cả chuyện lốp xe của anh bị xẹp cũng vậy. Anh có thể phớt lờ nó nhưng cũng có thể đón nhận và học hỏi từ nó những điều bổ ích. Một triết gia có nói, trong mỗi khó khăn đều tiềm ẩn một cơ may. Nhưng tất cả phụ thuộc vào cách nhìn nhận của mỗi chúng ta. Và cách nhìn nhận này sẽ quyết định cuộc đời anh là một vở hài kịch hay bi kịch. Nhưng dù sao, tôi vẫn thích những vở hài kịch, George ạ. Vì thế, để tôi nói cho anh biết điều này: Anh đang lựa chọn cho mình vở bi kịch đấy. Hãy thay đổi cuộc sống của mình bằng một chọn lựa sáng suốt, George, chọn lựa sáng suốt.



Lúc đó, chiếc xe buýt ngừng lại và George phóng xuống xe nhanh nhất có thể. Anh có cảm giác như mình vừa bị xe buýt tông phải hơn là vừa ngồi trên nó. Những từ “lựa chọn sáng suốt, hài kịch, bi kịch” văng vẳng trong đầu anh. “Bất kể thứ gì thì mình cũng nên giũ sạch nó đi”, George nghĩ. Các nhân viên của anh đang đợi và anh rất ghét việc đến trễ.



Về phần Joy, cô không thích đưa ra những nhận xét gay gắt và thẳng thắn như vậy đối với hành khách của mình. Nhưng với một kẻ cứng đầu như George thì không còn lựa chọn nào khác. Joy cũng từng trải qua những cảm giác như George hiện tại: chán chường, mệt mỏi, và tiêu cực. Nhưng lúc đó, cô đã khước từ lời đề nghị giúp đỡ của nhiều người. Thật buồn cười khi những người cần được giúp đỡ luôn tìm cách chối từ sự quan tâm và cảm thông của người khác. Khi đó, cô rất thất vọng khi thấy cuộc đời này đầy rẫy những bất công. đây, với trường hợp của George, Joy hiểu rằng chỉ có việc thẳng thắn nói lên sự thật thì mới giúp anh chịu nhìn nhận lại thực trạng của mình. Joy nghĩ có thể cô sẽ không bao giờ gặp lại George nữa nhưng cô vẫn hy vọng rằng, những lời lẽ của mình có thể phần nào tác động đến anh.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.